Viêm họng mãn tính không chỉ gây ra cảm giác đau rát khó chịu mà còn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bệnh lý này? Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả? Cùng PlasmaKare khám phá trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
- 1. Bệnh viêm họng mãn tính là gì?
- 2. Nguyên nhân viêm họng mãn tính
- 3. Phân loại viêm họng mãn tính
- 4. Triệu chứng của viêm họng mãn tính
- 5. Chẩn đoán viêm họng mãn tính bằng cách nào?
- 6. Phương pháp điều trị viêm họng mãn tính
- 7. Biến chứng của viêm họng mãn tính
- 8. Những đối tượng có nguy cơ dễ mắc viêm họng mạn tính
- 9. Phòng ngừa bệnh viêm họng mãn tính
Bệnh viêm họng mãn tính là gì?
Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm nhiễm kéo dài ở vùng họng, thường xuất hiện sau nhiều đợt viêm họng cấp tính không được điều trị dứt điểm hoặc tái phát liên tục. Thay vì chỉ kéo dài vài ngày như viêm họng cấp tính, viêm họng mãn tính có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm nếu không được điều trị đúng cách.
Nguyên nhân viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là những nguyên chính gây bệnh:
Do nhiễm trùng
Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm họng mãn tính. Các loại vi khuẩn như liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus), phế cầu khuẩn (Pneumococcus), và vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus) có thể gây viêm nhiễm kéo dài ở niêm mạc họng. Ngoài ra, các virus như adenovirus, rhinovirus, hoặc virus cúm cũng có thể là tác nhân dẫn đến viêm họng mãn tính nếu không được điều trị đúng cách.
Do tiếp xúc với khói bụi và các chất ô nhiễm
Môi trường ô nhiễm, đặc biệt khói bụi và hóa chất là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến viêm họng mãn tính. Tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá, khói xe, hóa chất công nghiệp hay các hạt bụi mịn trong không khí có thể gây kích ứng niêm mạc họng. Lâu dần, tình trạng này dẫn đến viêm nhiễm mãn tính, khiến cổ họng luôn trong tình trạng đau rát, khó chịu.
Mắc viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mãn tính là tình trạng viêm nhiễm kéo dài của các mô amidan, khiến chúng trở thành ổ nhiễm trùng. Amidan bị viêm liên tục sẽ dễ dàng lan rộng sang niêm mạc họng, gây viêm họng mãn tính. Bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như đau họng, khó nuốt, hơi thở có mùi và cảm giác vướng víu ở cổ họng.
Mắc viêm xoang mãn tính
Viêm xoang mãn tính cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến của viêm họng mãn tính. Khi các xoang bị viêm nhiễm, dịch tiết từ xoang có thể chảy xuống cổ họng, gây kích ứng niêm mạc và dẫn đến viêm nhiễm kéo dài. Điều này đặc biệt xảy ra trong trường hợp viêm xoang sau, nơi dịch tiết dễ dàng chảy thẳng xuống họng.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là hiện tượng axit dạ dày trào ngược lên thực quản và cổ họng. Axit này có thể gây kích ứng và làm tổn thương niêm mạc họng, dẫn đến viêm nhiễm mãn tính. Người bị GERD thường có các triệu chứng như đau rát họng, khàn tiếng, và ho kéo dài, đặc biệt vào ban đêm hoặc sau khi ăn.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá gây kích thích niêm mạc hầu họng do các chất hóa học có trong thuốc lá, từ đó dẫn đến tình trạng viêm họng mãn tính kéo dài. Ngoài việc làm tăng mức độ viêm họng, thói quen hút thuốc còn có thể gây ra nhiều bệnh lý về hô hấp khác, bao gồm viêm phế quản, viêm phổi, tràn dịch màng phổi và lao phổi.
Ung thư vòm họng
Mặc dù ít phổ biến nhưng ung thư vòm họng là nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới viêm họng mãn tính. Khối u trong vòm họng gây viêm nhiễm kéo dài và không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường. Các triệu chứng của ung thư vòm họng bao gồm đau họng kéo dài, khó nuốt, thay đổi giọng nói và có thể kèm theo giảm cân không rõ nguyên nhân.
Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên, viêm họng mãn tính còn có thể xuất hiện do các yếu tố khác như dị ứng, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, vẹo vách ngăn hay rối loạn miễn dịch…
Phân loại viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính không phải là một bệnh đồng nhất, mà có thể chia thành các thể bệnh khác nhau dựa trên biểu hiện lâm sàng và mức độ viêm nhiễm. Dưới đây là các thể bệnh chính của viêm họng mãn tính:
Viêm họng mãn tính thể xuất tiết
Thể này đặc trưng bởi việc niêm mạc họng tiết ra một lượng lớn chất nhầy. Chất nhầy này thường trong, dính và có thể gây cảm giác vướng họng, khó chịu. Người bệnh thường cảm thấy ngứa rát họng, ho nhiều đờm, và đôi khi khàn giọng.
Thể sung huyết đơn thuần
Đây là thể bệnh thường gặp nhất, khi các mạch máu dưới niêm mạc họng giãn nở, gây nên tình trạng sung huyết. Người bệnh thường cảm thấy nóng rát, khô họng, và đau rát khi nuốt. Khi khám, bác sĩ sẽ thấy niêm mạc họng đỏ tươi và các mạch máu nổi rõ.
Thể quá phát
Trong thể bệnh này, các tổ chức lympho ở thành sau họng tăng sinh, tạo thành các hạt lympho. Người bệnh thường cảm thấy vướng víu ở họng, khó nuốt, và đôi khi có cảm giác ngứa ngáy. Khi khám, bác sĩ sẽ thấy niêm mạc họng dày lên và xuất hiện các hạt lympho màu hồng nhạt hoặc đỏ.
Viêm họng mãn tính thể teo
Trái ngược với thể quá phát, ở thể teo, niêm mạc họng trở nên mỏng, khô và mất dần các tuyến nhầy. Người bệnh thường cảm thấy khô họng, khàn giọng, và khó nuốt. Khi khám, bác sĩ sẽ thấy niêm mạc họng nhợt nhạt, bóng và có thể xuất hiện vảy.
Triệu chứng của viêm họng mãn tính
Triệu chứng của viêm họng mãn tính thường kéo dài và chủ yếu ảnh hưởng tại chỗ, bao gồm các biểu hiện cơ năng sau:
- Đau họng: Là triệu chứng điển hình nhất và thường kéo dài hàng tuần. Bệnh nhân cảm thấy đau họng kèm theo cảm giác nóng rát, ngứa, khô và vướng víu, đặc biệt là vào buổi sáng sớm.
- Khó nuốt và đau khi nuốt: Viêm họng mãn tính thường gây ra cảm giác đau và khó chịu khi nuốt, làm cho việc ăn uống trở nên khó khăn hơn.
- Ho dai dẳng và khạc đờm: Ho kéo dài là triệu chứng phổ biến, với khả năng khạc đờm dai dẳng, gây khó chịu cho người bệnh.
- Thay đổi giọng nói và khàn giọng: Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng giọng nói thay đổi, trở nên khàn và không rõ ràng.
- Nóng rát và triệu chứng tiêu hóa: Ở những người bị trào ngược dạ dày thực quản, cảm giác nóng rát ở ngực phía sau xương ức, cùng với ợ hơi và ợ chua, có thể xuất hiện.
- Triệu chứng toàn thân: Các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi và đau đầu thường không nổi bật và không đặc hiệu, không phải là dấu hiệu chính của bệnh viêm họng mãn tính.
Những triệu chứng này có thể kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, do đó việc điều trị sớm và đúng cách là rất quan trọng.
Chẩn đoán viêm họng mãn tính bằng cách nào?
Để chẩn đoán chính xác viêm họng mãn tính, bác sĩ sẽ dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm:
Khám lâm sàng
Thăm khám lâm sàng là bước đầu tiên và quan trọng trong chẩn đoán viêm họng mãn tính, giúp bác sĩ đánh giá triệu chứng, cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh, từ đó đưa ra các chỉ định xét nghiệm phù hợp.
Bắt đầu thăm khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được hỏi về các triệu chứng, thời gian xuất hiện, tần xuất tái phát, bệnh nền và thói quen sinh hoạt, ăn uống… Tiếp theo, bác sĩ thực hiện khám họng để kiểm tra tình trạng viêm, sưng tấy, sự hiện diện của các hạt lympho, màu sắc và tình trạng của niêm mạc họng, đồng thời tìm kiếm các mảng bám hoặc dịch nhầy.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán viêm họng mãn tính bằng cách loại trừ các nguyên nhân khác như thiếu máu hoặc nhiễm trùng cấp tính. Xét nghiệm này giúp xác định mức độ bạch cầu và các chỉ số viêm như tốc độ lắng máu (ESR) và C-reactive protein (CRP).
Cấy dịch hầu họng
Cấy dịch họng là phương pháp để xác định loại vi khuẩn hoặc virus gây viêm họng mãn tính. Dịch họng được thu thập và cấy trên môi trường dinh dưỡng để tìm kiếm các tác nhân gây bệnh. Việc xác định chính xác loại vi khuẩn hoặc virus giúp bác sĩ lựa chọn thuốc điều trị phù hợp và hiệu quả, từ đó cải thiện khả năng điều trị và giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc.
Nội soi mũi họng
Nội soi mũi họng cho phép bác sĩ đánh giá chi tiết tình trạng của niêm mạc mũi và họng. Phương pháp này giúp phát hiện các tổn thương sớm, như viêm nhiễm hoặc u và loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra triệu chứng tương tự. Từ đó, cung cấp cho bác sĩ cái nhìn rõ ràng hơn về tình trạng bệnh, hỗ trong việc chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị.
X-Quang
X-quang mũi họng được sử dụng để đánh giá cấu trúc xương mũi và xoang, cũng như phát hiện các tổn thương khác như viêm xoang hoặc các bất thường về cấu trúc có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mũi họng. X-quang giúp bác sĩ nhận diện những vấn đề cấu trúc tiềm ẩn, cung cấp thông tin cần thiết để điều chỉnh phương pháp điều trị.
Các xét nghiệm dị ứng
Nếu nghi ngờ nguyên nhân dị ứng gây viêm họng, các xét nghiệm dị ứng sẽ được thực hiện để xác định chất gây dị ứng cụ thể. Các xét nghiệm này có thể bao gồm thử nghiệm da hoặc xét nghiệm máu để đo lường phản ứng miễn dịch đối với các allergen. Kết quả từ các xét nghiệm dị ứng giúp bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị và quản lý tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Phương pháp điều trị viêm họng mãn tính
Điều trị viêm họng mãn tính thường phức tạp hơn so với viêm họng cấp tính, do triệu chứng kéo dài và ít đáp ứng với thuốc. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể được điều trị hiệu quả khi nguyên nhân gây bệnh được loại bỏ hoàn toàn. Để đạt được điều này, trong phác đồ điều trị, bệnh nhân cần thực hiện đồng thời hai hướng điều trị sau:
Điều trị nguyên nhân
Để ngăn ngừa tái phát viêm họng mãn tính, việc điều trị nguyên nhân là bước quan trọng đầu tiên. Đối với mỗi nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị cụ thể sẽ khác nhau:
- Do viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang: Những tình trạng này thường liên quan đến nhiễm trùng vi khuẩn. Điều trị chủ yếu bao gồm liệu trình kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Trong trường hợp viêm amidan mãn tính hoặc các vấn đề cấu trúc như polyp mũi hoặc xoang, phẫu thuật có thể được xem xét để loại bỏ nguyên nhân gốc và cải thiện triệu chứng lâu dài.
- Do hội chứng trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược acid dạ dày là nguyên nhân phổ biến gây kích ứng niêm mạc họng. Điều trị bao gồm sử dụng thuốc giảm tiết acid dạ dày, chẳng hạn như thuốc kháng bơm proton (PPI) hoặc thuốc đối kháng H2, nhằm giảm lượng acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc họng khỏi tổn thương. Đồng thời bệnh nhân cũng nên thay đổi lối sống như tránh ăn uống ngay trước khi đi ngủ và giảm tiêu thụ thực phẩm cay, chua.
- Liên quan đến thói quen hút thuốc và uống rượu bia: Hút thuốc và uống rượu bia đều là các yếu tố gây kích ứng niêm mạc họng, làm trầm trọng thêm triệu chứng viêm. Bệnh nhân nên bỏ thuốc lá và giảm hoặc ngừng uống rượu bia. Đồng thời, việc tránh tiếp xúc với các chất kích thích khác như khói bụi và ô nhiễm môi trường cũng là điều cần thiết để giảm nguy cơ viêm họng mãn tính.
- Nguyên nhân do dị ứng: Nếu viêm họng mãn tính có liên quan đến dị ứng, bệnh nhân cần xác định và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Sử dụng thuốc kháng histamin hoặc thuốc xịt mũi steroid theo chỉ định của bác sĩ cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng dị ứng.
Điều trị triệu chứng
Viêm họng mạn tính thường gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Vì vậy, bên cạnh phương pháp điều trị nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định đồng thời cùng các thuốc điều trị triệu chứng như:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau như Paracetamol, Ibuprofen
- Thuốc kháng Histamin trong trường hợp viêm, ngứa rát, phù nề niêm mạc họng như Cetirizine, Loratadin
- Thuốc long đờm, giảm ho như Acetylcystein, Bromhexin
Ngoài các thuốc điều trị, để hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng mãn tính hiệu quả, bệnh nhân nên kết hợp cùng các biện pháp vệ sinh mũi họng và chăm sóc sức khỏe tại nhà như:
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc các sản phẩm chứa thành phần sát khuẩn chuyên dụng như nước súc họng miệng PlasmaKare.
- Uống đủ nước để giữ ẩm cho niêm mạc họng, giảm tình trạng khô họng.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng.
- Tạo không gian sống trong lành, hạn chế tiếp xúc với khói bụi.
Biến chứng của viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính là bệnh lành tính, tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm họng mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm họng hạt, hình thành các tổ chức lympho, gây hội chứng áp xe và viêm tấy quanh vòm họng.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh như viêm mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản. Trong trường hợp nặng, viêm họng mãn tính có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản cấp, viêm ngoài màng tim, viêm khớp hoặc thậm chí là ung thư vòm họng làm tăng nguy cơ tử vong. Do vậy, để tránh các biến chứng nguy hiểm, khi phát hiện bệnh, bệnh nhân cần điều trị sớm và dứt điểm.
Những đối tượng có nguy cơ dễ mắc viêm họng mạn tính
Những người có nguy cơ cao mắc viêm họng mãn tính bao gồm những người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm. Những người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên cũng có nguy cơ cao do niêm mạc họng bị kích ứng liên tục.
Ngoài ra, những người có bệnh lý nền như viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản, hoặc viêm mũi dị ứng thường xuyên cũng dễ mắc viêm họng mãn tính. Những yếu tố này làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.
Phòng ngừa bệnh viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính là một bệnh lý gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người mắc và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Để phòng ngừa bệnh này, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp bảo vệ cụ thể.
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi và hóa chất, bỏ thuốc lá để bảo vệ cổ họng.
- Uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng.
- Vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng, rửa tay, súc miệng nước muối, và đánh răng đều đặn.
- Điều trị kịp thời các bệnh viêm mũi, xoang, và trào ngược dạ dày để tránh biến chứng.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và sử dụng máy tạo ẩm trong mùa khô hanh.
- Khám tai mũi họng định kỳ để phát hiện sớm và điều trị các bệnh về đường hô hấp.
Viêm họng mãn tính có thể được cải thiện đáng kể với sự điều trị đúng cách và các biện pháp phòng ngừa hợp lý. Việc duy trì thói quen chăm sóc sức khỏe tốt và tránh các yếu tố nguy cơ là chìa khóa để kiểm soát hiệu quả tình trạng này. Trên đây là toàn bộ nội dung về chủ đề “Viêm họng mãn tính”, hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Xem thêm:
Viêm họng nên ăn gì để nhanh chóng khỏi?
Tổng hợp 9 cách trị viêm họng hiệu quả chuyên gia khuyến cáo