Nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi là tình trạng không thường gặp. Dẫu vậy, trong một số ít trường hợp, trẻ dưới 1 tuổi vẫn có thể gặp phải tình trạng này. Vậy đối với trẻ dưới 1 tuổi, nhiệt miệng có nguy hiểm hay không và làm thế nào để chăm sóc trẻ đúng cách giúp nhanh khỏi. Cùng Plasmakare tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi là gì
Nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi xảy ra khi các vết rộp nước hoặc vết loét xuất hiện trong khoang miệng của trẻ. Cụ thể là các vết rộp, loét có thể xuất hiện tại niêm mạc môi, miệng, má hoặc nướu. Cần phân biệt tình trạng nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi với tay chân miệng. Tình trạng nhiệt miệng ở trẻ em thường chỉ có các vết rộp loét trong khoang miệng, ít khi kèm theo sốt, nổi hạch. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng thường có các biểu hiện như sốt, ngoài vết loét, rộp trong khoang miệng còn có sự xuất hiện của mụn nước hoặc mụn ẩn ở tay, chân, mông. Các vết mụn này có thể không đau. Đây có thể xem như là 2 triệu chứng điển hình nhất để phân biệt giữa nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi và bệnh tay chân miệng.
Nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi không phải là một vấn đề nghiêm trọng như các bệnh hô hấp hay tiêu hoá. Nhưng tình trạng này lại có ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ, khiến trẻ đau đớn, bỏ ăn, biếng ăn, quấy khóc, mất ngủ và thậm chí là ảnh hưởng đến sự phát triển thể trạng của trẻ.
Các triệu chứng thường gặp khi trẻ dưới 1 tuổi bị nhiệt miệng
- Bé có các vết loét nhỏ, nông, có đáy màu vàng hoặc trắng ngà, xung quanh có viền màu hồng.
- Bé có thể bỏ bú, bú ít, bỏ ăn do đau
- Bé có thể quấy khóc bất thường so với hàng ngày
- Một số trể có thể có biểu hiện kèm theo như sốt
Nguyên nhân gây ra nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi
Mặc dù chưa có nguyên nhân rõ ràng tại sao nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi lại xảy ra. Tuy vậy, một số yếu tố có thể được xem là liên quan đến tình trạng này ở trẻ.
Do cắn phải: Trong quá trình nhai thức ăn trẻ có thể vô tình cắn phải môi hoặc má gây ra những tổn thương tại khu vực này. Từ những tổn thương ban đầu có có thể tạo thành vết loét gây ra đau đớn và sau khoảng 1 -2 tuần mới có thể lành lại. Ngoài ra, trẻ thường dễ cắn phải vết thương cũ khiến cho tình trạng này bị lặp đi lặp lại nhiều lần.
Do chế độ dinh dưỡng: Đối với trẻ dưới 1 tuổi, nguồn dinh dưỡng chủ yếu đến từ sữa . Tuy nhiên với trẻ cai sữa sớm, trẻ phải dùng sữa công thức thì có thể sẽ có nguy cơ bị nhiệt miệng cao hơn. Do sữa mẹ cung cấp rất nhiều kháng thể cho trẻ mà sữa công thức không thể mang lại được. Khi trẻ cai sữa mẹ sớm, có thể sẽ khiến cho hệ miễn dịch của trẻ yếu hơn và dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn trong khoang miệng, gây ra nhiệt miệng.
Ăn phải thực phẩm cứng: Một số thực phẩm cứng có thể gây tổn thương niêm mạc trong khoang miệng của bé. Ví dụ như các loại hạt, bỏng ngô hoặc bánh kẹo giòn, đồ chiên rán cứng là những thực phẩm thuộc nhóm này. Trẻ dưới 1 tuổi khi ăn các loại thực phẩm trên có thể có nguy cơ bị các vết loét nhiệt miệng.
Nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi mẹ nên chăm sóc như thế nào
Nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi mặc dù không nguy hiểm nhưng nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây cho bé rất nhiều đau đớn. Bé có thể quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn dẫn tới ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể. Vì vậy, mẹ cần có biện pháp chăm sóc cho bé để tình trạng bệnh được cải thiện nhanh chóng hơn
Cho bé bú nhiều hơn
Khi tình trạng nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi xảy ra, điều mẹ cần làm là cố gắng cho bé bú nhiều hơn. Mặc dù trong giai đoạn này bé có thể lười bú, bỏ bú do đau nhưng hãy cố gắng cho bé bú thành nhiều lần. Bởi sữa mẹ cung cấp các kháng thể giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể bé. Nhờ vậy bệnh sẽ nhanh chóng lành hơn.
Cho trẻ ăn dặm bằng đồ ăn mềm
Các thực phẩm mềm như bột xay nhuyễn, cháo loãng, súp, sinh tố hoa quả, sữa chua… nên được mẹ bổ sung vào thực đơn hằng ngày khi mà tình trạng nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi xảy ra. Các thực phẩm mềm này giúp giảm đau đớn cho bé khi ăn nhờ vậy giúp đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày trong thời gian bé bị nhiệt miệng. Hơn thế nữa, các loại hoa quả xay nhuyễn giúp bổ sung vitamin, giúp nâng cao thể trạng cho trẻ.
Vệ sinh khoang miệng bằng dung dịch nước muối
Một biện pháp chăm sóc quan trọng mà mẹ nên áp dụng khi trẻ dưới 1 tuổi bị nhiệt miệng đó là vệ sinh khoang miệng cho bé bằng nước muối. Với trẻ dưới 1 tuổi, bé chưa có khả năng tự súc miệng nên mẹ cần hỗ trợ bằng cách sử dụng gạc mềm. Cụ thể, mẹ rửa sạch tay và quấn vào đầu ngón trỏ một miếng gạc tiệt trùng mềm. Có thể sử dụng loại gạc vệ sinh nướu chuyên dụng. Làm ẩm gạc bằng nước muối sinh lý và nhẹ nhàng vệ sinh bên trong má, nướu và cuối cùng là lưỡi. Mẹ lưu ý tránh tác động vào vết loét sẽ gây đau đớn cho trẻ. Đối với tình trạng nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi, vệ sinh khoang miệng bằng nước muối giúp làm sạch thức ăn, vi khuẩn và nhờ vậy tạo điều kiện cho vết loét nhanh lành hơn.
Những chú ý khi chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi bị nhiệt miệng
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, việc chăm sóc trẻ bị nhiệt miệng sẽ có một số lưu ý khác biệt so với người trưởng thành. Cụ thể như sau:
Không nên sử dụng mật ong: mặc dù mật ong được xem như là một loại kháng sinh tự nhiên, có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm và làm dịu vết loét rất hay được dùng khi bị nhiệt miệng. Tuy nhiên, mật ong cũng có thể còn chứa bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc hoặc chứa phấn hoa gây dị ứng. Do vậy, để trị nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi mẹ không nên dùng mật ong.
Đảm bảo bé ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ: đảm bảo thời gian ngủ đồng nghĩa với đảm bảo thời gian trẻ nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Nhờ vậy ma cơ thể có thể có đầy đủ sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây hại, cụ thể ở đây là tình trạng viêm, loét trong nhiệt miệng.
Ngoài các lưu ý về cách chăm sóc và các phương pháp được gợi ý để mẹ có thể áp dụng chotình trạng nhiệt miệng ở trẻ dưới 1 tuổi, trong 1 số trường hợp trẻ có thể phải sử dụng thêm thuốc. Các thuốc này thường là giảm đau, sử dụng được uống hoặc đường bôi trực tiếp với mục đích là giảm đau đớn cho trẻ. Tuy nhiên, để sử dụng thuốc này cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.