Trẻ nhỏ nhạy cảm và có sức đề kháng yếu hơn so với người lớn. Vì vậy, trẻ nhỏ dễ bị tác động bởi thời tiết gây viêm da dị ứng. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cha mẹ phòng ngừa và xử trí viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ đúng cách.
Mục lục
- 1. Căn nguyên của viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ
- 2. Dấu hiệu nhận biết viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ
- 3. Cha mẹ cần làm gì khi bé bị viêm da dị ứng thời tiết?
- 3.1. Thực hiện các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết lên trẻ
- 3.2. Chăm sóc cẩn thận làn da của trẻ
- 3.3. Áp dụng mẹo dân gian trị viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ
- 3.4. Dùng thuốc điều trị viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ
- 3.5. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ
- 3.6. Đưa trẻ đi khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường
Căn nguyên của viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ
Viêm da dị ứng là phản ứng chống trả của cơ thể khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây dị ứng. Thời tiết cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh. Viêm da dị ứng thời tiết có tính chất tái phát thường xuyên và có thể cấp tính hoặc mạn tính theo thời gian diễn biến.
Bệnh bùng phát khi thời tiết có sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm như những giai đoạn chuyển mùa hoặc trong những mùa hanh khô như mùa thu – đông. Ngoài ra, các yếu tố xuất hiện trong những thời điểm này như nấm mốc, phấn hoa, đổ mồ hôi nhiều cũng có thể khiến bệnh bùng phát.
Trẻ em là đối tượng có tỷ lệ mắc căn bệnh này cao do có sức đề kháng yếu và dễ bị tác động bởi môi trường. Bệnh thường khởi phát ở trẻ 3 tháng tuổi trở lên.
Cơ chế bệnh sinh của viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ là các phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào quá mức và liên quan nhiều đến các yếu tố di truyền, miễn dịch:
- Trẻ nhỏ có cơ địa dị ứng hoặc có người thân trong gia đình bị viêm da cơ địa, viêm da dị ứng và những bệnh dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi xoang dị ứng dễ bị viêm da dị ứng thời tiết hơn.
- Bất thường gen như đột biến gen mã hóa filaggrin ở da khiến da khô nẻ, dễ kích ứng và nhạy cảm hơn với các yếu môi trường như thời tiết.
- Viêm da dị ứng cũng có thể gặp ở trẻ có thể trạng yếu, nhiễm virus, bị mất Globulin huyết thanh trong hội chứng thận hư gây suy giảm miễn dịch hoặc trẻ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tự miễn.
Viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có thể làm tăng nguy cơ tiến triển các bệnh dị ứng hô hấp khác. Căn bệnh này cũng khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu, chán ăn, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Dấu hiệu nhận biết viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ
Khi thời tiết thay đổi đột ngột, trẻ mắc bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng điển hình của viêm da dị ứng như:
- Da nóng lên, nổi các mụn nước, mẩn ngứa, phồng rộp và ban đỏ nổi thành mảng trên da.
- Các mụn nước, phồng rộp khi vỡ chảy dịch và đóng vảy tróc trên da.
- Trẻ ngứa ngáy, đau rát nên rất khó chịu và hay gãi.
- Dị ứng có thể biểu hiện ở toàn thân hoặc các vùng da hở như tay, chân, cổ và mặt.
- Da trẻ khô ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm.
- Trẻ có thể sốt trong giai đoạn đầu của bệnh.
Ngoài ra, trẻ mắc kèm dị ứng hô hấp còn gặp các triệu chứng như ngứa mũi, sổ mũi, hắt hơi, khó thở và đau đầu.
Các triệu chứng này khiến trẻ khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày của trẻ. Trẻ gãi còn gây nguy cơ nhiễm khuẩn ở vết thương trên da, khiến bệnh kéo dài và khó chữa trị hơn. Thậm chí những trường hợp nặng, vi khuẩn có thể qua vết thương trên da vào máu, gây nhiễm trùng các cơ quan nội tạng rất nguy hiểm. Vì vậy, việc kiểm soát căn bệnh này sớm và đúng cách là rất quan trọng.
Cha mẹ cần làm gì khi bé bị viêm da dị ứng thời tiết?
Sự khởi phát bệnh viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ em khó có thể dự đoán cụ thể. Vì vậy, việc phòng ngừa căn bệnh này là không hề dễ dàng. Tuy nhiên cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa, điều trị để làm giảm mức độ bệnh trong mỗi lần khởi phát và hạn chế ảnh hưởng của viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo cha mẹ nên áp dụng các biện pháp sau đây:
Thực hiện các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết lên trẻ
Hạn chế ảnh hưởng của thời tiết sẽ giúp trẻ nhanh cải thiện triệu chứng trong các đợt bùng phát bệnh hơn. Các biện pháp cụ thể bao gồm:
- Đóng kín cửa sổ, giữ ấm/làm mát không khí trong nhà. Có thể sử dụng máy lọc không khí để làm thông thoáng và cân bằng độ ẩm nhà cửa.
- Tránh cho trẻ ra ngoài trong thời điểm chuyển mùa. Nếu phải ra ngoài, cần có phương án che chắn đầy đủ cho trẻ.
- Giữ ấm cơ thể cho trẻ trong mùa đông.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, hạn chế tích tụ nấm mốc và bụi bẩn.
Chăm sóc cẩn thận làn da của trẻ
Làn da trẻ được chăm sóc hợp lý sẽ nhanh phục hồi hơn, đồng thời giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh trong những lần tái phát tiếp theo. Cha mẹ cần áp dụng các biện pháp chăm sóc da cho trẻ sau đây:
- Tắm rửa cho trẻ thường xuyên bằng nước sạch và các loại sữa tắm, dầu gội nhẹ dịu, ít kiềm.
- Sau khi trẻ tắm rửa, cần cho trẻ lau khô bằng khăn mềm và bôi kem dưỡng ngay.
- Cho trẻ bôi kem dưỡng da đầy đủ ít nhất 2 lần/ngày. Cha mẹ nên lựa chọn những loại kem dưỡng ẩm làm tính, chứa các hoạt chất giúp giữ ẩm và phục hồi da như Ceramide, Urea, Glycerin, Acid béo, Acid Hyaluronic,…
- Lựa chọn những loại quần áo mềm mịn, thoáng mát cho trẻ để giảm ma sát và kích ứng da, giúp hạn chế các cơn ngứa.
- Giáo dục trẻ không gãi lên vùng da bệnh. Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ cần đeo găng tay, tất chân để trẻ bớt gãi và cắt móng tay cho trẻ thường xuyên.
Áp dụng mẹo dân gian trị viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ
Các mẹo dân gian trị viêm da dị ứng ở trẻ nhỏ không thể làm dứt điểm bệnh nhưng có thể cải thiện triệu chứng hiệu quả, giúp trẻ đỡ ngứa ngáy và khó chịu. Một số mẹo cha mẹ có thể áp dụng cho trẻ:
- Chườm lạnh: Lấy một vài viên đá lạnh, bọc trong khăn sạch và chườm lên vùng da bệnh cho trẻ. Không nên chườm đá trực tiếp vì có thể khiến trẻ bị bỏng lạnh.
- Tắm lá thảo dược: Dùng một trong các loại lá trà xanh/lá khế/lá đơn đỏ/lá trầu không, đem giã hoặc vò nát rồi cho vào nồi nước. Đun sôi nước lá tắm trong 15 phút rồi pha loãng cho nguội bớt và tắm cho trẻ.
Dùng thuốc điều trị viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ
Những trẻ khi phát bệnh có biểu hiện nặng, sử dụng các biện pháp giảm triệu chứng tại nhà kể trên không có hiệu quả sẽ phải dùng thêm thuốc để điều trị. Tùy vào độ tuổi, mức độ bệnh và độ nhạy cảm của trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc phù hợp.
Thông thường, trẻ em trên 5 tuổi có thể sử dụng các thuốc viên uống. Trẻ dưới 5 tuổi đa số được dùng thuốc bôi để điều trị.
Các thuốc điều trị viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ:
- Thuốc chống viêm Corticoid dùng ngoài: Hydrocortisone, Triamcinolone, Betamethasone, Clobetasol, Fluticason.
- Thuốc bôi ức chế miễn dịch: Tacrolimus, Pimecrolimus.
- Thuốc bôi chống nhiễm khuẩn: Acid Fusidic.
- Thuốc chống viêm Corticoid đường uống: Prednisolon, Methylprednisolon.
- Thuốc giảm ngứa: thuốc kháng Histamin H1 dùng đường uống (Clorpheniramin, Diphenhydramin, Loratadin).
- Thuốc ức chế miễn dịch đường uống: Dùng trong trường hợp nặng, kháng trị, bao gồm Cyclosporin, Methotrexate, Mycophenolate mofetil,…
- Kháng sinh đường toàn thân: Dùng khi trẻ nhiễm khuẩn nặng, lựa chọn kháng sinh phụ thuộc căn nguyên vi khuẩn.
- Thuốc sát khuẩn và làm liền vết thương: Nano bạc chuẩn hóa (gel bôi PlasmaKare No5), Nitrat bạc,…
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm da dị ứng thời tiết cho trẻ:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ
- Thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc, tăng liều hay giảm liều.
- Lưu ý tác dụng phụ của các thuốc được sử dụng và thông báo ngay cho bác sĩ khi nghi ngờ trẻ mắc các tác dụng phụ này.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Trẻ có sức khỏe tốt sẽ giảm bớt tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trong mỗi lần phát bệnh. Các biện pháp tăng cường sức đề kháng cho trẻ bao gồm thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống, bao gồm:
- Tạo thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày cho trẻ.
- Đối với trẻ sơ sinh, nên cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để tăng cường miễn dịch thụ động từ mẹ.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu Vitamin, khoáng chất và các chất chống viêm như cá béo, rau củ, trái cây, thịt bò,…
- Trẻ có cơ địa dị ứng cần theo dõi các loại thực phẩm trẻ sử dụng và loại bỏ những thực phẩm gây dị ứng cho trẻ trong thực đơn.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường
Trong thời gian trẻ bị dị ứng thời tiết, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay khi thấy xuất hiện những dấu hiệu lạ như:
- Trẻ bị dị ứng thời tiết nổi mẩn ngứa lan rộng ra toàn thân
- Áp dụng các biện pháp chăm sóc hoặc dùng thuốc không có hiệu quả
- Trẻ sốt, ho, sổ mũi khó thở và hắt hơi kéo dài
- Trẻ bị viêm kết mạc dị ứng
- Mụn nước của trẻ vỡ nhiều, chảy dịch mủ và đóng vảy tiết màu vàng (dấu hiệu nhiễm khuẩn)
Viêm da dị ứng do thời tiết rất hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ có cơ địa dị ứng và sức đề kháng yếu. Quan trọng nhất là cha mẹ phải nhận biết và thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa, điều trị viêm da dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ để giúp trẻ nhanh cải thiện bệnh, hạn chế những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển.