Bạn có từng trải qua cảm giác nằm mãi không ngủ được chỉ vì mũi tắc nghẽn, phải há miệng thở, cảm giác khô cổ và mệt mỏi? Nghẹt mũi vào ban đêm không chỉ khiến giấc ngủ bị gián đoạn mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe ngày hôm sau.
Mục lục
May mắn là có nhiều cách đơn giản, an toàn giúp bạn giảm nghẹt mũi và ngủ ngon hơn mỗi đêm. Trong bài viết hôm nay Plasmakare sẽ chia sẻ những bí quyết hiệu quả để mũi luôn thông thoáng, giúp bạn tận hưởng giấc ngủ trọn vẹn, dễ chịu hơn.
1. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Một trong những phương pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao để giảm nghẹt mũi khi ngủ là rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Nước muối có khả năng làm sạch bụi bẩn, vi khuẩn và các dị nguyên bám trong niêm mạc mũi, đồng thời giúp làm loãng dịch nhầy, giảm tình trạng tắc nghẽn. Ngoài rửa mũi bằng nước muối còn hỗ trợ giảm sưng viêm làm dịu các mao mạch bị kích thích, từ đó giúp đường thở trở nên thông thoáng hơn và giảm khó chịu khi nằm ngủ.
Tuy để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn cần thực hiện đúng kỹ thuật: nghiêng đầu nhẹ, dùng bình rửa hoặc dụng cụ chuyên dụng để nước muối chảy từ bên này sang bên kia, tránh xịt quá mạnh gây tổn thương niêm mạc.
Trong trường hợp chưa quen, tốt nhất bạn nên tham khảo sự hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc tổn thương mũi.

2. Massage vùng mũi và quanh mặt
Massage nhẹ nhàng vùng mũi và các khu vực xung quanh không chỉ giúp thư giãn mà còn hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu, giảm áp lực trong các xoang và từ đó giảm nghẹt mũi.
Cách thực hiện khá đơn giản: bạn có thể dùng đầu ngón tay massage nhẹ nhàng vùng giữa hai lông mày để giảm áp lực tại xoang trán, đồng thời xoa tròn đều hai bên cánh mũi để giúp thông thoáng đường thở và làm dịch nhầy dễ thoát ra ngoài hơn.
Ngoài ra, massage điểm giữa mũi và môi trên (còn gọi là rãnh nhân trung) cũng giúp kích thích lưu thông khí, giảm sưng các mao mạch trong mũi, hỗ trợ cải thiện tình trạng nghẹt mũi nhanh chóng. Phương pháp này phù hợp với những trường hợp nghẹt mũi nhẹ hoặc tắc một bên mũi, tuy nhiên nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh dùng lực mạnh để không gây tổn thương vùng da nhạy cảm.

3. Uống trà gừng mật ong
Gừng và mật ong đều là những nguyên liệu thiên nhiên quý giá, nổi tiếng với khả năng chống viêm, kháng khuẩn và làm dịu cổ họng. Việc uống một tách trà gừng mật ong ấm vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ không chỉ giúp giữ ấm cơ thể, tăng cường sức đề kháng mà còn hỗ trợ làm thông mũi, giảm nghẹt mũi rõ rệt.
Bạn có thể đun vài lát gừng tươi với nước sôi trong 5–10 phút, sau đó thêm mật ong vào khi nước còn ấm (khoảng 40–50 độ C) để giữ nguyên hoạt tính. Ngoài tác dụng giảm nghẹt mũi, trà gừng mật ong còn giúp làm dịu cơn ho, giảm cảm giác rát cổ họng và mang lại cảm giác dễ chịu, ấm áp.
Lưu ý: Những người có vấn đề về dạ dày hoặc bị viêm loét tiêu hóa nên dùng với lượng vừa phải hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh gây kích ứng dạ dày.

4. Tắm hoặc xông hơi nước ấm
Tắm nước ấm hoặc xông hơi được xem là một trong những biện pháp tự nhiên rất hiệu quả giúp làm loãng dịch nhầy, giảm tắc nghẽn trong mũi và cải thiện khả năng hô hấp. Khi hít vào hơi nước ấm, các niêm mạc mũi được làm ẩm và mềm hơn, từ đó chất nhầy dễ thoát ra ngoài, giúp giảm cảm giác nặng nề, khó thở, đặc biệt hữu ích vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Để tăng hiệu quả, bạn có thể nhỏ thêm vài giọt tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu sả, bạc hà, oải hương hoặc khuynh diệp vào nước xông. Những tinh dầu này không chỉ hỗ trợ kháng khuẩn mà còn giúp thư giãn tinh thần, tạo cảm giác dễ chịu, giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ sâu và ngon hơn.
Trong quá trình xông, bạn cần chú ý giữ khoảng cách an toàn với nguồn hơi nóng để tránh bỏng da hoặc kích ứng niêm mạc.

5. Áp dụng tỏi trong chế độ ăn uống
Tỏi không chỉ được biết đến như một loại gia vị quen thuộc mà còn nổi tiếng với khả năng kháng khuẩn, kháng viêm tự nhiên rất mạnh mẽ. Các hoạt chất trong tỏi giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ làm giảm sưng viêm ở niêm mạc mũi và cải thiện tình trạng nghẹt mũi.
Bạn có thể bổ sung tỏi vào chế độ ăn hàng ngày bằng nhiều cách như băm nhỏ tỏi tươi để chế biến trong các món xào, nấu canh hoặc trộn tỏi với mật ong để ăn trực tiếp. Ngoài ra, có thể ăn tỏi sống hoặc ngâm tỏi với giấm nhưng cần lưu ý mùi vị khá nồng.
Việc sử dụng tỏi thường xuyên sẽ giúp cải thiện sức khỏe đường hô hấp, đồng thời tăng khả năng phòng ngừa cảm lạnh và các bệnh viêm nhiễm thông thường.

Có thể bạn quan tâm: Cách điều trị nghẹt mũi cho trẻ
6. Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí
Giữ độ ẩm không khí ổn định trong phòng ngủ là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ niêm mạc mũi, đặc biệt vào những ngày thời tiết khô hoặc khi sử dụng điều hòa thường xuyên. Máy tạo độ ẩm giúp tăng cường độ ẩm trong không khí, giảm tình trạng khô mũi, hỗ trợ làm loãng dịch nhầy và giảm cảm giác nghẹt mũi, từ đó giúp bạn hít thở dễ dàng hơn và có giấc ngủ sâu hơn.
Ngoài ra, bạn có thể thêm vài giọt tinh dầu thiên nhiên vào máy để mang lại hương thơm dễ chịu, giúp thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng và hỗ trợ giấc ngủ. Tuy nhiên, cần vệ sinh máy thường xuyên để tránh vi khuẩn hoặc nấm mốc phát triển, đảm bảo không gây phản tác dụng lên hệ hô hấp.

Trên đây là những “mách nước” hữu ích giúp bạn giải quyết tình trạng nghẹt mũi khi ngủ ban đêm. Từ những thói quen đơn giản hàng ngày như vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, điều chỉnh tư thế ngủ, đến việc tạo ẩm cho không khí phòng ngủ, mỗi giải pháp đều góp phần mang lại cho bạn một giấc ngủ sâu và trọn vẹn hơn. Hãy chủ động áp dụng để cải thiện chất lượng cuộc sống, và đừng quên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài hoặc đi kèm các triệu chứng bất thường nhé.