Nhiệt miệng là tình trạng hay gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ khi cơ thể nóng trong người. Ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng đến tình trạng nhiệt miệng. Vậy cùng tìm hiểu xem nhiệt miệng uống gì để nhanh lành và ngăn ngừa tái đi tái lại hiệu quả? Cùng Plasmakare tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1. Tổng quan về nhiệt miệng
- 2. Nhiệt miệng nên uống gì cho mát và nhanh lành vết loét
- 2.1. Nhiệt miệng uống sắn dây
- 2.2. Nhiệt miệng hãy uống nhiều nước lọc
- 2.3. Nhiệt miệng uống mật ong nhanh lành vết loét
- 2.4. Nhiệt miệng uống trà thảo mộc
- 2.5. Uống các loại nước hoa quả giàu vitamin C giúp nhanh lành nhiệt miệng
- 2.6. Tăng cường lợi khuẩn bằng sữa chua
- 2.7. Nước ép cà chua rất tốt cho nhiệt miệng
- 2.8. Nhiệt miệng nên kiêng những gì
- 3. Cách chăm sóc khi bị nhiệt miệng để tránh tái lại nhiều lần
Tổng quan về nhiệt miệng
Nhiệt miệng là gì
Nhiệt miệng hay lở miệng còn được gọi với cái tên khoa học là aphthous ulcer (nhiệt miệng áp -tơ). Thực chất, nhiệt miệng bao gồm tất cả các vết loét trong khoang miệng như nhiệt lợi, nhiệt lưỡi, nhiệt má… Ban đầu, tại các vị trí trên xuất hiện các vết sưng, tấy đỏ. Sau thời gian khoảng 3 – 5 ngày, tại vết sưng đỏ ban đầu sẽ mọc thành các mụn nước. Dưới tác động của nhiệt, của cọ sát khi nói chuyện hoặc ăn uống, các vết mụn nước bị vỡ và sau đó là sự xuất hiện của vết loét. Vết loét do nhiệt miệng thường nông, ban đầu có thể đỏ. Sau đó vết loét thường màu vàng hoặc màu trắng đục, có viền màu đỏ, không chảy máu. Vết loét có kích thước không quá 10 mm và khi lành sẽ không để lại sẹo.
Hiện nay cơ chế gây nhiệt miệng chưa được chứng minh rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ được cho là gây nhiệt miệng như nhiễm virus, vi khuẩn, do thiếu hụt vitamin B12. Theo quan niệm của y học cổ truyền, người bị nhiệt miệng khi cơ thể bị “nóng trong”. Nhiệt miệng cũng thường xuất hiện do một tổn thương ban đầu trong khoang miệng, ví dụ do vô tình cắn phải khi ăn.
Những ai dễ bị nhiệt miệng
Nhiệt miệng có thể gặp ở mọi đối tượng. Tuy vậy, một số người sẽ có nguy cơ gặp phải các vấn đề về nhiệt miệng nhiều hơn người khác. Cụ thể, nhiệt miệng có xu hướng xảy ra với những đối tượng dưới đây:
- Người không vệ sinh răng miệng thường xuyên
- Người đang chỉnh nha
- Người có răng mọc không đúng vị trí, có răng nanh
- Người ăn nhiều đồ chiên xào, đồ cay nóng
- Người ăn uống không đủ chất, đặc biệt là thiếu hụt vitamin
- Người suy giảm miễn dịch
Nhiệt miệng nên uống gì cho mát và nhanh lành vết loét
Vì ăn uống cũng là một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến nhiệt miệng nên khi gặp vấn đề này chúng ta cũng cần đặc biệt quan tâm đến những thực phẩm mà mình tiêu thụ hằng ngày. Có những thực phẩm có lợi sẽ giúp thanh nhiệt cho cơ thể, hỗ trợ chống viêm, giảm đau và lành nhanh các vết loét do nhiệt miệng. Nhưng cũng có những thực phẩm sẽ làm cho vấn đề xấu đi. Vậy nhiệt miệng uống gì cho nhanh lành và ít bị tái lại nhiều lần?
Nhiệt miệng uống sắn dây
Nếu bạn đang thắc mắc rằng nhiệt miệng uống gì cho nhanh khỏi thì sắn dây sẽ là câu trả lời đầu tiên. Sắn dây là một trong những vị thuốc được sử dụng rất phổ biến trong đông y. Vì sắn dây có tác dụng thanh nhiệt nên được ưa chuộng sử dụng để làm mát cơ thể, nhờ vậy giúp cải thiện tình trạng nhiệt miệng hiệu quả.
Cách làm sắn dây chữa nhiệt miệng cũng rất đơn giản và bạn có thể tự chuẩn bị hằng ngày tại nhà. Bạn chỉ cần chuẩn bị 1 cốc nước ấm với tỷ lệ 2 sôi 1 lạnh. Có thể giảm bớt nước sôi để tránh làm chín sắn dây. Sau đó, cho bột sắn dây vào cốc nước đã chuẩn bị sẵn và khuấy đều. Tuỳ vào khẩu vị bạn có thể gia giảm lượng bột để nước sắn dây đạt được độ đặc sánh vừa phải. Thêm đường hoặc mật ong cho vừa miệng.
Khi bị nhiệt miệng bạn nên uống 1 cốc nước sắn dây mỗi ngày. Uống liên tục trong khoảng 3 – 5 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Ngoài uống sắn dây, bạn cũng có thể nấu chín thành bột sắn dây và ăn hằng ngày. Để làm bột sắn dây, bạn hoà tan bột với nước lạnh và đun với lửa nhỏ. Vừa đun vừa khuấy đều tay cho đến khi bột chuyển hoàn toàn thành màu trong suốt. Bạn nên thêm đường lúc hoà tan bột với nước để ăn cho vừa miệng.
Nhiệt miệng hãy uống nhiều nước lọc
Một gợi ý khác cho câu hỏi nhiệt miệng uống gì đó chính là nước lọc. Bình thường nước lọc cũng đóng vai trò quan trọng với cơ thể và được các chuyên gia khuyên nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Nếu đang bị nhiệt miệng, điều này lại càng quan trọng hơn đối với cơ thể chúng ta. Bổ sung đầy đủ nước giúp làm mát, tăng cường qúa trình trao đổi chất, bài tiết loại bỏ các chất gây hại cho cơ thể.
Nhiệt miệng uống mật ong nhanh lành vết loét
Nếu không có sẵn bột sắn dây và không biết nhiệt miệng uống gì, hãy chuẩn bị cho mình một ly nước mật ong. Mật ong có chứa các chất có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn hiệu quả. Nó có rất nhiều công dụng như dùng trong các bài thuốc trị ho, tốt cho hệ tiêu hoá và mật ong cũng giảm nhiệt miệng rất nhạy.
Cách làm phổ biến khi dùng mật ong để trị nhiệt miệng đó là bôi trực tiếp vào vết loét. Tuy nhiên, bạn cũng nên pha nước mật ong uống hằng ngày cũng rất tốt. Cách làm vô cùng đơn giản, thêm 1 thìa mật ong vào 1 cốc nước ấm đã chuẩn bị sẵn và khuấy đều. Một ngày uống ít nhất 1 lần vào buổi sáng.
Nhiệt miệng uống trà thảo mộc
Một số loại trà thảo mộc được biết đến với công dụng thanh nhiệt rất hữu hiệu. Khi bị nhiệt miệng, bạn hãy thử uống trà thảo mộc để giúp cho vấn đề của mình sớm được giải quyết hơn. Một số loại trà như trà hoa cúc, trà bạc hà, trà xanh…
Uống các loại nước hoa quả giàu vitamin C giúp nhanh lành nhiệt miệng
Các loại quả như cam, chanh, bưởi chứa hàm lượng cao vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng và làm lành nhanh các vết loét khi bạn bị nhiệt miệng. Nếu còn băn khoăn nhiệt miệng uống gì cho mau lành thì hãy chuẩn bị các loại nước quả trên cho mình nhé. Mỗi ngày hãy uống ít nhất 1 cốc nước ép hoa quả và bạn sẽ nhận được kết quả sau 3 – 5 ngày. Các vết viêm loét nhiệt miệng sẽ lành nhanh hơn đáng kể.
Tăng cường lợi khuẩn bằng sữa chua
Một trong những nguyên nhân gây nhiệt miệng đó là do sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn trong khoang miệng. Trong khoang miệng của chúng ta có những vi khuẩn bất lợi cư trú sẵn và khi có điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát triển và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn tại đây. Ăn sữa chua hằng ngày trong thời gian bị nhiệt miệng hoặc cả sau đó nữa giúp bổ sung và củng cố những vi khuẩn có lợi. Giúp lành nhanh các vết loét miệng và cũng giúp ngăn ngừa nhiệt miệng tái đi tái lại nhiều lần. Đây cũng là 1 gợi ý cho câu hỏi nhiệt miệng uống gì mà bạn nên áp dụng.
Nước ép cà chua rất tốt cho nhiệt miệng
Nước ép cà chua là loại nước uống tiếp theo nằm trong danh sách câu trả lời cho câu hỏi nhiệt miệng uống gì. Cà chua có chứa hàm lượng cao các vitamin. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra, cà chua giàu thành phần caroten và flavonoid giúp cơ thể tăng khả năng kháng viêm. Vì vậy khi bị nhiệt miệng uống nước ép cà chua sẽ rất hiệu quả
Nhiệt miệng nên kiêng những gì
Ngoài những đồ uống nên sử dụng thì khi bị nhiệt miệng bạn cũng nên tránh tối đa sử dụng các loại đồ uống dưới đây.
Cà phê: Cà phê là một loại đồ uống ưa thích của nhiều người nhưng nó lại khiến nhiệt miệng trầm trọng hơn. Vì vậy nếu bị nhiệt miệng hoặc thường xuyên bị tái đi tái lại thì hãy bỏ cà phê ra khỏi danh sách đồ uống của bạn nhé.
Nước ngọt: Các chất hoá học tổng hợp trong các loại nước ngọt, đặc biệt là acid phosphoric có thể làm trầm trọng hơn tình trạng nhiệt miệng. Do vậy, hãy ngưng uống các loại nước ngọt trong thời gian bạn đang gặp vấn đề nhiệt miệng.
Cách chăm sóc khi bị nhiệt miệng để tránh tái lại nhiều lần
Ngoài việc uống các loại đồ uống giúp thanh nhiệt bạn cũng cần kết hợp các biện pháp chăm sóc phù hợp. Có như vậy mới mang lại hiệu quả trong việc chữa trị các vết nhiệt miệng và ngăn ngừa nhiệt miệng tái đi tái lại nhiều lần. Bạn nên áp dụng các biện pháp như:
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng bàn chải mềm
- Súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng kháng khuẩn hằng ngày
- Hạn chế đồ ăn chiên rán cay, đồ ăn cứng
- Hạn chế vừa ăn vừa nói để tránh cắn vào miệng
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể
- Tăng cường các hoạt động rèn luyện thể lực
Trên đây là các gợi ý cho câu hỏi nhiệt miệng uống gì. Hy vọng các thông tin trên sẽ hữu ích cho bạn và người thân để sớm chia tay với nhiệt miệng.