Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm phức tạp do muỗi gây ra đang bùng phát ở nước ta. Được xem là bệnh tình nguy hiểm, nó gây ra múc biến chứng có hại và tỷ lệ tử vong cao. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, hình thức điều trị và phòng chống căn bệnh này qua bài viết hôm nay.
Mục lục
Bệnh sốt rét và những thông tin cần biết
Ngay sau đây chúng ta hãy tìm hiểu về bệnh sốt rét là bệnh gì và nó có biến chứng như thế nào đối với sức khỏe của con người.
Bệnh sốt rét là gì?
Sốt rét là căn bệnh do ký sinh trùng sốt rét có tên Plasmodium gây nên, bệnh có khả năng lây từ người qua người bằng vết đốt của muỗi Anophen. Khi bị mắc bệnh sốt rét, người bệnh thường sẽ bị sốt, ớn lạnh, cơ thể nhức mỏi, buồn nôn, nôn… Tùy vào tình hình sức khỏe, loại ký sinh trùng nhiễm bệnh mà các triệu chứng này có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng.
Bệnh sốt rét và những biến chứng nguy hiểm khi mắc bệnh
Khi bị mắc sốt rét có nguy hiểm không? Khi bị mắc sốt rét, nếu như bệnh nhân không chữa khỏi kịp thời và triệt để thì sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại như:
- Hội chứng suy hô hấp: Đây là biến chứng thường thấy nhất của bệnh sốt rét. Tùy theo thể bệnh sốt rét, người bệnh có thể bị tổn thương ở phổi và gặp phải tình trạng phù phổi cấp khiến bệnh nhân bị suy hô hấp.
- Sốt rét ác tính thể não: Ký sinh trùng sốt rét có thể ảnh hưởng đến não và gây tổn thương não.
- Hạ đường huyết: Người bệnh sốt rét có thể bị hạ đường huyết rất nguy hiểm khi nó có thể khiến họ rơi vào tình trạng hôn mê sâu và tử vong nhanh chóng nếu không kịp cứu chữa.
- Lá lách to: Đây là một biến chứng rất đặc trưng của những bệnh nhân sống lâu trong vùng sốt rét hoặc bị bệnh càng nhiều thì lách càng to. Bởi vì lách là nơi chứa các hồng cầu nhiễm ký sinh trùng sốt rét và các hồng cầu chứa kháng nguyên.
- Suy thận cấp tính: là biến chứng có tiên lượng rất xấu, có thể xảy ra ở người lớn.
- Sốt rét còn có thể gây nên tình trạng rối loạn chức năng gan, viêm mạn gan, xơ gan… hoặc bị rối loạn tiêu hóa do protid máu toàn phần giảm, albumin giảm và globulin tăng, cholesterol giảm.
- Ngoài ra, sốt rét còn gây nên một số biến chứng khác như: cơ thể mệt mỏi, phù nề ở chân, mặt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đau dây thần kinh…
- Ở trẻ em, bệnh sốt rét còn gây mất máu và gây tổn thương não trực tiếp do sốt rét thể não. Những trẻ sống sót do sốt rét thể não có nguy cơ bị suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi và động kinh.
Nguyên nhân gây bệnh sốt rét
Như đã nói ở trên thì nguyên nhân gây bệnh sốt rét là do trong cơ thể xuất hiện loại ký sinh trùng Plasmodium gây nên. Có bốn loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium lây bệnh sốt rét sang người là: Plasmodium vivax, Plasmodium ovale, Plasmodium malariae, Plasmodium falciparum. Vậy các loại ký sinh trùng gây bệnh sốt rét lây qua đường gì?
Loại ký sinh trùng này được lây truyền từ muỗi sang người qua đường máu, khi người bị muỗi cái Anophen nhiễm ký sinh trùng sốt rét đốt. Từ đó ký sinh trùng tìm đường vào tế bào gan của người nhiễm bệnh và sinh sôi. Khi tế bào gan đột ngột bị phá vỡ, kí sinh trùng theo đó thoát ra và xâm nhập, sinh sôi thêm ở các tế bào hồng cầu. Các ký sinh trùng Plasmodium sinh sống ở trong máu hay gan và dần dần phá vỡ hồng cầu, khiến cơ thể người mắc bệnh sốt rét suy nhược, thiếu máu… và có thể dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu của bệnh sốt rét
Khi mắc bệnh sốt rét, người bệnh có thể xuất hiện và tái phát những triệu chứng như toàn thân ớn lạnh, cơ thể thấy như sốt, vã mồ hôi, buồn nôn và ói mửa. Tùy theo thể sốt rét thông thường và sốt rét ác tính mà bệnh nhân sẽ có triệu chứng khác nhau.
Dấu hiệu sốt rét thông thường
Sốt rét thể thông thường là những triệu chứng thường gặp ban đầu khi mắc bệnh và không đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tùy cơ thể mỗi người, mà có những biểu hiện sốt khác nhau như.
Trong đó, sốt điển hình có 3 giai đoạn:
- Giai đoạn rét run: thường kéo dài 30 phút – 2 giờ với triệu chứng rét run toàn thân, môi tái, nổi da gà.
- Giai đoạn sốt nóng kéo dài khoảng 1 – 3 giờ: lúc này bệnh nhân sẽ thấy nóng dần, cảm giác rét run giảm, mặt đỏ, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, khát nước, có thể hơi đau tức vùng gan lách.
- Giai đoạn vã mồ hôi: lúc này thân nhiệt người bệnh sẽ giảm nhanh, vã mồ hôi, khát nước, giảm nhức đầu, mạch bình thường, cảm giác dễ chịu hơn.
Sốt không điển hình:
- Người bệnh có triệu chứng sốt không thành cơn, hay ớn lạnh, rét và nổi da gà nếu bệnh nhân mắc bệnh tại vùng dịch. Còn với trẻ em, người bị sốt rét lần đầu thì sẽ bị sốt liên tục, dao động.
- Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện những triệu chứng như lá lách phình to, gan to, thiếu máu, người xanh xao, suy nhược.
Dấu hiệu sốt rét ác tính
Sốt rét ác tính là trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán nặng, có những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng với các triệu chứng như:
- Sốt cao liên tục.
- Rối loạn ý thức nhẹ (ngủ li bì, mơ sảng, nói lẩm bẩm…)
- Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng cấp.
- Đau đầu dữ dội.
- Cơ thể thiếu máu, da xanh tái, niêm mạc nhợt, mắt lờ đờ.
Phòng và điều trị bệnh sốt rét
Để phòng tránh bị mắc bệnh sốt rét và mắc phải những biến chứng của bệnh thì các bạn nên tham khảo cách phòng và điều trị bệnh sốt rét dưới đây.
Phòng bệnh sốt rét
Cho tới nay, ngành Y tế vẫn chưa có loại vắc xin để phòng bệnh sốt rét nên chúng ta chỉ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Thường xuyên dọn dẹp, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ và khô ráo để muỗi không có nơi cư trú vì muỗi thường sống tại những nơi bụi bẩn, ẩm ướt.
- Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, đậy kín những chậu, bể, lu nước lại để muỗi không có nơi sinh sôi, phát triển.
- Chú ý phun thuốc diệt muỗi trên tường nhà theo định kỳ để ngăn ngừa muỗi bay vào nhà.
- Khi đi ngủ cần mắc mùng thật kín để tránh bị muỗi đốt.
- Sử dụng các sản phẩm kem, xịt chống muỗi, chống côn trùng cho da để xua đuổi muỗi.
- Khi đi đến những nơi có nhiều muỗi, vùng dịch sốt rét đang hoành hành thì bạn nên mặc quần, áo tay dài, đeo tất… để che kín người.
Điều trị bệnh sốt rét
Khi bị sốt rét thì các bạn cần phải đến bệnh viện, cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời để tránh gây nhiều hậu quả đáng tiếc. Tùy thuộc vào loại ký sinh trùng lây bệnh, tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc điều trị bệnh sốt rét như sau:
- Nhóm alkaloid của cây canh ki na(Cinchona Sp. Rubiaceae): quinin, quinidin… có tác dụng diệt thể phân liệt và giao bào trong hồng cầu. Loại thuốc này thường được sử dụng trong điều trị bệnh sốt rét do p.falciparum gây ra ở các vùng đa kháng thuốc.
- Nhóm dẫn chất 4 aminoquinoline: chloroquine, hydroxychloroquine… có tác dụng diệt thể phân liệt trong hồng cầu của các loại ký sinh trùng sốt rét.
- Nhóm dẫn chất 8 aminoquinoline: primaquin, tafenoquine… có tác dụng diệt thể phân liệt trong gan của các loại ký sinh trùng sốt rét.
- Nhóm quinoline methanol: mefloquin, halofantrin, lumefantrine… có tác dụng diệt thể phân liệt trong máu của các loại ký sinh trùng sốt rét.
- Nhóm thuốc antifolate: pyrimethamin, proguanil, sulfadoxin… có tác dụng diệt thể phân liệt trong máu của các loại ký sinh trùng sốt rét, nên được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị BSR.
- Nhóm thuốc kháng sinh: các thuốc kháng sinh tetracyclin, doxycyclin, clindamycin có tác dụng diệt thể phân liệt của các loại ký sinh trùng sốt rét, thường được kết hợp với các loại thuốc khác trong điều trị bệnh sốt rét.
- Nhóm thuốc artemisinin: artesunate, artemether, artemether… là những hoạt chất được chiết xuất từ cây Thanh hao hoa vàng có tác dụng diệt thể phân liệt trong máu của các loại ký sinh trùng sốt rét.
Những nhóm thuốc dùng để điều trị bệnh sốt rét nói trên đều là những thuốc kê đơn nên người bệnh cần sử dụng theo đúng chỉ định của thầy thuốc để tránh gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Những điều cần lưu ý khi bị sốt rét
Bên cạnh việc tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ thì người bệnh sốt rét cũng cần chú ý một số vấn đề sau đây để hỗ trợ việc điều trị có kết quả tốt hơn:
- Người bệnh sốt rét nên chú ý mặc những trang phục thoáng rộng, thoải mái để tránh cho việc nhiệt độ cơ thể tăng cao, nhất là khi đang có biểu hiện sốt nóng.
- Ngoài ra, người bệnh nên uống thật nhiều nước, có thể dùng những loại thêm nước như trà gừng, nước cam nóng.
- Nên chú ý chọn lựa những thực phẩm giàu dưỡng chất như protein, vitamin, khoáng chất từ thịt, cá, rau, củ, quả tươi, sữa… để bổ sung năng lượng cho cơ thể. Đồng thời, bệnh nhân chỉ nên ăn những món mềm, lỏng, dễ tiêu và tránh dùng thức ăn quá nhiều dầu mỡ.
- Khi bị sốt rét thì người bệnh tuyệt đối không được sử dụng đồ uống kích thích như rượu, bia, hút thuốc… sẽ khiến bệnh tình nặng hơn.
- Tránh để người bệnh phải vận động mạnh sẽ khiến cơ thể thêm mệt mỏi.
- Đối với các trường hợp người bệnh bị sốt thì không nên chườm lạnh, dán miếng hạ sốt vì nó chỉ giúp hạ sốt nhanh 1 giờ đầu, sau đó nhanh chóng sốt lại. Tốt nhất là bạn nên lấy khăn ấm lau toàn thân, lau nhiều ở trán, 2 hốc nách, bẹn, để giúp bệnh nhân hạ nhiệt nhanh.
Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích trong việc giúp chúng ta có thể phòng ngừa được căn bệnh sốt rét cho bản thân và gia đình một cách tối ưu nhất. Nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh sốt rét thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được xét nghiệm, chữa trị kịp thời, ngăn chặn bệnh phát triển và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.