Viêm họng là bệnh lý phổ biến ở trẻ em. Trẻ bị viêm họng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng viêm đường hô hấp và biến chứng nhiễm khuẩn nguy hiểm. Vì vậy, cha mẹ cần nắm rõ cách điều trị và chăm sóc cho trẻ bị viêm họng.
Mục lục
Tổng quan về bệnh viêm họng ở trẻ em
Viêm họng là bệnh lý đường hô hấp trên phổ biến ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em. Viêm họng ở trẻ em có thể xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa lạnh và những thời điểm giao mùa thu – đông, xuân – hè.
Dấu hiệu trẻ bị viêm họng cha mẹ cần nhận biết
Khác với người lớn, trẻ em thường gặp viêm họng cấp với các biểu hiện có tính chất rầm rộ như:
- Đau họng, rát họng, có thể nổi hạch ở cổ họng
- Ho khan hoặc ho do có đờm
- Sốt nhẹ hoặc có thể sốt cao lên đến 39 – 40oC
- Viêm họng kèm chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi
- Rối loạn tiêu hóa như nôn trớ, đi ngoài có tình trạng phân lỏng.
Các triệu chứng này làm trẻ mệt mỏi, khó chịu, hay quấy khóc, biếng ăn và khó ngủ hơn, khiến cha mẹ lo lắng.
Nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ
Trẻ bị viêm họng có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
- Virus: Virus là nguyên nhân của hơn 70% các trường hợp viêm họng ở trẻ em. Virus gây bệnh thường gặp là cúm, á cúm, Rhinovirus, sởi, Adenovirus,…
- Vi khuẩn: Vi khuẩn cũng là một nguyên nhân phổ biến gây viêm họng ở trẻ em. Thường gặp các vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Haemophilus Influenzae.
- Nhiễm lạnh: Trẻ dễ bị viêm họng khi thời tiết thay đổi nóng lạnh đột ngột, trẻ bị mắc mưa, uống đá lạnh hay ngồi điều hòa nhiều.
- Nấm: Trẻ bị viêm họng do nấm ít gặp hơn, thường do nấm Candida gây bệnh.
- Nguyên nhân khác: Dị vật làm tổn thương niêm mạc hầu họng, rối loạn miễn dịch, viêm nướu răng, trào ngược dạ dày – thực quản,…
Trẻ em có sức đề kháng yếu, do vậy dễ bị tác động bởi các nguyên nhân kể trên. Đặc biệt, những trẻ có các yếu tố nguy cơ sau đây có khả năng bị viêm họng cao hơn so với bình thường;
- Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi
- Trẻ đẻ non
- Trẻ có sức đề kháng yếu, còi xương, suy dinh dưỡng
- Trẻ vệ sinh răng miệng kém
- Trẻ chưa tiêm đủ các mũi vaccin phòng bệnh, nhất là vaccin ngừa cúm, phế cầu,…
- Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi, ẩm ướt.
Trẻ bị viêm họng có nguy hiểm không?
Viêm họng ở trẻ em dễ tái phát, tuy vậy không phải là bệnh nguy hiểm nếu cha mẹ phòng ngừa tốt, phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ. Nhưng nếu không điều trị đúng cách, viêm họng kéo dài rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn và tiến triển thành các bệnh lý như:
- Viêm tai giữa
- Viêm đường hô hấp dưới: Viêm phế – khí quản, viêm phổi
- Viêm cầu thận cấp, bệnh thấp tim, nhiễm khuẩn huyết do liên cầu tan huyết beta nhóm A.
Chính vì vậy, khi trẻ bị viêm họng, cha mẹ cần chăm sóc và theo dõi trẻ một cách cẩn thận.
Khi nào cần đưa trẻ bị viêm họng đi khám ngay?
Trẻ bị viêm họng kéo dài hoặc bệnh ngày càng nặng có thể có khả năng đã gặp biến chứng. Do vậy, khi trẻ bị viêm họng có các dấu hiệu sau đây, cha mẹ cần đưa ngay trẻ tới khám tại các cơ sở y tế:
- Sốt cao trên 38oC, liên tục trên 2 ngày, dùng thuốc và chườm ấm không có hiệu quả
- Ho nhiều, ho ra đờm xanh, vàng nhầy
- Xuất hiện hạt, mủ trong cổ họng, hơi thở có mùi hôi
- Khó thở, thở gấp
- Có tiếng rít, khò khè trong lồng ngực
- Có biểu hiện rút lõm lồng ngực
- Nôn nhiều, nhiều lần đi ngoài phân lỏng trong ngày
- Tai chảy mủ
Đặc biệt, trẻ dưới 3 tháng tuổi có bất kỳ triệu chứng viêm họng hoặc sốt nào cũng cần được đưa đi khám ngay do độ tuổi này các biểu hiện biến chứng thường mơ hồ, khó phát hiện và dễ trở nặng.
Các biện pháp điều trị viêm họng ở trẻ em
Các biện pháp điều trị cho trẻ em bị viêm họng thay đổi tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bao gồm điều trị bằng thuốc kết hợp các mẹo dân gian và chăm sóc hợp lý.
Điều trị cho trẻ bị viêm họng bằng thuốc
70% viêm họng xuất phát từ virus và có thể tự khỏi bằng cách tăng cường sức đề kháng và dùng thuốc trị triệu chứng. Các thuốc điều trị triệu chứng được sử dụng để điều trị cho trẻ bị viêm họng:
- Thuốc trị ho: Dextromethorphan.
- Thuốc long đờm: Ambroxol, Bromhexin.
- Thuốc chống viêm: NSAIDs (Ibuprofen), Corticoid (Prednisolon, Methylprednisolon,…)
- Thuốc giảm đau hạ sốt: Paracetamol, NSAIDs.
- Thuốc dùng tại chỗ: Xịt họng chứa Corticoid, xịt họng PlasmaKare H-Spray chứa phức hệ Sanicompound kháng khuẩn, chống virus gây viêm họng hiệu quả.
Tuy nhiên, các chẩn đoán lâm sàng đôi khi không phân biệt được viêm họng ở trẻ xuất phát từ virus hay vi khuẩn. Tỷ lệ bội nhiễm vi khuẩn sau khi mắc viêm họng do virus ở trẻ em khá cao.
Vì vậy, thông thường các bác sĩ sẽ kê kháng sinh để dự phòng khi nghi ngờ trẻ bị viêm họng có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh cho trẻ em bị viêm họng thường dùng Amoxicillin, Ampicillin, Cephalexin, Erythromycin, Clarithromycin,…
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm họng cho trẻ em:
- Tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc, tăng/giảm liều hoặc thay đổi cách sử dụng thuốc.
- Không dùng lại đơn cũ do mỗi đợt viêm họng của trẻ có thể có triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh khác nhau.
- Không tự ý dùng thuốc, nhất là với kháng sinh và corticoid do có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, bội nhiễm vi khuẩn và kháng kháng sinh.
Các mẹo dân gian chữa viêm họng cho trẻ
Có nhiều mẹo dân gian giảm đau họng, viêm họng hiệu quả cha mẹ có thể áp dụng cho con, cụ thể:
- Chanh ngâm mật ong: Mật ong và chanh có tác dụng tiêu viêm, long đờm giảm ho. Chanh chứa nhiều Vitamin C chống viêm và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Nên cho trẻ uống 1 – 2 thìa chanh ngâm mật ong mỗi ngày. Lưu ý không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
- Trà gừng: Gừng có tác dụng giảm viêm, kháng khuẩn và làm dịu cảm giác khó chịu cho trẻ rất tốt. Cha mẹ có thể cho trẻ uống trà gừng, tuy nhiên chỉ nên dùng khi trẻ đã hạ sốt do trà gừng có tính nóng.
- Húng chanh hấp đường phèn: Húng chanh chứa tinh dầu có tác dụng chống viêm, sát khuẩn, giúp làm dịu các triệu chứng đau họng và điều trị đau họng, ho khan và hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Nên dùng húng chanh hấp đường phèn cho trẻ dễ uống, sử dụng 2 – 3 lần/ngày.
- Bạc hà: Bạc hà giúp thông thoáng họng, long đờm và giảm ho hiệu quả. Cha mẹ có thể cho trẻ ngậm kẹo bạc hà để giảm ho. Lưu ý không dùng bạc hà cho trẻ dưới 1 tuổi.
- Cam thảo: Đây là dược liệu trị ho, long đờm được dùng phổ biến trong y học cổ truyền nhờ hiệu quả cao và hương vị dễ sử dụng. Cha mẹ nên cho trẻ uống trà cam thảo mỗi ngày.
Cách chăm sóc cho trẻ bị viêm họng
Đa số các trường hợp là do phản ứng tự bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân phổ biến (virus, môi trường). Vì vậy, tăng cường nâng cao thể trạng cho trẻ sẽ giúp cải thiện bệnh nhanh chóng. Cách chăm sóc cho trẻ bị viêm họng cha mẹ cần nhớ:
Vệ sinh cơ thể cho trẻ đúng cách
Đối với trẻ bị viêm họng, cha mẹ cần chú ý vệ sinh cơ thể và mũi họng cho trẻ một cách phù hợp. Cụ thể:
Vệ sinh mũi họng cho trẻ
- Cho trẻ đánh răng sạch sẽ súc miệng họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch súc miệng họng chuyên dụng như súc miệng họng PlasmaKare có thành phần chính là phức hệ Nano bạc TSN kháng viêm, kháng khuẩn, virus và lành tính cho trẻ.
- Lau mũi bằng khăn giấy mềm dùng 1 lần và chườm ấm khi trẻ bị ngạt mũi nặng. Với trẻ bị ngạt mũi nặng, dịch mũi đặc, các bác sĩ khuyến cáo nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi lỗ mũi, đợi một lúc để nước mũi làm mềm dịch mũi rồi day nhẹ mũi trẻ để dịch mũi bong ra.
- Dịch mũi quá nhiều và đặc: Có thể cho trẻ rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch nước rửa mũi chuyên dụng chứa thành phần an toàn như muối rửa mũi PlasmaKare Nasal Clean. Không nên dùng dụng cụ hút mũi do có nguy cơ làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Cách tắm cho trẻ
- Đo nhiệt độ của trẻ trước khi tắm để điều chỉnh nhiệt độ nước tắm sao cho thấp hơn nhiệt độ cơ thể 2oC.
- Tắm cho trẻ trong phòng kín, tránh gió, nhiệt độ ổn định.
- Gội đầu nhanh cho trẻ trước rồi mới tắm phần thân trẻ. Không tắm lâu.
- Khi tắm xong cần lau khô người trẻ ngay bằng khăn mềm và cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc các yếu tố nguy cơ gây viêm họng
Hạn chế được các yếu tố nguy cơ gây viêm họng sẽ giúp trẻ nhanh khỏi, phòng ngừa nguy cơ biến chứng và tái phát viêm họng hiệu quả. Cha mẹ cần ghi nhớ:
- Giữ nhiệt độ cơ thể phù hợp cho trẻ: Cho trẻ bị viêm họng mặc quần áo đầy đủ, chú ý giữ ấm các vùng cổ, ngực, bàn chân khi thời tiết lạnh. Không để trẻ nằm quạt mạnh hoặc điều hòa quá lạnh. Nên cởi bớt quần áo cho trẻ thoáng người khi trẻ bị sốt cao.
- Hạn chế tiếp xúc với người đang bị bệnh: Cho trẻ đeo khẩu trang thường xuyên, tránh đưa trẻ đến nơi đông người khi đang có dịch cúm, rửa tay sạch cho trẻ sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn khi có tiếp xúc với người đang bị bệnh,…
- Vệ sinh môi trường nhà ở: Cha mẹ cần vệ sinh nhà cửa thường xuyên để hạn chế khói bụi, ẩm mốc.
Chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ bị viêm họng
Dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng viêm họng của trẻ.
Khi trẻ ốm thường biếng ăn khiến cơ thể yếu ớt và kéo dài bệnh hơn. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý các biện pháp tăng cường thể trạng và sức đề kháng cho con như sau:
Bù nước và điện giải
- Sử dụng Oresol để bù nước và điện giải cho trẻ, nhất là khi trẻ sốt cao.
- Cho trẻ uống thêm nước ép hoa quả hoặc nước luộc rau củ để vừa bù nước, vừa tăng cường dinh dưỡng.
Chế độ ăn phù hợp:
- Đối với trẻ bú mẹ, mẹ nên dỗ dành và cho trẻ bú thành nhiều lần trong ngày để trẻ được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.
- Ưu tiên nấu các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, thể chất mềm để trẻ dễ nuốt, dễ tiêu hóa.
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, số lượng mỗi bữa ít hơn. Không ép trẻ ăn hết do có thể khiến trẻ đầy bụng, khó chịu và nôn ói.
Lưu ý khi lựa chọn thực phẩm cho thực đơn của trẻ
- Lựa chọn những thực phẩm giàu các chất Kẽm, Vitamin A, C, Selen giúp tăng cường sức đề kháng như cam, quýt, bưởi, bí ngô, bông cải xanh, các loại đậu, cá biển nạc (cá thu, các hồi),…
- Tránh cho trẻ tiêu thu các loại thức ăn cay nóng, đồ muối chua, nhiều dầu mỡ.
Giải đáp một số câu hỏi của cha mẹ khi bé bị viêm họng
Dưới đây là trả lời một số câu hỏi được nhiều cha mẹ thắc mắc khi có bé bị viêm họng:
Câu 1: Trẻ bị viêm họng có tự khỏi không?
Trả lời: Viêm họng cấp do virus hoặc nhiễm lạnh ở trẻ có thể tự khỏi sau 4 – 10 ngày nếu trẻ có sức đề kháng tốt. Ngược lại, viêm họng do vi khuẩn và trẻ có sức đề kháng kém không thể tự khỏi bệnh và có nguy cơ biến chứng cao.
Câu 2: Trẻ bị viêm họng cấp sốt mấy ngày?
Trả lời: Khi bị viêm họng cấp, trẻ thường sốt khoảng 2 – 3 ngày rồi giảm dần và hết sau khoảng 1 tuần nếu được chăm sóc kỹ càng. Tuy nhiên, trẻ gặp biến chứng của viêm họng có thể sốt kéo dài trên 5 ngày hoặc hơn. Cha mẹ nên lưu ý đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ sốt cao trên 38oC, liên tục trên 2 ngày, dùng thuốc và chườm ấm không có hiệu quả.
Câu 3: Trẻ bị viêm họng nhưng không ho có làm sao không?
Trả lời: Một số nguyên nhân có thể khiến trẻ bị viêm họng nhưng không ho như: viêm amidan, bệnh bạch cầu đơn nhân, trào ngược dạ dày – thực quản, áp xe họng. Khi trẻ gặp tình trạng này, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Nhận biết dấu hiệu trẻ bị viêm họng và xử lý nhanh chóng sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, phòng ngừa các biến chứng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho cha mẹ trong quá trình nuôi con để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, an toàn.