Rôm sảy là bệnh ngoài da lành tính và rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Bệnh có thể tự khỏi nhưng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ sức khỏe cho trẻ. Do vậy, cha mẹ cần lưu ý phòng ngừa và điều trị rôm sảy ở trẻ sơ sinh đúng cách.
Mục lục
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là ban nóng, là tình trạng da liễu xảy ra khi các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh rôm sảy:
- Ban đầu xuất hiện các nốt mẩn đỏ to như đầu kim, có hình tròn, lấm tấm trên da trẻ.
- Ở các vùng mẩn đỏ mọc lên các mụn nước nhỏ, ngứa và nóng rát.
- Mẩn đỏ và mụn nước có thể mọc khắp người trẻ, nhiều nhất ở những vùng có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh như cổ, ngực, lưng, trán và xung quanh đáy quần.
- Mụn nước vỡ ra có thể để lại sẹo trên da trẻ gây mất thẩm mỹ, nhất là với trẻ sơ sinh bị rôm sảy ở mặt.
- Khi bị rôm sảy, trẻ bị ngứa ngáy thường thấy khó chịu, bứt rứt, hay cọ xát, gãi ngứa.
- Trẻ bị rôm sảy hay quấy khóc liên tục, bỏ bú và mất ngủ.
Nhận biết rôm sảy không khó, tuy nhiên cha mẹ cần chú ý cẩn thận để tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như sốt phát ban, chàm sữa, sởi. Một số lưu ý để phân biệt các bệnh này:
Loại bệnh |
Vùng da bệnh |
Biểu hiện |
Rôm sảy |
Xuất hiện ở những vùng có tuyến mồ hôi mạnh. | Mẩn đỏ và mụn nước ở rôm sảy mọc lấm tấm và khu trú ở một vùng. |
Chàm sữa |
Hay gặp ở vùng mặt trẻ đầu tiên và có tính chất đối xứng. | Nhiều mụn nước nông, dễ vỡ tạo nhiều lớp vảy tiết vàng nhạt. |
Sốt phát ban |
Có tính chất toàn thân. | Các nốt ban nổi cao, lan dần thành những mảng đỏ lớn đi kèm sốt, ho, chảy nước mắt, nước mũi. |
Sởi |
Bắt đầu từ tai, mặt, sau đó lan dần xuống ngực, lưng cổ, bụng và tay chân. | Sốt cao, hạ sốt khi nổi ban kèm các triệu chứng chảy nước mắt, mũi, ho, sưng mí mắt. |
Các thể rôm sảy thường gặp ở trẻ sơ sinh
Dựa vào độ sâu của các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn, rôm sảy ở trẻ sơ sinh được chia thành 3 thể chính:
- Rôm sảy dạng kết tinh: Thể này hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh từ 1 tuần tuổi. Rôm sảy kết tinh là thể nhẹ nhất do chỉ ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi nằm ở lớp trên cùng của da, chỉ gây mụn nước, bỏng nước dễ vỡ và không gây đau, ngứa.
- Rôm sảy đỏ (rôm sảy gai): Đây là thể thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Các sẩn màu đỏ ở thể này tập trung thành từng đám dày, gây ngứa nhiều và dễ bị bội nhiễm thành chốc, viêm nang lông hay nhọt.
- Rôm sảy sâu: Thể này xảy ra khi trẻ bị rôm sảy đỏ kéo dài, tái phát nhiều lần, tuy nhiên khá ít gặp. Tuyến mồ hôi trong rôm sảy sâu đã bị tắc và tổn thương đến hạ bì. Biểu hiện của rôm sảy sâu là các mụn đỏ lẩn nhẩn như da gà có kích thương 1 – 3mm, ít gây ngứa ngáy, đau rát.
Nguyên nhân bị rôm sảy ở trẻ sơ sinh
Mọi nguyên nhân gây tắc nghẽn ống dẫn mồ hôi trên da đều có thể khiến trẻ sơ sinh bị rôm sảy. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Ống dẫn mồ hôi ở trẻ chưa hoàn chỉnh: Nguyên nhân này hay gặp ở trẻ sơ sinh trong những tuần đầu đời, đặc biệt ở trẻ nằm lồng ấp hoặc sinh vào mùa hè.
- Thời tiết nóng ẩm: Mùa hè ở Việt Nam có tính chất nóng ẩm, khiến cơ thể trẻ bài tiết nhiều mồ hôi hơn nên dễ xảy ra bít tắc lỗ chân lông và tuyến mồ hôi.
- Trẻ mặc quá nhiều quần áo, tã lót hoặc đắp chăn nóng: Điều này gây ứ đọng mồ hôi trên da trẻ trong thời gian dài. Mồ hôi không thoát ra được cộng với sự tích tụ da chết, bụi bẩn khiến các ống mồ hôi của trẻ bít tắc nặng hơn.
- Trẻ bị sốt: Khi bị sốt, thân nhiệt của trẻ tăng cao gây tiết mồ hôi nhiều hơn. Tuyến mồ hôi lúc này không hoạt động kịp có thể dẫn đến rôm sảy.
- Trẻ không được vệ sinh sạch sẽ: Cha mẹ không tắm gội cho trẻ sạch sẽ thường xuyên dễ khiến bụi bẩn, da chết tích tụ, gây bít tắc lỗ chân lông và tuyến mồ hôi trên da trẻ.
- Môi trường sống của trẻ nóng bức, bí bách: Trẻ sống trong không gian này dễ bị bít tắc ống dẫn mồ hôi và nổi rôm sảy hơn.
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh có tự khỏi được không?
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh là bệnh lành tính và có thể tự khỏi sau vài ngày sau khi áp dụng các biện pháp vệ sinh và làm thông thoáng da trẻ tại nhà. Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng bức trở lại và các biện pháp vệ sinh không được duy trì, rôm sảy ở trẻ sơ sinh có thể tái phát trở lại.
Rôm sảy tái phát nhiều lần có thể tiến triển thành rôm sảy sâu. Rôm sảy sâu khiến mồ hôi của trẻ khó thoát ra được, dễ gây nhọt, viêm nang lông, chảy mủ.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh bị rôm sảy có thể gãi gây trầy xước da, vỡ mụn nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm xâm nhập vào da, gây viêm da. Nguy hiểm hơn, các vi sinh vật này có thể xâm nhập vào tuần hoàn máu và đi tới các cơ quan khác trong cơ thể, gây viêm nhiễm và đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị rôm sảy kéo dài thường hay quấy khóc, bỏ bú, mất ngủ dẫn đến suy nhược cơ thể và chậm lớn. Do vậy, việc điều trị sớm rôm sảy ở trẻ sơ sinh là rất cần thiết.
Các biện pháp điều trị và chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị rôm sảy
Những cách trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh tại nhà đều có hiệu quả cao và dứt điểm được bệnh tốt. Cha mẹ có thể tham khảo các biện pháp điều trị và chăm sóc trẻ dưới đây:
Thuốc trị rôm sảy cho bé sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị rôm sảy bôi thuốc gì là câu hỏi của không ít cha mẹ, nhất là khi tình trạng rôm sảy của trẻ trở nặng. Cha mẹ có thể tham khảo một số loại thuốc và sản phẩm bôi da trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh sau đây:
- Gel bôi PlasmaKare no5: Chứa các thành phần lành tính như Nano bạc chuẩn hóa TSN, dịch chiết Lựu, Núc nác và Chitosan, giúp làm dịu da, giảm mẩn đỏ và mụn nước, đồng thời ngăn ngừa bội nhiễm và thúc đẩy làm lành da bé.
- Kem bôi da Bepanthen: Đây là loại kem bôi chứa các thành phần dưỡng ẩm và phục hồi da như dầu khoáng, lanolin, panthenol, giúp giảm các triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ da cho trẻ.
- Kem rau má Yoosun: Yoosun là dòng kem bôi có thành phần chiết xuất rau má lành tính, có tác dụng cải thiện các triệu chứng của rôm sảy và ngừa sẹo cho trẻ hiệu quả.
- Kem bôi trị rôm cho bé sơ sinh Aderma: Sản phẩm này chứa chiết xuất mạ yến mạch, phức hợp đồng – kẽm và Acid Hyaluronic giúp làm dịu da, phục hồi các tổn thương trên da trẻ.
- Thuốc bôi Hydrocortisone: Đây là thuốc bôi nhóm Corticoid có hoạt lực yếu, sử dụng để chống viêm, giảm ngứa, giảm mẩn đỏ cho trẻ sơ sinh trong các trường hợp nặng.
Lưu ý khi dùng thuốc và sản phẩm bôi da trị rôm sảy cho trẻ:
- Vệ sinh da trẻ sạch sẽ trước khi bôi thuốc để tránh gây bít tắc tuyến mồ hôi nặng hơn.
- Đối với thuốc bôi Hydrocortisone: Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để tránh những nguy cơ tác dụng phụ trên trẻ sơ sinh. Không dùng thuốc quá 14 ngày.
- Đối với kem, gel bôi da: Bôi đủ lượng, đủ thời gian theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Điều trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh bằng tắm lá
Tắm là là mẹo trị rôm sảy từ dân gian có hiệu quả rất tốt mà cha mẹ không thể bỏ qua. Vậy rôm sảy ở trẻ sơ sinh tắm lá gì? Cha mẹ có thể tham khảo một số loại lá dưới đây:
- Lá chè xanh: Lá chè xanh chứa nhiều chất chống viêm và chống oxy hóa, giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh rôm sảy ở trẻ sơ sinh.
- Lá khế: Theo đông y, lá khế có tác dụng làm mát, giảm ngứa, tiêu viêm, do vậy giúp trị rôm sảy cho trẻ rất tốt.
- Lá ổi: Lá ổi rất giàu các hợp chất Tanin và Flavonoid có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm, nhờ vậy giúp trẻ giảm ngứa ngáy, khó chịu do rôm sảy và phòng ngừa bội nhiễm vi khuẩn hiệu quả.
- Lá tía tô và kinh giới: Tía tô và kinh giới có tác dụng kích thích ra mồ hôi, làm giảm bít tắc lỗ chân lông và làm dịu da cho trẻ bị rôm sảy.
Cách đun nước lá tắm cho trẻ: Lấy một lượng lá vừa đủ, rửa sạch bụi bẩn rồi đem đun với nước sôi trong 10 – 15 phút. Bỏ lá, chắt lấy nước và pha loãng bằng nước ấm sạch, sau đó đem đi tắm cho trẻ như bình thường.
Lưu ý khi tắm lá cho trẻ sơ sinh bị rôm sảy:
- Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ tắm lá.
- Tắm cho trẻ bằng sữa tắm chuyên dụng trước khi tắm lá để làm sạch sâu.
- Không nên dùng nước tắm lá quá đặc.
- Sau khi tắm bằng nước lá, nên tráng lại cho trẻ bằng nước ấm sạch.
- Không được cho trẻ tắm nước lá khi có dấu hiệu trầy xước, viêm nhiễm, mưng mủ vùng da rôm sảy.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị rôm sảy
Cách chăm sóc trẻ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị rôm sảy. Cha mẹ cần thực hiện các biện pháp chăm sóc trẻ sơ sinh bị rôm sảy như sau:
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi, tránh mặc áo có cổ để giảm đọng lại mồ hôi trên da, gây rôm sảy.
- Hạn chế cho trẻ ra ngoài trời nắng nóng. Khi trẻ cần ra ngoài, cha mẹ nên che chắn cẩn thận và vệ sinh tắm rửa sạch sẽ cho trẻ khi về nhà.
- Lau người cho trẻ thường xuyên để giảm tích tụ mồ hôi, bụi bẩn trên da.
- Làm mát da cho trẻ bằng cách dùng điều hòa, máy lọc không khí.
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị rôm sảy đi gặp bác sĩ?
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi sau vài ngày khi được điều trị và chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên, cha mẹ nên cho trẻ đi khám khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau đây:
- Trẻ bị rôm sảy kéo dài không khỏi hoặc tái phát thường xuyên.
- Trẻ ngứa nhiều, quấy khóc dữ dội.
- Xuất hiện mụn mủ trên da trẻ.
- Sưng các hạch bạch huyết ở cổ, nách, bẹn.
- Trẻ sốt, ớn lạnh.
Phòng ngừa rôm sảy ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Chăm sóc khoa học và cẩn thận có thể phòng ngừa hiệu quả bệnh rôm sảy ở trẻ sơ sinh. Các biện pháp phòng ngừa rôm sảy cha mẹ cần lưu ý:
- Cho trẻ mặc quần áo bằng vải cotton mềm, nhẹ, thoáng khí và thấm hút mồ hôi.
- Tránh cho trẻ mặc quá nhiều quần áo hoặc mặc quần áo quá chật.
- Tránh đắp chăn kín, đắp nhiều lớp chăn cho trẻ.
- Hạn chế đóng bỉm quá dày và quá lâu, nhất là khi thời tiết nóng.
- Trong mùa hè, nên tắm cho trẻ 2 lần/ngày nếu trẻ ra nhiều mồ hôi. Nên tắm bằng sữa tắm có khả năng làm sạch tốt và dịu nhẹ với da trẻ sơ sinh.
- Cho trẻ ở nơi thông gió, thoáng mát, tránh ánh nắng. Có thể dùng thêm quạt, điều hòa và máy lọc không khí.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thường xuyên.
- Hạn chế dùng phấn rôm, thuốc mỡ bôi da cho trẻ.
Rôm sảy là tình trạng rất phổ biến và dễ điều trị ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bệnh cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhiễm khuẩn và gây tổn thương da trẻ. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp kiến thức cho cha mẹ biết cách phòng tránh và điều trị rôm sảy ở trẻ sơ sinh một cách hợp lý, giúp trẻ phát triển thuận lợi, an toàn.