Nhiệt miệng ở lưỡi hay các vết loét ở lưỡi là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Nhiệt miệng ở lưỡi đa số không phải là bệnh nguy hiểm mà có thể tự hết sau một thời gian. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm hơn. Vậy cách phân biệt hai tình trạng này như thế nào? Cùng Plasmakare đi tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Nhiệt miệng ở lưỡi là bệnh gì?
- 2. Cách điều trị nhiệt miệng ở lưỡi hiệu quả
- 2.1. Giảm đau, liền vết nhiệt miệng ở lưỡi bằng Kamistad Gel N
- 2.2. Chống viêm bằng thuốc Oracortia
- 2.3. Sử dụng các thuốc tạo màng ngăn cho vết nhiệt miệng ở lưỡi
- 2.4. Ngậm đá giảm đau, giảm viêm nhiệt miệng ở lưỡi
- 2.5. Vệ sinh khoang miệng thường xuyên và đúng cách
- 2.6. Chữa nhiệt miệng tại lưỡi bằng chè đen
- 2.7. Bổ sung vitamin nhóm B (B12)
- 2.8. Ăn sữa chua giúp nhanh lành nhiệt miệng ở lưỡi
- 2.9. Cách ngăn ngừa nhiệt miệng ở lưỡi
- 3. Khi nào thì cần đi khám ung thư lưỡi
Nhiệt miệng ở lưỡi là bệnh gì?
Nhiệt miệng ở lưỡi là gì? Nhiệt miệng ở lưỡi hay nhiệt ở lưỡi thường bắt đầu bằng một nốt sưng, tấy ở lưỡi. Sau đó hình thành vết mụn nước, dưới tác động của nhiệt, mụn nước có thể vỡ ra hình thành nên vết loét. Các vết loét thường nông, có đáy màu vàng và viền xung quanh màu hồng, đỏ. Vết loét thường có hình oval, kích thước nhỏ, không quá 10 mm. Tình trạng nhiệt miệng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí như ở trong môi, trong nướu hoặc dưới lưỡi. Nhiệt miệng ở lưỡi là khi các vết loét xuất hiện ở vị trí bất kì trên lưỡi. Nhiệt miệng ở lưỡi thường có thể tự hết sau khoảng 7 -15 ngày theo cơ chế tự chữa lành của cơ thể. Có thể có các đợt tái phát lại sau đó.
Nhiệt miệng ở lưỡi trong đa số trường hợp không gây nguy hiểm đối với sức khoẻ nhưng gây đau đớn, bất tiện trong sinh hoạt, ăn uống. Nếu vết loét ở lưỡi kéo dài, có dấu hiệu ngày càng trầm trọng thì lúc này có thể phải nghĩ tới trường hợp nghiêm trọng hơn đó là ung thư lưỡi.
Cách phân biệt nhiệt miệng ở lưỡi với ung thư lưỡi
Ung thư lưỡi là một bệnh khá phức tạp và chiếm tới trên 50% trong số các bệnh ung thư ở khoang miệng. Khi có các vết loét ở lưỡi kéo dài không khỏi thì rất có thể đây là dấu hiệu sớm của ung thư lưỡi.
Thường thì ung thư lưỡi rất dễ bị nhầm với nhiệt miệng ở lưỡi do cùng có triệu chứng là những vết loét xuất hiện ở lưỡi. Chính vì vậy, bệnh cũng dễ bị bỏ qua và thường chỉ được phát hiện và giai đoạn muộn của bệnh.
Vậy nhiệt miệng ở lưỡi và ung thư lưỡi có thể phân biệt với nhau như thế nào? Cùng tham khảo một số chỉ dẫn của chuyên gia dưới đây:
- Đặc điểm của vết loét: Cả nhiệt miệng ở lưỡi và ung thư lưỡi đều có dấu hiệu chung là các vết loét xuất hiện ở lưỡi. Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt 2 bệnh dựa vào đặc điểm của vết loét. Loét trong nhiệt miệng ở lưỡi thường có hình oval, loét nông, lòng màu vàng và xung quanh có viền hồng nhạt. Vết loét thường không chảy máu, xung quanh có kèm sưng, thường không có mùi khó chịu. Vết loét trong ung thư lưỡi thường bắt đầu khá giống với vết nhiệt miệng ở lưỡi, nhưng sau đó tiến triển nặng gây loét, chảy mủ có thể kèm chảy máu. Máu lẫn trong nước bọt. Hơi thở có mùi hôi.
- Số lượng vết loét: Trong nhiệt miệng ở lưỡi, số lượng các vết loét không nhiều, các vết loét nằm tách biệt nhau, có viền rõ ràng. Còn trong ung thư lưỡi, theo thời gian, lưỡi và khoang miệng nói chung càng ngày càng xuất hiện nhiều vết loét, các vết loét thường liên kết với nhau thành vết loét kích thước lớn, hình dạng không rõ ràng.
- Khối u: Vết nhiệt miệng ở lưỡi sẽ lành theo theo thời gian mà không để lại sẹo. Trong khi đó, vết loét do ung thư lưỡi đến giai đoạn phát triển mạnh, các khối u hình thành và trồi lên bề mặt lưỡi, gây chảy máu thường xuyên, gây đau cứng lưỡi và lưỡi khó hoạt động.
- Thời gian mắc bệnh: tình trạng nhiệt miệng ở lưỡi thường lành sau 1- 2 tuần kể cả không có can thiệp bất cứ biện pháp chăm sóc nào. Trong khi đó, vết loét trong ung thư lưỡi có thể kéo dài từ vài tháng đến hàng năm. Một số trường hợp vết loét đã lành nhưng lại tái phát ở đúng vị trí đó. Vì vậy, khi bạn gặp phải tình trạng nhiệt miệng ở lưỡi kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần và tái lại ở cùng một vị trí thì hãy tới bác sĩ để thăm khám loại trừ nguyên nhân do ung thư lưỡi.
- Hạch xung quanh cổ: Đa số các trường hợp nhiệt miệng ở lưỡi không gây ra nổi hạch. Chỉ số ít trường hợp nhiệt miệng gây ra nhiễm khuẩn, bạn có thể nổi hạch góc hàm hoặc nổi hạch ở cổ kèm theo sốt. Còn đối với ung thư lưỡi, tình trạng nổi hạch diễn ra phổ biến hơn.
- Các triệu chứng toàn thân: Trong ung thư lưỡi, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như đau, cứng lưỡi, sốt, suy nhược cơ thể, sút cân không rõ nguyên do. Còn nếu chỉ bị nhiệt miệng ở lưỡi đơn thuần thì người bệnh sẽ không gặp bất cứ triệu chứng toàn thân nào kèm theo cả.
Cách điều trị nhiệt miệng ở lưỡi hiệu quả
Dù có thể bị nhầm lẫn với dấu hiệu của ung thư lưỡi nhưng không phải bất cứ ai cứ có vết nhiệt miệng ở lưỡi hay vết loét ở lưỡi đều đồng nghĩa với việc mắc phải căn bệnh ung thư. Đa số các trường hợp đều là vết nhiệt lành tính. Dựa vào các cách phân biệt kể trên bạn có thể bước đầu xác định được tình trạng của mình hoặc có quyết định thăm khám kịp thời. Và bạn cũng không cần phải quá lo lắng về tình trạng nhiệt miệng ở lưỡi. Có rất nhiều phương pháp chăm sóc nhiệt miệng ở lưỡi giúp giảm các triệu chứng, giảm sưng, đau, liền nhanh vết loét và ngăn ngừa tình trạng này tái phát. Các phương pháp chăm sóc khi bị nhiệt miệng ở lưỡi bao gồm sử dụng thuốc, các phương pháp vệ sinh và các biện pháp dân gian.
Giảm đau, liền vết nhiệt miệng ở lưỡi bằng Kamistad Gel N
Kamistad Gel N là một thuốc dạng gel bôi được sử dụng phổ biến cho những ai đang gặp phải tình trạng nhiệt miệng ở lưỡi. Cụ thể, đây là gel bôi chứa thành phần Lidocain – có tác dụng gây tê tại chỗ. Ngoài ra, gel có bổ sung thêm chiết xuất hoa cúc có tác dụng kháng viêm tự nhiên. Nhờ vậy, Gel bôi có khả năng giảm đau hiệu quả và hỗ trợ chống viêm. Tuy nhiên, gel chỉ có tác dụng trị triệu chứng chứ không có tác dụng điều trị triệt để và giúp ngăn ngừa nhiệt miệng ở lưỡi tái phát.
Chống viêm bằng thuốc Oracortia
Đây cũng là một thuốc được sử dụng trong viêm nhiệt miệng ở lưỡi, với công dụng chính là chống viêm. Thuốc có thành phần chính là hoạt chất thuộc nhóm Corticoid có tác dụng chống viêm mạnh. Khi bôi trực tiếp vào vết nhiệt miệng ở lưỡi giúp chống viêm, giúp cho các vết loét nhanh lành hơn. Thuốc cũng có thể được hấp thu vào máu thông qua hệ mao mạch tại lưỡi và cho tác dụng toàn thân. Vì vậy không nên tự ý sử dụng và lạm dụng thuốc nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Sử dụng các thuốc tạo màng ngăn cho vết nhiệt miệng ở lưỡi
Các thuốc tạo màng ngăn hoạt động theo cơ chế ngăn cách sự tiếp xúc giữa vết loét với các tác nhân gây viêm hoặc gây tổn thương. Cụ thể, bột thuốc khi được bôi vào vết loét sẽ hoà cùng với nước bọt và dịch tại ổ loét, tạo thành một lớp màng. Nhờ lớp màng này, vi khuẩn gây hại hay các yếu tố gây viêm trong nước bọt, trong đồ ăn, đồ uống sẽ bị ngăn không tiếp xúc được với ổ loét. Ngoài ra, màng ngăn này cũng có chứa các kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm hiệu quả. Nhờ vậy, vết nhiệt miệng ở lưỡi có thể lành nhanh hơn.
Ngậm đá giảm đau, giảm viêm nhiệt miệng ở lưỡi
Ngậm đá là một biện pháp đơn giản, dễ áp dụng và không tốn chi phí. Bạn hoàn toàn có thể dễ dàng áp dụng cách này tại nhà nếu đang bị nhiệt miệng ở lưỡi. Cụ thể, lấy một viên đá nhỏ, ngầm trực tiếp trong khoang miệng, lia lưỡi để viên đá tiếp xúc trực tiếp với vết loét. Nhiệt độ thấp của viên đá giúp giảm đau, đồng thời giảm lưu thông máu đến vết loét. Do đó giúp giảm viêm, sưng, đau tại chỗ. Lưu ý là hãy ngậm đá được làm từ nước đun sôi, để nguội, được làm ở khoang lạnh riêng biệt không tiếp xúc với thức ăn sống. Có như vậy mới đảm bảo không có nguy cơ bị nhiễm khuẩn từ chính viên đá bạn ngậm.
Vệ sinh khoang miệng thường xuyên và đúng cách
Có thể nói, trong chăm sóc nhiệt miệng ở lưỡi, vệ sinh khoang miệng đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Không chỉ giúp vết loét nhanh lành mà giữ cho khoang miệng được vệ sinh sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát nhiệt ở lưỡi một cách đáng kể. Tuy nhiên, vệ sinh thường xuyên thôi còn chưa đủ, hơn thế còn cần phải vệ sinh đúng cách. Cụ thể:
- Đánh răng thường xuyên bằng bàn chải mềm, tránh làm tổn thương nướu.
- Súc miệng hằng ngày, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ bằng dung dịch súc miệng sát khuẩn.
- Không sử dụng các vật cứng, nhọn để làm tổn thương khoang miệng.
- Vệ sinh lưỡi bằng khăn mềm hoặc dụng cụ chuyên dụng thường xuyên.
- Phương pháp dân gian chữa nhiệt miệng tại lưỡi bằng mật ong
Khi bị nhiệt miệng tại lưỡi, một phương pháp mà bạn có thể áp dụng tại nhà đó là sử dụng mật ong. Mật ong nổi tiếng với khả năng kháng khuẩn như một loại kháng sinh tự nhiên. Bôi mật ong trực tiếp vào vết loét tại lưỡi giúp hỗ trợ chống viêm, liền nhanh vết loét và còn giúp giảm đau hiệu quả.
Chữa nhiệt miệng tại lưỡi bằng chè đen
Chè đen là một loại chè được làm từ lá trà xanh. Đây là loại chè mà trong đó hàm lượng hoạt chất kháng khuẩn được giữ lại cao nhất. Sau khi pha nước chà uống hoặc dùng trà túi lọc, bạn nên giữ lại bã chè. Dùng bã chè đắp trực tiếp vào vết loét giúp kháng khuẩn, kháng viêm và làm lành vết loét rất hiệu quả.
Bổ sung vitamin nhóm B (B12)
Thiếu vitamin B12 được xem như là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề nhiệt miệng ở lưỡi. Bổ sung thêm vitamin B12 giúp ngăn ngừa tình trạng này tái đi tái lại nhiều lần. Có thể bổ sung vitamin B12 bằng viên uống hoặc bằng cách ăn các loại thực phẩm: gan động vật, sữa, thịt bò, cá hồi, cá ngừ, ngao…
Ăn sữa chua giúp nhanh lành nhiệt miệng ở lưỡi
Để lành nhanh nhiệt miệng ở lưỡi bạn có thể bổ sung thêm vào khẩu phần ăn của mình 1 – 2 hũ sữa chua mỗi ngày. Sữa chua mềm, mịn, không gây đau khi ăn và rất tốt cho các vết loét ở lưỡi do nhiệt miệng. Lý giải cho điều này là do sữa chưa có chứa một lượng lớn các vi khuẩn có lợi. Khi ăn, sữa chua không chỉ giúp cân bằng hệ lợi khuẩn tại đường tiêu hoá mà cũng giúp tăng cường cả các vi khuẩn có lợi trong khoang miệng. Nhờ vậy giúp chống lại tình trạng viêm nhiễm khuẩn một các tự nhiên, an toàn và hiệu quả.
Cách ngăn ngừa nhiệt miệng ở lưỡi
Ngoài việc chăm sóc khi đã bị bệnh, bạn hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa các vấn đề nhiệt miệng ở lưỡi chỉ bằng những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày. Điều này giúp bạn chủ động tránh khỏi những đau đớn, phiền toái do nhiệt miệng ở lưỡi gây ra. Bạn có thể tham khảo một số cách phòng ngừa nhiệt miệng ở lưỡi dưới đây:
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên
- Sử dụng bàn chải mềm
- Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn chuyên dụng hàng ngày
- Nếu răng mọc xô lệch hoặc đang chỉnh nha, đến gặp nha sĩ định kỳ để có lời khuyên chă sóc phù hợp
- Hạn chế ăn các thực phẩm chiên rán cứng, đồ chiên xào, cay nóng
- Ăn các thực phẩm giàu vitamin B12
- Uống đầy đủ nước mỗi ngày
- Tăng cường thể lực, vận động thể lực đều đặn
Khi nào thì cần đi khám ung thư lưỡi
Mặc dù trong đa số trường hợp, nhiệt miệng ở lưỡi đều lành tính và không thể tiến triển thành ung thư. Nhưng trong một số trường hợp, các vết loét ở lưỡi có thể lại là dấu hiệu sớm của ung thư lưỡi. Hãy đến cơ sở y tế thăm khám chẩn đoán phân biệt nếu như bạn gặp phải một số dấu hiệu dưới đây:
- Vết loét ở lưỡi kéo dài trên 1 tháng hoặc tái đi tái lại nhiều lần, tại cùng một vị trí.
- Vết loét ở lưỡi chảy máu, chảy mủ hoặc có màu đen kèm theo khoang miệng có mùi khó chịu.
- Nổi hạch góc hàm hoặc hạch ở cổ, hạch đau hoặc không đau.
- Có dấu hiệu như cứng lưỡi, sưng lưỡi, chèn ép khó nhai, khó nuốt.
- Cảm giác như có khối u lồi lên khỏi bề mặt lưỡi.
- Có các triệu chứng toàn thân như: sốt, mệt mỏi, đau nhức, suy nhược cơ thể, thấy gầy yếu, sút cân đột ngột không rõ lý do.
Trong đa số các trường hợp, nhiệt miệng ở lưỡi đều lành tính và sẽ tự khỏi kể cả bạn không chăm sóc gì cả. Tuy nhiên, để hạn chế những khó chịu do tình trạng này gây nên, bạn có thể áp dụng một số thuốc và các phương pháp nói trên. Ngoài ra, nếu thấy bất cứ dấu hiệu nào có liên quan đến ung thư lưỡi, bạn hãy tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.