Nghẹt mũi khi ngủ không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể. Tình trạng này khiến nhiều người trằn trọc, khó thở, thức giấc nhiều lần trong đêm và mệt mỏi vào buổi sáng. Tuy bằng cách điều chỉnh tư thế nằm và áp dụng một số phương pháp hỗ trợ phù hợp, bạn hoàn toàn có thể cải thiện triệu chứng này hiệu quả ngay tại nhà
Mục lục
Trong bài viết dưới đây, Plasmakare sẽ hướng dẫn chi tiết những tư thế nằm khoa học giúp giảm nghẹt mũi khi ngủ giúp bạn dễ thở hơn và có một đêm ngon giấc trọn vẹn.
Các tư thế nằm giúp giảm nghẹt mũi hiệu quả
Tư thế nằm ngửa nâng cao đầu
Ở tư thế này, bạn nằm ngửa và dùng gối cao hoặc kê thêm gối phụ dưới đầu và vai để nâng phần thân trên lên. Việc tạo góc nghiêng nhẹ này giúp trọng lực kéo dịch nhầy chảy xuống họng thay vì ứ đọng trong hốc mũi, từ đó làm giảm cảm giác tắc nghẽn. Ngoài ra, tư thế này còn hạn chế tình trạng máu dồn lên mũi, giúp niêm mạc giảm sưng, hỗ trợ đường thở được thông thoáng hơn.
Lợi ích nổi bật của tư thế nằm ngửa nâng cao đầu là giúp hơi thở trở nên dễ dàng, hạn chế thức giấc vì khó thở và giảm cảm giác nặng mặt vào buổi sáng. Đây cũng là tư thế phù hợp với hầu hết mọi người, kể cả người lớn tuổi hoặc có vấn đề về dạ dày.
Cần chú ý không kê gối quá cao vì có thể gây đau cổ, mỏi vai, hoặc làm cong vẹo cột sống cổ. Hãy chọn gối mềm mại, độ cao vừa phải, thông thoáng để hỗ trợ đầu và cổ ở tư thế tự nhiên nhất.

Tư thế nằm nghiêng sang một bên
Đối với những ai bị nghẹt mũi một bên, tư thế nằm nghiêng chính là lựa chọn lý tưởng. Khi nằm nghiêng, bạn có thể ôm thêm gối hoặc kê gối giữa hai chân để giữ tư thế ổn định và tránh lật người khi ngủ. Đồng thời, có thể đặt thêm một chiếc gối nhỏ phía sau lưng để hỗ trợ.
Nằm nghiêng giúp dịch nhầy ở mũi bên bị tắc dễ chảy xuống, giảm áp lực lên niêm mạc và hỗ trợ thông mũi. Ví dụ, nếu bạn bị nghẹt bên phải, hãy nằm nghiêng sang trái để giúp bên phải thông thoáng hơn.
Tư thế này còn giúp giảm ngáy và hỗ trợ tốt cho những người bị trào ngược dạ dày hoặc phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, tránh úp mặt sát gối vì có thể làm khó thở và khiến tình trạng nghẹt mũi nặng thêm. Hãy chọn gối có độ cao và độ mềm phù hợp để giữ cổ và vai được thoải mái.
Tư thế nằm sấp (không khuyến khích sử dụng lâu dài)
Một số người lựa chọn nằm sấp để cảm thấy dễ thở hơn trong thời gian ngắn. Khi nằm úp bụng xuống giường, trọng lực và áp lực từ cơ thể có thể hỗ trợ dịch nhầy chảy ra phía trước, giúp giảm nghẹt mũi tạm thời.
Tuy đây chỉ là giải pháp tức thời và không nên duy trì lâu dài. Tư thế này có thể gây áp lực lên phổi, hạn chế hoạt động của tim, cản trở lưu thông máu, đồng thời dễ gây đau cổ, vai, lưng. Ngoài ra, nằm sấp còn có nguy cơ làm cong vẹo cột sống và ảnh hưởng không tốt đến khớp.
Đặc biệt, tư thế này không phù hợp với phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim mạch hoặc gặp vấn đề về hô hấp. Nếu muốn áp dụng, bạn chỉ nên thử trong thời gian ngắn và tuyệt đối không dùng như một tư thế ngủ chính.

Các mẹo bổ trợ giúp giảm nghẹt mũi khi ngủ
Ngoài các cách điều trị bằng tư thế ở trên thì một số mẹo đơn giản tại nhà có thể hỗ trợ giảm nghẹt mũi, giúp bạn dễ thở hơn và ngủ ngon suốt đêm.
- Vệ sinh mũi trước khi ngủ: Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch bụi bẩn, chất nhầy và giữ ẩm niêm mạc mũi. Bạn cũng có thể dùng xịt mũi thông thường, nhưng nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh kích ứng.
- Duy trì độ ẩm phòng ngủ: Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc đặt bát nước trong phòng giúp giữ không khí ẩm, tránh khô niêm mạc mũi. Tắm nước ấm trước khi ngủ cũng giúp làm loãng dịch nhầy, giảm tắc nghẽn.
- Giữ phòng sạch sẽ: Thường xuyên giặt ga gối, hút bụi, lau dọn phòng để hạn chế bụi và nấm mốc những tác nhân dễ gây kích ứng mũi. Nếu dị ứng, nên tránh cho thú cưng vào phòng ngủ.
- Tránh tác nhân gây dị ứng: Hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, khói thuốc, lông động vật hoặc bụi nhà. Không nên hút thuốc hoặc để người khác hút thuốc trong phòng.
- Dùng tinh dầu an toàn: Xông tinh dầu bạch đàn hoặc bạc hà (pha loãng) giúp thông mũi, hoặc có thể thoa nhẹ lên ngực để hỗ trợ hít thở dễ hơn. Tránh bôi trực tiếp lên mặt và gần mắt.
- Uống đủ nước: Uống đủ nước giúp làm loãng dịch nhầy, giữ niêm mạc mũi luôn ẩm và giảm tình trạng tắc nghẽn.
Lưu ý: Một số người nhạy cảm với sữa, gluten hoặc đồ ăn cay, nên hạn chế dùng trước giờ ngủ để giảm nguy cơ nghẹt mũi ban đêm.
Hy vọng những tư thế nằm và mẹo nhỏ trong bài viết sẽ giúp bạn giảm nghẹt mũi, có được giấc ngủ ngon hơn. Hãy thử nghiệm để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với mình nhé. Nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài hoặc nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Đặc biệt, nếu đối tượng là trẻ em, bạn có thể xem thêm bài viết “cách siêu đơn giản điều trị nghẹt mũi cho trẻ” để có thêm thông tin hữu ích nhé.