Viêm họng không chỉ gây ra cảm giác đau rát khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thay vì sử dụng kháng sinh, người bệnh có thể tìm đến các phương pháp tự nhiên an toàn và hiệu quả hơn. Trong bài viết này, PlasmaKare sẽ giới thiệu đến bạn Top 5 loại lá cây trị viêm họng quen thuộc, dễ tìm và có tác dụng hiệu quả.
Mục lục
Chữa viêm họng bằng lá trầu không
Lá trầu không (Piper betle) từ lâu đã được biết đến như một loại thảo dược quý trong y học cổ truyền, đặc biệt hiệu quả trong điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bao gồm viêm họng.
Công dụng của lá trầu không chữa viêm họng
Với tính ấm, vị cay và mùi thơm đặc trưng, lá trầu không có tác dụng kháng viêm, khử phong tán hàn, giúp làm dịu cổ họng và tiêu diệt vi khuẩn gây viêm.
Theo y học hiện đại, lá trầu không chứa nhiều tinh dầu và hoạt chất quan trọng như chavicol, cadinen và betel-phenol. Những hợp chất này có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm mạnh mẽ, giúp giảm đau, ngứa rát và sưng viêm tại khu vực bị tổn thương. Đặc biệt, chúng còn giúp ức chế sự phát triển của các vi khuẩn và virus, đồng thời thúc đẩy quá trình hồi phục, giảm nhanh triệu chứng khó chịu do viêm họng gây ra.
Cách dùng lá trầu không chữa viêm họng
Nhờ những công dụng vượt trội, lá trầu không không chỉ giúp giảm viêm và làm lành tổn thương, mà còn tạo cảm giác dễ chịu cho cổ họng. Người bệnh có thể sử dụng lá trầu không riêng biệt hoặc kết hợp với các thảo dược khác để nâng cao hiệu quả điều trị bằng những cách đơn giản như:
Cách 1: Súc họng bằng nước trầu không
Rửa sạch khoảng 10 lá trầu không với nước muối loãng, giã nát rồi đổ 500ml nước sôi vào. Ngâm lá trong 30 phút rồi vắt bỏ bã, thêm 1 thìa muối tinh vào phần nước đã lọc. Dùng nước này để súc họng vào buổi sáng và sau khi ăn. Thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ giúp giọng nói trở lại bình thường và giảm viêm họng nhanh chóng.
Cách 2: Kết hợp lá trầu không cùng gừng
Chuẩn bị 10 lá trầu không, 1 củ gừng già. Sau đó, rửa sạch và giã nhuyễn. Đổ 300ml nước sôi vào hỗn hợp và ngâm trong 30 phút. Lọc lấy nước, có thể cho thêm một ít muối để tăng tính kháng khuẩn, uống từng ngụm nhỏ mỗi ngày. Kiên trì áp dụng trong 3-5 ngày sẽ giúp giảm ho và làm dịu cổ họng.
Cách 3: Kết hợp lá trầu không cùng mật ong
Rửa sạch 10 lá trầu không, ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút rồi giã nát. Đổ 300ml nước sôi vào và ngâm 30 phút, sau đó lọc bỏ bã. Pha thêm mật ong vào nước lá trầu và uống 2 lần/ngày. Uống trong 3-4 ngày để cải thiện tình trạng viêm họng.
Lá húng chanh trị viêm họng
Lá húng chanh không chỉ là một loại rau gia vị quen thuộc mà còn được biết đến như một phương thuốc tự nhiên giúp chữa viêm họng hiệu quả.
Công dụng của lá húng chanh chữa viêm họng
Lá húng chanh (Plectranthus amboinicus) từ lâu đã được biết đến là một loại thảo dược quý trong Đông y, nổi bật với khả năng chữa viêm họng nhờ vào tính ấm, mùi thơm dễ chịu và vị cay the. Thành phần tinh dầu tự nhiên có trong húng chanh, bao gồm carvacrol và eugenol, giúp kháng khuẩn mạnh mẽ, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây viêm họng, đồng thời làm giảm tình trạng viêm và đau rát họng. Ngoài ra, húng chanh còn có tác dụng làm dịu niêm mạc, hỗ trợ giải cảm, tiêu đờm và bổ phế.
Trong y học hiện đại, chiết xuất từ lá húng chanh đã được sử dụng trong nhiều sản phẩm dược phẩm để chữa ho, viêm họng, cảm lạnh. Điều này chứng tỏ công dụng của húng chanh không chỉ được công nhận trong y học cổ truyền mà còn được y học hiện đại khẳng định.
Cách dùng lá húng chanh chữa viêm họng
Nhờ đặc tính kháng viêm và làm dịu, lá húng chanh được sử dụng phổ biến để giảm bớt các triệu chứng viêm họng. Dưới đây là một số bài thuốc chữa viêm họng từ loại dược liệu này:
Bài thuốc 1: Húng chanh chưng quất và đường phèn
Chuẩn bị 15 lá húng chanh, 4 quả quất, 50g đường phèn. Rửa sạch và sơ chế các nguyên liệu, trong đó quất cắt đôi, bỏ hạt. Sau đó, cho tất cả nguyên liệu vào chén và chưng cách thủy trong 20 phút. Lọc lấy nước, uống 2-3 lần mỗi ngày trong 3-5 ngày để cải thiện triệu chứng viêm họng.
Bài thuốc 2: Húng chanh hấp rượu
Xay nhuyễn 7-10 lá húng chanh, trộn với 10ml rượu gạo. Đem hỗn hợp hấp cách thủy trong 7-10 phút. Sau khi tắt bếp, chia thành 3 phần và uống trực tiếp. Lưu ý không dùng cho phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 12 tuổi và người dị ứng cồn.
Bài thuốc 3: Nhai trực tiếp lá húng chanh với muối
Giã nát 1 nắm lá húng chanh cùng với một ít muối hạt. Ngậm hỗn hợp này trong miệng, nhai chậm để tinh dầu húng chanh thấm dần vào họng. Sau khi nuốt, súc miệng lại bằng nước ấm để làm dịu cảm giác. Thực hiện 2 lần mỗi ngày liên tục trong 7-10 ngày để giảm đau rát và cải thiện tình trạng viêm họng hiệu quả.
Chữa viêm họng bằng lá cây lược vàng
Lá cây lược vàng là một thảo dược được ưa chuộng trong điều trị các vấn đề về hô hấp, bao gồm viêm họng. Với các hoạt chất chống viêm tự nhiên, lá cây lược vàng nổi bật với khả năng kháng viêm, giảm đau và làm dịu cổ họng, giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng viêm họng.
Công dụng của lá lược vàng chữa viêm họng
Từ lâu, lá lược vàng đã được y học cổ truyền sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm họng. Với vị đắng nhẹ, tính mát và khả năng thanh nhiệt, giải độc, lá lược vàng giúp làm dịu cơn đau rát, giảm sưng viêm và cải thiện tình trạng khó chịu ở cổ họng.
Đồng thời, các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh các hoạt chất quý giá như flavonoids và saponins trong lá lược vàng có tác dụng kháng viêm, chống oxy hóa mạnh mẽ. Chúng giúp ức chế các enzyme gây viêm, giảm thiểu phản ứng viêm và bảo vệ tế bào niêm mạc họng. Nhờ đó, lá lược vàng không chỉ làm dịu cơn đau rát tức thời mà còn hỗ trợ quá trình hồi phục của cổ họng, giúp bạn nhanh chóng lấy lại giọng nói trong trẻo.
Cách dùng lá lược vàng chữa viêm họng
Lá lược vàng là một thảo dược hiệu quả trong việc điều trị viêm họng nhờ vào các hoạt chất kháng viêm và làm dịu cổ họng. Để tận dụng tối đa công dụng của lá lược vàng, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản như sau:
Cách 1: Nhai lá trực tiếp: Đây là cách đơn giản nhất. Người bệnh có thể hái lá lược vàng tươi, rửa sạch và nhai từ từ. Các hoạt chất trong lá sẽ giúp làm dịu cổ họng và giảm viêm.
Cách 2: Sắc nước uống: Cho lá lược vàng vào ấm đun sôi cùng với nước. Sau đó, chắt lấy nước để nguội và uống nhiều lần trong ngày.
Cách 3: Xông hơi: Cho lá lược vàng vào nồi nước sôi, dùng khăn trùm kín đầu và hít hơi nước. Cách này giúp làm thông thoáng đường thở và giảm viêm.
Xem thêm: Công dụng của cây lược vàng chữa viêm họng
Chữa viêm họng bằng lá bạc hà
Bạc hà là một loại thảo dược vừa được dùng làm gia vị vừa là thuốc Nam quý, với dạng thân thảo, sống lâu năm và được sử dụng rộng rãi trong dân gian.
Công dụng của lá bạc hà chữa viêm họng
Lá bạc hà từ lâu đã được biết đến với hương thơm đặc trưng và những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Theo các nghiên cứu khoa học, lá bạc hà chứa một lượng lớn tinh dầu, bao gồm các thành phần như menthol, menthone, camphene, limonene… Chính những hoạt chất này đã mang đến cho bạc hà nhiều công dụng quý. Trong đó, Menthol được xem là thành phần chính và đặc trưng nhất trong lá bạc hà. Với hương thơm mát lạnh và tính chất làm dịu, menthol mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như làm dịu các cơn đau nhức, giảm viêm, kháng khuẩn, thông thoáng đường thở, giảm nghẹt mũi và long đờm hiệu quả.
Cách dùng lá bạc hà chữa viêm họng
Lá bạc hà là một thảo dược hiệu quả trong điều trị viêm họng nhờ vào các hoạt chất kháng viêm tự nhiên. Một số cách sử dụng lá bạc hà đơn giản giúp giảm triệu chứng viêm họng:
Cách 1: Nhai lá bạc hà trực tiếp: Rửa sạch lá bạc hà và nhai trực tiếp hoặc xay nhuyễn, giã nát, rồi pha với nước ấm để uống hàng ngày.
Cách 2: Pha chế với đường phèn: Nấu đường phèn với nước cho đến khi đường tan, sau đó cho thêm lá bạc hà đã rửa sạch vào đun tiếp. Khi nước chuyển sang màu xanh, thêm nước cốt chanh vào đun đến khi hỗn hợp sệt lại. Để nguội và cho vào lọ thủy tinh để dùng dần.
Lưu ý: Lá bạc hà không phù hợp với người có thể tạng gầy yếu, suy nhược, đang bị ngứa, táo bón hoặc huyết áp cao. Ngoài ra, sử dụng quá nhiều hoặc lâu ngày có thể gây lạnh người, âm hư, sốt, ho, và tự ra mồ hôi, vì vậy cần dùng đúng liều lượng.
Lá rẻ quạt chữa viêm họng hiệu quả
Lá rẻ quạt từ lâu đã được sử dụng trong y học dân gian để điều trị các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm họng. Với những đặc tính nổi bật, lá rẻ quạt đã trở thành một trong những thảo dược tự nhiên được nhiều người tin dùng.
Công dụng của lá rẻ quạt chữa viêm họng
Lá rẻ quạt, còn gọi là xạ can hay lưỡi đồng, là một thảo dược được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh lý liên quan đến hô hấp. Với vị đắng và tính hàn, cây rẻ quạt có những công dụng nổi bật trong việc điều trị các triệu chứng viêm họng. Trong Đông y, lá rẻ quạt được đánh giá cao nhờ vào khả năng tiêu viêm, hóa đờm và giảm đau họng. Đây là lựa chọn phổ biến cho những ai tìm kiếm phương pháp điều trị tự nhiên cho các vấn đề về họng và hệ hô hấp.
Cách dùng lá rẻ quạt chữa viêm họng
Lá rẻ quạt chữa viêm họng có thể dụng ở dạng tươi hoặc đã phơi khô. Đồng thời, có thể kết hợp cùng với nhiều vị dược liệu khác để nâng cao hiệu quả điều trị. Một số bài thuốc chữa viêm họng đơn giản từ lá rẻ quạt:
Bài thuốc 1: Lá rẻ quạt tươi rửa sạch, sau đó giã nát hoặc xay nhuyễn. Đem pha với nước ấm và lọc lấy nước cốt để uống. Uống đều đặn mỗi tối, duy trì trong 3-5 ngày sẽ thấy các triệu chứng viêm họng giảm dần. Nước lá rẻ quạt tươi có thể hơi khó uống, người bệnh cần kiên trì sử dụng đều đặn để thấy được hiệu quả điều trị.
Bài thuốc 2: Chuẩn bị 9 gam lá rẻ quạt, 6 gam bạc hà, 9 gam kim ngân và 6 gam cam thảo. Đem tất cả các nguyên liệu sắc với nước để lấy nước uống trong ngày. Bài thuốc này hiệu quả đối với những trường hợp viêm họng nhẹ hoặc các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện.
Bài thuốc 3: Kết hợp 10 gam lá rẻ quạt với 10 gam sâm đại hành, sắc với nước để lấy nước uống khi còn ấm. Chia lượng nước sắc ra để uống từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Áp dụng bài thuốc trong vòng 3 ngày để cảm nhận hiệu quả rõ rệt.
Bài thuốc 4: Dùng 5 đến 6 gam lá rẻ quạt, sắc với nước và uống 3 lần mỗi ngày. Người bệnh có thể sử dụng rễ rẻ quạt đã được phơi khô thay thế cho lá để đạt được hiệu quả tương tự.
Lời khuyên khi dùng lá cây trị viêm họng tại nhà
Khi sử dụng các vị dược liệu chữa viêm họng tại nhà, để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, trước khi sử dụng lá cây trị viêm họng người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Tránh sử dụng các loại cây lạ hoặc chưa được nghiên cứu rõ ràng. Thay vào đó, chỉ sử dụng các loại lá cây đã được xác minh có tác dụng chữa viêm họng.
- Trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y học cổ truyền, đặc biệt đối với những người có các bệnh lý nền hoặc đang sử dụng thuốc khác.
- Luôn rửa sạch các vị dược liệu trước khi sử dụng để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn hoặc hóa chất.
- Theo dõi các phản ứng của cơ thể sau khi sử dụng lá cây. Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường như kích ứng, buồn nôn hoặc triệu chứng nghiêm trọng hơn cần ngưng sử dụng ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Nếu chế biến thuốc từ lá cây để dùng dần, cần bảo quản đúng cách để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.
Việc sử dụng các phương pháp tự nhiên để điều trị viêm họng có thể mang lại lợi ích, nhưng cần thực hiện cẩn thận để đạt được kết quả tốt nhất và đảm bảo sức khỏe. Trên đây là toàn bộ nội dung về chủ đề “Lá cây trị viêm họng”, hy vọng đã giải đáp các thắc mắc của bạn.
>>> Xem thêm: Cây nha đam chữa viêm họng – Hướng dẫn sử dụng hiệu quả