Viêm amidan mạn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả và các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe. Vậy viêm amidan là gì? Và nó nguy hiểm như thế nào? Cùng PlasmaKare tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
- 1. Viêm amidan mạn tính là bệnh gì?
- 2. Hình ảnh viêm amidan mạn tính
- 3. Nguyên nhân dẫn đến viêm amidan mạn tính
- 4. Các triệu chứng thường gặp của viêm amidan mạn
- 5. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm amidan mạn tính
- 6. Chẩn đoán viêm amidan mạn tính
- 7. Biến chứng viêm amidan mạn tính
- 8. Điều trị viêm amidan mạn tính
- 9. Nguyên tắc phòng bệnh
- 10. Viêm amidan mạn tính và viêm amidan cấp tính cái nào nguy hiểm hơn?
- 11. Chăm sóc bệnh nhân viêm amidan mạn như thế nào?
- 12. Một số câu hỏi liên quan
Viêm amidan mạn tính là bệnh gì?
Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm nhiễm kéo dài tại amidan, hai khối mô nhỏ nằm ở hai bên phía sau họng. Khác với viêm amidan cấp tính, viêm amidan mạn tính thường diễn biến âm ỉ, tái phát nhiều lần và gây ra các triệu chứng khó chịu.
Để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, các bác sĩ thường phân loại viêm amidan mạn tính dựa trên các đặc điểm lâm sàng và nội soi. 3 loại viêm amidan mạn tính thường gặp:
- Viêm amidan hốc mủ
- Viêm amidan xơ teo
- Viêm amidan quá phát
Hình ảnh viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm nhiễm kéo dài tại amidan, gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh. Để hình dung rõ hơn về bệnh này, dưới đây là một số hình ảnh minh họa theo phân loại viêm amidan mạn tính:
Viêm amidan hốc mủ
Đặc điểm: Trên bề mặt amidan xuất hiện các hốc nhỏ chứa đầy mủ màu trắng đục.
Viêm amidan xơ teo
Đặc điểm: Amidan bị teo nhỏ, xơ cứng, bề mặt nhăn nheo.
Viêm amidan quá phát
Đặc điểm: Amidan to hơn bình thường, có thể gây cản trở đường thở.
Nguyên nhân dẫn đến viêm amidan mạn tính
Viêm amidan cấp tính nếu tái phát quá nhiều lần hoặc không được điều trị triệt để có thể là nguyên nhân chính dẫn đến viêm amidan mạn tính. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân đi kèm có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm amidan mạn tính bao gồm:
Do nhiễm khuẩn tái phát
Các loại vi khuẩn như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn… là thủ phạm chính gây viêm nhiễm. Chúng xâm nhập vào amidan, gây ra các đợt viêm cấp tính lặp đi lặp lại, dần chuyển thành mãn tính. Đồng thời, một số loại virus cũng có thể gây viêm amidan, đặc biệt ở trẻ em.
Hệ miễn dịch suy giảm
Khi hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể khó chống lại các tác nhân gây bệnh, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây viêm nhiễm kéo dài.
Sử dụng kháng sinh không đúng cách
Lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Điều này làm cho việc điều trị các nhiễm khuẩn gây viêm amidan trở nên khó khăn hơn và có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm mãn tính.
Có tiền sử bệnh lý đi kèm
Các bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm xoang và trào ngược dạ dày thực quản có thể gây kích thích và làm tăng nguy cơ viêm amidan mạn tính.
Các triệu chứng thường gặp của viêm amidan mạn
Theo các chuyên gia về Tai Mũi Họng, viêm amidan mạn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Để phát hiện và điều trị sớm, người bệnh nên chú ý những triệu chứng nổi bật sau:
- Đau họng: Cảm giác đau rát, khó chịu ở vùng họng, đặc biệt khi nuốt.
- Sưng amidan: Amidan sưng đỏ, có thể xuất hiện mủ trắng hoặc vàng trên bề mặt.
- Hạch cổ sưng: Các hạch bạch huyết ở cổ sưng to, di động và gây đau.
- Khó nuốt: Cảm giác vướng víu, đau khi nuốt thức ăn hoặc nước uống.
- Hơi thở hôi: Do mủ tích tụ trên bề mặt amidan.
- Mệt mỏi: Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, đau đầu.
- Sốt nhẹ: Sốt về chiều hoặc sốt nhẹ kéo dài.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm amidan mạn tính
Trẻ em độ tuổi từ 5-15 tuổi thường có nguy cơ cao mắc viêm amidan mạn tính do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Ngoài ra, những đứa trẻ thường xuyên bị bệnh về đường hô hấp trên như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viem họng… hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm cũng có nguy cơ cao bị viêm amidan.
Ngoài ra, nguy cơ viêm amidan mạn tính ở người lớn cao hơn nếu hệ miễn dịch bị suy giảm do các bệnh mãn tính hoặc việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Những người tiếp xúc thường xuyên với ô nhiễm, hóa chất độc hại, hoặc có thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc và uống rượu bia cũng dễ mắc bệnh. Thêm vào đó, những người có các bệnh lý về răng miệng và tiền sử dị ứng cũng đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm amidan mạn tính.
Bên cạnh đó, những người có cấu tạo giải phẫu amidan to hoặc các hốc amidan sâu có nguy cơ cao bị viêm amidan mạn tính, vì những đặc điểm này dễ dàng tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ và gây ra tình trạng viêm kéo dài.
Chẩn đoán viêm amidan mạn tính
Để chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, ngoài các triệu chứng thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kết hợp cùng với một số các xét nghiệm sau:
Xét nghiệm GABHS
Xét nghiệm này thường được thực hiện để phát hiện nhanh vi khuẩn Streptococcus nhóm A, một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm họng và viêm amidan cấp tính. Tuy nhiên, trong viêm amidan mạn tính, xét nghiệm này cũng có vai trò rất quan trọng để chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh. Thông qua xét nghiệm, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và ngăn ngừa các biến chứng.
Xét nghiệm máu
Tương tự như xét nghiệm GABHS, xét nghiệm máu cũng ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị viêm amidan mạn tính. Bằng cách đánh giá mức độ viêm nhiễm, chức năng các cơ quan và loại trừ các bệnh lý khác, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và theo dõi hiệu quả điều trị một cách tốt nhất.
Cấy dịch hầu họng
Viêm amidan mạn tính có thể do nhiều loại vi khuẩn, virus khác nhau gây ra. Thực hiện xét nghiệm cấy dịch hầu họng giúp loại trừ và xác định chính xác loại vi khuẩn hoặc virus đang gây bệnh. Đồng thời, thông qua xét nghiệm này có thể xác định chính xác được mức độ kháng thuốc của các loại vi khuẩn này (Nếu có), từ đó bác sĩ chẩn đoán và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
Xét nghiệm bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn
Viêm amidan mạn tính và bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn là hai bệnh lý có thể có những triệu chứng tương tự nhau, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Do đó, việc thực hiện xét nghiệm bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn là rất cần thiết để phân biệt và đưa ra chẩn đoán chính xác.
Chẩn đoán phân biệt
Xét nghiệm này dùng để loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự viêm amidan mạn tính như ung thư vòm họng, viêm họng mãn tính, dị ứng…
Xét nghiệm hình ảnh
Sau khi đã xác định được bệnh, tùy vào mức độ, bệnh nhân có thể thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh để đánh giá tình trạng viêm amidan mạn tính như:
- Chụp X-quang cổ: Đánh giá kích thước, hình dạng của amidan và phát hiện các bất thường về xương hoặc các khối u.
- Chụp CT hoặc MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về cấu trúc của amidan, hạch cổ, phát hiện các tổn thương sâu hơn.
- Nội soi mũi họng: Giúp bác sĩ quan sát trực tiếp vùng họng, amidan và các cấu trúc xung quanh một cách rõ nét, phát hiện các bất thường như polyp, u hạt,…
Biến chứng viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính thường có các triệu chứng âm ỉ và mức độ nhẹ. Tuy nhiên, nếu chủ quan và không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây ra một số biến chứng khá nghiêm trọng.
Áp xe quanh amidan
Đây là biến chứng thường gặp nhất, xảy ra khi vi khuẩn gây nhiễm trùng lan rộng vào các mô xung quanh amidan, tạo thành ổ mủ. Các triệu chứng có thể xuất hiện khi gặp biến chứng này là đau họng dữ dội, khó nuốt, sưng mặt, sốt cao.
Viêm tấy tế bào nền họng
Biến chứng viêm tấy tế bào nền họng được cho là loại chứng khá nguy hiểm, xảy ra khi nhiễm trùng lan rộng xuống các mô sâu hơn của cổ. Triệu chứng bao gồm đau họng dữ dội, khó thở, khó nuốt, sốt cao, cổ cứng.
Viêm tai giữa
Vi khuẩn gây viêm amidan có thể lan lên tai giữa qua vòi Eustachi, gây tắc nghẽn. Điều này khiến dịch nhày không thoát được ra ngoài, ứ đọng lại trong tai giữa tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây viêm.
Viêm xoang
Viêm amidan thường đi kèm với tình trạng tiết nhiều dịch nhầy. Dịch nhầy này có thể chảy xuống họng và xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Hơn nữa, nếu tình trạng viêm kéo dài như viêm amidan mạn tính khiến giảm khả năng miễn dịch tại vùng họng mũi, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, viêm xoang.
Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Viêm amidan mạn tính gây ra các triệu chứng như đau họng, khó nuốt, hôi miệng, ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Điều trị viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính là một tình trạng viêm nhiễm kéo dài ở amidan, gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Có hai phương pháp điều trị chính cho bệnh này là sử dụng thuốc kháng sinh và phẫu thuật, cụ thể như sau:
Thuốc kháng sinh
Viêm amidan mạn tính là một tình trạng viêm nhiễm kéo dài ở amidan, gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Thuốc kháng sinh là một trong những phương pháp điều trị thường được sử dụng, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả và cần được chỉ định bởi bác sĩ.
Mục đích chính của việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm amidan mạn tính là loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh và giảm các triệu chứng như sưng, đau và mủ. Ngoài ra, chỉ định kháng sinh trong điều trị đúng cách cũng nhằm ngăn chặn nhiễm khuẩn lan rộng, đặc biệt trong những trường hợp có nguy cơ cao bị biến chứng.
Các nhóm kháng sinh thường được sử dụng để điều trị viêm amidan mạn tính bao gồm kháng sinh nhóm Beta-lactam (như Cephalexin), nhóm penicillin (như Penicillin G, Amoxicillin), và nhóm macrolid. Thời gian điều trị các thuốc này thường kéo dài từ 10-14 ngày, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và cơ địa của bệnh nhân.
Bên cạnh chỉ định kháng sinh, trong một số trường hợp bệnh nhân có thể được chỉ định thêm các loại thuốc khác như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm hoặc nước muối sinh lý để sát khuẩn miệng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt amidan là một phương pháp điều trị hiệu quả cho viêm amidan mạn tính khi các phương pháp điều trị khác như dùng thuốc không mang lại hiệu quả. Mục đích chính của phương pháp điều trị này là giúp loại bỏ hoàn toàn ổ viêm, cải thiện các triệu chứng mà bệnh mang lại như đau họng, khó nuốt, ngáy ngủ.., đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Quyết định phẫu thuật thường được đưa ra khi:
- Viêm amidan tái phát nhiều lần
- Viêm amidan gây ra các biến chứng
- Amidan quá phát gây khó khăn trong sinh hoạt
Nguyên tắc phòng bệnh
Để phòng ngừa viêm amidan mạn tính hiệu quả, bản thân và gia đình cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Vệ sinh răng miệng tốt
- Uống nhiều nước, nên uống nước ấm và hạn chế nước lạnh, nước đá
- Tránh các chất kích thích
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng để tăng cường đề kháng
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn lây nhiễm
- Khám sức khỏe định kỳ
- Vận động và nghỉ ngơi hợp lý
Viêm amidan mạn tính và viêm amidan cấp tính cái nào nguy hiểm hơn?
Viêm amidan cấp tính và mạn tính đều có những nguy cơ riêng, nhưng mức độ nguy hiểm có thể khác nhau tùy vào tình trạng và biến chứng của từng bệnh. Tuy nhiên, viêm amidan mạn tính được cho là nguy hiểm hơn cả.
Lý do của điều này bởi, viêm amidan mạn tính thường âm ỉ, kéo dài, khó khăn trong việc điều trị dứt điểm. Từ đó nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm cầu thận hoặc thấp khớp cấp, do vi khuẩn có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể và gây tổn hại. Ngược lại, viêm amidan cấp tính thường được điều trị hiệu quả và ít gây ra biến chứng dài hạn nếu xử lý kịp thời.
Chăm sóc bệnh nhân viêm amidan mạn như thế nào?
Để bệnh tình có chuyển biến tốt hơn và nhanh chóng hồi phục, bên cạnh điều trị thuốc và các phương pháp y tế khác, việc chú trọng bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Thực phẩm cần bổ sung
Khi bị viêm amidan, người bệnh thường đau họng và gặp khó khăn khi nuốt, vì thế ở giai đoạn này nên ưu tiên các thực phẩm mềm, dễ nuốt như cháo, trái cây mềm… Ngoài ra, để tăng cường đề kháng và đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể, bệnh nhân cần tăng cường bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin, kẽm. Đồng thời, một số thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chống viêm như rau xanh, cá hồi, và dầu ô liu cũng rất có lợi cho sức khỏe.
Viêm amidan mãn tính kiêng ăn gì? Các thực phẩm cần tránh
Ngoài việc bổ sung các thực phẩm cần thiết, bệnh nhân viêm amidan mạn tính cũng nên thận trọng tránh một số loại thực phẩm nhất định để không ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và điều trị hiệu quả. Các loại thực phẩm đó bao gồm:
- Các thực phẩm gây kích ứng họng như các loại đồ ăn chế biến cay nóng, đồ chua, nước uống có ga hoặc cồn, các thực phẩm chế biến sẵn.
- Các thực phẩm cứng, khó nhai như: Thịt nướng, bánh mì cứng, các loại hoạt cứng…
- Các loại đồ ăn lạnh như kem, nước đá…
- Các thực phẩm chứa nhiều mỡ
- Các loại đồ ăn chứa nhiều đường như kẹo, bánh ngọt cũng cần hạn chế để giảm nguy cơ nguy cơ nhiễm trùng.
Một số câu hỏi liên quan
Trong quá trình mắc bệnh viêm amidan mạn tính, bệnh nhân thường có một số câu hỏi sau:
Viêm amidan mạn tính có nổi hạch không?
Khi bị viêm amidan, đặc biệt là ở giai đoạn mạn tính, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động tích cực để chống lại vi khuẩn gây bệnh. Điều này khiến các hạch bạch huyết ở vùng cổ sưng lên. Việc nổi hạch khi bị viêm mạn tính là một phản ứng bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng hạch sưng kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường khác, người bệnh cần tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm amidan mạn tính có chữa được không?
Viêm amidan mạn tính có thể được điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và triệu chứng. Điều trị thường bao gồm kháng sinh nếu nhiễm trùng do vi khuẩn, cùng với thuốc giảm đau, chống viêm, và súc miệng nước muối. Trong trường hợp nặng hoặc không đáp ứng điều trị nội khoa, phẫu thuật cắt amidan có thể cần xem xét.
Có nên đi cắt amidan mạn tính không?
Cắt amidan mạn tính chỉ nên được thực hiện trong trường hợp viêm nặng hoặc khi có biến chứng nghiêm trọng, không phải là lựa chọn cho tất cả bệnh nhân. Quyết định phẫu thuật cần được bác sĩ chỉ định, đặc biệt với bệnh nhân có các vấn đề sức khỏe kèm theo hoặc các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Bị viêm amidan mạn tính lâu ngày có gây ung thư không?
Nhiều người lo lắng rằng viêm amidan mạn tính kéo dài có thể dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học chắc chắn nào cho thấy viêm amidan mạn tính trực tiếp gây ung thư. Thế nhưng, nếu trình trạng này kéo dài và không được điều trị kịp thời, nó có thể là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Viêm amidan mạn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh lý viêm amidan mạn tính, mong rằng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho bạn. Để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất về các sản phẩm liên quan đến Tai Mũi Họng, đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay tới HOTLINE 0976 648 102 hoặc 0916 648 102 của PlasmaKare nhé!