Viêm xoang sàng là một thể viêm xoang khá phổ biến. Bệnh có thể tự khỏi và dứt điểm khi được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, viêm xoang sàng cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm do vị trí bệnh đặc thù.
Mục lục
Viêm xoang sàng là gì?
Xoang là những hốc nằm bên trong xương sọ, thông với mũi qua các lỗ thông mũi – xoang và được lót bởi niêm mạc trong lòng xoang. Mỗi xoang được đặt tên theo tên xương sọ mà chúng có mặt, bao gồm xoang sàng, xoang trán, xoang bướm và xoang hàm.
Xoang sàng thuốc nhóm xoang trước, thông với ngách mũi giữa và mũi trước. Do vậy, xoang sàng dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc bị kích ứng gây ra triệu chứng viêm xoang sàng.
Vậy viêm xoang sàng là gì? Đây là tình trạng niêm mạc xoang sàng bị viêm nhiễm, phù nề, tăng tiết dịch và gây ra các triệu chứng bệnh. Tất cả các xoang đều thông với nhau nên khi viêm một xoang có thể dẫn đến viêm tương tự ở các xoang khác và nhanh chóng tạo thành viêm đa xoang.
Do vậy, viêm xoang sàng ít có triệu chứng đặc hiệu và chỉ khác biệt với viêm xoang khác bởi các biểu hiện trên mắt. Bệnh có các triệu chứng cụ thể như sau:
- Sưng nề và đau vùng mặt, nhất là vùng ở quanh mắt. Đau âm ỉ ở 2 bên thái dương, đỉnh đầu, trán, sau gáy và trên sống mũi.
- Nghẹt mũi, ngửi kém, có thể mất khứu giác
- Niêm mạc mũi đỏ, sung huyết
- Chảy nước mũi trong, chảy dịch mủ mũi sau
- Đau họng, hôi miệng và ho có đờm
- Giảm thị lực, mắt mờ, sưng đỏ và đau mắt
- Viêm xoang sàng cấp: sốt, mệt mỏi, nhức đầu, hắt hơi liên tục.
- Viêm xoang sàng mạn tính: Không đau, chảy mũi kéo dài và có mủ đọng trên sàn mũi.
Phân loại viêm xoang sàng
Viêm xoang sàng có thể được phân loại theo vị trí mắc hoặc tính chất của bệnh như sau:
Phân loại theo vị trí bệnh
Tùy vào vị trí xoang sàng bị viêm, bệnh được chia ra làm 3 thể:
- Viêm xoang sàng trước: Xoang sàng trước nằm tiếp giáp ở giữa xoang hàm – xoang trán và hốc mắt – hốc mũi. Khi xoang này bị viêm gây đau nhức vùng sống mũi và quanh hai hốc mắt.
- Viêm xoang sàng sau: Xoang sàng sau nằm phía sau xoang sàng trước theo chiều hướng ra sau gáy. Viêm ở xoang sàng sau gây đau đầu, đau nhức sau gáy và có thể lan sang mắt gây đau mắt hoặc lan xuống vai.
- Viêm toàn bộ xoang sàng: Đây là tình trạng viêm toàn bộ vùng xoang sàng và bao gồm triệu chứng đặc trưng của cả 2 thể viêm xoang sàng trước và sau.
Phân loại theo tính chất bệnh
Ngoài vị trí bệnh, viêm xoang sàng còn được phân loại theo tính chất bệnh thành 2 thể cấp và mạn tính:
- Viêm xoang sàng cấp tính: Thể bệnh này có các triệu chứng rầm rộ, kéo dài dưới 4 tuần và thường xuất phát từ nguyên nhân là virus, vi khuẩn hoặc các tác nhân gây dị ứng.
- Viêm xoang sàng mạn tính: Thể mạn tính triệu chứng ít rầm rộ hơn mà âm ỉ kéo dài trên 12 tuần. Xoang sàng có thể bị viêm mạn tính sau các đợt cấp hoặc do bất thường cấu trúc mũi xoang.
Nguyên nhân gây viêm xoang sàng
Viêm xoang sàng cấp tính có nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn, virus và tình trạng dị ứng. Trong khí đó, thể mạn tính thường xuất phát từ sự kết hợp của nhiều yếu tố như cấu trúc mũi, tình trạng rối loạn miễn dịch và vi sinh vật.
Nguyên nhân gây viêm xoang sàng cấp tính:
- Virus: Bao gồm Rhinovirus, coronavirus, Adenovirus, virus cúm, á cúm. Viêm xoang sàng do virus có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày.
- Vi khuẩn: Bao gồm Phế cầu (Streptococcus Pneumoniae), Moraxella Catarrhalis và Haemophilus Influenzae. Bệnh do vi khuẩn khó tự khỏi, kéo dài hơn với biểu hiện đặc trưng là đau mặt kéo dài, sốt cao và chảy mủ đục, xanh hoặc vàng và có mùi hôi khó chịu.
- Tác nhân gây dị ứng: Khói bụi, phấn hoa, hóa chất, lông động vật, nấm mốc,…
- Nấm: Bao gồm các loài Aspergillus Mucor, Rhizopus và Rhizomucor,… Viêm xoang do nấm xâm lấn thường gặp ở người suy giảm miễn dịch.
Nguyên nhân gây viêm xoang sàng mạn tính:
- Bất thường cấu trúc mũi – xoang: Polyp mũi, lệch vách ngăn mũi xoang,…
- Tiến triển từ viêm mũi cấp/mạn tính, viêm mũi dị ứng
- Bệnh xơ nang
- Rối loạn chức năng lông chuyển
Các nguyên nhân này thường gây khởi phát bệnh khi gặp những yếu tố thuận lợi sau đây:
- Suy giảm miễn dịch: mắc bệnh tự miễn, đái tháo đường, ung thư, HIV/AIDs, dùng thuốc ức chế miễn dịch, suy nhược cơ thể,…
- Lối sống không lành mạnh: Hút thuốc lá, thuốc lào kéo dài
- Yếu tố từ môi trường: thay đổi thời tiết đột ngột, ô nhiễm không khí, hóa chất,…
Biến chứng của bệnh viêm xoang sàng
Xoang sàng có liên kết chặt chẽ với nền sọ và hốc mắt. Do vậy, nếu điều trị không triệt để, tình trạng viêm nhiễm ở xoang sàng có thể gây tiến triển các biến chứng nội sọ và biến chứng trên mắt.
Biến chứng trên mắt:
- Đau nhức hốc mắt, mờ mắt
- Viêm tổ chức hốc mắt
- Viêm dây thần kinh thị giác
- Viêm tắc tuyến lệ
Biến chứng nội sọ:
- Viêm màng não
- Viêm dây thần kinh sọ não
- Áp xe ngoài màng cứng, áp xe não
Để hạn chế tối đa những biến chứng này, người bệnh cần chú ý phát hiện sớm và điều trị dứt điểm bệnh viêm xoang sàng. Khi có các dấu hiệu bất thường sau đây, người bệnh nên tới ngay các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được bác sĩ thăm khám:
- Giảm thị lực, ù tai
- Dịch mũi chỉ chảy từ một bên mũi khi người bệnh nghiêng đầu về phía trước.
- Đau mặt, đau đầu dữ dội
- Triệu chứng bệnh không cải thiện khi đã điều trị tại nhà
- Sốt cao kéo dài 3 – 4 ngày
Nguyên tắc điều trị viêm xoang sàng
Nguyên tắc điều trị viêm xoang sàng bao gồm cải thiện thông khí, dẫn lưu xoang mũi và điều trị, phòng ngừa nhiễm trùng. Theo đó, các biện pháp điều trị được áp dụng bao gồm dùng thuốc, phẫu thuật kết hợp chăm sóc giảm triệu chứng.
Dùng thuốc điều trị nguyên nhân và triệu chứng bệnh
Thuốc trị viêm xoang sàng bao gồm thuốc điều trị triệu chứng và thuốc điều trị nguyên nhân. Tùy vào nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và đường dùng thuốc phù hợp. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc hoặc thay đổi phác đồ sử dụng thuốc trong quá trình điều trị.
Thuốc điều trị nguyên nhân:
- Kháng sinh: dùng đường uống hoặc tiêm truyền, bao gồm Penicillin (Amoxicillin/Clavulanic), Cephalosporin (Cefuroxime, Cefpodoxime), Macrolide (Clarithromycin, Azithromycin), Quinolon (Levofloxacin, Moxifloxacin), Cotrimoxazol, Clindamycin,…
- Thuốc kháng nấm: dùng đường tiêm truyền, bao gồm Amphotericin B, thuốc chống nấm Echinocandin (Caspofungin, Micafungin), thuốc chống nấm azole (Fluconazole, Voriconazole).
- Thuốc chống dị ứng đường uống: thuốc kháng Histamin (Loratadin, Fexofenadine, Cetirizine,…) và Corticoid (Prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethason)
Thuốc điều trị triệu chứng:
- Thuốc chống viêm dùng tại chỗ: Corticoid (Beclomethason, Budesonid, Fluticason, Triamcinolon)
- Thuốc làm thông mũi: dùng tại chỗ, bao gồm Oxymetazoline và Xylometazoline (dùng trong thời gian ngắn), thuốc tan nhầy (Guaifenesin), thuốc ức chế thụ thể Leucotrien (Montelukast)
- Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm: Paracetamol, NSAIDs (Ibuprofen, Celecoxib, Naproxen,…)
- Chất sát khuẩn, chống viêm tại chỗ: nano bạc chuẩn hóa TSN (Xịt mũi xoang PlasmaKare X-Spray)
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Điều trị viêm xoang sàng bằng phẫu thuật có thể được áp dụng khi biện pháp dùng thuốc thất bại. Mục tiêu khi phẫu thuật là loại bỏ mủ, mô viêm, niêm mạc quá phát, đồng thời phục hồi dẫn lưu và thông khí xoang mũi. Các trường hợp được chỉ định phẫu thuật.
- Xuất hiện biến chứng lên mắt và nội sọ
- Người bệnh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc
- Tắc nghẽn mũi xoang gây dẫn lưu và thông khí kém
- Cấu trúc mũi xoang bất thường là nguyên nhân gây viêm xoang
Hiện nay, phương pháp nội soi mũi xoang chức năng (FESS) được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm xoang sàng do có hiệu quả tốt, ít tác động tới các mô lành xung quanh, giúp người bệnh hồi phục nhanh và đảm bảo thẩm mỹ. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát sau phẫu thuật nếu người bệnh không phục hồi sức khỏe hợp lý. Vì vậy, người bệnh cần chú ý tuân thủ những hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ và tái khám định kỳ.
Các biện pháp cải thiện triệu chứng bệnh tại nhà
Những cách trị viêm xoang sàng tại nhà hiện nay có tác dụng cải thiện triệu chứng bệnh và hỗ trợ cho điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh nên áp dụng các biện pháp sau đây:
- Chườm ấm, xoa bóp bấm huyệt xoang mũi
- Xông mũi bằng nước ấm hoặc thảo dược như gừng, húng chanh, bạc hà,…
- Thực hành bài tập thở Bhramari pranayama để tăng thông khí
- Uống nước ấm hoặc trà gừng, trà hoa cúc,…
- Rửa mũi sạch sẽ bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch ưu trương được dùng để rửa mũi như bộ rửa mũi xoang PlasmaKare Nasal Clean.
Các biện pháp phòng ngừa viêm xoang sàng
Những triệu chứng của bệnh viêm xoang sàng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, học tập và làm việc của người bệnh và có thể dẫn đến những nguy cơ bệnh lý khác. Tuy nhiên, căn bệnh này lại có thể phòng ngừa một cách hiệu quả bằng cách biện pháp sau đây:
- Tiêm phòng vaccin đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt là vaccin phòng virus cúm, phế cầu và Coronavirus.
- Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ, xây dựng chế độ ăn uống đủ chất và tập luyện thể lực thường xuyên.
- Hạn chế hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc, tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác
- Tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh như hạn chế đến nơi đông người khi có dịch cúm, đeo khẩu trang trước và rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người mắc cúm, mắc bệnh đường hô hấp khác,…
- Giữ ấm tai mũi họng khi thời tiết chuyển lạnh.
- Nghỉ ngơi và làm việc với chế độ hợp lý, giữ tinh thần thoải mái và hạn chế stress.
- Đeo khẩu trang và dọn dẹp môi trường sống thường xuyên để hạn chế các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, lông động vật, hóa chất,…
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý tai mũi họng và bệnh đường hô hấp khác.
Trên đây là tổng hợp thông tin về bệnh viêm xoang sàng. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn trong phòng ngừa và điều trị căn bệnh này. Khi có dấu hiệu của bệnh, tốt nhất bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.