Thực hiện tốt chế độ ăn uống, kiêng khem sẽ giúp phòng ngừa tái phát và đảm bảo hiệu quả điều trị viêm da cơ địa. Bài viết sau đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc viêm da cơ địa kiêng ăn gì để nhanh cải thiện cho người bệnh.
Mục lục
- 1. Những điều cần lưu ý về bệnh viêm da cơ địa
- 2. Viêm da cơ địa kiêng ăn gì? 8 loại thực phẩm cần tránh
- 2.1. Kiêng hải sản khi bị viêm da cơ địa
- 2.2. Thận trọng với trứng và đậu phộng
- 2.3. Kiêng các chế phẩm từ sữa và đậu nành
- 2.4. Hạn chế thực phẩm lên men
- 2.5. Kiêng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích
- 2.6. Đề phòng với thịt đỏ khi bị viêm da cơ địa
- 2.7. Kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ và muối
- 2.8. Kiêng thực phẩm đóng hộp, nhiều chất phụ gia
- 3. Bị viêm da cơ địa nên kiêng gì khi đối tượng mắc bệnh là trẻ em?
- 4. Viêm da cơ địa ăn gì để cải thiện bệnh?
Những điều cần lưu ý về bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm thể tạng, là một bệnh lý da liễu mạn tính với tỷ lệ tái phát cao và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
Triệu chứng của viêm da cơ địa
Triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa là ban đỏ, mọc mụn nước, ngứa rát và tróc vảy. Các triệu chứng này thường khiến người bệnh rất khó chịu và hay gãi ngứa, do đó thường có nguy cơ nhiễm trùng cao. Bên cạnh đó, các vùng da bệnh trong thời gian dài thường có biểu hiện dày sừng và thâm sạm, gây mất thẩm mỹ và khiến người bệnh mất tự tin.
Nguyên nhân gây bệnh
Yếu tố di truyền và rối loạn miễn dịch là những yếu tố nguy cơ chính của bệnh viêm da cơ địa. Bệnh hay gặp ở người có cơ địa dị ứng, mắc các bệnh dị ứng, có người thân trực hệ mắc các bệnh này hoặc khởi phát do suy giảm miễn dịch sau các đợt nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Ngoài ra, một số nguyên nhân từ môi trường như ô nhiễm, vệ sinh kém hoặc phơi nhiễm hóa chất cũng có thể gây viêm da cơ địa.
Điều trị viêm da cơ địa
Điều trị viêm da cơ địa thường tập trung giảm triệu chứng, ngăn ngừa các đợt cấp tính và bội nhiễm. Nguyên tắc trong điều trị viêm da cơ địa:
- Sử dụng thuốc bôi viêm da cơ địa để giảm triệu chứng tại chỗ: thường dùng thuốc chứa corticoid hoặc thuốc không chứa corticoid như thuốc ức chế miễn dịch (Tacrolimus); thuốc bạt sừng (thuối bôi Acid Salicylic); kháng sinh (thuốc bôi Benzoyl Peroxide); làm dịu da và sát khuẩn (kem bôi Kẽm Oxide 10%, Gel bôi PlasmaKare No5 chứa phức hệ Nano bạc TSN);…
- Sử dụng thuốc uống: Thuốc uống như thuốc chống viêm hoặc thuốc kháng Histamin H1 chống dị ứng thường dùng trong các trường hợp viêm nặng, ngứa nhiều.
- Lưu ý trong vệ sinh cơ thể: Người bệnh cần tắm rửa sạch sẽ thường xuyên bằng xà phòng có pH ít kiềm, hạn chế gãi ngứa và tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa,…
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, lưu ý viêm da cơ địa kiêng ăn gì và nên ăn gì.
Viêm da cơ địa kiêng ăn gì? 8 loại thực phẩm cần tránh
Hiểu rõ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì sẽ giúp hỗ trợ điều trị và phòng tránh tái phát viêm da cơ địa hiệu quả. Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm người viêm da cơ địa cần tránh:
Kiêng hải sản khi bị viêm da cơ địa
Các loại hải sản như tôm, cua, cá biển, sò và hàu rất giàu dinh dưỡng nhưng chúng luôn nằm đầu trong danh sách các loại thực phẩm cần tránh cho người viêm da cơ địa.
Hải sản chứa một số loại Protein “lạ” đối với cơ thể người nên khi ăn vào có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể ở những người có cơ địa dị ứng. Phản ứng này có thể dẫn đến tái phát viêm da cơ địa hoặc khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Thận trọng với trứng và đậu phộng
Trứng và đậu phộng là 2 nguồn giàu Protein và các khoáng chất thiết yếu của cơ thể. Tuy nhiên, hệ miễn dịch có thể xác định một số Protein trong các loại thực phẩm này như các chất lạ và tạo kháng thể chống lại các chất này, gây viêm da nặng hơn.
Kiêng các chế phẩm từ sữa và đậu nành
Sữa và đậu nành và các chế phẩm từ chúng như bơ, phô mai, đậu phụ là những nguồn Protein dồi dào cho cơ thể bên cạnh các loại thịt động vật. Do vậy, tương tự như hải sản, trứng và đậu phộng, các sản phẩm từ sữa và đậu nành cũng có thể kích phát các phản ứng miễn dịch, gây tái phát viêm da theo cơ địa hoặc gây viêm da nặng hơn.
Ngoài ra, một số loại sữa công thức cho trẻ nhỏ trên thị trường cũng chứa thành phần có nguồn gốc từ sữa hoặc đậu nành. Phụ huynh cần cân nhắc kỹ khi sử dụng các loại sữa này nếu phân vân về vấn đề trẻ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì để tránh làm nặng tình trạng bệnh của trẻ.
Hạn chế thực phẩm lên men
Những thực phẩm lên men như dưa chua, kim chi, cà muối hoặc thịt muối thường chứa nhiều vi khuẩn lên men. Thông thường, các vi khuẩn này có lợi cho đường ruột và giúp cải thiện chức năng tiêu hóa tốt. Tuy nhiên, cơ thể người bệnh viêm da cơ địa có thể coi chúng như một sinh vật gây hại và chống lại tương tự Protein trong các loại thực phẩm kể trên, khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, lượng Acid khá cao trong thực phẩm lên men cũng có thể khiến người bệnh sưng đỏ, ngứa ngáy da nặng hơn.
Kiêng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích
Người bệnh viêm da cơ địa có vấn đề về chức năng gan thường chuyển hóa rượu trong gan kém, tạo các chất độc với cơ thể và hoạt hóa cơ chế loại bỏ các chất này thông qua phản ứng miễn dịch với biểu hiện mề đay, mẩn ngứa. Điều này sẽ kết hợp với tình trạng viêm da cơ địa khiến người bệnh ngày càng khó chịu.
Bên cạnh đó, các chất kích thích như Nicotin trong thuốc lá và Caffein trong trà, cà phê có thể gây chậm lành vết thương trên da do gây co mạch, giảm độ đàn hồi da và hạn chế sự tổng hợp collagen.
Đề phòng với thịt đỏ khi bị viêm da cơ địa
Protein từ thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu có thể ảnh hưởng đến người viêm da cơ địa do gây phản ứng dị ứng tương tự như Protein trong hải sản, sữa, trứng hay đậu phộng. Phản ứng ở thịt đỏ có tần suất thấp hơn so với các loại thực phẩm kể trên. Tuy nhiên, người bệnh viêm da cơ địa vẫn phải đề phòng khi ăn các loại thịt này để tránh những trường hợp hi hữu có thể xảy ra.
Kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ và muối
Thực phẩm nhiều dầu mỡ có thể khiến người bệnh đầy bụng, khó tiêu và làm phản ứng viêm của cơ thể trở nên nặng hơn.
Sử dụng nhiều thực phẩm nhiều muối cũng có thể gây thừa muối. Ngoài thải trừ qua thận, muối thừa còn có thể được đào thải trên da và đọng trên các lỗ chân lông gây ngứa ngáy nặng hơn cho người bệnh.
Kiêng thực phẩm đóng hộp, nhiều chất phụ gia
Thực phẩm đóng hộp thường chứa nhiều dầu mỡ và gia vị như đường muối nên có thể khiến các triệu chứng viêm da và ngứa rát trở nên khó chịu hơn. Ngoài ra, chất phụ gia trong các loại thực phẩm này cũng có thể tích tụ trong cơ thể do gan khó đào thải và kích thích cơ thể phản ứng lại, gây mẩn đỏ, ngứa ngáy.
Bị viêm da cơ địa nên kiêng gì khi đối tượng mắc bệnh là trẻ em?
Tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Vì vậy, trẻ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì trong và sau giai đoạn sơ sinh luôn là vấn đề được các phụ huynh quan tâm.
Giai đoạn sơ sinh
Ở giai đoạn này, thức ăn chủ yếu của bé là sữa mẹ và sữa công thức. Sữa mẹ là nguồn bổ sung chính các kháng thể miễn dịch cho bé bên cạnh các mũi tiêm vaccine phòng bệnh được khuyến cáo.
Trong khi đó, cơ chế của bệnh viêm da cơ địa thường xuất phát từ dị ứng hoặc các rối loạn miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, không ít người lo ngại chế độ dinh dưỡng của mẹ có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa và không tốt cho tình trạng bệnh của bé.
Vậy với bé bị viêm da cơ địa mẹ kiêng ăn gì để không bị ảnh hưởng đến con? Hiện nay, chưa có khuyến cáo khoa học nào về các thực phẩm cần kiêng cho phụ nữ cho con bú. Hầu hết các nghiên cứu liên quan đến chủ đề này đều cho thấy giữa các loại thực phẩm người mẹ tiêu thụ và nguy cơ bệnh viêm da cơ địa ở trẻ không có sự liên quan đáng kể.
Do đó, mẹ không nên kiêng khem quá nhiều mà nên đa dạng các loại thức ăn. Điều này sẽ giúp đảm bảo dinh dưỡng cho con, thúc đẩy cơ thể mẹ tạo kháng thể để hỗ trợ bổ sung miễn dịch tự nhiên cho bé.
Giai đoạn sau sơ sinh
Đối với các trẻ qua giai đoạn ăn dặm và có thể ăn uống bình thường, cha mẹ cần thận trọng khi sử dụng 8 nhóm thực phẩm trong danh sách viêm da cơ địa kiêng ăn gì kể trên.
Viêm da cơ địa ăn gì để cải thiện bệnh?
Để xây dựng thực đơn cho người viêm da cơ địa, người bệnh cần cường các loại thực phẩm lành mạnh bên cạnh việc tìm hiểu viêm da cơ địa kiêng gì.
Rau xanh và trái cây bổ sung Vitamin A, C
Bị viêm da cơ địa nên bổ sung Vitamin gì? Câu trả lời là Vitamin A và Vitamin C. đây là 2 loại Vitamin vừa có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm vừa giúp thúc đẩy tái tạo tế bào và làm lành các tổn thương do viêm da cơ địa.
Rau xanh và trái cây là nguồn bổ sung dồi dào Vitamin A và C. Có thể tham khảo các loại rau củ và trái cây sau đây cho thực đơn của người viêm da cơ địa:
- Vitamin A: Vitamin A trong thực vật thường ở dạng Beta-carotene trong các loại rau xanh và trái cây có màu vàng, đỏ như cà rốt, cà chua, ớt chuông, đu đủ,…
- Vitamin C: Người bệnh có thể dùng cam, quýt, bưởi, dâu tây, ổi, bông cải và kiwi để bổ sung Vitamin C.
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Các chất chống oxy hóa có khả năng hạn chế các tổn thương tế bào do gốc tự do các phản ứng miễn dịch gây ra trong bệnh viêm da cơ địa. Người bệnh có thể tham khảo những thực phẩm dồi dào các chất này như trái cây có màu, socola đen, gừng, nghệ và các loại quả mọng như nho, anh đào, việt quất,…
Dầu cá và các loại hạt giàu Omega-3 và Vitamin E
Omega-3 và Vitamin E là những chất có khả năng chống viêm, giúp ngăn ngừa tiến triển các tổn thương của viêm da cơ địa. Vitamin E còn giúp dưỡng da và phục hồi da rất tốt sau quá trình điều trị.
Omega-3 và Vitamin E rất giàu trong các loại hạt như bí, hướng dương, hạnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bổ sung Vitamin E từ bí đỏ, bơ, bông cải và Omega-3 từ dầu gan cá.
Thịt gà giàu Protein lành mạnh
Có không ít người bệnh muốn biết bị viêm da cơ địa có ăn được thịt gà không. Thịt gà là loại thịt trắng và được coi là nguồn thịt bổ sung Protein lành mạnh nhờ ít chất béo và Cholesterol hơn so với thịt đỏ. Do đó, ăn thịt gà vừa bổ sung dinh dưỡng vừa hạn chế được nguy cơ tiến triển viêm da cho người bệnh.
Người bệnh viêm da cơ địa nên ăn các phần thịt ít chất béo như thịt má đùi hay ức gà.
Trên đây là giải đáp những thắc mắc về chủ đề viêm da cơ địa kiêng ăn gì. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để xây dựng thực đơn cho người viêm da cơ địa khoa học, hỗ trợ cải thiện bệnh tốt hơn.