Hầu hết các trường hợp viêm lợi chảy máu chân răng đều lành tính. Tuy nhiên người bệnh cũng cần thận trọng do tình trạng này còn có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều tình trạng sức khỏe và bệnh lý nguy hiểm.
Mục lục
- 1. Viêm lợi chảy máu chân răng là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nào?
- 1.1. Viêm lợi mạn tính gây chảy máu chân răng
- 1.2. Viêm nha chu (viêm quanh răng)
- 1.3. Áp xe quanh chân răng
- 1.4. Thiếu hụt Vitamin C, Vitamin K
- 1.5. Bệnh bạch cầu gây viêm lợi chảy máu chân răng
- 1.6. Viêm lợi chảy máu chân răng do tác dụng của thuốc
- 1.7. Ung thư khoang miệng gây viêm lợi chảy máu chân răng
- 1.8. Nguyên nhân viêm lợi chảy máu chân răng khác
- 2. Khi nào người bệnh bị viêm lợi chảy máu chân răng nên đi gặp bác sĩ?
- 3. Cách chăm sóc cho người bệnh viêm lợi chảy máu chân răng
Viêm lợi chảy máu chân răng là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nào?
Phần lớn các trường hợp viêm lợi đi kèm chảy máu chân răng đều xuất phát từ viêm lợi mạn tính hoặc viêm nha chu. Tuy nhiên, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra tình trạng này. Cụ thể:
Viêm lợi mạn tính gây chảy máu chân răng
Viêm lợi mạn tính là thể thường gặp nhất của bệnh viêm lợi và là nguyên nhân chính khiến người lớn và trẻ em bị viêm lợi chảy máu chân răng. Khi mắc viêm lợi, người bệnh dễ chảy máu chân răng trong quá trình ăn uống hoặc đánh răng, thậm chí tự chảy máu dù không có tác động nào đến lợi. Ngoài triệu chứng này, bệnh viêm lợi còn có những dấu hiệu nhận biết như sau:
- Lợi có màu đỏ nhạt hoặc đỏ sẫm
- Bờ lợi và nhú lợi sưng phồng, có xu hướng phì đại
- Lợi thường ngứa âm ỉ, có thể đau hoặc không đau.
- Hôi miệng
- Răng ở vùng lợi viêm có mảng bám
- Răng ê buốt khi uống nước lạnh.
Viêm lợi gây ra chủ yếu bởi vi khuẩn. Các tình trạng vệ sinh răng kém khiến mảng bám tích tụ trên răng, có tổn thương trên lợi hoặc miễn dịch của cơ thể kém tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm lợi hoàn toàn có thể tự khỏi bằng cách vệ sinh răng miệng và loại bỏ mảng bám sạch sẽ.
Viêm nha chu (viêm quanh răng)
Viêm nha chu, hay còn gọi là viêm quanh răng, là bệnh nha khoa tiến triển từ viêm lợi mạn tính. Trong bệnh lý này, quá trình viêm đã phá hủy các mô, dây chằng nâng đỡ răng, gây tụt lợi, áp xe và tiêu xương ổ răng. Do vậy, răng của người bệnh viêm nha chu thường lung lay và dễ rụng.
Biểu hiện viêm lợi và chảy máu chân răng trong bệnh viêm nha chu tương tự như viêm lợi nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, bệnh viêm nha chu còn có thêm những triệu chứng như đau răng lợi thường xuyên, có mủ trong túi lợi hoặc ổ áp xe nhỏ ở lợi và nhai nuốt khó khăn do răng lung lay.
Bên cạnh các biện pháp vệ sinh răng, điều trị viêm nha chu có thể phải áp dụng thêm liệu pháp kháng sinh, chống viêm đường uống và các thủ thuật chỉnh nha, phẫu thuật khác.
Áp xe quanh chân răng
Người bệnh bị áp xe răng cũng có biểu hiện chảy máu chân răng. Căn bệnh này gây ra bởi sự nhiễm trùng ở lợi, mưng mủ nhưng mủ không thoát ra được tạo thành ổ áp xe lớn ở gốc xương hàm.
Các triệu chứng khác của áp xe răng:
- Răng lợi đau nhói liên tục
- Tự chảy máu chân răng kể cả khi không có tác động
- Hạch dưới hàm gần ổ áp xe sưng to
- Sốt và sưng tấy vùng mặt
Tình trạng áp xe răng cần được điều trị sớm để tránh dẫn đến những biến chứng nhiễm khuẩn nguy hiểm. Phương pháp điều trị áp xe răng bao gồm chọc hút ổ áp xe, sát khuẩn, chữa viêm tủy răng và nhổ răng khi cần.
Thiếu hụt Vitamin C, Vitamin K
Thiếu Vitamin C và Vitamin K cũng là một trong những nguyên nhân viêm lợi chảy máu chân răng đáng kể:
- Thiếu Vitamin C (bệnh Scorbut): Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong hình thành Collagen và hỗ trợ chức năng miễn dịch. Vì vậy, thiếu Vitamin C khiến sự hình thành mô liên kết kém khiến lợi dễ tổn thương dẫn đến nhiễm trùng thứ phát, gây viêm. Đồng thời, khiếm khuyết các mô liên kết khiến độ đàn hồi của mao mạch kém, gây xuất huyết ở chân răng.
- Thiếu Vitamin K: Vitamin K có vai trò kiểm soát sự hình thành của các yếu tố đông máu. Vì vậy, người bệnh viêm lợi đi kèm tình trạng thiếu Vitamin K rất dễ bị chảy máu chân răng và có lợi màu thâm tím.
Viêm lợi và chảy máu chân răng do thiếu những chất này hoàn toàn có thể cải thiện thông qua chế độ dinh dưỡng và bổ sung Vitamin đầy đủ.
Bệnh bạch cầu gây viêm lợi chảy máu chân răng
Bệnh bạch cầu là bệnh ác tính, liên quan đến sự bất thường trong quá trình sản xuất và trưởng thành của bạch cầu. Bệnh bạch cầu gây ra tình trạng chảy máu chân răng và viêm lợi do:
- Lượng bạch cầu tăng sinh bất thường nhưng không trưởng thành/trưởng thành nhưng chức năng không đầy đủ khiến người bệnh dễ nhiễm trùng, gây viêm lợi.
- Tế bào gốc trong tủy xương tăng sản bạch cầu dẫn đến giảm số lượng tiểu cầu được tạo thành, do vậy người mắc bệnh bạch cầu hay bị chảy máu chân răng.
Ngoài các triệu chứng này, căn bệnh này còn có nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, rong kinh, đau nhức xương khớp, đau đầu và thiếu máu (mệt mỏi, nhợt nhạt, nhịp tim nhanh và thở gắng sức).
Tuy nhiên, trừ bệnh bạch cầu cấp, những triệu chứng bệnh này thường xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh và nhanh dẫn đến tử vong. Do vậy, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật là biện pháp duy nhất giúp phát hiện sớm bệnh bạch cầu và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Điều trị bệnh bạch cầu bao gồm hóa trị liệu, chăm sóc hỗ trợ, xạ trị hoặc ghép tế bào gốc.
Viêm lợi chảy máu chân răng do tác dụng của thuốc
Một số thuốc có tác dụng chống đông máu hoặc có tác dụng phụ gây viêm lợi hoặc giảm tiểu cầu cũng có thể gây chảy máu chân răng. Cụ thể:
- Thuốc chống đông máu: Warfarin, Apixaban, Dabigatran, Rivaroxaban,…
- Thuốc có tác dụng phụ gây viêm lợi: Nifedipine, Cyclosporin, Misoprostol, Phenytoin, Hormon,…
- Thuốc có tác dụng phụ làm giảm tiểu cầu: Carbamazepin, Abciximab, Heparin, Azathioprin, Aspirin, Ciprofloxacin, Vancomycin,…
Người bệnh đang dùng những thuốc này mà xuất hiện các tình trạng viêm lợi và chảy máu chân răng cần thông báo ngay với bác sĩ để được đánh giá, xử trí thích hợp.
Ung thư khoang miệng gây viêm lợi chảy máu chân răng
Ung thư khoang miệng cũng là một trong những loại ung thư thường gây biểu hiện viêm lợi và chảy máu chân răng ngoài ung thư máu (bệnh bạch cầu). Các dấu hiệu khác của bệnh ung thư khoang miệng:
- Xuất hiện chấm màu trắng đen hoặc đỏ ở lợi hàm, niêm mạc miệng và không gây đau nhức. Chấm này có bề mặt gồ ghề, bờ viền không đều.
- Có tổn thương dạng cục cứng dưới niêm mạc và phát triển to lên từ từ.
- Các vết thương, xây xước răng lợi khó lành.
- Đau không rõ nguyên nhân ở vùng khoang miệng và ngày càng trầm trọng.
- Khó nhai, khó nuốt, nổi hạch ở cổ và sụt cân bất thường.
Điều trị ung thư khoang miệng hiện nay áp dụng 3 phương pháp chủ yếu là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Không giống như bệnh bạch cầu, ung thư khoang miệng có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u khi được phát hiện sớm.
Nguyên nhân viêm lợi chảy máu chân răng khác
- Hóa trị liệu ung thư: Một số loại thuốc hóa trị có thể gây tác dụng phụ là viêm lợi và giảm tiểu cầu, gây chảy máu chân răng.
- Thời kỳ mang thai và mãn kinh: Viêm lợi và chảy máu chân răng trong những thời kỳ này khởi phát do sự rối loạn nội tiết trong cơ thể. Ở thời kỳ mang thai, viêm lợi tập trung ở nhú lợi và tạo u hạt sinh mủ, trong khi viêm lợi ở thời kỳ mãn kinh là viêm lợi bong vảy.
- Nhiễm virus HIV: Virus HIV có thể gây viêm lợi tự phát kết hợp với viêm lợi do nhiễm khuẩn dẫn đến chảy máu chân răng, thậm chí gây viêm lợi loét hoại tử cấp tính.
Khi nào người bệnh bị viêm lợi chảy máu chân răng nên đi gặp bác sĩ?
Viêm lợi chảy máu chân răng có thể gây ra nhiều tác hại khôn lường cho sức khỏe của người bệnh. Tình trạng này khiến việc ăn nhai của người bệnh trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tiêu xương răng, rụng răng và nhiễm khuẩn toàn thân. Không chỉ vậy, các bệnh ác tính gây viêm lợi chảy máu chân răng còn có nguy cơ tử vong cao.
Vì vậy, bên cạnh việc chăm sóc răng miệng hợp lý, người bệnh cần đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có những dấu hiệu bất thường đi kèm chảy máu chân răng và viêm lợi như:
- Răng lung lay, tụt lợi nghiêm trọng
- Tổn thương trong khoang miệng lâu lành
- Sốt, nổi hạch ở cổ, đau nhức xương khớp
- Có ổ áp xe hoặc những khối bất thường trên lợi hàm
- Xuất huyết dưới da hoặc các vùng niêm mạc khác
- Triệu chứng thiếu máu: mệt mỏi, nhợt nhạt, nhịp tim nhanh và thở gắng sức.
Cách chăm sóc cho người bệnh viêm lợi chảy máu chân răng
Người bệnh cần chú ý chăm sóc răng miệng và những cách điều trị viêm lợi chảy máu chân răng như sau:
Chăm sóc răng đúng cách
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng bàn chải mềm và thao tác nhẹ nhàng. Chải răng theo chiều dọc và xoay tròn, tránh chải theo chiều ngang dễ gây chảy máu.
- Dùng chỉ nha khoa hoặc tăm nước bật chế độ nhẹ để làm sạch sẽ thức ăn trong kẽ răng mà bàn chải không thể loại bỏ được.
- Tới nha sĩ lấy cao răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần để loại bỏ mảng bám, giảm viêm lợi.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch chứa Chlorhexidine, Nano bạc và Povidone Iod để làm sạch răng miệng, làm dịu lợi viêm và sát khuẩn tại chỗ. Người bệnh nhạy cảm với mùi vị nên chọn nước súc miệng chứa nano bạc chuẩn hóa không mùi – không vị như súc họng miệng PlasmaKare thay cho Chlorhexidine và Povidone Iod có mùi khó chịu.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
- Tăng cường thực phẩm chứa các nhóm chất có tác dụng chống viêm, tăng cường miễn dịch như Vitamin C, Kẽm, Beta-caroten,…
- Bổ sung các dưỡng chất thiếu hụt như Vitamin C và Vitamin K thông qua thực phẩm hoặc các sản phẩm theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh ăn các loại thực phẩm cứng để hạn chế chảy máu lợi, tránh các loại thực phẩm cay nóng, chứa nhiều Acid, đồ uống có ga hoặc các loại bánh kẹo, đồ ngọt khác.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Tình trạng viêm lợi và chảy máu chân răng có thể điều trị bằng thuốc dùng toàn thân và thuốc dùng tại chỗ để cải thiện triệu chứng và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Viêm lợi chảy máu chân răng uống thuốc gì và bôi thuốc gì tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh. Các thuốc trị viêm lợi chảy máu chân răng bao gồm:
- Thuốc chống viêm: Corticoid dùng tại chỗ (Beclomethason, Fluticason, Triamcinolon), Corticoid dùng đường toàn thân (Prednisolon, Methylprednisolon).
- Thuốc kháng sinh đường uống: (Metronidazol, Spiramycin, Amoxicillin/clavulanic, Azithromycin,…)
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, NSAIDs (Ibuprofen, Naproxen).
- Thuốc chống phù nề: Alphachymotrypsin.
- Thuốc sát khuẩn và giảm viêm tại chỗ: Nano bạc TSN (Xịt họng PlasmaKare HSpray).
- Thuốc hóa trị trong điều trị ung thư: Cyclophosphamide, Cisplatin, Busulfan, Methotrexate, Gemcitabine, Fluorouracil, Doxorubicin, Paclitaxel, Bleomycin,…
Trao đổi với bác sĩ
Khi bệnh xuất phát từ việc mang thai hoặc tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ một cách cẩn thận để có hướng xử trí thích hợp. Cụ thể:
- Nguyên nhân là rối loạn nội tiết do mang thai: Người bệnh cần ưu tiên cải thiện bệnh bằng các biện pháp chăm sóc răng miệng và trao đổi kỹ với bác sĩ về những loại thuốc có thể sử dụng,
- Nguyên nhân là tác dụng/tác dụng phụ của thuốc: Bác sĩ sẽ đánh giá lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng thuốc trên người bệnh và quyết định biện pháp xử trí như đổi thuốc, sử dụng thêm thuốc điều trị tác dụng phụ hoặc ngừng thuốc. Người bệnh không được tự ý dừng thuốc khi bị viêm lợi chảy máu chân răng do có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh đang mắc.
Trên đây là tổng hợp những nguyên nhân gây viêm lợi chảy máu chân răng phổ biến. Tình trạng này có thể xuất phát từ cả bệnh lành tính và bệnh ác tính. Vì vậy, tốt nhất người bệnh nên thực hiện chăm sóc răng miệng đúng cách và đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để tầm soát các bệnh lý nguy hiểm, từ đó hạn chế tối đa những nguy cơ sức khỏe tiêu cực.