Bọc răng sứ có bị hôi miệng không? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm trước và sau khi bọc răng sứ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa bọc răng sứ và hôi miệng, cùng với những cách giảm tình trạng hôi miệng.
Mục lục
Bọc răng sứ có bị hôi miệng không
Theo các chuyên gia, việc bọc răng sứ không trực tiếp gây ra tình trạng hôi miệng. Tuy nhiên, nếu quy trình bọc răng sứ không được thực hiện đúng cách hoặc nếu không duy trì vệ sinh miệng đầy đủ, có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây hôi miệng.
Tại sao bọc răng sứ bị hôi miệng
Sau khi thực hiện bọc răng sứ một thời gian, nếu bạn phát hiện ra tình trạng mùi hôi khó chịu liên tục và kéo dài trong miệng, có thể do những nguyên nhân sau đây:
Chất lượng mão sứ kém
Răng sứ được làm từ nhiều chất liệu khác nhau để đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi người như răng sứ kim loại, răng sứ titan, răng toàn sứ, răng sứ veneer,… Tuy nhiên, nếu chọn mão sứ kém chất lượng để tiết kiệm, răng sứ có thể bị biến dạng và oxy hóa sau một thời gian sử dụng. Điều này không chỉ gây mùi hôi khó chịu mà còn có thể gây kích ứng nướu và tổn thương răng thật.
Sự oxy hoá của răng sứ kim loại
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 60% trong số 150 người sử dụng răng sứ kim loại đã gặp hiện tượng hôi miệng và đen viền nướu sau 5 năm.
Phần khung sườn của răng sứ thường được làm từ hợp kim như hợp kim niken-crom, crom-coban và các hợp kim tương tự. Tuy nhiên, môi trường trong khoang miệng lại có tính axit và tồn tại nhiều vi khuẩn. Khi sử dụng trong một khoảng thời gian, phần khung kim loại sẽ dần bị oxy hóa. Khi điều này xảy ra, mảng sứ kim loại sẽ bị biến đổi và gây kích ứng cho răng và nướu, gây ra mùi hôi miệng tanh và khó chịu.
Kỹ thuật làm răng sứ chưa đảm bảo
Theo lý thuyết, răng sứ cần được lắp khít 100% với răng thật và bao phủ kín xung quanh nướu. Tuy nhiên, nếu răng sứ không đúng kích cỡ hoặc bác sĩ không gắn mảnh sứ theo kỹ thuật, có thể tạo ra khoảng hở giữa mảng sứ và nướu, có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.
Khoảng hở đó tạo điều kiện cho cặn thức ăn bám vào khi ăn nhai. Khi đó, vi khuẩn gây hại trong khoang miệng có thể sinh sôi dễ dàng và lan ra các khu vực khác như răng, mô trong miệng, lưỡi… Nếu không được xử lý kịp thời, hơi thở sẽ có mùi hôi, chua và ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp hàng ngày.
Các rãnh nhỏ tạo thành khi nứt răng sứ
Sử dụng những loại răng sứ không đảm bảo chất lượng có thể dẫn đến việc xuất hiện vết nứt trên bề mặt răng sứ sau một thời gian.
Ngoài ra, hành động nhai, cắn đồ cứng hoặc nghiến răng khi ngủ cũng có thể làm cho răng sứ bị nứt và vỡ nhanh chóng. Những vết nứt này không chỉ làm cho hàm răng mất tính thẩm mỹ mà còn tạo điều kiện cho thức ăn bám vào.
Dần dần, các cặn thức ăn này có thể chuyển hóa thành mảng bám, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra hơi thở có mùi hôi khó chịu.
Trước khi trồng răng đã có tình trạng hôi miệng
Nếu trước khi làm răng sứ, người bệnh đã mắc bệnh hôi miệng và không được điều trị triệt để, mùi hôi miệng có thể vẫn tồn tại sau khi thực hiện phục hình răng sứ.
Bệnh lý nha khoa nếu không được điều trị có thể làm giảm sức khỏe răng và gây ra mùi hôi trong khoang miệng.
Ngoài ra, nếu người bệnh mắc các bệnh lý như đau dạ dày, trào ngược họng – thanh quản, viêm mũi xoang, viêm amidan, viêm họng mủ, trào ngược dạ dày – thực quản,… cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ dàng gây ra mùi hôi miệng cũng như các vấn đề nha khoa nguy hiểm sau khi bọc răng sứ.
Do đó, nên để người bệnh điều trị bệnh lý nha khoa và các vấn đề sức khỏe toàn thân trước khi tiến hành bọc răng sứ. Điều này đảm bảo rằng môi trường miệng lành mạnh và giảm nguy cơ mắc các vấn đề nha khoa và mùi hôi miệng sau khi thực hiện phục hình răng sứ.
Chăm sóc răng miệng không sạch sẽ
Đối với người đã bọc răng sứ, việc vệ sinh răng miệng cũng cần được thực hiện đúng cách và đảm bảo như thông thường để không làm ảnh hưởng đến răng thật. Trong trường hợp vệ sinh răng miệng không đúng cách hoặc không đạt hiệu quả có thể gây mùi hôi miệng.
Khi không chải răng đúng cách hoặc không chải răng đủ lâu, các mảng bám thức ăn và vi khuẩn có thể tích tụ trên bề mặt răng và quanh răng sứ. Hoặc nếu có khe hở giữa răng sứ và răng tự nhiên hoặc giữa các răng sứ, thức ăn và vi khuẩn có thể bị mắc kẹt trong đó. Vi khuẩn sẽ phân hủy chất thức ăn và tạo ra khí có mùi hôi.
Bọc răng sứ bị hôi miệng phải làm sao
Sau khi bọc răng sứ gây ra tình trạng hôi miệng gây mất tự tin và ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh trong giao tiếp hàng ngày. Để điều trị tình trạng này, việc đến phòng khám để được chẩn đoán trực tiếp và tìm ra nguyên nhân dẫn đến hôi miệng là tối ưu nhất.
- Nếu hôi miệng sau khi bọc răng sứ là do sai kỹ thuật bọc sứ, ví dụ như răng sứ bị lệch, bị hở, bác sĩ sẽ có sự thay đổi và điều chỉnh lại vị trí các miếng sứ. Nếu có khe hở, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại để ngăn chặn vi khuẩn phân hủy thức ăn trong kẽ hở gây ra mùi hôi khó chịu.
- Nếu nguyên nhân gây hôi miệng là do viêm nướu, sâu răng, viêm nha chu,… thì người bệnh cần xử lý triệt để các vấn đề này.
- Trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với răng sứ kim loại hoặc có cơ địa nhạy cảm, bác sĩ có thể sử dụng răng toàn sứ để không gây ra kích ứng cho bệnh nhân.
- Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng hôi miệng sau khi bọc răng, người bệnh nên chú ý trong chăm sóc, vệ sinh răng miệng hàng ngày một cách kỹ lưỡng. Răng sứ cần được chăm sóc giống như răng thật, bao gồm lấy cao răng và khám răng định kỳ sau mỗi 6 tháng. Điều này giúp phát hiện sớm những bất thường trên răng miệng và có biện pháp điều trị kịp thời.
- Sử dụng nước súc miệng như súc họng miệng PlasmaKare, Listerine, Betadine,… cũng có thể giúp làm sạch miệng và giảm mùi hôi miệng. Tuy nhiên, việc sử dụng nước súc miệng chỉ là biện pháp hỗ trợ và không thể thay thế việc chăm sóc răng miệng hàng ngày.
Để ngăn ngừa tình trạng hôi miệng sau khi bọc răng sứ, hãy chú ý trong cách vệ sinh và chăm sóc răng miệng hàng ngày. Đồng thời nên đi kiểm tra tại các phòng khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần.