Nghẹt mũi, khó thở tưởng chừng chỉ là những triệu chứng “vặt vãnh” và dễ bỏ qua. Thế nhưng khi tình trạng này kéo dài, nó không chỉ khiến bạn mệt mỏi, mất ngủ, giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý tiềm ẩn, thậm chí nguy hiểm.
Mục lục
Vậy khi liên tục phải “thở bằng miệng” vì mũi bị tắc, bạn nên xử lý thế nào? Đừng vội chủ quan hãy cùng Plasmakare khám phá ngay trong bài viết dưới đây để bảo vệ sức khỏe hô hấp của mình kịp thời nhé!
Nguyên nhân gây nghẹt mũi khó thở thường gặp

Nghẹt mũi, khó thở là tình trạng khá phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào và do nhiều yếu tố khác nhau gây ra. Việc hiểu rõ nguyên nhân giúp bạn tìm cách xử lý phù hợp và kịp thời.
- Cảm lạnh, cảm cúm: Khi thời tiết thay đổi thất thường hoặc cơ thể bị suy giảm miễn dịch, virus cảm lạnh và cúm dễ xâm nhập. Chúng làm niêm mạc mũi sưng viêm, tăng tiết dịch nhầy, khiến đường thở bị cản trở, dẫn đến nghẹt mũi và khó thở.
- Dị ứng: Dị ứng với phấn hoa, lông thú, bụi nhà, nấm mốc hoặc thậm chí các hóa chất có trong mỹ phẩm, chất tẩy rửa cũng có thể gây kích ứng mũi. Khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng, hệ miễn dịch sẽ phản ứng mạnh, tiết ra nhiều chất nhầy, khiến mũi tắc nghẽn và gây khó thở.
- Không khí ô nhiễm hoặc khô: Môi trường sống nhiều bụi bẩn, ô nhiễm hoặc phòng điều hòa quá khô đều có thể làm khô niêm mạc mũi. Khi đó, cơ thể phản xạ bằng cách tiết dịch nhầy để giữ ẩm và bảo vệ niêm mạc, dẫn đến cảm giác nghẹt mũi.
- Viêm xoang, viêm mũi dị ứng: Đây là những nguyên nhân bệnh lý thường gặp nhất. Viêm xoang khiến niêm mạc xoang và mũi bị sưng viêm, tăng tiết dịch nhầy và gây áp lực vùng mặt, làm người bệnh khó thở, đau đầu và giảm khứu giác. Viêm mũi dị ứng cũng khiến mũi luôn trong tình trạng tắc nghẽn, chảy nước mũi liên tục.
- Thay đổi nội tiết tố: Phụ nữ mang thai hoặc người đang ở giai đoạn thay đổi nội tiết (tuổi dậy thì, tiền mãn kinh) có thể bị nghẹt mũi kéo dài. Lý do là lưu lượng máu tăng, làm sưng mô mũi và kích thích tuyến nhầy hoạt động mạnh hơn.
- Polyp mũi: Polyp mũi là các khối u nhỏ, lành tính, hình thành từ niêm mạc mũi hoặc xoang do viêm mạn tính. Những khối polyp này có thể làm hẹp hoặc bít tắc đường thở, gây nghẹt mũi, khó thở kéo dài, kèm theo giảm khứu giác.
Ngoài ra những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống ít nước, ít vệ sinh mũi hoặc tiếp xúc lâu dài với hóa chất, khói bụi đều có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi mãn tính. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc xịt mũi không đúng cách cũng làm niêm mạc mũi tổn thương, sưng nề và nghẹt lâu dài.
Tác hại của việc chủ quan với nghẹt mũi khó thở

Nghẹt mũi, khó thở không chỉ gây khó chịu tạm thời mà còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu kéo dài và không được điều trị kịp thời.
- Ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe tinh thần: Tình trạng nghẹt mũi khiến bạn phải thở bằng miệng khi ngủ, gây ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc và ngủ không sâu. Lâu dài, điều này dẫn đến mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng tập trung và làm việc kém hiệu quả.
- Tăng nguy cơ viêm nhiễm và biến chứng: Dịch nhầy ứ đọng trong mũi tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, dễ gây viêm mũi, viêm xoang cấp và mãn tính. Nếu không kiểm soát tốt, viêm nhiễm có thể lan xuống phổi, gây viêm phế quản hoặc viêm phổi.
- Ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch: Khi mũi bị tắc, cơ thể buộc phải thở bằng miệng, khiến không khí không được lọc sạch và làm ấm, tăng nguy cơ kích ứng phổi. Đồng thời tình trạng thiếu oxy kéo dài có thể khiến tim phải hoạt động nhiều hơn, gây áp lực cho hệ tim mạch, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc người có bệnh lý nền.
Ngoài ra nghẹt mũi kéo dài khiến bạn luôn cảm thấy khó chịu, mất tự tin, hạn chế giao tiếp và giảm hứng thú trong sinh hoạt hàng ngày. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc, học tập và chất lượng sống tổng thể.
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị nghẹt mũi khó thở
Khám lâm sàng và khai thác bệnh sử
Đây là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng giúp bác sĩ nắm được tổng thể tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về thời gian xuất hiện nghẹt mũi, mức độ khó thở, tần suất tái phát, các yếu tố khởi phát (như thời tiết, tiếp xúc dị nguyên, thay đổi môi trường), tiền sử bệnh viêm mũi xoang, dị ứng hoặc các bệnh đường hô hấp mạn tính. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các dấu hiệu kèm theo như sổ mũi, đau đầu, giảm khứu giác, sốt, đau vùng mặt, ù tai hoặc cảm giác nặng vùng trán để định hướng nguyên nhân.

Nội soi mũi xoang
Nội soi mũi xoang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, giúp bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc mũi, các cuốn mũi, lỗ thông xoang và phát hiện những bất thường như polyp mũi, viêm mũi xoang mạn tính, phù nề niêm mạc hoặc tình trạng vẹo vách ngăn.
Đây được xem là “công cụ vàng” trong việc đánh giá tổn thương tại chỗ, từ đó lựa chọn hướng điều trị phù hợp, tránh bỏ sót những nguyên nhân tiềm ẩn.

Chụp CT xoang (khi cần thiết)
Trong các trường hợp bệnh kéo dài, có dấu hiệu biến chứng hoặc điều trị nội khoa không cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT xoang. Phim CT cho phép đánh giá chính xác cấu trúc xương, mức độ viêm, tình trạng các xoang (xoang hàm, xoang trán, xoang sàng, xoang bướm), phát hiện polyp, khối u hoặc dị dạng cấu trúc mũi xoang. Phương pháp này đặc biệt quan trọng trong quyết định có cần can thiệp phẫu thuật hay không.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là bước cơ bản và phổ biến nhất, thường áp dụng trước khi nghĩ đến các phương pháp ngoại khoa. Một số thuốc và phương pháp dùng trong điều trị bao gồm:
- Thuốc xịt mũi chứa hoạt chất co mạch (như oxymetazoline, xylometazoline): Có tác dụng giảm sưng niêm mạc, giúp thông thoáng đường thở. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá 3–5 ngày để tránh hiện tượng “phụ thuộc thuốc” hoặc viêm mũi do thuốc.
- Thuốc kháng histamin đường uống: Hiệu quả trong trường hợp nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng, giúp giảm nhanh các triệu chứng như hắt hơi, chảy mũi, ngứa mũi.
- Thuốc corticoid dạng xịt mũi: Thường được chỉ định trong viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính nhằm kiểm soát phản ứng viêm, giảm phù nề niêm mạc và cải thiện triệu chứng.
- Kháng sinh: Chỉ sử dụng khi có bằng chứng nhiễm khuẩn rõ ràng, điển hình như viêm xoang cấp có mủ, sốt, đau mặt, dịch mũi đục hoặc mùi hôi. Việc sử dụng kháng sinh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.

Tham khảo thêm: Cách điều trị nghẹt mũi cho trẻ
Điều trị ngoại khoa
Khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc có biến chứng, phương pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc. Các chỉ định ngoại khoa bao gồm:
- Phẫu thuật loại bỏ polyp mũi: Áp dụng cho trường hợp polyp phát triển lớn, gây tắc nghẽn nặng, giảm hoặc mất khứu giác, thường xuyên tái phát.
- Phẫu thuật chỉnh vách ngăn mũi (Septoplasty): Thực hiện khi vách ngăn bị lệch nhiều, cản trở luồng không khí, gây khó thở kéo dài, viêm mũi xoang mạn tính không đáp ứng điều trị nội khoa.
- Mở lỗ thông xoang hoặc chỉnh sửa các cấu trúc khác của mũi xoang: Được chỉ định khi xoang bị bít tắc, ứ dịch mạn tính, gây viêm tái diễn.

Các biện pháp hỗ trợ và chăm sóc tại nhà
Song song với điều trị y khoa, các phương pháp hỗ trợ tại nhà đóng vai trò quan trọng, giúp cải thiện triệu chứng, giảm khó chịu và ngăn ngừa bệnh tái phát. Bao gồm:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch xịt rửa chuyên dụng: Giúp làm sạch dịch nhầy, bụi bẩn, chất gây dị ứng, đồng thời làm ẩm niêm mạc mũi.
- Giữ ẩm không khí trong phòng: Sử dụng máy tạo độ ẩm, đặc biệt vào mùa khô hoặc khi dùng điều hòa, giúp hạn chế khô mũi và loãng dịch nhầy.
- Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên: Tránh khói thuốc lá, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật hoặc các chất kích ứng khác.
- Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C: Tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ chống viêm tự nhiên.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài: Giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế nguy cơ bùng phát viêm mũi xoang.

Hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân nghẹt mũi khó thở thường xuyên và tác hại nghiêm trọng mà nó có thể mang lại. Đừng bao giờ xem nhẹ các triệu chứng dai dẳng này, bởi chúng có thể là tín hiệu cảnh báo từ cơ thể về những vấn đề sức khỏe cần được quan tâm kịp thời.