Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh vảy nến. Người bệnh cần xây dựng thực đơn lành mạnh, bổ sung các thực phẩm có lợi và hạn chế các thực phẩm có hại để giảm thiểu các triệu chứng bệnh. Trong bài viết này, PlasmaKare sẽ cung cấp cho bạn thông tin về những thực phẩm nên ăn và không nên ăn khi bị vảy nến.
Mục lục
Nguyên tắc chung trong chế độ ăn uống của người bệnh vảy nến
Mặc dù chế độ dinh dưỡng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng phục hồi cũng như hạn chế bệnh tái phát. Vảy nến là một bệnh lí viêm mạn tính, liên quan đến sự hoạt hóa của trục TNF-α/IL-23/IL-17, dẫn đến tăng sinh và biệt hóa bất thường của tế bào sừng. Bệnh thường liên quan đến một số rối loạn chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lí tim mạch và bệnh lí viêm ruột.
Như vậy, nguyên tắc chung trong chế độ ăn uống của người bệnh vảy nến là giảm các yếu tố kích hoạt phản ứng viêm và tăng cường các thực phẩm có tính chống viêm.
Những thực phẩm người bệnh vảy nến nên bổ sung thường xuyên
Theo các nghiên cứu gần đây, các chất chống viêm, chống oxy hóa và một số vitamin như vitamin C, vitamin E, hoạt chất beta-carotene, selenium, Omega 3 và axit béo có thể giúp cải thiện tình trạng tổn thương da, tăng cường lớp bảo vệ và giúp da luôn khỏe. Bổ sung thực phẩm giàu các nhóm chất này trong thực đơn hàng ngày sẽ góp phần ổn định tình trạng bệnh vảy nến. Dưới đây là danh sách gợi ý những loại thực phẩm người bệnh vảy nến cần tăng cường vào chế độ ăn.
Thực phẩm giàu vitamin D
Vitamin D là một chất trung gian chính của phản ứng viêm. Vitamin D có tác động trên bạch cầu đơn nhân / đại thực bào và điều chỉnh giảm việc sản xuất TNF-α, IL-1β, IL-6, hoặc IL-8 là các yếu tố gây viêm. Bởi vậy, người bệnh vảy nến cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như: dầu gan cá, cá kiếm, cá hồi, cá ngừ, cá mòi, gan bò, trứng hoặc pho mát.
Thực phẩm giàu acid béo Omega-3
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trong huyết thanh bệnh nhân vảy nến, mức acid béo không no Omega-3 (n-3 polyunsaturated fatty acids hay n-3 PUFA) càng cao thì diện tích và mức độ tổn thương trên da do vảy nến càng thấp và ngược lại. Lí do là bởi vì n-3 PUFAs ức chế sự phát triển của Th17, và giảm sự biểu hiện của IL-23, IL-17A, IL-17F, IL-22, và TNF-α trong các tổn thương, do đó cải thiện tình trạng bệnh. Người bệnh có thể bổ sung dưỡng chất quan trọng này thông qua một số thực phẩm như: cá hồi, cá mòi, cá thu, dầu mè, dầu hạt hướng dương,…
Thực phẩm chứa nhiều kẽm
Là một vi chất không thể thiếu trong điều trị các bệnh lý về da. Kẽm có nhiều trong ngao, sò và ngũ cốc. Bổ sung thực phẩm chứa kẽm rất quan trọng trong điều trị bệnh vảy nến. Tuy nhiên cũng không quá lạm dụng vì ngao, sò cũng dễ ảnh hưởng đến người có cơ địa nhạy cảm. Do đó, bạn nên sử dụng các loại ngũ cốc chứa nhiều kẽm.
Thực phẩm chứa nhiều vitamin A
Vitamin trong thức ăn sau khi được hấp thụ tại ruột, được chuyển hóa thành vitamin A acid (Ras). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng RAs có hiệu quả cao trong điều trị bệnh vẩy nến. Do cơ chế RAs bình thường hóa quá trình tăng sinh và kích thích biệt hóa tế bào sừng, đồng thời ức chế sản xuất TNF-α và giảm mức mRNA của enzym tổng hợp oxit nitric cảm ứng trong tế bào sừng. Nhờ vậy, giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh vảy nến. Để bổ sung vitamin A, người bệnh vảy nến nên bổ sung các thực phẩm như: củ quả có màu đỏ/ cam (cà rốt, cà chua, ớt chuông,…), khoai lang, rau xanh lá đậm, gan, dầu cá, trứng, bơ,…
Thực phẩm chứa lợi khuẩn (Probiotics)
Probiotics là những vi sinh vật sống mang lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ khi được sử dụng với số lượng thích hợp. Việc sử dụng các probiotics được cho là mang lại hiệu quả có lợi cho bệnh nhân vẩy nến. Một số vi khuẩn đường ruột (Bacteroides fragilis, Faecalibacterium prausnitzii, Clostridium cluster) và các chất chuyển hóa của chúng (RAs, polysaccharideA, các acid béo chuỗi ngắn) làm tăng số lượng và hoạt động của Treg. Các tế bào T điều hòa (Tregs) là một quần thể các tế bào được mô tả gần đây có khả năng điều hòa đáp ứng miễn dịch. Một số loại thực phẩm có chứa probiotics mà người bệnh vảy nến nên bổ sung vào chế độ ăn bao gồm thực phẩm lên men như kim chi, dưa cải muối, nấm thủy sâm, sữa chua và nấm sữa kefir.
Những thực phẩm người bệnh vảy nến cần kiêng
Bên cạnh những thực phẩm được khuyên nên bổ sung vào chế độ ăn để giúp cải thiện triệu chứng bệnh, bệnh nhân vảy nến cũng cần chú ý tránh xa những thực phẩm không lành mạnh, có thể gây kích thích phản ứng viêm diễn ra mạnh mẽ hơn. Tham khảo danh sách dưới đây.
Các loại thịt đỏ
Thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn) chứa nhiều acid béo bão hòa. Đây là một trong những tác nhân hoạt hóa con đường IL-23 / IL-17 – gây viêm. Vì vậy, ăn quá nhiều thịt đỏ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở bệnh vẩy nến. Tuy nhiên, người bệnh vảy nến có thể ăn thịt đỏ ở mức độ hạn chế, không ăn quá nhiều trong một bữa và cũng không ăn quá thường xuyên. Thay vào đó, bạn nên ăn các loại thịt trắng: thịt gia cầm (gà, vịt, ngan,…), thịt cá.
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa
Chế độ ăn giàu các loại chất béo này làm nặng thêm tổn thương viêm da dạng vảy nến trên mô hình chuột thực nghiệm. Các chất béo bão hòa kích hoạt sản xuất IL-1 và IL-18 hoạt động từ đại thực bào. Sự gia tăngIL-1 thúc đẩy sự biểu hiện của CCL20 trong lớp biểu bì, dẫn đến sự tích tụ của các tế bào Th17 vào vùng da tổn thương. Vì vậy, bệnh nhân vảy nến nên hạn chế ăn mỡ động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ,… Thay vào đó hãy chế biến thực phẩm theo cách lành mạnh hơn như luộc, hấp.
Thực phẩm chứa carbohydrate đơn
Các loại carbohydrate đơn giản (sucrose, fructose) được ghi nhận là một thực phẩm có thể kích hoạt đợt nặng lên của tổn thương vảy nến, do làm tăng nặng các stress oxy hóa và phản ứng viêm. Mô hình chuột thực nghiệm với chế độ ăn giàu fructose có nồng độ IL-17F cao hơn nhóm đối chứng. Một nghiên cứu khác trên chuột, so sánh giữa nhóm có chế độ ăn giàu chất béo và ít carbohydrate đơn (1) với nhóm chuột được nuôi theo chế độ giàu cả chất béo và carbohydrate đơn (2) cho thấy nhóm 1 tăng cân nhiều hơn, tuy nhiên đáp ứng viêm da với IMQ của nhóm 2 nhiều hơn nhóm 1. Điều này cho thấy béo phì không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến bệnh vảy nến mà chế độ ăn nhiều carbohydrate đơn cũng có vai trò quan trọng. Chính vì vậy, người bệnh vảy nến nên hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate đơn như: Đường thô, đường nâu, siro ngô, nước trái cây cô đặc, bánh kẹo, nước ngọt,…
Rượu, bia, đồ uống có cồn
Do ethanol làm tăng sản xuất TNF-α trong bạch cầu đơn nhân /đại thực bào, và tăng sinh tế bào lympho và giải phóng histamine từ tế bào mast. Từ đó làm nặng thêm các triệu chứng ngứa, viêm da của bệnh vảy nến. Bên cạnh đó, việc uống rượu hay nghiện rượu cũng làm giảm tuân thủ điều trị, giảm hiệu quả và tăng độc tính của các phương pháp trị liệu toàn thân. Bởi vậy, bệnh nhân vảy nến nên tránh xa rượu bia và các đồ uống có cồn khác.