Viêm đường hô hấp là bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ em với tỷ lệ tái phát cao. Không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, các bệnh này còn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh và điều trị viêm đường hô hấp ở trẻ em.
Mục lục
Phân loại các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em
Viêm đường hô hấp là tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận của đường hô hấp như mũi xoang, hầu họng, khí quản, phế quản và phổi. Trẻ em có sức đề kháng kém, bởi vậy là đối tượng dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp nhất.
Viêm đường hô hấp ở trẻ em có khả năng tái nhiễm nhiều lần, thường gặp vào những thời điểm chuyển mùa như thu đông và đông xuân. Bệnh làm cản trở sự lưu thông khí, khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn và ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ.
Viêm đường hô hấp ở trẻ em được phân loại thành viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới. Cụ thể:
Viêm đường hô hấp trên
Các bệnh viêm đường hô hấp trên bao gồm viêm mũi, viêm xoang, viêm họng và viêm thanh quản. Các bộ phận mũi xoang và hầu họng là nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường nên rất dễ bị viêm nhiễm dưới các tác động từ môi trường.
Biểu hiện thường gặp của viêm đường hô hấp trên ở trẻ em rất đa dạng, có thể đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều triệu chứng. Cụ thể:
- Viêm mũi: Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, mất khứu giác. Chảy nước mũi trong hoặc đục. Niêm mạc mũi đỏ, phù nề sung huyết. Có thể kèm theo viêm họng và ho.
- Viêm xoang: Ngoài các biểu hiện tương tự như viêm mũi còn có thêm mủ ở khe mũi, sưng viêm kết mạc mắt, đau nhức ở mặt vùng xoang bao phủ, đau răng (viêm xoang hàm), hơi thở hôi.
- Viêm họng: Ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm. Đau rát họng, sưng nề và sung huyết niêm mạc họng, amidan, có thể có mủ. Khi nuốt thấy vướng trong cổ họng. Trẻ sốt cao (nhất là khi nhiễm khuẩn).
- Viêm thanh quản: Ho tiếng bất thường, khàn tiếng, mất tiếng, thở rít hoặc khó thở thanh quản.
Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em có tính chất cấp tính, ít kéo dài thành mạn tính ngoài viêm xoang nhưng rất dễ tái phát lại. Ngoài ra, trẻ bị viêm đường hô hấp trên nặng hoặc kéo dài có thể dẫn đến viêm cả các cơ quan hô hấp dưới.
Viêm đường hô hấp dưới
Khí quản, tiểu phế quản, phế quản và phổi nằm ở tuyến cuối của đường hô hấp nên ít xảy ra nhiễm trùng hơn so các bộ phận với đường hô hấp trên. Tuy nhiên, tình trạng viêm nhiễm tại những vị trí này thường có mức độ nghiêm trọng cao hơn. Biểu hiện của các bệnh viêm đường hô hấp dưới ở trẻ em:
- Viêm tiểu phế quản: Gặp chủ yếu ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc trưng bởi hội chứng thở nhanh, lõm ngực và thở khò khè sau các triệu chứng nhiễm virus (sổ mũi, ho, sốt nhẹ hoặc không sốt).
- Viêm phế quản cấp: Trẻ sốt, ho khan, sau đó ho có đờm, ho tăng dần thời gian sau nhiễm trùng đường hô hấp trên. Thở bình thường hoặc thở nhanh, khó thở, thở khò khè, tức ngực nhưng không co lõm ngực.
- Viêm phổi: Trẻ sốt cao, rét run, thở nhanh và khó thở, đau ngực khi thở và ho. Ban đầu ho khan, sau ho có đờm đặc xanh, vàng hoặc màu gỉ sắt. Buồn nôn hoặc nôn mửa, đau bụng.
Viêm đường hô hấp dưới ở trẻ em đa phần sẽ khỏi hẳn. Tuy nhiên, những bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở trẻ em
Căn nguyên phổ biến của viêm đường hô hấp ở trẻ em là virus và vi khuẩn. Tùy từng vị trí bệnh lý mà loại vi sinh vật gây bệnh cũng có thể khác nhau. Cụ thể:
- Viêm họng: Đa số là do virus (Rhinovirus, cúm, á cúm, Coronavirus và Adenovirus), tuy nhiên nhiễm khuẩn cũng chiếm phần đáng kể (liên cầu tan huyết 𝛃 nhóm A, H. Influenzae, tụ cầu, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae,…).
- Viêm xoang: Có thể gặp cả do virus (cúm, á cúm và Rhinovirus) và vi khuẩn (tụ cầu, H. Influenzae, M. Catarrhalis, K. pneumoniae,…).
- Viêm mũi: Chủ yếu là virus, bao gồm virus cúm, á cúm, virus hợp bào hô hấp RSV, Rhinovirus, Coronavirus và Adenovirus.
- Viêm tiểu phế quản: Virus hợp bào hô hấp RSV chiếm tỷ lệ lớn nhất, ngoài ra các virus phổ biến khác gây viêm đường hô hấp trên cũng có thể gây bệnh.
- Viêm phế quản: Đa phần là do virus (Rhinovirus, cúm A, cúm B, á cúm, Coronavirus và Adenovirus), ngoài ra có thể xuất phát từ một số vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, H. Influenzae, Mycoplasma pneumoniae,…
- Viêm phổi: Chủ yếu do vi khuẩn (tụ cầu, phế cầu, H. Influenzae, Mycoplasma pneumoniae, Klebsiella pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Legionella pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh và vi khuẩn kỵ khí).
Ngoài ra, trẻ có thể bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng với các tác nhân như khói bụi, phấn hoa, lông động vật, mạt nhà, bụi vải, nấm mốc hoặc thay đổi thời tiết,…
Trẻ dễ mắc bệnh hơn khi có các yếu tố nguy cơ như sau:
- Thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt là vào thời gian chuyển mùa đông xuân, thu đông và vào mùa đông
- Trẻ sinh non, trẻ càng nhỏ càng dễ mắc bệnh
- Trẻ còi xương, suy dinh dưỡng
- Trẻ bị suy giảm miễn dịch (mắc HIV, đang điều trị bằng Corticoid đường toàn thân), mắc các bệnh tự miễn hoặc bị dị tật bẩm sinh kèm theo (bất thường cấu trúc mũi xoang, phổi bẩm sinh, tim bẩm sinh)
- Khu vực sống bí bách, ẩm thấp, điều kiện vệ sinh kém và hay tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá.
- Cơ địa dị ứng hoặc gia đình có người mắc các bệnh dị ứng
- Trẻ không được bú sữa mẹ
- Trẻ đã đi mẫu giáo hoặc có anh chị em đang đi học.
Các bệnh đường hô hấp ở trẻ em có nguy hiểm không?
Đa số các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em đều lành tính, có thể khỏi hẳn và không tiến triển thành mạn tính khi được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, các bệnh lý này cũng có thể gây tiến triển nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như:
- Viêm tai giữa.
- Viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận cấp, viêm khớp và nhiễm khuẩn huyết sau viêm họng, viêm mũi do nhiễm liên cầu.
- Suy hô hấp, ngừng thở, tràn dịch/tràn khí màng phổi, áp xe phổi, suy tim sau viêm đường hô hấp dưới.
- Viêm nhiễm ổ mắt, giảm/mất thị lực, viêm màng não và áp xe não sau viêm xoang nhiễm khuẩn.
Vì vậy, trẻ có dấu hiệu của các bệnh viêm đường hô hấp dưới hoặc một số dấu hiệu lạ sau đây cần được đưa đi khám sớm:
- Triệu chứng bệnh không cải thiện sau khi dùng thuốc
- Trẻ khó thở nhiều, co rút lồng ngực
- Sốt cao kéo dài trên 39oC, co giật, tím tái
- Trẻ bỏ bú, bỏ ăn
- Nôn ói nhiều, tiêu chảy nghiêm trọng
Riêng trẻ sơ sinh, các bệnh lý hô hấp thường tiến triển rất nhanh nhưng biểu hiện có thể không rõ ràng. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ sớm ngay từ khi có những biểu hiện nhẹ ban đầu.
Các biện pháp điều trị và chăm sóc trẻ em bị viêm đường hô hấp
Trẻ bị viêm đường hô hấp do virus có thể tự khỏi sau 5 – 10 ngày khi được nghỉ ngơi và chăm sóc hợp lý. Với nguyên nhân là vi khuẩn, trẻ thường không tự khỏi được mà cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Những cách chữa viêm đường hô hấp ở trẻ em cụ thể:
Chăm sóc trẻ tại nhà
Trẻ nhỏ bị viêm đường hô hấp dưới hoặc trẻ bị bệnh nặng thường phải nhập viện để điều trị. Ngược lại, các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em có thể cải thiện ngay tại nhà khi cha mẹ chăm sóc trẻ đúng cách.
Hạ sốt
- Cho trẻ nằm phòng thoáng mát, mặc quần áo mỏng, rộng rãi.
- Lau người trẻ bằng nước ấm (37oC), đặc biệt là các vùng trán, nách, bẹn.
- Theo dõi nhiệt độ của trẻ 30 phút/lần.
- Cho trẻ uống nhiều nước, chú ý bổ sung điện giải cho trẻ. Có thể dùng oresol, nước cam, chanh hoặc nước ép hoa quả khác.
- Với trẻ sơ sinh: Cho bú nhiều hơn, chia làm nhiều lần trong ngày.
Làm thông thoáng đường thở
- Cho trẻ nằm gối cao hoặc ngồi thẳng để trẻ dễ thở hơn.
- Rửa mũi hoặc hút mũi cho trẻ thường xuyên để loại bỏ dịch nhầy, đờm đặc hoặc các tác nhân gây dị ứng trong mũi xoang. Cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch muối rửa mũi lành tính như muối rửa mũi xoang PlasmaKare Nasal Clean. Tuy nhiên, không nên hút mũi quá nhiều do có thể tổn thương ngược lại niêm mạc mũi xoang của trẻ.
Trị ho, đau họng
- Dùng các mẹo dân gian trị ho trong giai đoạn đầu trẻ ho như mật ong, lê hấp đường phèn, chanh/quất ngâm mật ong, hoa đu đủ ngâm hay cam thảo.
- Với trẻ lớn có thể cho trẻ súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn như nước súc họng Nano bạc hay Povidon Iod.
Các biện pháp chăm sóc khác
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng khí.
- Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, ưu tiên thực phẩm giàu Vitamin A, B, C và Kẽm như thịt đỏ, cá béo, rau củ quả và các loại hạt.
- Trường hợp trẻ chán ăn do ho, đau họng hay khó thở nên chia làm nhiều bữa ăn trong ngày và nấu các món mềm, lỏng, dễ nhai nuốt.
Dùng thuốc điều trị cho trẻ
Thuốc điều trị viêm đường hô hấp cho trẻ bao gồm thuốc trị triệu chứng và liệu pháp kháng sinh. Mỗi bệnh lý sẽ được chỉ định các loại thuốc khác nhau.
Cha mẹ cần lưu ý không tự cho trẻ dùng thuốc tại nhà mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ và tuân thủ phác đồ điều trị.
Thuốc điều trị triệu chứng:
- Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt (Paracetamol) đường uống (với trẻ lớn) hoặc đặt hậu môn (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) với liều 10 – 15mg/kg khi trẻ sốt trên 38,5oC. Nếu chưa hạ sốt, cho trẻ uống thuốc tiếp sau mỗi 4 – 6 tiếng.
- Xịt mũi xoang: dùng khi trẻ bị viêm mũi – xoang do virus hoặc dị ứng cũng đem lại hiệu quả tốt. Bác sĩ có thể chỉ định xịt mũi xoang chứa Corticoid, xịt mũi xoang thảo dược hoặc sản phẩm chứa nano bạc như xịt mũi xoang PlasmaKare X-Spray.
- Thuốc giảm ho: Dextromethorphan, Codein.
- Thuốc long đờm: Ambroxol, Bromhexin,…
- Thuốc chống dị ứng: Loratadin, Clorpheniramin,…
- Khí dung: Corticoid, thuốc giãn phế quản,…
- Thuốc chống viêm, giảm phù nề: Corticoid đường uống, Alphachymotrypsin.
Liệu pháp kháng sinh
Bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh có phổ tác dụng trên vi khuẩn gây bệnh cụ thể hoặc chỉ định theo kinh nghiệm dựa vào tình hình dịch tễ ở địa phương. Các loại kháng sinh thường được dùng để điều trị viêm đường hô hấp ở trẻ em:
- Amoxicillin/Clavulanic, Ampicillin/Sulbactam, Piperacillin/Tazobactam,…
- Cefuroxim, Cephalexin, Cefotaxim,…
- Erythromycin, Clarithromycin, Azithromycin.
- Clindamycin, Gentamicin,…
- Quinolon hô hấp: Levofloxacin.
Làm thế nào để phòng ngừa viêm đường hô hấp ở trẻ em?
Đối với viêm đường hô hấp ở trẻ em, việc dự phòng luôn phải được đặt lên hàng đầu do bệnh lý này có khả năng lây lan cao. Các biện pháp phòng ngừa viêm đường hô hấp ở trẻ em cha mẹ cần lưu ý:
- Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là vaccin ngừa phế cầu, vaccin cúm, bạch hầu,…
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối các nhóm chất theo từng giai đoạn phát triển của trẻ.
- Hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc các bệnh lý hô hấp, người hút thuốc lá.
- Lưu ý đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và rửa tay bằng xà phòng thường xuyên cho trẻ, đặc biệt khi có dịch cúm.
- Cho trẻ uống nước ấm và giữ ấm cơ thể trong mùa đông hoặc khi chuyển mùa. Tránh cho trẻ nằm quạt thẳng vào người hoặc nằm điều hòa quá lạnh.
- Tập cho trẻ thói quen rèn luyện thể dục, thể thao hàng ngày.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về các bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em phổ biến. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho cha mẹ để phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả, giúp trẻ phát triển một cách lành mạnh, an toàn.