Bệnh viêm da cơ địa có thể gặp ở mọi lứa tuổi với các biểu hiện da đóng vảy, đỏ và khô ngứa. Điều này khiến nhiều người lo lắng không biết viêm da cơ địa có lây không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp ngay vấn đề này.
Mục lục
Nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu mạn tính, tiến triển từng đợt và có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi trở lên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là có tổn thương trên da dạng chàm – mụn nước nông và vảy tiết dày do mụn nước vỡ trên những đám đỏ da. Viêm da cơ địa ở giai đoạn mạn tính còn có biểu hiện da dày lên (lichen hóa).
Viêm da cơ địa gây ngứa dữ dội, khiến người bệnh hay gãi ngứa làm tổn thương da và tăng nguy cơ bội nhiễm. Ngứa trầm trọng hơn khi không khí khô, kích ứng da, đổ mồ hôi hoặc mặc quần áo len,…
Nguyên nhân cụ thể của bệnh viêm da cơ địa vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, sự hình thành của viêm da cơ địa có liên quan nhiều đến các yếu tố nguy cơ như:
- Yếu tố di truyền: Bệnh viêm da cơ địa chưa được xác định rõ ràng do gen nào đảm nhiệm. Tuy nhiên, 60 – 80% trẻ sinh ra bị viêm da cơ địa có thành viên gia đình cũng mắc căn bệnh này. Ngoài ra, người bị viêm da cơ địa cũng có thể mắc kèm các bệnh dị ứng hoặc có người thân mắc các bệnh này như viêm mũi dị ứng, hen suyễn,…
- Cơ chế miễn dịch: Cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa là phản ứng quá mẫn chậm qua trung gian tế bào Lympho T (Th2) tạo IgE. Người có bất thường miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải sau nhiễm virus, dùng thuốc, thiếu chất có thể dẫn đến sự tổng hợp IgE quá mức, gây ra các triệu chứng và tổn thương mạn tính trên da.
- Rối loạn chức năng thượng bì: Gen mã hóa protein Filaggrin của biểu bì có vai trò giữ ẩm tự nhiên và ổn định liên kết của da. Khi gen này bị đột biến, da thiếu hụt Filaggrin dễ bị khô, nứt nẻ, kích ứng và gây biểu hiện viêm da cơ địa.
- Yếu tố môi trường: Yếu tố môi trường có vai trò thúc đẩy và quyết định tần suất xuất hiện của bệnh. Các yếu tố môi trường của viêm da cơ địa bao gồm: ô nhiễm không khí, lông động vật, bụi vải, phấn hoa, thực phẩm gây dị ứng, hóa chất, mỹ phẩm, thời tiết lạnh, khô hanh, quần áo thô hoặc làm bằng len, da trẻ khô do tắm giặt nhiều,…
Người bệnh cần chú ý phân biệt rõ nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của viêm da cơ địa. Yếu tố nguy cơ không có khả năng gây bệnh trực tiếp mà chỉ có vai trò trong sự khởi phát, tiến triển và tái phát của bệnh. Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được xác định chính xác.
Bệnh viêm da cơ địa có lây không?
Những biểu hiện của viêm da cơ địa khiến nhiều người liên tưởng đến các bệnh viêm da nhiễm khuẩn khác. Do vậy, không ít người đã thắc mắc viêm da cơ địa có lây không.
Theo các chuyên gia y tế, viêm da cơ địa không có tính lây truyền. Cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa liên quan chủ yếu đến các yếu tố di truyền và miễn dịch trong cơ thể. Vì vậy, việc tiếp xúc với các dịch rỉ từ mụn nước, dịch tiết của người bệnh hoặc máu từ vết thương không làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nguyên tắc điều trị bệnh viêm da cơ địa
Căn bệnh này không chỉ gây khó chịu mà còn khiến người bệnh mất tự tin, gây chướng ngại tâm lý và ảnh hưởng lớn đến như sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, viêm da cơ địa có chữa được không là câu hỏi phổ biến của nhiều người bệnh.
Viêm da cơ địa là bệnh mạn tính và không thể chữa dứt điểm được. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát được triệu chứng và ngăn ngừa tái phát bệnh bằng những biện pháp điều trị hiệu quả.
Nguyên tắc điều trị viêm da cơ địa theo hướng dẫn từ Bộ Y tế:
- Cấp ẩm, làm dịu da bằng các sản phẩm dưỡng ẩm
- Chống viêm, giảm ngứa, giảm phù nề trên da, hạn chế tiến triển bệnh
- Phòng chống nhiễm trùng thứ phát trên các vùng da tổn thương
- Tư vấn cho người bệnh và gia đình biết cách điều trị và phòng bệnh đúng nhất
Các biện pháp điều trị viêm da cơ địa hiệu quả, nhanh chóng
Các biện pháp điều trị viêm da cơ địa bao gồm dùng thuốc và chăm sóc da đúng cách. Cụ thể:
Thuốc điều trị viêm da cơ địa
Thuốc điều trị viêm da cơ địa bao gồm thuốc bôi và thuốc uống, trong đó các thuốc bôi viêm da cơ địa đóng vai trò chủ yếu. Thuốc uống chỉ dùng khi triệu chứng nặng hoặc bội nhiễm vi khuẩn.
Thuốc bôi viêm da cơ địa:
- Thuốc chống viêm Corticoid: Bao gồm Hydrocortison, Clobetasone butyrate, Betamethasone, Fluocinolon, Clobetason propionat,… Tùy thuộc vào đối tượng, vùng da bệnh và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại Corticoid có hoạt lực phù hợp.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc ức chế Calcineurin (Pimecrolimus, Tacrolimus,…) thường dùng điều trị duy trì, phòng tái phát.
- Thuốc sát khuẩn: Dung dịch Jarish, thuốc tím, Chlorhexidine, Kẽm Oxide, Benzoyl Peroxide, Acid Fusidic,…
- Thuốc giảm triệu chứng: Nano bạc TSN (gel PlamaKare No5),…
- Thuốc bạt sừng: Acid Salicylic, Ichthyol, Crysophanic,…
Thuốc uống trị viêm da cơ địa:
- Thuốc chống viêm Corticoid đường uống: chỉ định trong thời gian ngắn khi bệnh nặng, bao gồm Methylprednisolon, Dexamethason,…
- Thuốc chống dị ứng, giảm ngứa: bao gồm thuốc kháng Histamin H1 (Fexofenadine, Cetirizine, Clorpheniramin,…)
- Kháng sinh: Bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh khi bội nhiễm vi khuẩn nặng, ưu tiên kháng sinh phổ trên tụ cầu vàng và liên cầu.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Cyclosporin, Methotrexate,…
Điều trị các bệnh da liễu, bao gồm viêm da cơ địa đều cần thời gian dài. Do vậy, người bệnh cần kiên trì điều trị và lưu ý tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh sử dụng thuốc bừa bãi gây nguy cơ tác dụng phụ.
Vệ sinh và dưỡng ẩm da cải thiện viêm da cơ địa
Vệ sinh và dưỡng ẩm da đầy đủ có thể cải thiện triệu chứng của viêm da cơ địa rất tốt, đặc biệt là trên đối tượng nhạy cảm với thuốc như trẻ em, trẻ sơ sinh. Da sạch sẽ và được dưỡng ẩm đầy đủ sẽ giúp tăng hiệu lực và ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc bôi Corticoid, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bội nhiễm da.
Người bệnh cần lưu ý các biện pháp chăm sóc da trong điều trị viêm da cơ địa sau đây:
Vệ sinh da
- Tắm rửa 1 lần mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng, sữa tắm có pH ít kiềm.
- Khi tắm tránh chà sát mạnh và cần lau khô da bằng khăn mềm sau khi tắm.
Dưỡng ẩm da
- Bôi kem dưỡng ẩm hoặc kem chứa chất phục hồi da như Urea, Ceramide. Có thể chọn sản phẩm chứa các hoạt chất, chiết xuất thực vật có tính giảm viêm, giảm ngứa để sử dụng.
- Bôi dưỡng ẩm lên cả vùng da bệnh và da nguyên vẹn. Tránh bôi vào mắt, miệng hoặc niêm mạch mũi.
- Dưỡng ẩm da ít nhất 2 – 3 lần/ngày. Người bệnh da khô có thể tăng số lần sử dụng.
Mẹo dân gian cải thiện triệu chứng của viêm da cơ địa
Các mẹo dân gian trị viêm da cơ địa như tắm hoặc đắp bằng các loại nước lá có tính chống viêm, kháng khuẩn cũng có tác dụng làm giảm triệu chứng bệnh rất tốt. Những mẹo dân gian phổ biến trong điều trị viêm da cơ địa:
- Dùng lá khế: Theo y học cổ truyền, lá khế có tác dụng giảm ngứa, làm dịu và tiêu viêm rất tốt, giúp người bệnh viêm da cơ địa bớt khó chịu.
- Dùng nha đam: Nha đam có khả năng cấp ẩm và làm dịu da rất tốt, vì vậy người bệnh có thể bôi gel/phần thạch trong của nha đam lên vùng da bệnh để điều trị.
- Dùng lá trà xanh: Lá trà xanh có tính kháng viêm tốt, đồng thời chứa lượng lớn các chất chống oxy hóa, giúp hạn chế các tổn thương trên da.
- Dùng lá trầu không: Các hợp chất Phenolic trong lá trầu không có tác dụng giảm viêm và kháng khuẩn tốt. Do vậy, tắm lá trầu không giúp người bệnh cải thiện triệu chứng và phòng ngừa bội nhiễm hiệu quả.
Phòng tránh bệnh viêm da cơ địa như thế nào cho hiệu quả?
Việc dự đoán và phòng ngừa sự khởi phát của viêm da cơ địa là rất khó. Tuy nhiên, người bệnh có thể phòng ngừa các đợt tái phát của bệnh hiệu quả thông qua những biện pháp sau đây:
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố môi trường có thể kích thích tái phát bệnh.
- Chú ý vệ sinh môi trường sống thường xuyên, đảm bảo nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ và có độ ẩm phù hợp.
- Chọn lựa quần áo phù hợp, thoáng khí, tránh mặc đồ bó sát, vải cứng và vải len.
- Tắm nước ấm, dưỡng ẩm da thường xuyên bằng sản phẩm phù hợp, nhất là trong mùa đông.
- Dự phòng thuốc bôi viêm da cơ địa tại nhà để xử lý bệnh sớm khi mới tái phát.
- Với trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa: Chọn tã lót thoáng khí, có chất liệu không gây kích ứng cho trẻ.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi viêm da cơ địa có lây không. Viêm da cơ địa không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường góp phần tạo điều kiện phát triển và tái phát bệnh. Vì vậy, người bệnh cần chú ý điều trị và phòng ngừa đúng cách để kiểm soát tình trạng viêm da cơ địa, cải thiện chất lượng cuộc sống.