Bệnh bạch sản niêm mạc miệng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn tất tần tật những điều cần biết về bệnh bạch sản niêm mạc miệng.
Mục lục
Tổng quan về bệnh bạch sản niêm mạc miệng
Bệnh bạch sản là tình trạng người bệnh có những mảng trắng, dày xuất hiện trên nướu, mặt trong má, đáy miệng và đôi khi là cả trên lưỡi. Những mảng này không thể cạo bỏ.
Chưa có nguyên nhân chính xác gây nên bệnh bạch sản, nhưng các bác sĩ cho rằng nguyên nhân chính là do kích ứng mãn tính từ thuốc lá – có thể là do hút, nhai hay ngậm.
Hầu hết các mảng bạch sản là lành tính, nhưng một số lại mang dấu hiệu sớm của ung thư. Ung thư ở đáy miệng có thể xuất hiện ngay cạnh các vùng bạch sản. Ngoài ra, những vùng trắng xen lẫn với vùng đỏ (những vùng bạch sản lốm đốm) có thể là dấu hiệu của nguy cơ ung thư. Vì vậy, tốt nhất là bạn hãy gặp nha sĩ hoặc bác sĩ đa khoa nếu bạn có những thay đổi bất thường và dai dẳng trong miệng.
Một loại bạch sản khác gọi là bạch sản lông, đôi khi được gọi là bạch sản lông miệng, chủ yếu ảnh hưởng đến những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh tật, đặc biệt là HIV/AIDS.
Các triệu chứng của bệnh bạch sản
Thông thường, bệnh bạch sản không gây đau và có thể người bệnh sẽ không nhận biết được về bệnh trong một thời gian.
Dấu hiệu của bệnh bạch sản:
- Những mảng trắng hoặc xám bám chặt, không thể lau sạch.
- Hình dạng không đều hoặc bề mặt phẳng.
- Dày hoặc cứng ở một số vùng.
- Xuất hiện kèm theo các tổn thương đỏ nhô lên (bạch sản dạng vện lốm đốm hoặc hồng sản), có nguy cơ cao hơn là chuyển thành tiền ung thư.
Triệu chứng bệnh bạch sản lông miệng
Bạch sản lông miệng gây ra các mảng trắng mờ, giống như nếp gấp hoặc đường rãnh, thường ở hai bên lưỡi. Bệnh này thường bị nhầm lẫn với tưa miệng, một nhiễm trùng có biểu hiện là các mảng trắng nhợt, dễ lau sạch, cũng phổ biến ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Triệu chứng bệnh bạch sản miệng khi nào cần gặp bác sĩ
Mặc dù bạch sản thường không gây khó chịu, tuy nhiên nó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn.
Hãy đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ đa khoa nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Mảng trắng hoặc vết loét trong miệng không tự lành trong vòng hai tuần
- Các khối u hoặc mảng trắng, đỏ hoặc sẫm trong miệng
- Thay đổi dai dẳng ở các mô trong miệng
- Đau tai khi nuốt
- Khả năng mở hàm giảm dần
Chẩn đoán bệnh chính xác là rất quan trọng để đảm bảo bạn nhận được điều trị phù hợp. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe răng miệng của mình, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân của bệnh bạch sản
Nguyên nhân chính xác của bệnh bạch sản vẫn chưa được biết rõ, nhưng kích ứng mãn tính dường như là yếu tố chủ yếu, đặc biệt là từ việc sử dụng thuốc lá, bao gồm hút thuốc và nhai. Những người thường xuyên sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói thường phát triển bạch sản ở vùng má nơi họ ngậm thuốc.
Một số nguyên nhân khác có thể gây kích ứng mãn tính bao gồm:
- Răng cùn, mẻ hoặc sắc nhọn cọ xát vào mặt lưỡi
- Răng giả bị hỏng hoặc không vừa vặn với miệng
- Sử dụng rượu trong thời gian dài
- Bác sĩ nha khoa có thể giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh bạch sản trong trường hợp cụ thể của bạn.
Nguyên nhân gây ra bạch sản lông miệng là do nhiễm trùng với virus Epstein-Barr (EBV). Sau khi bị nhiễm EBV, virus sẽ tồn tại trong cơ thể bạn suốt đời. Thường thì virus không hoạt động trong cơ thể bạn, nhưng nếu hệ thống miễn dịch suy yếu, đặc biệt là do HIV/AIDS, virus có thể tái hoạt và dẫn đến các tình trạng như bạch sản lông miệng.
Biến chứng của bệnh bạch sản
Hầu hết, bạch sản không gây tổn thương vĩnh viễn cho các mô trong miệng. Tuy nhiên, bệnh bạch sản sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng. Ung thư miệng thường hình thành gần các mảng bạch sản, và bản thân các mảng cũng có thể có những thay đổi ác tính. Ngay cả sau khi loại bỏ các mảng bạch sản, nguy cơ ung thư miệng vẫn tồn tại.
Bạch sản lông miệng ít có khả năng dẫn đến ung thư. Nhưng nó có thể là dấu hiệu của HIV/AIDS.
Phòng ngừa bệnh bạch sản niêm mạc miệng
Bạn có thể ngăn ngừa bạch sản bằng cách tránh tất cả các sản phẩm thuốc lá và rượu. Bạn nên tìm hiểu và thực hiện các phương pháp cai thuốc lá. Nếu bạn tiếp tục hút thuốc, nhai thuốc lá hoặc uống rượu, bạn nên kiểm tra răng miệng thường xuyên. Ung thư miệng thường không gây đau cho đến khi giai đoạn khá nặng, vì vậy bỏ thuốc lá và rượu để ngăn ngừa bệnh.
Nếu hệ thống miễn dịch suy yếu, bạn có thể không thể ngăn ngừa bạch sản lông miệng, nhưng việc phát hiện sớm có thể giúp bạn nhận được điều trị thích hợp.
Chẩn đoán bệnh bạch sản
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chẩn đoán bạch sản bằng cách:
- Kiểm tra các mảng trắng trong miệng bạn
- Thử lau sạch các mảng trắng (mảng bạch sản thật thường không thể lau sạch)
- Thảo luận về tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ của bạn
- Loại trừ các nguyên nhân khác có thể xảy ra
Kiểm tra các dấu hiệu ung thư
Nếu bạn bị bạch sản, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra dấu hiệu ung thư sớm bằng cách:
- Sinh thiết bằng chải miệng: Phương pháp này lấy đi một ít tế bào từ bề mặt tổn thương bằng một bàn chải nhỏ quay. Tuy không xâm lấn nhưng cách này không phải lúc nào cũng chẩn đoán chính xác.
- Sinh thiết cắt bỏ: Phẫu thuật cắt bỏ một phần mô từ mảng bạch sản hoặc toàn bộ mảng nếu nó nhỏ. Sinh thiết cắt bỏ cho kết quả toàn diện hơn và thường chẩn đoán chính xác.
Nếu kết quả sinh thiết dương tính với ung thư và bác sĩ đã thực hiện sinh thiết cắt bỏ toàn bộ mảng bạch sản, bạn có thể không cần điều trị thêm. Nếu mảng lớn, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ phẫu thuật răng miệng hoặc chuyên khoa tai mũi họng để điều trị.
Nếu bạn bị bạch sản lông miệng, bạn có thể sẽ được đánh giá xem có mắc các bệnh nào có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch hay không.
Điều trị bệnh bạch sản
Việc điều trị bệnh bạch sản sẽ hiệu quả nhất khi tổn thương được phát hiện và điều trị sớm, khi còn nhỏ. Khám răng định kỳ và thường xuyên kiểm tra miệng xem có vùng nào bất thường là rất quan trọng.
Đối với hầu hết mọi người, loại bỏ nguồn kích ứng – chẳng hạn như ngừng thuốc lá hoặc rượu – sẽ giúp cải thiện tình trạng.
Nếu cách này không hiệu quả hoặc nếu các tổn thương có dấu hiệu sớm của bệnh ung thư thì phác đồ điều trị có thể bao gồm:
- Loại bỏ các mảng bạch sản: Các mảng có thể được loại bỏ bằng dao mổ, laser hoặc đầu dò cực lạnh làm đóng băng và tiêu diệt các tế bào ung thư (cryoprobe).
- Thăm khám theo dõi để kiểm tra khu vực: Một khi bạn đã bị bạch sản, việc tái phát là rất phổ biến.
Điều trị bạch sản lông miệng
Thông thường, bạn không cần điều trị cho bạch sản lông miệng. Tình trạng này thường không gây ra triệu chứng và ít có khả năng dẫn đến ung thư miệng.
Nếu bác sĩ khuyên bạn điều trị, có thể bao gồm:
- Thuốc: Bạn có thể sử dụng thuốc như thuốc kháng virus. Những loại thuốc này có thể ức chế virus Epstein-Barr, nguyên nhân gây bệnh bạch sản lông miệng. Thuốc tại chỗ cũng có thể được sử dụng.
- Thăm khám theo dõi: Sau khi ngừng điều trị, các mảng trắng của bạch sản lông miệng có thể quay trở lại. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên khám theo dõi thường xuyên để theo dõi những thay đổi trong miệng hoặc liệu pháp đang diễn ra để ngăn ngừa các mảng bạch sản tái phát.