Virus Marburg rất nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong rất cao. Vậy tại sao nó lại nguy hiểm đến vậy.
Mục lục
Dịch tễ của Virus Marburg
Tính đến thời điểm đầu tháng 4/2023, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, ông Matshidiso Moeti, cho biết hiện virus Marburg đã lan truyền ở ba khu vực khác nhau trong phạm vi hơn 160km, cho thấy khả năng lây truyền của virus rộng lớn hơn.
Quốc gia mới nhất ghi nhận ca nhiễm virus Marburg là Tanzania. Trước đó, 9 người ở Guinea Xích đạo tử vong vì virus này. Cameroon phát hiện 2 trường hợp nghi mắc.
Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng Quốc gia Tanzania đã phân tích mẫu và xác định 8 trường hợp dương tính, có triệu chứng sốt, nôn mửa, xuất huyết và suy thận. 5 trong số 8 trường hợp đã tử vong, ba người còn lại đang điều trị.
Virus Marburg là gì
Virus Marburg là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola, là một virus có ổ chứa tự nhiên là một loài dơi ăn quả ở châu Phi là Rousettus aegyptiacus. Đây là loại virus không mới, được ghi nhận lần đầu vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). Tuy nhiên qua thời gian hằng năm có những đợt bùng phát dịch ở các nước Tây Phi.
Hình ảnh của Virus Marburg.
Triệu chứng của Virus Marburg
Thời gian ủ bệnh dao động từ 2 đến 21 ngày, bắt đầu với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ. Khoảng ngày thứ 5 sau khi khởi bệnh, có thể xuất hiện ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng). Buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy có thể xuất hiện.
Các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan. Chẩn đoán lâm sàng gặp khó khăn do bệnh này có triệu chứng tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác (sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết do Ebola,…
Virus Marburg Lây lan như thế nào
Con người hít phải chất tiết hoặc nước tiểu của loài dơi ăn quả sẽ bị nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người.
Virus Marburg lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, dịch cơ thể, đường máu, nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, các chất tiết nôn, sữa, dịch ối, tinh dịch…
Ngoài ra khi một số vật dụng chăm sóc người bệnh như quần áo, ga trải giường, bơm kim tiêm, vật dụng y tế… nếu nhiễm virus thì có thể lây sang người. Virus Marburg cũng có thể lây trong phòng thí nghiệm hay nhân viên y tế chăm sóc người bệnh.
Chẩn đoán Virus Marburg
Để xác nhận liệu có thật sự bị bệnh nhiễm Marburg hay không, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm như:
- Mẫu bệnh phẩm: Ngoài máu ra còn có thể lấy dịch não tủy, nước bọt và một số dịch tiết khác của cơ thể.
- Xét nghiệm ELISA antigen hoặc IgM/IgG: Là xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme. Đây là một biện pháp sinh hóa nhằm phát hiện kháng thể IgM (mới nhiễm) hoặc IgG (từng nhiễm) trong máu – dấu hiệu cho thấy bạn đã tiếp xúc với virus.
- Xét nghiệm PCR: PCR là phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược. Xét nghiệm này giúp tìm kiếm vật chất di truyền của virus – cụ thể là RNA – để xác định dấu ấn di truyền của virus.
Cả 2 xét nghiệm máu ở trên có khả năng xác nhận bệnh trong giai đoạn đầu, trong vòng vài ngày khi có các triệu chứng bệnh nhiễm virus Marburg. Ngoài ra còn có các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu hơn như thu thập mẫu bệnh học rồi nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử hoặc tiến hành phân lập virus bằng nuôi cấy tế bào.
Phương pháp điều trị Virus Marburg
Nguyên tắc điều trị chính là phát hiện sớm – điều trị sớm – tập trung vào việc nâng đỡ,bù nước điện giải, thở oxy nếu cần điều trị triệu chứng như giảm sốt/ đau, chống xuất huyết, chống suy thận/ suy gan, hỗ trợ tim mạch, chống sốc/dị ứng và hạn chế ở mức thấp nhất các biến chứng xảy ra muộn.
Riêng kháng sinh, chỉ sử dụng trong trường hợp người nhiễm Marburg có các dấu hiệu liên quan tới bội nhiễm vi khuẩn. Những điều này giúp điều trị triệu chứng bệnh cụ thể cũng như tăng cơ hội sống cho người bệnh.
Phòng tránh Virus Marburg như thế nào
- Cách ly, hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm/ bị nhiễm virus
- Trang bị các thiết bị bảo hộ như áo choàng, găng tay, khẩu trang, kính mắt,… trước khi tiếp xúc với người nghi nhiễm/ bị nhiễm virus
- Sử dụng thiết bị y tế 1 lần như kim tiêm. Khử trùng kỹ càng những thiết bị dùng lại sau khi có tiếp xúc với dịch cơ thể nhiễm virus Marburg
- Thận trọng với các chất thải như máu/ bãi nôn,… hoặc bất cứ vật dụng nào của người bệnh
- Cần phòng ngừa với cả người thân của người bệnh
- Tránh các vật chủ có nguy cơ tiềm ẩn chứa virus hư dơi ăn quả, động vật linh trưởng, lợn nhà,..
- Rửa tay thường xuyên sau khi chăm sóc người bệnh
- Ngăn chặn ổ dịch bằng việc chôn cất nhanh chóng, an toàn người đã khuất; theo dõi những người có nguy cơ cao lây nhiễm trong 21 ngày.
- Nấu chín kỹ tất cả loại thịt trước khi tiêu thụ, tránh ăn thịt sống tái
- Phòng ngừa Marburg trong quan hệ tình dục: WHO khuyến cáo nam giới sau khi khỏi bệnh nên quan hệ tình dục sau hơn 12 tháng kể từ khi bắt đầu có triệu chứng bệnh hoặc cho đến khi có 2 lần xét nghiệm tinh dịch âm tính với virus Marburg.
- Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng các thông tin cơ bản về nhận biết, phòng ngừa và cách xử lý khi bị nhiễm virus.
Vắc xin nào phòng ngừa Virus Marburg
Hiện nay chưa có vaccine hay thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị. Người mắc bệnh do virus Marburg sẽ phải cách ly nghiêm ngặt và phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ như bù nước điện giải, chống xuất huyết, truyền máu, nếu có biểu hiện nặng thì cần thở oxy, hồi sức chống suy đa tạng…. Cho dù áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, người mắc bệnh đều có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Tỉ lệ tử vong của Virus Marburg
Virus Marburg có tỉ lệ tử vong cao, có thể lên tới 88%.