Không ít người nhầm lẫn viêm da kích ứng với viêm da dị ứng do tên gọi và biểu hiện của chúng khá tương đồng. Tuy nhiên, viêm da kích ứng có cơ chế khởi phát và cách điều trị khác biệt so với viêm da dị ứng.
Mục lục
Viêm da kích ứng là gì?
Viêm da kích ứng, còn gọi là viêm da tiếp xúc kích ứng, là tình trạng da phản ứng lại khi tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng. Tình trạng này thường là kết quả của quá trình tổn thương hàng rào bảo vệ da kết hợp với việc hoạt hóa các phản ứng miễn dịch.
Triệu chứng khi da bị kích ứng
Căn bệnh này thường có những biểu hiện tập trung tại vùng tiếp xúc với tác nhân như:
- Đỏ da thành từng mảng lớn nhỏ
- Nổi mẩn đỏ, mụn nước
- Da châm chích hoặc đau rát
- Ngứa, sưng tấy da
- Khô và bong tróc da
- Trường hợp nặng: nổi mụn viêm, mụn mủ hoặc mề đay diện rộng
Tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng mà triệu chứng của người bệnh sẽ có mức độ khác nhau. Ngoài ra, mức độ của triệu chứng cũng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác như độ nhạy cảm của làn da, da hay đổ mồ hôi, môi trường kín hoặc có độ ẩm cao,…
Đây là dạng bệnh lý viêm da tiếp xúc nên tình trạng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi và mọi vùng trên cơ thể khi da tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng. Tuy nhiên, viêm da kích ứng ở mặt là dạng phổ biến nhất do da mặt có độ nhạy cảm cao và sự phổ biến của việc sử dụng mỹ phẩm trong làm sạch và chăm sóc da.
Phân loại viêm da kích ứng
Viêm da kích ứng được phân loại theo tính chất triệu chứng và thời gian tiếp xúc với tác nhân thành 2 thể cấp tính và mạn tính:
Viêm da kích ứng cấp tính
Phản ứng kích ứng xảy ra sớm trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi da tiếp xúc với tác nhân. Triệu chứng có thể xảy ra rầm rộ ngay từ ban đầu, khiến người bệnh đau rát, khó chịu.
Tuy nhiên, các phản ứng này thường giảm dần theo thời gian và có thể điều trị dứt điểm nhanh chóng.
Viêm da kích ứng mạn tính hoặc tích lũy
Ở thể bệnh này, trong thời gian đầu da tiếp xúc với tác nhân có thể không có triệu chứng hoặc chỉ ngứa, nóng da nhẹ. Bệnh chỉ biểu hiện nặng dần khi da tiếp xúc nhiều lần hoặc trong thời gian dài với các tác nhân gây kích ứng.
Da bị kích ứng trong thời gian dài có thể bị lichen hóa, tăng sừng hóa và dễ nứt nẻ. Thể bệnh này thường khó chữa và tốn thời gian điều trị hơn so với thể cấp tính.
Nguyên nhân gây kích ứng da thường gặp
Một số nguyên nhân sau đây có thể gây kích ứng dẫn đến viêm da:
- Do hóa chất: Đây là tác nhân hàng đầu gây kích ứng, bao gồm mỹ phẩm, sữa tắm, sản phẩm chăm sóc tóc, các sản phẩm rửa tay, xà phòng, chất tẩy rửa sinh hoạt, chất đánh bóng vật dụng, nước hoa,…
- Do ma sát: Căn bệnh này có thể là kết quả của tổn thương da do ma sát mạnh, nhiều lần bởi quần áo, nilon hoặc các bề mặt thô ráp khác.
- Do không khí: Không khí ô nhiễm, môi trường làm việc chứa nhiều bụi, sợi vải hoặc các dung môi, thuốc xịt phân tán cũng có thể gây kích ứng da.
Viêm da kích ứng có tự khỏi không?
Bệnh có thể tự khỏi dần khi người bệnh ngừng tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng và có triệu chứng không quá nặng. Tuy nhiên, các trường hợp viêm da kích ứng mạn tính, tích lũy, viêm da nặng có mụn mủ, mụn trứng cá không thể tự khỏi và cần có biện pháp can thiệp thích hợp.
Phân biệt viêm da kích ứng và viêm da dị ứng
2 loại viêm da kích ứng và viêm da dị ứng thường bị nhầm lẫn với nhau do tên và biểu hiện tương tự. Tuy nhiên, đây lại là 2 loại bệnh có cơ chế hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
Viêm da dị ứng:
- Cơ chế của viêm da dị ứng là phản ứng miễn dịch đặc hiệu toàn thân với một hoặc một vài dị nguyên nhất định.
- Bệnh viêm da dị ứng xảy ra ở người có cơ địa dị ứng, thường liên quan đến di truyền hoặc một số bất thường miễn dịch của cơ thể.
- Viêm da dị ứng có thể lan rộng ra toàn thân theo mức độ dị ứng.
- Triệu chứng dị ứng có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời và thường có xu hướng nặng lên sau mỗi lần tái phát.
- Điều trị viêm da dị ứng cần sử dụng thuốc chống viêm, chống dị ứng và thường phối hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Viêm da kích ứng:
- Cơ chế của bệnh là sự kết hợp của quá trình tổn thương hàng rào bảo vệ da kết hợp với việc hoạt hóa các phản ứng miễn dịch thông thường.
- Có thể xảy ra ở bất kỳ người nào, ít liên quan đến các yếu tố di truyền và miễn dịch đặc hiệu mà phụ thuộc lớn hơn vào độ nhạy cảm của da.
- Kích ứng chỉ tập trung ở vùng tiếp xúc với tác nhân.
- Có thể cải thiện viêm da kích ứng bằng các sản phẩm dưỡng ẩm và phục hồi mà không cần dùng thuốc.
Cách xử lý khi bị viêm da kích ứng
Điều trị viêm da kích ứng tập trung vào việc loại bỏ tác nhân gây kích ứng và chăm sóc phục hồi da. Điều trị bằng thuốc chỉ áp dụng cho các tình trạng kích ứng mạn tính, kéo dài và kích ứng nặng.
Loại bỏ tác nhân gây kích ứng
Các trường hợp nhẹ có thể lành dần khi da ngừng tiếp xúc với tác nhân. Do vậy, người bệnh cần xem xét tất cả các yếu tố có thể gây kích ứng da để có biện pháp loại bỏ hiệu quả. Cụ thể:
Nghi ngờ nguyên nhân do hóa chất:
- Ngừng tiếp xúc với tất cả các loại hóa chất nghi ngờ. Xem xét các loại mỹ phẩm, hóa chất mới dùng lần đầu hoặc trong thời gian gần đây để tìm ra sản phẩm/nguyên liệu có khả năng là tác nhân gây kích ứng.
- Có thể thử từng sản phẩm hoặc phối hợp 2 – 3 loại trong cùng một thời điểm nếu có khả năng là do sự phối hợp của nhiều loại mỹ phẩm. Việc kiểm tra này có thể kéo dài và khó dự đoán, do đó cần kiên trì.
- Khi xác định được loại hóa chất, sản phẩm gây kích ứng, ngưng sử dụng và tiếp tục chăm sóc phục hồi da.
Nghi ngờ do các tác nhân khác:
- Đổi sang mặc các loại quần áo rộng, có chất liệu mềm mịn để hạn chế cọ xát lên da.
- Ra khỏi môi trường ô nhiễm, có hóa chất phát tán. Nếu điều kiện công việc đặc thù, người bệnh cần áp dụng những biện pháp ngăn không khí tiếp xúc với da như mặc đồ bảo hộ lao động, quần áo dày, kín, đeo găng tay, khẩu trang và kính bảo hộ,…
Chăm sóc da bị kích ứng cẩn thận
Chăm sóc da là biện pháp quan trọng hàng đầu trong điều trị viêm da kích ứng. Chăm sóc da đúng cách sẽ giúp bệnh không trở nặng và phục hồi làn da hiệu quả. Những lưu ý khi chăm sóc làn da bị kích ứng:
- Vệ sinh da: Nên tắm rửa, vệ sinh da với nước muối sinh lý, hạn chế sử dụng các sản phẩm sữa tắm, sữa rửa mặt nếu chưa xác định rõ nguyên nhân. Trường hợp kích ứng nhẹ có thể sử dụng các sản phẩm làm sạch có pH sinh lý, dịu nhẹ với da.
- Chườm lạnh: Nên sử dụng đá lạnh chườm lên vùng da viêm để làm dịu da, giảm cảm giác đau, nóng rát.
- Sử dụng các sản phẩm phục hồi da: Nên chọn sản phẩm chứa các thành phần như Acid Hyaluronic, Ceramide, Pantothenic Acid/Panthenol, Allantoin, Urea và Glycerin.
- Không trang điểm trong quá trình điều trị do có thể khiến da lâu lành hơn.
- Biện pháp khác: Điện di tinh chất, đắp mặt nạ nhiệt lạnh tại các spa, phòng khám uy tín để hỗ trợ phục hồi da tốt hơn.
Điều trị viêm da kích ứng bằng thuốc
Kích ứng da mạn tính, tích lũy, kích ứng nặng và bội nhiễm vi khuẩn sẽ được chỉ định thuốc điều trị. Các nhóm thuốc điều trị bao gồm:
- Corticoid dùng tại chỗ: Fluticasone, Budesonide, Triamcinolone,… dùng trong viêm da kích ứng tăng sừng mạn tính, tuy nhiên không sử dụng kéo dài do gây mỏng da, teo da và làm tăng độ nhạy cảm của da.
- Corticoid đường toàn thân: Prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethason,… dùng trong các trường hợp cấp tính nghiêm trọng.
- Thuốc kháng Histamin H1 đường uống: Cetirizin, Loratadin,… có tác dụng giảm các triệu chứng của viêm da kích ứng.
- Thuốc ức chế miễn dịch như thuốc ức chế Calcineurin: Pimecrolimus, Tacrolimus.
- Thuốc kháng sinh, sát trùng tại chỗ: Benzoyl Peroxide, thuốc tím, Jarish chứa Acid Boric, Bactroban, Gel PlasmaKare No5 chứa phức hệ Nano bạc TSN,… dùng trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn do kích ứng da nặng.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Người bệnh cần đi gặp bác sĩ khi có các biểu hiện sau đây:
- Áp dụng các biện pháp loại bỏ tác nhân và chăm sóc da không có hiệu quả.
- Tình trạng kích ứng trở nên nặng hơn và kéo dài.
- Triệu chứng lan ra toàn thân.
- Xuất hiện mụn mủ, tiết dịch vàng trên da
- Da sưng tấy, đau nhức kèm mệt mỏi, ớn lạnh hoặc có sốt.
Phòng ngừa viêm da kích ứng như thế nào?
Viêm da kích ứng thường khó dự đoán nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa khởi phát và tái phát bằng những biện pháp sau đây:
- Luôn vệ sinh da sạch sẽ, ưu tiên lựa chọn các loại mỹ phẩm làm sạch, sản phẩm tẩy rửa ít kiềm, dịu nhẹ với da. Có thể mua sample hoặc minisize của sản phẩm về thử độ an toàn trên da trước.
- Dưỡng ẩm da đầy đủ, uống nhiều nước mỗi ngày để da luôn đủ ẩm ngay từ bên trong, hạn chế khô nẻ, nhạy cảm.
- Dùng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động từ tia UV, làm chậm quá trình lão hóa và tổn thương da.
- Hạn chế dùng tẩy da chết vật lý và peel da để hạn chế gây tổn thương da, làm mỏng da khiến da tăng độ nhạy cảm.
- Mặc quần áo chất vải cotton hoặc sợi tự nhiên mềm mịn, thấm hút mồ hôi và không gây ngứa.
- Bảo hộ lao động đầy đủ trong các môi trường độc hại.
Trên đây là những thông tin về viêm da kích ứng và cách phân biệt tình trạng này với viêm da dị ứng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp những thông tin hữu ích trong phòng ngừa và điều trị các bệnh lý viêm da một cách hiệu quả.