Hơi thở hôi, về mặt y học gọi là chứng hôi miệng, có thể là kết quả của thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng kém hoặc là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác. Trong bài viết này chúng tôi muốn cung cấp đến bạn những nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng cũng như cách trị hôi miệng tại nhà.
Mục lục
Hiểu nguyên nhân để có biện pháp chữa hôi miệng dứt điểm
Hôi miệng chủ yếu gây ra bởi hợp chất Sulfur được giải phòng trong miệng, thường hình thành do vi khuẩn, thức ăn hoặc dịch tiết trong khoang miệng, hệ tiêu hoá gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến cho việc giải phóng sulfur xảy ra làm hôi miệng:
Vi khuẩn
Chứng hôi miệng (hôi miệng) chủ yếu là do vi khuẩn sản sinh ra lưu huỳnh thường sống trên bề mặt lưỡi và trong cổ họng. Khi chúng phân huỷ protein với tốc độ cao sẽ làm cho các hợp chất bay hơi như lưu huỳnh được giải phóng, khiến cho miệng bị hôi.
Thức ăn
Sự phân hủy của các mảnh thức ăn trong và xung quanh răng của bạn có thể làm tăng vi khuẩn và gây ra mùi hôi. Ngoài ra, ăn một số loại thực phẩm như hành, tỏi và gia vị cũng có thể gây hôi miệng. Sau khi bạn tiêu hóa những thực phẩm này, chúng sẽ xâm nhập vào máu, được đưa đến phổi và ảnh hưởng đến hơi thở của bạn.
Vệ sinh răng miệng không tốt
Nếu bạn không đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày, các mảnh thức ăn còn sót lại trong miệng sẽ gây hôi miệng. Nếu không được chải đi, mảng bám trên răng có thể gây kích ứng nướu và cuối cùng hình thành các túi viêm giữa răng và nướu (viêm nha chu). Và lưỡi của bạn cũng có thể bẫy vi khuẩn tạo ra mùi hôi.
Đặc biệt, trong trường hợp sử dụng răng giả, nếu chúng không được làm sạch thường xuyên hoặc không vừa có thể chứa vi khuẩn gây mùi và các mảnh thức ăn.
Khô miệng
Nước bọt có thể loại bỏ được một lượng chất gây mùi hôi và làm sạch miệng. Một tình trạng gọi là khô miệng hoặc xerostomia (zeer–o-STOE-me-uh) có thể góp phần gây hôi miệng do lượng nước bọt sản xuất giảm. Khô miệng xảy ra một cách tự nhiên trong khi ngủ, dẫn đến tình trạng “hơi thở buổi sáng” và tình trạng này sẽ trầm trọng hơn nếu bạn ngủ há miệng. Đặc biệt, khi mắc tình trạng khô miệng mạn tính thì có khả năng tuyến nước bọt đang gặp phải vấn đề hoặc bạn đang mắc bệnh lý nào đó.
Bệnh lý răng miệng
Hôi miệng có thể gặp ở các bệnh lý răng miệng như viêm amidan, viêm amidan hốc mủ, viêm mũi xoang, viêm nướu, viêm nha chu, áp xe miệng,…
Bệnh lý khác
Các bệnh, chẳng hạn như một số bệnh ung thư và các tình trạng như rối loạn chuyển hóa, có thể gây ra mùi hơi thở đặc biệt do các hóa chất mà chúng tạo ra. Trào ngược mãn tính axit dạ dày (bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc GERD) có thể liên quan đến hôi miệng. Chứng hôi miệng ở trẻ nhỏ có thể do dị vật, chẳng hạn như mảnh thức ăn mắc vào lỗ mũi.
Các nguyên nhân trên có thể được kiểm soát và loại bỏ giúp cải thiện tình trạng hôi miệng.
Biện pháp cải thiện hôi miệng tại nhà
Thông qua sinh hoạt hàng ngày, tình trạng hôi miệng có thể được cải thiện.
Vệ sinh răng miệng đúng cách phòng ngừa hôi miệng
Vệ sinh răng miệng đúng cách là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa hôi miệng. Dưới đây là một số hướng dẫn để vệ sinh răng miệng đúng cách:
- Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày: Nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm và một lượng kem đánh răng chứa fluoride. Chải răng ít nhất hai phút mỗi lần và chú ý chải cả mặt trước, mặt sau và các bề mặt nghiêng của răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày để làm sạch các kẽ răng và không gian giữa răng. Điều này giúp loại bỏ mảnh thức ăn và mảng bám, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây hôi miệng.
Sử dụng nước súc miệng
Để giúp tình trạng hôi miệng được cải thiện, dùng nước súc miệng có chứa hoạt chất kháng khuẩn, tạo mùi là một biện pháp.
Thành phần có tác dụng kháng khuẩn giúp loại bỏ tác nhân gây hôi miệng là vi khuẩn, nấm, thức ăn thừa. Một số chất kháng khuẩn phổ biến được dùng trong các loại nước súc miệng bao gồm: Nano bạc, Chlorhexidine, Tinh dầu, Povidon iod,…
Bên cạnh đó, các chất tạo mùi hương thường được sử dụng là tinh dầu (Mentol) giúp đem lại cảm giác tươi mát, sảng khoái cùng hơi thở thơm tho.
Hạn chế tiêu thụ các đồ nặng mùi
Việc ăn các loại thực phẩm như hành, tỏi, rượu, cà phê cũng là nguyên nhân gây ra hôi miệng. Do đó cần hạn chế việc tiêu thụ các loại đồ ăn này.
Bổ sung đủ nước mỗi ngày
Miệng khô cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, và gây hôi miệng, do đó hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.
6 cách trị hôi miệng tại nhà đơn giản theo dân gian
Dưới đây là 6 cách trị hôi miệng được áp dụng phổ biến trong dân gian mà bạn có thể tham khảo.
Cách trị hôi miệng tại nhà bằng muối và ngò gai
Ngò gai chứa tinh dầu dễ bay hơi trong lá và rễ, cùng với saponin, có tác dụng kháng khuẩn, diệt khuẩn, và tăng cường khả năng miễn dịch, giúp chống lại vi khuẩn và virus. Ngoài ra, ngò gai còn có các thành phần như vitamin B1, vitamin C, protein, cellulose, glucid, sắt, phosphor, và calcium, có tác dụng cải thiện sức khỏe và hỗ trợ điều trị các vấn đề về răng miệng, từ đó cải thiện đáng kể hôi miệng.
Việc sử dụng ngò gai cũng có khả năng khử mùi tốt nhờ mùi thơm hơi hắc của nó. Sử dụng nước lá ngò gai để súc miệng là một phương pháp trị hôi miệng an toàn, đơn giản, và có thể áp dụng cho mọi đối tượng và lứa tuổi. Lá ngò gai là loại rau thơm ăn được, và chúng ta chỉ sử dụng nó để súc miệng, không cần lưu ý gì đặc biệt.
Nguyên liệu: 50g lá ngò gai, 1 thìa muối tinh.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá ngò gai và cho vào một nồi đun sôi với nước.
- Khi nước cô đặc, tắt bếp.
- Thêm vài hạt muối vào và khuấy tan.
- Sử dụng nước này để ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày.
- Thực hiện biện pháp này đều đặn mỗi ngày để cải thiện tình trạng hôi miệng.
Lưu ý: Khi kết hợp ngò gai với muối, chỉ sử dụng một ít muối. Tránh sử dụng quá nhiều muối để tránh gây mòn men răng. Muối cần được khuấy tan và sử dụng với lượng vừa đủ.
Cách trị hôi miệng tận gốc tại nhà bằng gừng
6-gingerol trong gừng kích thích các enzym có trong nước bọt phá vỡ các chất có mùi hôi trong miệng, giúp hơi thở thơm tho. Vị cay nồng của gừng làm tăng mức độ enzyme sulfhydryl oxidase 1 trong nước bọt lên 16 lần trong vài giây. Các enzym này giúp phân hủy các hợp chất chứa lưu huỳnh độc hại gây hôi miệng. Một ví dụ điển hình là việc làm giảm dư vị lâu dài của nhiều loại thực phẩm như cà phê, có chứa lưu huỳnh 2-furfurylthiol, gây mùi hôi. Gừng có thể giảm nồng độ chất tạo mùi trong hơi thở bằng cách tăng lượng sulfhydryl oxidase, làm giảm quá trình oxi hóa của 2-furfurylthiol tạo mùi hôi. Do đó, sulfhydryl oxidase có thể coi là một thành phần trong mạng lưới phân tử kích hoạt cơ chế làm sạch miệng sau khi ăn.
Một trong những cách dễ dàng để sử dụng gừng để trị hôi miệng là nấu nước gừng tươi để súc miệng. Dưới đây là cách thực hiện:
Cách thực hiện:
- Rửa sạch gừng tươi, cạo vỏ và thái thành từng lát mỏng.
- Cho gừng vào nồi và đun sôi với 350ml nước trong 5-10 phút. Lưu ý đun với lửa nhỏ để không mất tinh dầu và các chất dinh dưỡng có trong gừng.
- Sau đó tắt bếp và lọc lấy nước, để nguội và dùng súc miệng.
Để đạt hiệu quả tốt nhất trong việc trị hôi miệng, súc miệng với nước gừng 2-3 lần/ngày, mỗi lần từ 5-7 phút. Nếu kiên trì áp dụng phương pháp này trong 3 tuần liên tục, không chỉ giảm đáng kể mùi hôi miệng mà còn ngăn ngừa được bệnh sâu răng.
Cách trị hôi miệng tại nhà bằng chanh
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng quả chanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin C và axit ascorbic, có khả năng diệt vi khuẩn gây hại trong miệng, loại bỏ mảng bám trên răng và giảm mùi hôi khó chịu. Lá và vỏ chanh có mùi thơm tự nhiên và chứa các chất giúp giảm viêm và kháng khuẩn. Vì vậy, nhiều người đã áp dụng phương pháp trị hôi miệng bằng chanh tại nhà.
Sử dụng lá và vỏ chanh có thể giúp giảm mùi hôi miệng và nước cốt chanh còn hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, giảm tình trạng ợ hơi, khó tiêu hoặc trào ngược dạ dày gây hôi miệng. Việc sử dụng chanh theo liều lượng và cách sử dụng đúng cách có thể giúp làm sạch khoang miệng và giảm nguy cơ sâu răng.
Cách trị hôi miệng tại nhà bằng lá trà xanh, trà đen
Lá trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, polyphenol và catechin, đặc biệt là epigallocatechin gallate (EGCG). Những chất này có khả năng kháng khuẩn và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây hôi miệng. Ngoài ra, lá trà xanh cũng có tính chất chống viêm, giúp làm dịu các vết thương nhỏ trong khoang miệng.
Cách sử dụng:
- Sử dụng lá trà tươi hoặc khô đem đun lấy nước.
- Sau đó, sử dụng nước trà xanh để súc miệng trong khoảng 30 giây đến 1 phút.
Lá ổi – Cách trị hôi miệng tại nhà
Lá ổi chứa các chất chống viêm và chất kháng khuẩn tự nhiên, có thể giúp làm sạch miệng và giảm mùi hôi khó chịu. Dưới đây là cách sử dụng lá ổi để hỗ trợ điều trị hôi miệng:
Chuẩn bị lá ổi:
- Chọn một số lá ổi tươi, sạch.
- Rửa lá kỹ để loại bỏ bụi bẩn hoặc chất cặn.
- Làm nước súc miệng từ lá ổi:
- Đun sôi nước và cho lá ổi vào.
- Đun nhỏ lửa trong khoảng 5-10 phút để chất trong lá ổi tỏa ra trong nước.
- Tắt bếp và để nước nguội.
- Sử dụng nước súc miệng từ lá ổi để súc miệng trong khoảng 30 giây đến 1 phút. Sau đó súc lại bằng nước sạch.
Lá bạc hà cách trị hôi miệng tại nhà
Lá bạc hà có thể được sử dụng để giảm hôi miệng và cung cấp hơi thở thơm mát. Lá bạc hà chứa các dầu thực vật có tác dụng kháng khuẩn và làm sạch miệng. Dưới đây là cách sử dụng lá bạc hà để hỗ trợ điều trị hôi miệng:
Chuẩn bị lá bạc hà:
- Chọn một số lá bạc hà tươi và sạch.
- Rửa lá kỹ để loại bỏ bụi bẩn hoặc chất cặn.
- Đun sôi nước sau đó cho lá bạc hà vào.
- Đun nhỏ lửa trong khoảng 5-10 phút để chất trong lá bạc hà tỏa ra trong nước.
- Tắt bếp và để nước nguội.
- Sử dụng nước súc miệng từ lá bạc hà để súc miệng trong khoảng 30 giây đến 1 phút.
Biện pháp phòng ngừa hôi miệng
Dưới đây là một số biện pháp để duy trì hơi thở tươi mát và hạn chế mùi hôi miệng:
- Đánh răng và làm sạch nướu nhẹ nhàng ít nhất hai lần mỗi ngày, trong ít nhất hai phút mỗi lần.
- Làm sạch lưỡi mỗi ngày ít nhất một lần bằng dụng cụ làm sạch lưỡi để loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn.
- Sử dụng bàn chải kẽ răng hoặc chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất một lần mỗi ngày. Điều này giúp loại bỏ mảng bám và thức ăn mắc kẹt giữa các răng.
- Đi khám răng định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về răng miệng và có biện pháp điều trị kịp thời.
- Nếu bạn đang sử dụng răng giả, hãy giữ chúng sạch sẽ và tháo ra vào ban đêm để làm sạch.
- Sau khi ăn thức ăn hoặc uống đồ có mùi mạnh, hãy thử sử dụng kẹo bạc hà không đường hoặc kẹo cao su để làm mát hơi thở.
- Hãy thử sử dụng nước súc miệng hoặc kem đánh răng chứa kháng khuẩn để giảm vi khuẩn trong miệng.
Trên đây là những biện pháp giúp cải thiện tình trạng hôi miệng mà bạn có thể áp dụng để lấy lại được hơi thở thơm tho.