Viêm hạch bạch huyết (CL) là một bệnh truyền nhiễm với triệu chứng đặc trưng là sự phát triển của các khối u trong hạch bạch huyết và cơ quan nội tạng. Viêm hạch bạch huyết do vi khuẩn Corynebacterium pseudotuberculosis gây ra. Đây là vi khuẩn nội bào thuộc nhóm Gram (+). Chẩn đoán xác định Cl thông qua việc phân lập tổn thương. Chất tiết từ các vết thương có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vì C. pseudotuberculosis có thể tồn tại thời gian dài trong đất (Spier và cộng sự, 2012). Nghiên cứu này nhằm xác minh hiệu quả của thuốc mỡ bôi ngoài da AgNP sinh học trong điều trị CL sau phẫu thuật.
Mục lục
- 1. Tổng quan nghiên cứu
- 2. Thiết kế nghiên cứu và phương pháp
- 2.1. Thiết kế nghiên cứu
- 2.2. Tổng hợp AgNP sinh học
- 2.3. Sản xuất thuốc mỡ AgNP
- 2.4. Chủng vi khuẩn
- 2.5. Phân lập C. pseudotuberculosis từ tổn thương caseous
- 2.6. Xác định các chủng C. pseudotuberculosis trong phòng thí nghiệm và độ nhạy cảm trên lâm sàng/ Khả năng kháng AgNP
- 2.7. Theo dõi các chỉ số
- 2.8. Phân tích thống kê
- 3. Kết quả
- 4. Kết luận
Tổng quan nghiên cứu
Phương pháp điều trị CL thông thường gồm dẫn lưu và hóa trị vùng tổn thương bằng dung dịch iod 10%. Tuy nhiên, loại điều trị này không hiệu quả do iod có hoạt tính kháng khuẩn thấp và gây độc tế bào.
Hiện nay, các hoạt chất nano bạc (AgNP) có thể được coi là phương pháp điều trị thay thế điều trị CL. Bởi không chỉ có hiệu quả kháng khuẩn vượt trội, chúng còn giúp phục hồi tổn thương và có chi phí sản xuất thấp.
Thử nghiệm
Nghiên cứu thực hiện trên 29 con dê và cừu có dấu hiệu lâm sàng của CL. Thực hiện cắt bỏ các vùng tổn thương. Phân lập các vi khuẩn từ vùng tổn thương, quan sát trong 8 tuần sau điều trị và lấy mẫu máu hàng tuần.
Đồng thời, các vết thương sau phẫu thuật được chia nhóm điều trị để so sánh hiệu quả:
- Nhóm thử nghiệm: Điều trị bằng công thức thuốc mỡ gồm AgNP trộn với sáp và dầu tự nhiên.
- Nhóm chứng: Điều trị thông thường bằng Iod 10%.
Kết quả
Kết quả sau thử nghiệm cho thấy:
- Khả năng làm lành: Ở nhóm thử nghiệm, vết thương nhanh lành, diện tích tổn thương nhỏ hơn nhóm chứng trong thời gian quan sát. Tác dụng sau này cũng được quan sát thấy ở dê.
- Tổn thương ở nhóm thử nghiệm ít tiết dịch mủ hơn nhóm chứng.
- Nhóm thử nghiệm có số lượng bạch cầu và nồng độ kháng thể chống lại C. pseudotuberculosis thấp hơn. Sự khác biệt trong kết quả xét nghiệm máu giữa các nhóm không có ý nghĩa thống kê.
- Thử nghiệm tính nhạy cảm trên các chủng C. pseudotuberculosis (các chủng T1, 1002, FRC41 và VD57) cho thấy AgNP có khả năng ức chế tăng trưởng các vi khuẩn này ngay cả ở nồng độ thấp.
Kết luận
Điều trị CL sau phẫu thuật bằng thuốc mỡ gốc AgNP có thể là một phương pháp triển vọng giúp giảm nhiễm trùng, phục hồi tổn thương nhanh hơn và là một giải pháp an toàn.
Thiết kế nghiên cứu và phương pháp
Nghiên cứu được thực hiện tại một trang trại chăn nuôi cừu và dê ở thành phố Capim Grosso, bang Bahia, Brazil.
Thiết kế nghiên cứu
Mẫu: 29 con cừu và dê có dầu hiệu lâm sàng của CL. Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn vùng tổn thương với kích thước vết rạch chuẩn hóa.
Chia làm 4 nhóm cùng điều trị tại thời điểm cắt bỏ tổn thương CL:
- Nhóm CP: 10 con dê được điều trị bằng thuốc mỡ AgNP.
- Nhóm CI: 10 con dê được điều trị bằng dung dịch iốt 10%.
- Nhóm OP: 5 con cừu được điều trị bằng thuốc mỡ gốc AgNP.
- Nhóm OI: 4 con cừu được điều trị bằng dung dịch iốt 10%.
Theo dõi lâm sàng, huyết thanh, huyết học và sinh hóa ngay trước phẫu thuật và trong vòng 8 tuần sau khi phẫu thuật. Nghiên cứu này đã được Ủy ban về Sử dụng Động vật trong Thử nghiệm Khoa học của Trường Thú y thuộc Đại học Liên bang Bahia chấp thuận (số giao thức 35/2017).
Tổng hợp AgNP sinh học
Thực hiện tổng hợp tạo các hạt nano bạc kích thước 28,0 ± 13,1 nm, độ phân tán đa phân là 0,231, thế zeta là −31,7 ± 2,8 mV và có dạng hình cầu (Stanisic et al., 2018).
Sản xuất thuốc mỡ AgNP
Điều trị CL sau phẫu thuật bằng thuốc mỡ kết hợp giữa dung dịch keo AgNP sinh học 12,8 mg/mL cùng sáp và dầu tự nhiên. Thành phẩm là kem dầu/nước màu xám dễ thoa và để lại lớp màng dầu khi thoa lên bề mặt da.
Chủng vi khuẩn
Thử nghiệm tính nhạy cảm của vi khuẩn với AgNP trên bốn chủng C. pseudotuberculosis thuộc về biovar ovis và đều có bộ gen đã được giải trình tự:
- Chủng 1002 (GenBank CP001809.2), được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong dự án bộ gen của vi khuẩn.
- Chủng VD57 (GenBank CP009927.1), có độc lực cao được phân lập từ tổn thương CL ở dê.
- Chủng FRC41 (GenBank CP013146.1), được phân lập từ một trường hợp viêm hạch bạch huyết ở người tại Pháp.
- Chủng T1 (GenBank CP015100.1), là chủng giảm độc lực được sử dụng làm mô hình vắc-xin CL.
Phân lập C. pseudotuberculosis từ tổn thương caseous
Phân lập C. pseudotuberculosis từ các tổn thương CL. Nhuộm Gram và quan sát dưới kính hiển vi.
Xác định các chủng C. pseudotuberculosis trong phòng thí nghiệm và độ nhạy cảm trên lâm sàng/ Khả năng kháng AgNP
Pha loãng vi mô trong môi trường nuôi cấy. Sau đó phân tích trong quang phổ ở bước sóng 600nm và MIC 100 (Nồng độ tối thiểu ức chế 100% sự phát triển của vi khuẩn) và MBC 100 (Nồng độ thấp nhất có khả năng tiêu diệt 100% vi khuẩn).
Theo dõi các chỉ số
Tiến hành phẫu thuật, theo dõi lâm sàng, huyết học và huyết thanh học ngay trước và sau quy trình phẫu thuật. Quan sát và lấy mẫu định kỳ hàng tuần trong 8 tuần sau phẫu thuật:
- Đánh giá nhịp tim, nhịp thở, nhiệt độ trực tràng, điểm cơ thể và thời gian phục hồi sức căng da của động vật.
- Đo diện tích vết thương sau phẫu thuật.
- Phân tích chỉ số huyết học
- Phân tích ELISA gián tiếp để phát hiện kháng thể đặc hiệu C. pseudotuberculosis trong mẫu huyết thanh của động vật.
Phân tích thống kê
Phân tích thống kê được tiến hành bằng SPSS 18 (IBM, Hoa Kỳ). Thử nghiệm không ghép đôi được sử dụng để so sánh số lượng tế bào máu, diện tích vết thương hở, cơ thể và các điểm hydrat hóa cùng kết quả phân tích ELISA giữa các nhóm.
Các giá trị có p < 0,05 được coi là có ý nghĩa thống kê.
Kết quả
Tính nhạy cảm của các chủng C. pseudotuberculosis và các mẫu phân lập lâm sàng với AgNP
Nghiên cứu cho thấy:
- MIC 100 = 0,625 mg/mL với 3 chủng T1, 1002 và FRC41. MIC 100 = 7,5 mg/mL với chủng độc lực VD57.
- MBC 100 từ 1,25 đến 0,625 mg/mL đối với các chủng T1, 1002 và FRC41. Không quan sát thấy MBC 100 đối với chủng VD57 trong thí nghiệm này (Bảng 1).
- Cơ chế ức chế với các chủng T1, 1002 và FRC41 là tương tự nhau (Hình 1).
Đánh giá vết thương phẫu thuật
Kết quả:
- Thời gian trung bình lành hoàn toàn vết thương ở nhóm điều trị bằng AgNP thấp hơn hẳn nhóm điều trị bằng iod 10%.
- Vùng lông xung quanh vết thương phẫu thuật khi điều trị bằng AgNP mọc nhanh hơn.Hình 2. Số ngày trung bình cần thiết để vết thương lành hoàn toàn sau phẫu thuật điều trị viêm hạch bạch huyết (CL).
Kết quả:
- Lượng dịch mủ và độ ẩm trong vết thương của nhóm được điều trị bằng AgNP ở cả cừu và dê thấp hơn hẳn nhóm được điều trị bằng Iod 10%.
- Tỉ lệ sưng hạch bạch huyết ở dê khi dùng AgNP thấp hơn đáng kể so với khi điều trị bằng Iod 10%. Ở cừu, sự khác biệt về tỉ lệ sưng hạch bạch huyết không đáng kể, không có ý nghĩa thống kê.
Đánh giá lâm sàng sau phẫu thuật của động vật được điều trị bằng thuốc mỡ AgNP và Iod 10%
Nghiên cứu được đánh giá trong 2 tháng ở nhiệt độ ổn định khoảng 28°C. Sự khác biệt giữa các yếu tố lâm sàng trong nghiên cứu không có ý nghĩa thống kê. Và điều đáng chú ý là không có dấu hiệu nào về viêm da, nhạy cảm với ánh sáng hay quá mẫn cảm được quan sát thấy khi điều trị bằng AgNP.
Kết quả: Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê..
Đếm tế bào máu và xét nghiệm miễn dịch
Kết quả:
- Số lượng bạch cầu trong vòng 8 tuần ở nhóm điều trị bằng AgNP thấp hơn nhóm điều trị bằng Iod 10%.
- Kháng thể đạt đỉnh ngay sau can thiệp phẫu thuật ở cả cừu và dê.
- Kháng thể đặc hiệu kháng C. pseudotuberculosis ở nhóm dùng Iod 10% cao hơn nhóm dùng AgNP.
Kết luận
Kết hợp với các nghiên cứu trước đó, nghiên cứu nàyxác nhận rằng:
- AgNP có hiệu quả cao trong ức chế sự phát triển của 3 chủng C. pseudotuberculosis (T1, 1002 và FRC41), ngay cả ở nồng độ pha loãng cao.
- AgNP cũng có hiệu quả với nhiều vi khuẩn, cả chủng đã kháng β-lactam.
- Các thử nghiệm về khả năng làm lành của AgNP đều hiệu quả hơn so với điều trị bằng Iod 10% hay bạc thông thường.
- AgNP giúp giảm diện tích tổn thương ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hồi phục.
- AgNP giúp kháng viêm, giảm dịch tiết ngứa, săn se bề mặt da, hạn chế nhiễm trùng.
- AgNP trong nghiên cứu đảm bảo độ an toàn, không hề gây kích ứng hay mẫn cảm.
Kích thước AgNP là yếu tố quan trọng quyết định độ an toàn của thành phẩm. Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng AgNP 4nm có khả năng gây độc tế bào cao hơn AgNP ở nồng độ cao với kích thước 20 và 70nm.
Nhờ có độ ổn định, hiệu quả cao, ít gây đề kháng và độc tính thấp, AgNP đã được chứng minh là có thể được sử dụng làm thuốc bôi ngoài da để điều trị các tổn thương.
Với CL, phẫu thuật cắt bỏ tổn thương u hạt vẫn là lựa chọn khả thi nhất so với điều trị toàn thân bằng thuốc kháng khuẩn. Thuốc kháng khuẩn sẽ có tầm quan trọng lớn hơn trong điều trị sau phẫu thuật của bệnh, vì chúng giúp ức chế, tiêu diệt và ngăn chặn sự lây lan của các tác nhân gây bệnh.
Tài liệu tham khảo:
https://www.frontiersin.org/journals/microbiology/articles/10.3389/fmicb.2019.00824/full
https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fmicb.2019.00824/full#supplementary-material