Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh làm cho trẻ quấy khóc khiến cho bố mẹ lo lắng. Vậy có cách nào giúp mẹ chữa nhiệt miệng cho bé ngay tại nhà? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của PlasmaKare để biết được phương pháp thực hiện giúp bé nhanh khỏi.
Mục lục
- 1. Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh là gì
- 2. Nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh nhiệt miệng
- 3. Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không
- 4. Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng phải làm sao
- 5. Cách phòng tránh bệnh nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh
- 6. Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng mẹ nên ăn gì
- 7. Lưu ý khi chữa nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh
Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh là gì
Nhiệt miệng là những vết sưng đỏ, gây đau trên miệng, nướu hoặc lưỡi của trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể quan sát thấy các dấu hiệu dưới đây ở con:
- Có các nốt trắng, đỏ, vàng nhạt xuất hiện trong khoang miệng và hai bên má, các nốt có kích thước khoảng 1-2mm, hình tròn hoặc bầu dục.
- Trên đầu lưỡi có những chấm trắng li ti.
- Nướu bị sưng lên hoặc chảy máu.
- Có thể xảy ra tình trạng sốt cao, nổi hạch ở cổ.
Khi bị nhiệt miệng bé sẽ khó chịu, đau, quấy khóc và lười bú. Vì vậy bố mẹ cần quan tâm để nhanh có biện pháp để xử lý, tránh ảnh hưởng tới sức khoẻ của bé.
Nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh nhiệt miệng
Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra bệnh nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh:
- Vấn đề vệ sinh răng miệng cho bé không được sạch sẽ tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển.
- Vô tình tạo nên vết thương trong khoang miệng của bé.
- Do sữa mẹ: Đây là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh, nếu mẹ ăn uống thiếu chất có thể khiến cho trẻ thiếu dinh dưỡng. Khi thiếu các vitamin B, C, sắt, kẽm sẽ khiến cho trẻ bị nhiệt miệng.
- Mẹ ăn uống không điều độ, thường xuyên căng thẳng khiến cho chất lượng sữa không được đảm bảo.
- Khi trẻ mắc bệnh về tay chân miệng như: viêm họng, thuỷ đậu cũng có thể gây ra tình trạng nhiệt miệng.
Nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không
Thông thường, trẻ sơ sinh nhiệt miệng sẽ khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo hệ miễn dịch của trẻ đang bị suy giảm.
Trong một số trường hợp, ngoài các biểu hiện ngay trong khoang miệng còn có kèm theo hiện tượng sốt cao liên tục, sụt cân, đau bụng, đi ngoài phân có lẫn máu hoặc tình trạng nhiệt miệng bị tái phát nhiều lần thì cần thận trọng. Gia đình cần chủ động theo dõi các triệu chứng của bé và đưa tới cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng phải làm sao
Khi trẻ bị nhiệt miệng, bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp để giúp giảm triệu chứng và tăng tốc quá trình hồi phục:
Cho trẻ bú nhiều hơn
Với trẻ sơ sinh, việc tăng cường cho bé bú sẽ là giải pháp hiệu quả nhất khi bị nhiệt miệng, bởi vì trẻ chưa thể uống thêm các loại nước và thực phẩm bổ sung khác.
Mẹ có thể tăng cường thời gian cho bé bú hoặc tăng lượng sữa mỗi lần cho bé bú để giúp ngăn ngừa vi khuẩn và virus xâm nhập, gây viêm nhiễm ở khoang miệng. Sữa mẹ cũng giúp bù nước cần thiết cho cơ thể của bé.
Nếu mẹ tích sữa trong tủ đông để dùng dần, mỗi lần cho bé bú cần hâm nóng sữa trước khi cho bé uống, và tránh để sữa nóng gây bỏng niêm mạc miệng của bé. Nếu bé sử dụng sữa công thức, phụ huynh cũng nên cho bé uống nhiều hơn bình thường. Trong cả hai trường hợp này cần chú ý nhiệt độ sữa để tránh làm tổn thương niêm mạc miệng và làm tình trạng loét nhiệt miệng trở nên nặng hơn.
Vệ sinh nướu miệng cho bé
Nhiệt miệng là một triệu chứng phổ biến ở trẻ sơ sinh, và có thể do việc vệ sinh miệng của bé chưa đảm bảo. Nếu phụ huynh thấy trẻ bị nhiệt miệng, có thể giúp bé bằng cách rửa miệng, khoang miệng, lưỡi bằng nước muối sinh lý ấm từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Phương pháp này nên được duy trì cho đến khi triệu chứng nhiệt miệng của bé hoàn toàn biến mất.
Cách chăm sóc khoang miệng cho bé
- Để vệ sinh miệng cho trẻ, trước tiên mẹ cần rửa tay sạch.
- Sau đó, mẹ có thể đặt bé nằm trên giường hoặc bế đặt lên đùi.
- Tiếp theo, mẹ có thể dùng gạc quấn quanh ngón trỏ hoặc đeo gạc tưa lưỡi hình ống chuyên dụng. Nhúng ẩm gạc trong dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước đun sôi để nguội.
- Sau đó, chạm nhẹ môi dưới để trẻ mở miệng. Nhẹ nhàng lau xung quanh vòm miệng và massage nướu trẻ.
- Cuối cùng, đặt ngón tay vào phía gốc lưỡi và kéo ra phía ngoài để loại bỏ cặn sữa.
Quá trình vệ sinh miệng nên được thực hiện đều đặn mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh miệng của trẻ.
Để bé được nghỉ ngơi nhiều hơn
Khi bé bị nhiệt miệng, bé có thể quấy khóc do cảm thấy khó chịu hoặc sốt cao hơn bình thường. Trong trường hợp này, bố mẹ nên cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn để tránh mất sức và không chạm vào vết thương. Đặc biệt, cần chú ý để trẻ không cho tay vào miệng, tránh làm tổn thương vị trí bị nhiệt vì điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và nguy cơ lan rộng của các vết nhiệt miệng tăng lên.
Cách phòng tránh bệnh nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh
Để ngăn ngừa nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh, mẹ nên chú ý trong sinh hoạt và ăn uống do sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ:
- Rơ lưỡi nhẹ nhàng để vệ sinh khoang miệng cho bé.
- Mẹ nên hạn chế ăn các đồ cay nóng, dầu mỡ trong giai đoạn cho con bú.
- Không để những đồ vật cứng, sắc nhọn ngay cạnh bé để ngăn tình trạng bé cầm cho vào miệng gây tổn thương.
- Luôn quan sát và theo dõi sức khoẻ của con để phát hiện những dấu hiệu bất thường sớm nhất có thể.
- Trong trường hợp nuôi con bằng sữa công thức, cần chú ý nhiệt độ sữa khi cho bé uống, tránh để quá nóng gây bỏng miệng bé.
Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng mẹ nên ăn gì
Sữa mẹ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và các vitamin, đồng thời có tính kháng khuẩn cao. Do đó, mẹ cần bổ sung thêm hoa quả giàu vitamin C, uống đủ nước để đảm bảo chất lượng sữa. Hơn nữa, mẹ nên tăng cường sử dụng các thực phẩm tính mát, giàu vitamin B và chất sắt để cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé.
Mẹ nên bổ sung vào những bữa ăn hàng ngày các loại thịt, cá, tôm, cua… có chứa nhiều kẽm và sắt.
Đặc biệt, rau củ là một trong những nguồn thực phẩm giàu vitamin và chất chống viêm kháng khuẩn tốt, đồng thời có tác dụng thanh nhiệt giúp cải thiện hiệu quả chứng nóng trong khi cho con bú. Dưới đây là một số loại rau có tính mát mẹ có thể sử dụng:
- Rau ngót: Có tính mát, vị ngọt chứa nhiều vitamin C, chất xơ và khoáng chất như canxi, photpho. Mẹ có thể ăn canh rau ngót trong bữa ăn hằng ngày để nâng cao chất lượng sữa.
- Mướp đắng: Chứa nhiều vitamin A và có tác dụng thanh nhiệt, thải độc nhanh. Mẹ có thể chế biến mướp đắng thành món canh hoặc nước giải khát.
- Rau má: Rau má có vị ngọt hơi đắng và được biết đến với nhiều tác dụng như giải nhiệt, tăng cường thải độc, lợi sữa và có hiệu quả trong chữa nhiều bệnh liên quan đến răng miệng. Tinh chất Triterpenoids trong rau má có tác dụng làm lành vết thương, săn chắc và giảm triệu chứng nhiệt miệng.
- Diếp cá: Có tác dụng thanh nhiệt cơ thể. Đồng thời, rau diếp cá có hoạt tính kháng khuẩn mạnh, giúp chữa lành vết loét một cách nhanh chóng. Vì vậy khi mẹ sử dụng diếp cá cũng góp phần giúp cho vết nhiệt miệng của bé mau lành.
Lưu ý khi chữa nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh
Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh mà bố mẹ quan tâm:
- Có thể dùng khăn thấm nước lạnh chườm cho bé.
- Không dùng mật ong bôi lên vết nhiệt miệng ở trẻ sơ sinh.
- Không tự ý cho bé dùng thuốc hay các loại vitamin mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
- Trong trường hợp sau 3 tuần mà bệnh nhiệt miệng của bé vẫn không thuyên giảm thì cần đến ngay các cơ sở y tế để có các biện pháp chữa trị kịp thời.
- Vệ sinh bình và dụng cụ pha sữa cho bé sau mỗi lần dùng.
- Vệ sinh miệng cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc nước ấm 2 lần/ngày.
- Không nên đưa ngón tay vào sâu trong miệng của trẻ vì điều này có thể khiến bé bị nôn trớ.
- Không nên vệ sinh miệng của bé ngay sau khi bé ăn xong mà nên đợi ít nhất 30 phút sau khi bé ăn để tránh làm tổn thương niêm mạc miệng của bé hoặc kích thích bé nôn mửa.
Trẻ sơ sinh bị nhiệt miệng tuy không phải là quá nguy hiểm nhưng khiến cho bé quấy khóc, khó chịu. Vì vậy bố mẹ nên áp dụng các biện pháp chăm sóc hợp lý để nhanh chóng đẩy lùi nhiệt miệng.