Viêm amidan là một trong những vấn đề đối với hệ hô hấp phổ biến ngay sau viêm họng. Dù có thể xuất hiện ở người trưởng thành, nhưng nó phổ biến hơn đối với trẻ nhỏ. Tình trạng viêm amidan mang theo những triệu chứng như đau họng, khó khăn trong việc nuốt, đau lan ra vùng tai và có thể gây ra các dấu hiệu toàn thân như sốt và sự mệt mỏi. Thông thường, viêm amidan sẽ được điều trị hiệu quả trong khoảng 5-7 ngày. Tuy nhiên, nếu quá trình điều trị không được thực hiện tốt, có thể dẫn đến các biến thể nghiêm trọng hơn như viêm amidan cấp mủ, viêm amidan mạn tính và thậm chí đòi hỏi phẫu thuật cắt bỏ. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng Plasmakare tìm hiểu về viêm amidan: khái niệm, phương pháp điều trị và cách ngăn ngừa hiệu quả.
Viêm amidan là gì
Amidan thực chất là 2 hạch bạch huyết ở khu vực vòm họng, đóng vai trò như một hàng rào miễn dịch của đường hô hấp trên, ngăn chặn không cho vi khuẩn, virus xâm nhập xuống đường hô hấp dưới. Viêm amida xảy ra khi 2 hạch bạch huyết này có biểu hiện sưng, tấy, đỏ, đau khi nuốt và có thể kèm theo các triệu chứng toàn thân khác như nổi hạch vùng cổ, đau lan ra tai, sốt, mệt mỏi.
Các dấu hiệu nhận biết sớm và triệu chứng viêm amidan
Triệu chứng nhận biết sớm viêm amidan là tình trạng khô, đau họng, hơi thở có mùi hôi: đây là dấu hiệu của quá trình viêm diễn ra tại amidan.
Các triệu chứng thường gặp:
- Khô họng, đau họng, rát họng
- Có thể kèm theo ho hoặc không
- Đau khi nuốt và đau lan lên tai
- Trẻ nhỏ chưa kêu được sẽ bỏ bữa, quấy khóc
- Biểu hiện toàn thân bao gồm sốt cao, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá
- Nói ngậm hạt thị, hơi thở có mùi hôi
- Soi thấy amidan sưng to, đỏ hoặc có thể kèm theo mủ
- Có thể đau, sưng hạch cổ, hạch góc hàm
- Có thể xuất hiện tình trạng phát ban nhưng không thường gặp
Nguyên nhân gây viêm amidan
Bản thân amidan là một chốt chặn để chống lại sự tấn công của các yếu tố gây hại với đường hô hấp như virus, vi khuẩn. Khi các yếu tố này tấn công ồ ạt khiến cho amidan không đủ khả năng kháng lại sẽ dẫn tới viêm tại amidan.
- Nhiễm virus: là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra viêm amidan. Các virus gây viêm amidan thường là các virus á cúm hoặc virus cúm thông thường như Rhinovirus, Adenovirus…
- Nhiễm vi khuẩn: khoảng 30% bệnh nhân viêm amidan là do nhiễm vi khuẩn. Trong đó phổ biến nhất là liên cầu tan huyết nhóm A. Ngoài ra, một số vi khuẩn gây viêm amidan ít gặp khác như: tụ cầu, phế cầu. Rất ít gặp viêm amidan do nhiễm vi khuẩn ho gà, bệnh bạch cầu hoặc giang mai. Trong đó, viêm amidan do nhiễm vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A thường xảy ra ở độ tuổi 5 – 15, phổ biến nhất là ở tuổi lên 3.
Yếu tố nguy cơ dẫn tới viêm amidan
Ngoài nguyên nhân gây viêm amidan chính là virus và vi khuẩn, có một số yếu tố nguy cơ khiến viêm amidan dễ xảy ra như:
- Thường xuyên uống nước lạnh, ăn kem, không giữ ấm cổ
- Mắc các bệnh viêm đường hô hấp khác như viêm họng, viêm mũi, viêm xoang
- Không đảm bảo vệ sinh răng miệng và khoang họng
- Hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc thụ động
- Cơ thể suy yếu, suy giảm đề kháng khiến cho các vi sinh vật cứ trú sẵn trong hốc amidan tấn công và gây viêm
Phân loại viêm amidan
Theo tính chất viêm amidan và theo thời gian viêm amidan xảy ra mà có thể phân loại thành các kiểu chính dưới đây
- Viêm amidan cấp: Viêm amidan cấp được phân loại dựa trên thời gian bệnh kéo dài. Thông thường bệnh kéo dài 1 – 3 tuần thì được xếp vào nhóm viêm amidan cấp. Viêm cấp thường kèm theo các triệu chứng dữ dội, mệt mỏi và khó chịu.
- Viêm amidan mãn tính: Khi viêm cấp không được điều trị triệt để và thời gian viêm kéo dài từ 8 tuần trở lên thì được phân loại là mạn tính. Khi viêm mạn tính, các triệu chứng có xu hướng nhẹ hơn nhưng lại kéo dài dai dẳng không dứt.
- Viêm amidan cấp mủ: Viêm amidan cấp mủ là một tình trạng diễn tiến nặng hơn của viêm amidan cấp tính. Mủ trắng hoặc giả mạc xuất hiện trên hoặc đan xen vào các khoảng, kẽ ở 2 bên amidan. Tình trạng này xảy ra là do không điều trị triệt để đợt viêm cấp. Viêm amidan cấp mủ để lâu không điều trị sẽ có nguy cơ diễn tiến thành viêm amidan hốc mủ.
Viêm amidan có nguy hiểm không
Viêm amidan nếu không được điều trị đúng đắn có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm.
Viêm khớp: Nếu viêm amidan do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A có thể dẫn tới nguy cơ viêm khớp. Biểu hiện là sốt, đau nhức, mỏi khớp hay còn gọi là sốt thấp khớp. Nguyên nhân là do vi khuẩn theo tuần hoàn máu đi tới các tổ chức như tim, khớp và gây ra viêm.
Viêm cầu thận: khi vi khuẩn theo tuần hoàn vào máu và đi về thận sẽ gây viêm cầu thận. Diễn biến bệnh sẽ khá phức tạp và nguy hiểm.
Ngưng thở khi ngủ: tình trạng này xảy ra khi viêm amindan kéo dài dẫn đến phì đại. Amidan gây chèn ép vào đường thở, làm rối hoạn hô hấp đặc biệt là khi ngủ có thể dẫn tới ngưng thở.
Áp xe quanh amidan: viêm amidan cấp mủ hay viêm amidan hốc mủ có thể tiến triển thành áp xe. Đây là tình trạng viêm nhiễm trầm trọng với sự xuất hiện của mủ và đau đớn dữ dội. Áp xe có thể vỡ mủ gây viêm họng, viêm thanh quản và thậm chí dẫn tới nhiễm trùng máu.
Cách điều trị viêm amidan
Viêm amidan gây ra đau đớn, mệt mỏi và ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, công việc. Ngoài ra, nếu không điều trị triệt để mà để bệnh diễn biến mạn tính thì sẽ gây ra rất nhiều phiền toái. Do vậy, điều trị amidan thế nào cho hiệu qủa là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Một số phương pháp điều trị viêm amidan chính hiện nay bao gồm điều trị bằng thuốc, điều trị ngoại khoa.
Điều trị viêm amidan bằng thuốc tây
Phương pháp điều trị viêm amidan hiệu qủa và phổ biến nhất hiện nay là sử dụng thuốc tây. Nhiều người thường bị hiểu sai và xem điều trị thuốc chính là điều trị bằng kháng sinh. Thực tế thì điều này hoàn toàn không chính xác, không phải trường hợp nào viêm amidan cũng cần sử dụng tới kháng sinh. Đa số các trường hợp viêm amidan là do sự tấn công của các virus, chính vì thế lúc này điều trị bằng kháng sinh lại không cho hiệu quả. Dưới đây là một số thuốc tây thường được sử dụng để điều trị viêm amidan
- Các thuốc chống viêm: Các thuốc chống viêm là nhóm thuốc được sử dụng thường xuyên trong các đơn thuốc điều trị viêm amidan. Các thuốc chống viêm thường dùng là là corticoid đường uống. Ví dụ như desamethasol. Ngoài ra, các thuốc chống viêm có thể dùng ở dạng dùng ngoài, súc họng trực tiếp để giảm viêm tại chỗ.
- Các thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau được dùng để giảm triệu chứng phổ biến là thuốc thuộc nhóm NSAIDs như Ibuprofen, Natri diclofenac… dùng đường uống. Các thuốc này có tác dụng phụ trên dạ dày nên hãy thận trọng nếu có tiền sử hoặc đang gặp các vấn đề liên quan đến viêm dạ dày. Ngoài ra, một số thuốc giảm đau gây tê được dùng tại chỗ dạng ngậm và dạng xịt, chứa thành phần như phenol, lidocain, benzocaine. Các thuốc giảm đau nhóm dạng ngậm hoặc xịt này thường phải dùng liên tục vì chỉ cho tác dụng trong thời gian ngắn và có thể ảnh hưởng đến vị giác.
- Các thuốc hạ sốt: Thuốc hạ sốt phổ biến nhất là Paracetamol. Ngoài tác dụng hạ sốt thuốc còn giảm đau hiệu qủa. Nếu đã dùng paracetamol thì cần lưu ý liều dùng của các thuốc giảm đau dùng kèm khác.
- Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp viêm amidan do nguyên nhân nhiễm vi khuẩn thì cần phải sử dụng kháng sinh. Các kháng sinh phổ biến là penicillin, kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 hoặc clindamycin… Thông thường rất khó để xác định nguyên nhân viêm amidan là do vi khuẩn hay virus. Đa số việc điều trị bằng kháng sinh thường dựa theo kinh nghiệm của bác sĩ điều trị hoặc sau khi đã làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn. Thông thường, 1 đợt điều trị kháng sinh sẽ kéo dài từ 5 – 7 ngày, tuyệt đối không bỏ dở kháng sinh, kể cả khi thấy các triệu chứng sưng, đau đã hết
- Bổ sung nước và điện giải: khi nguyên nhân viêm amidan do virus gây ra thì lúc này việc sử dụng kháng sinh là không hiệu quả. Thay vào đó, bù nước, điện giải giúp cân bằng lại thể dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể tự chống trọi lại với virus. Người bệnh nên bổ sung nước điện giải bằng cách pha dung dịch oresol theo đúng tỷ lệ. Ngoài ra, nên chủ động ăn thêm hoa quả, rau củ chứa nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm C để tăng cường sức đề kháng.
Điều trị viêm amidan mãn tính có nên cắt không
Ngoài điều trị bằng thuốc tây thì sẽ có chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ amidan trong một số trường hợp. Nhiều người hay thắc mắc, viêm amidan khi nào cần cắt? Viêm amidan mãn tính có cần cắt hay không? Câu trả lời không phải lúc nào viêm amidan cũng phải cắt bỏ. Những yếu tố cần cân nhắc khi cắt viêm amidan:
- Viêm amidan tái phát trên 6 lần/ năm.
- Viêm amidan gây ra phì đại, chèn ép gây ảnh hưởng đến đường thở.
Phẫu thuật thường áp dụng phương pháp dùng nhiệt hoặc dùng laser để cắt bỏ hoàn toàn 2 bên amidan. Phẫu thuật amidan không phải là một phẫu thuật lớn mà được xếp vào tiểu phẫu. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể sẽ phải trải qua đau đớn và chảy máu trong một vài ngày. Người bệnh sẽ được chỉ định các thuốc chống viêm, ngừa nhiễm khuẩn và kết hợp với kiêng nói trong một vài tuần để tránh ảnh hưởng đến vị trí phẫu thuật. Nếu sau thời gian phẫu thuật mà gặp phải các triệu chứng như sốt cao, chảy máu kéo dài thì hãy tới gặp ngay bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Sau khi cắt bỏ amidan, trẻ thường dễ “ốm” hoặc dễ bị mắc phải các bệnh đường hô hấp hơn. Điều này là do amidan đóng vai trò là rào chắn miễn dịch của đường hô hấp trên. Nó có chứa các tế bào lympho và đồng thời có khả năng tiết ra các kháng thể IgG. Chức năng này của Amidan hoạt động mạnh ở giai đoạn niên thiếu và giảm dần hoặc rất ít hoạt động cho tới sau khi trẻ dậy thì. Điều này cũng giải thích vì sao sau khi lớn lên thì việc cắt amidan cung không còn ảnh hưởng nhiều đến sức đề kháng của cơ thể.
Cách ngăn ngừa viêm Amidan
Để ngăn chặn những đau đớn, mệt mỏi cũng như những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra do viêm amidan, việc cần làm là chủ động phòng tránh bệnh. Điều này giúp giảm nguy cơ gây bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát. Một số cách có thể giúp ngăn ngừa viêm amidan hiệu quả như:
- Bảo vệ cổ họng, thường xuyên giữ ấm cổ họng: hãy chú ý bảo vệ cổ họng mỗi khi đi ra gió hoặc khi thời tiết trở lạnh bằng cách quấn khăn, mặc áo cao cổ. Bôi vài giọt tinh dầu tràm gió cũng có hiệu qủa giữ ấm cổ họng cho cả ngườ lớn và trẻ nhỏ.
- Hạn chế ăn đồ lạnh, uống nước đá, ăn kem: chưa có bằng chứng rõ ràng về việc ăn đồ lạnh sẽ gây ra viêm amidan. Tuy nhiên, nhiệt độ thấp của nước đá, kem có thể làm suy yếu hoạt động miễn dịch của amidan và tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật tấn công và gây viêm
- Giữ vệ sinh khoang họng, miệng: Do amidan có cấu tạo hốc nên khiến các vi khuẩn, virus dễ dàng ẩn nấp và cư trú để chờ đợi thời cơ tấn công gây viêm. Thường xuyên vệ sinh sạch khoang họng sẽ giúp loại bỏ bớt vi sinh vật gây hại. Các dụng dịch súc họng hiệu quả như nước muỗi loãng, dung dịch povidon iod, dung dịch nano bạc plasma.
- Điều trị sớm và triệt để viêm hô hấp: do amidan nằm ở vị trí giao nhau giữa mũi, họng, thực quản nên bị ảnh hưởng bởi nhiều cơ quan khác, trong đó bao gồm viêm đường hô hấp như viêm xong, viêm họng… Điều trị sớm và triệt để các bệnh viêm đường hô hấp khác giúp giảm nguy cơ vi sinh vật có cơ hội tấn công và gây viêm amidan.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị viêm hô hấp: Những người đang bị viêm hô hấp là người đang mang trong mình mầm bệnh (vi khuẩn, virus). Chúng rất dễ lây lan từ người sang người qua đường giọt bắn, nước bọt, ăn uống hoặc thậm chí là lơ lửng và tồn tại trong không khí trong một thời gian ngắn. Người có sức đề kháng kém, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ sẽ rất dễ bị lây nhiễm và có nguy cơ bị viêm amidan.
- Chủ động tăng cường sức đề kháng: Để có thể chủ động chống lại virus – tác nhân hàng đầu gây viêm amidan thì cơ thể cần phải có hệ miễn dịch khoẻ mạnh. Các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng bao gồm các thực phẩm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm các vitamin thiết yếu. Kết hợp với việc rèn luyện thể lực thường xuyên.
Viêm amidan gây đau đớn, mệt mỏi và có thể dẫn tới những biến chứng trầm trọng và nguy hiểm. Vì vậy, việc điều trị từ giai đoạn sớm đóng vai trò quan trọng. Khi có dấu hiệu sớm của bệnh hãy chủ động tới khám tại các cơ sở y tế để được điều trị phù hợp. Song song với đó là hãy luôn áp dụng các biện pháp để chủ động ngăn ngừa bệnh. Trên đây là các thông tin tổng quan về viêm amidan cách điều trị và những điều cần lưu ý. Hy vọng thông tin trên hữu ích đối với bạn và người thân.