Tại Việt Nam, hơn 60% trẻ em và 80% người lớn mắc bệnh viêm lợi, viêm quanh lợi và viêm quanh răng. Viêm lợi là bệnh dễ điều trị nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc ăn uống, phát âm và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trên răng miệng và toàn thân.
Mục lục
Viêm lợi là gì?
Viêm lợi là tình trạng viêm ở mô mềm xung quanh răng. Tổn thương thường khu trú ở lợi, ngoài ra có thể ảnh hưởng đến xương ổ răng và các mô khác.
Dấu hiệu của viêm ở lợi rất dễ nhận biết, cụ thể:
- Lợi từ màu hồng nhạt chuyển sang đỏ nhạt đến đỏ thẫm. Màu đỏ đậm cho thấy triệu chứng viêm nghiêm trọng.
- Bờ lợi, nhú lợi sưng phồng, phì đại.
- Rãnh lợi sâu
- Có thể có mảng bám, cao răng xuất hiện quanh vùng lợi sưng đỏ.
- Hôi miệng
- Hay tự chảy máu chân răng hoặc chảy máu khi ăn uống, va chạm nhẹ hay đánh răng.
- Viêm ở lợi nhẹ thường không đau, trong khi các trường hợp nặng, tiến triển viêm quanh răng hay ngứa, đau lợi âm ỉ và ê buốt răng.
Ngoài ta, tùy thuộc vào từng thể bệnh sẽ có thêm các triệu chứng đặc trưng khác nhau. Viêm lợi đơn giản có thể tự hết hoặc âm ỉ mạn tính trong nhiều năm, trong khi viêm lợi cấp tính do vi khuẩn tiến triển nhanh và gây ảnh hưởng đến các cấu trúc quanh răng khác.
Phân loại các thể viêm lợi
Theo tính chất bệnh, viêm lợi được chia thành 2 thể cấp và mạn tính:
- Viêm lợi cấp tính: Đây là thể loét hoại tử cấp tính, có triệu chứng đặc trưng là các vết loét hoại tử ở viền lợi, nhú lợi, được phủ một lớp giả mạc màu trắng và gây đau nhức nhiều. Thể bệnh này đi kèm các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, chán ăn, nổi hạch dưới hàm.
- Viêm lợi mạn tính: Đây là thể bệnh phổ biến nhất. Viêm lợi mạn tính có biểu hiện là viêm lợi không đau ở một vài răng hoặc cả 2 hàm trong thời gian dài và ít có triệu chứng toàn thân.
Nguyên nhân viêm lợi phổ biến
Viêm lợi có thể tự phát hoặc do vi khuẩn trong khoang miệng gây ra. Cụ thể:
Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn
Vi khuẩn cơ hội có sẵn trong khoang miệng là nguyên nhân chính gây ra viêm ở lợi. Hình thể răng bất thường, chấn thương khoang miệng, vệ sinh răng miệng kém, suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh chuyển hóa như đái tháo đường là những điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Hầu hết các trường hợp viêm ở lợi đều do vi khuẩn trong các mảng bám tính tụ trên răng gây ra. Trong khi đó, viêm lợi loét hoại tử cấp tính xuất phát từ sự bùng phát của các vi khuẩn gây bệnh trong miệng như cầu khuẩn, xoắn khuẩn Fusobacterium, Treponema spp., Prevotella intermedia, Porphyromonas gingivalis,…
Các nguyên nhân sinh lý và bệnh lý
Viêm lợi có thể xuất hiện ở những người có các yếu tố sinh lý và bệnh lý sau đây:
- Bệnh thiếu Vitamin C (bệnh Scorbut): Khi thiếu Vitamin C, lợi bị viêm, có những vết bầm và rất dễ chảy máu, kể cả khi không có va chạm.
- Bệnh thiếu Vitamin B3 (bệnh Pellagra): Viêm lợi trong bệnh Pellagra hay đi kèm nứt môi, khô miệng, bóng lưỡi và loét miệng.
- Bệnh bạch cầu: Lợi của người mắc bệnh bạch cầu bị viêm do thâm nhiễm bạch cầu, gây đau và dễ chảy máu.
- Thời kỳ mang thai: Trong thời kỳ này, viêm tập trung ở nhú lợi với biểu hiện mềm, đỏ, có cuống, tạo thành u hạt sinh mủ. Các tổn thương này có thể tồn tại trong suốt thai kỳ và sau khi sinh.
- Thời kỳ mãn kinh: Thể khởi phát trong thời kỳ mãn kinh là viêm lợi bong vảy. Biểu hiện của tình trạng này là mô lợi đỏ nâu, đau, xuất hiện mụn nước, khi mụn vỡ ra tạo thành vảy.
- Nguyên nhân khác: Ung thư, thuốc (Nifedipine, Cyclosporin, hormon, Misoprostol), u xơ lợi di truyền, HIV/AIDs, nhiễm kim loại nặng, kỹ thuật chỉnh nha kém,…
Biến chứng của bệnh viêm lợi
Viêm lợi đơn giản có thể tự khỏi khi người bệnh thực hiện các biện pháp chăm sóc răng miệng thường xuyên. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển nặng có thể gây ảnh hưởng đến việc ăn uống và nhiều biến chứng như sau:
- Thưa răng và giảm chức năng nhai nuốt: Lợi phì đại gây chèn ép răng, thưa răng, đồng thời làm tiêu xương ổ răng khiến răng lung lay. Đau lợi và răng lung lay khiến việc nhai nuốt thức ăn kém hiệu quả hơn.
- Viêm quanh răng khu trú hoặc lan tỏa: Viêm quanh răng có thể tiến triển từ viêm ở lợi, gây tụt lợi, tạo mủ ở túi lợi, khi xem trên phim X-quang thấy hình ảnh di lệch răng và mất xương.
- Tiêu xương ổ răng, rụng răng: Viêm lợi khiến xương và dây chằng bao quanh răng bị tiêu hủy dần, răng không còn chỗ dựa lung lay và dễ rụng.Bên cạnh đó, tiêu xương răng có thể dẫn đến tiêu xương hàm làm thay đổi cấu trúc mặt, da chảy xệ,…
- Áp xe răng: Ở viêm lợi nặng, mủ có thể hình thành ở chân răng. Lợi phì đại khiến mủ không thoát được ra ngoài, gây nên tình trạng áp xe. Áp xe răng có thể dẫn đến nhiễm trùng xoang hàm, viêm nội tâm mạc, hoại tử sàn miệng và áp xe não.
- Biến chứng toàn thân: Viêm lợi do nhiễm liên cầu có thể dẫn đến viêm nội tâm mạc, viêm khớp và viêm cầu thận cấp.
Các biện pháp điều trị viêm lợi
Điều trị viêm lợi mạn tính thông thường tập trung vào chăm sóc răng miệng và sát khuẩn tại chỗ. Với các thể cấp tính, tự phát cần điều trị theo nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như sau:
Chăm sóc răng miệng đúng cách
Vệ sinh răng miệng là cách chữa viêm lợi tại nhà đơn giản và hiệu quả nhất, giúp loại trừ mảng bám và những ổ vi khuẩn gây bệnh. Người bệnh cần:
- Đánh răng sạch sẽ ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải mềm. Riêng người không có khả năng làm sạch các mảng bám trên răng bằng các biện pháp cơ học (người bị tật, đang thực hiện các phẫu thuật răng hàm mặt, nắn chỉnh răng bằng khí cụ) có thể dùng nước súc miệng sát khuẩn để thay thế.
- Dùng chỉ nha khoa loại bỏ thức ăn bám ở các kẽ răng mà bàn chải không làm sạch được.
- Tới nha khoa cạo mảng bám trên răng định kỳ 6 tháng/lần. Riêng người bệnh mắc viêm lợi thứ phát sau các bệnh lý khác cần đi cạo 2 tuần – 3 tháng/lần.
- Súc miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn như nước súc miệng chứa Povidone Iod, Chlorhexidine, súc miệng chứa nano bạc chuẩn hóa như súc miệng họng PlasmaKare.
- Ở người bị viêm lợi loét hoại tử cấp tính, cần làm sạch lớp giả mạc trên bề mặt tổn thương rồi súc miệng.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, người bệnh không được hút thuốc, uống rượu, ăn đồ cay nóng, nhiều gia vị.
Dùng thuốc điều trị viêm lợi
Các trường hợp viêm lợi nặng, cấp tính có thể được bác sĩ chỉ định thêm thuốc điều trị. Thuốc điều trị căn bệnh này bao gồm thuốc dùng đường uống và thuốc dùng tại chỗ. Cụ thể:
- Thuốc dùng tại chỗ: Thuốc chống viêm corticoid (Fluticasone, Beclomethasone,…), thuốc bôi kháng sinh (Chlorhexidine), xịt miệng họng chứa Nano bạc sát khuẩn, chống viêm (xịt họng PlasmaKare HSpray),…
- Thuốc uống: Kháng sinh (Metronidazol, Spiramycin, Ciprofloxacin, Azithromycin, Amoxicillin,…), thuốc chống viêm Corticoid (Methylprednisolone, Dexamethasone,…), thuốc giảm đau (NSAIDs).
Người bệnh viêm ở lợi uống thuốc gì phụ thuộc vào mức độ bệnh và đánh giá nguy cơ biến chứng. Thuốc uống chỉ được sử dụng trong các trường hợp nặng, cấp tính, nguy cơ biến chứng cao. Bên cạnh đó, đối với thể bệnh tự phát do thay đổi sinh lý, liệu pháp hormon ít được áp dụng mà thường được thay bằng liệu pháp Corticoid dùng tại chỗ.
Ngoài ra, người bệnh bị viêm lợi do tác dụng phụ của thuốc điều trị cần tham khảo ý kiến về việc tiếp tục sử dụng thuốc này và tránh tự ý ngưng thuốc.
Thủ thuật ngoại khoa trị viêm lợi
Người bệnh có lợi bị phì đại, xơ hóa nhiều sẽ được bác sĩ chỉ định làm phẫu thuật cắt và tạo hình lại lợi. Ngoài ra, viêm lợi tiến triển thành viêm quanh răng và áp xe răng cũng có thể áp dụng phẫu thuật nạo túi lợi.
Phòng bệnh viêm lợi như thế nào?
Các vấn đề về răng miệng như viêm lợi có ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm ở lợi hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh và thói quen vệ sinh răng miệng khoa học.
Cách biện pháp phòng bệnh viêm lợi:
- Chải răng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày, làm sạch các kẽ răng bằng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ, máy tăm nước.
- Dùng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng kháng khuẩn đều đặn sau mỗi lần đánh răng.
- Khám răng định kỳ 6 tháng/lần để lấy cao răng và phát hiện kịp thời các bệnh lý răng miệng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường thực phẩm giúp cải thiện miễn dịch. Tránh ăn thức ăn cứng và đồ uống có ga.
Viêm lợi là bệnh lý nha khoa dễ điều trị và phòng tránh, tuy nhiên có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm kiến thức để nhận biết, phòng tránh và điều trị viêm lợi đúng cách.