Bất kể ai trong mỗi chúng ta đều đã từng bị ho không ít lần trong suốt cuộc đời mình. Những cơn ho có thể ngắn, dài. Ho có thể kèm theo sốt hoặc không. Ho khan hoặc ho có đờm… Vậy ho là phản ứng tốt hay xấu của cơ thể. Những cơn ho cảnh báo những vấn đề gì về sức khoẻ? Cùng plasmakare.vn tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Tổng quan về ho
Nhìn chung, ho được coi là một phản xạ của cơ thể để loại bỏ các “dị vật” ra khỏi đường hô hấp. Điều này dễ dàng giải thích được tại sao chúng ta dễ bị ho khi hít phải khói hoặc có đờm trong cổ họng. Bởi vì lúc này, khói hay đờm được coi là vật lạ đối với đường hô hấp.
Phản xạ ho là gì?
Phản xạ ho là một phản xạ của đường hô hấp để loại bỏ các vật lạ khi chúng xâm nhập vào đường hô hấp. Các vật lạ này có thể kể đến như: khói, bụi,dịch tiết, vi khuẩn, vi rút, do phản ứng hoá học của các thuốc hoặc do các chất gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc. Chúng thường gây chèn ép, tắc nghẽn hoặc gây viêm đường hô hấp. Chính vì vậy, phản xạ ho được coi là một phản xạ để bảo vệ cơ thể.
Phản xạ ho được hình thành khi các “dị vật” tạo ra các kích thích đối với thụ thể ho. Các thụ thể này thường nằm ở họng, khí quản hoặc ở phổi. Các kích thích này tạo ra một tín hiệu truyền đến trung tâm ho (ở hành não) và từ đó tạo ra phản xạ tăng co bóp các cơ hoành, cơ bụng và cơ liên sườn và hình thành nên phản xạ ho.
Có nhiều cách phân loại ho nhưng dễ nhận biết nhất và phổ biến nhất là 4 kiểu ho: Ho khan, ho có đờm, ho gà và ho mãn tính. Các kiểu ho này có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
Ho ở người lớn khác gì ho ở trẻ nhỏ.
Cùng là phản xạ ho, tuy nhiên có một số khác biệt nhất định giữa các cơn ho ở người lớn và trẻ nhỏ.
Đa số trường hợp ho ở trẻ nhỏ đều xuất phát từ việc đường hô hấp của trẻ (hô hấp trên/ dưới) bị viêm. Các nguyên nhân thường gặp do cảm lạnh, nhiễm khuẩn, nhiễm virut.
Trong khi đó, nguyên nhân dẫn tới các cơn ho, đặc biệt các cơn ho kéo dài ở người lớn rất đa dạng. Nguyên nhân nhiều khi lại do các bệnh lý khác như viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh hen, bện phổi tắc nghẽn mãn tính …
Một điểm khác biệt nữa là các cơn ho ở trẻ nhỏ thường mang tính chất cấp tính hơn. Chỉ từ những cơn ho có thể tiến triển rất nhanh thành các bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nếu như không kịp thời điều trị. Trong khi đó, các cơn ho ở người trưởng thành thường kéo dài dai dẳng, gây ra khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ từ từ nhưng không nguy hiểm như ở trẻ nhỏ.
Kiểu ho do virus và kích ứng: Ho khan
Ho khan cũng vẫn là một phản xạ để loại bỏ những dị vật ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, điểm khác biệt để phân biệt ho khan với các kiểu ho khác đó là ho khan thường không kèm theo đờm nhầy, hoặc dịch tiết.
Người bệnh khi bị ho khan thì thường kèm theo tình trạng đau, rát họng ngày càng tăng kèm theo các cơn ho.
Các dấu hiệu của ho khan
Các dấu hiệu thường gặp của ho khan có thể kể đến như:
- Rát, ngứa ở họng.
- Ho từng cơn và ho tăng dần.
- Ho không kèm theo đờm, dịch nhầy, dịch tiết. Đôi khi người bệnh có thể khạc ra dịch nước bọt trong.
- Ho không kèm theo sốt, ho nhiều về ban đêm.
- Ho liên tục, kéo dài thậm chí khiến người bệnh chảy nước mắt. Cảm giác như rách xé họng.
- Ho ra máu mức độ từ nhẹ đến nặng. Lúc này cần nghĩ đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn.
Dấu hiệu của ho khan cảnh báo bệnh gì?
Các cơn ho khan có thể xuất hiện trong một quãng thời gian ngắn rồi tự biến mất mà không cần phải điều trị gì. Lúc này có thể nghĩ đến các nguyên nhân như có dị vật, hít phải khói thuốc hoặc ăn phải các đồ ăn gây kích ứng tại họng. Với các trường hợp này thì không cần lo lắng gì. Nhưng nếu những cơn ho khan kéo dài thì lúc này cần phải xem xét đến các bệnh lý khác.
- Ho khan kéo dài:
Các cơn ho khan được coi là kéo dài khi nó diễn ra trên 8 tuần và không có dấu hiệu chấm dứt. Lúc này, có thể nghi ngờ các bệnh về thanh quản, viêm tai hoặc viêm xương chũm mạnh tính. Ngoài ra, có thể nghĩ đến bệnh lý ung thư phế quản (thường xảy ra với người hút thuốc lá, thuốc lào kéo dài trên 10 năm). Đặc biệt, ho khan kéo dài còn gợi ý đến các bệnh như: Xơ phổi, phù phổi bán cấp, ung thư phổi, lao hoặc tràn dịch màng phổi mãn tính. Ho khan kéo dài cũng có thể gợi nhắc đến bệnh hen hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc. Cụ thể là thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp sử dụng nhiều năm.
- Ho khan kéo dài về đêm:
Một tình trạng khác đó là các cơn ho khan kéo dài và chủ yếu xuất hiện về ban đêm hoặc khi nằm ngủ (ban trưa hoặc ban đêm). Các cơn ho khan không kèm theo dấu hiệu của cảm cúm. Khi cơn ho tăng nhiều vào ban đêm sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Khi có các cơn ho khan kéo dài chủ yếu về ban đêm hoặc khi nằm thì rất có thể nguyên nhân là do các bệnh lý như hen suyễn, viêm xoang hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
- Ho khan ra máu:
Ho khan ra máu là cơn ho có máu xuất hiện cùng. Cần phân biệt với trường hợp cơn ho khan kéo dài hoặc do có dị vật như xương cá… khiến cho niêm mạc họng bị “xước” và chảy máu. Máu sẽ kèm theo khi ho hoặc lẫn vào trong dịch nước bọt. Lúc này máu thường rất ít.
Chúng ta chỉ cần thực sự quan tâm khi các cơn ho khan kèm theo máu xuất hiện. Các cơn ho khan ra máu có thể xuất hiện đột ngột lúc bệnh nhân thấy khoẻ mạnh hoặc sau khi vận động mạnh. Các cơn ho khan ra máu là chỉ dẫn có các bệnh lý viêm phổi cấp tính, ung thư phổi, lao phổi. Trong đó, 90% các cơn ho khan ra máu là do bệnh lao phổi tiến triển, kèm theo ho kéo dài, sốt nhẹ, sụt cân. Nếu ho khan ra máu tái lại vài lần, không kèm theo sốt, sụt cân thì cũng vẫn có thể nghi ngờ do lao phổi.
Cách điều trị ho khan
Ho khan có thể chỉ là biểu hiện sinh lý bình thường của cơ thể nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng.
Khi gặp tình trạng ho khan bạn có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc tại nhà. Cụ thể, vệ sinh họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, nước súc họng, giữ ấm cổ. Bạn cũng có thể ngậm mật ong hoặc mật ong húng chanh để làm dịu bớt cảm giác xé rát ở cổ họng. Tuy nhiên nếu cơn ho kéo dài, đừng tự ý tự uống thuốc hoặc điều trị tại nhà. Đặc biệt là khi ho khan kéo dài, kèm theo sốt, khó thở, suy kiệt, ho ra máu… Lúc này, bạn cần đến ngày cơ sở y tế để được khám và điều trị hiệu quả.
Kiểu ho do nhiễm khuẩn: Ho có đờm
Ho có đờm là một tình trạng ho phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Ho thường kèm theo đờm trong hoặc đờm đặc. Ho có đờm kéo dài cũng là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Dấu hiệu ho có đờm
Khác biệt lớn nhất giữa ho có đờm va ho khan đó là các cơn ho thường có kèm theo dịch tiết ở đường hô hấp, hay còn gọi là đờm.
Đờm là chất dịch được tiết ở đường hô hấp. Bao gồm: chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu mủ, các chất độc hại xâm nhập vào đường hô hấp, có kèm theo hoặc không có xác vi khuẩn.
Tuỳ theo từng giai đoạn của bệnh và nguyên nhân gây ho mà đờm có thể trong, hoặc đặc. Có màu trắng đục, màu ngả vàng hoặc màu xanh. Đôi khi do phản xạ ho gây xước niêm mạc họng mà đờm có thể lẫn các cục máu đông.
Tuỳ theo thời gian mà bệnh ho có đờm được xếp loại là bệnh cấp tính hay mãn tính. Khi các triệu chứng ho có đờm kéo dài trên 3 tuần không dứt thì bệnh được xem là mãn tính
Dấu hiệu ho có đờm cảnh báo bệnh gì
Các chất dịch được tiết ra từ khí phế quản, phế nang, họng, xoang trán, hốc mũi. Chính vì vậy, bệnh ho có đờm thường liên quan đến các bệnh viêm khí quản, viêm xoang, viêm phổi, viêm họng, viêm mũi hoặc hen suyễn…
Đa số bệnh liên quan đến ho có đờm lành tính và dễ điều trị khỏi nếu có phương pháp phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ho có đờm kéo dài và khó điều trị có thể liên quan đến một số bệnh hô hấp nguy hiểm như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh lao phổi hoặc bệnh giãn phế quản ướt.
Cách điều trị ho có đờm
Nhìn chung, ho có đờm thường dễ điều trị khỏi. Tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh ho có đờm mà các cách điều trị sẽ khác nhau.
Các phương pháp tự chăm sóc tại nhà bao gồm: Súc họng thường xuyên bằng nước muối hoặc nước súc họng chuyên dụng. Giữ ấm cổ.
Nếu ho có đờm do nhiễm khuẩn thì thường điều trị bằng thuốc kháng sinh, kết hợp với các thuốc loãng đờm, long đờm. Có thể sử dụng kèm thuốc hạ sốt nếu cần.
Nếu ho có đờm do nhiễm vi rút thì lúc này việc điều trị chủ yếu là tăng cường sức đề kháng bằng cách tăng cường thể lực, tăng cường vệ sinh hầu họng bằng nước súc họng.
Trong các trường hợp ho có đờm kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm (trên 3 tuần). Lúc này cần nghĩ đến các bệnh lý hô hấp nguy hiểm hơn. Hãy đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Ho gà do vi khuẩn Bordetella pertussis phổ biến ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân chính gây ra bệnh ho gà là do nhiễm vi khuẩn ho gà. Vi khuẩn này có tên khoa học là Bordetella pertussis. Đây là một bệnh truyền nhiễm dễ lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp như nước bọt hoặc đồ vật có nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người bệnh. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.
Dấu hiệu của ho gà
Các dấu hiệu của bệnh ho dà diễn biến theo quá trình của bệnh.
- Thời kỳ ủ bệnh: đây là thời kì không có triệu chứng gì và thường kéo dài từ 6 -20 ngày. Trung bình từ 9 -10 ngày
- Giai đoạn viêm long đường hô hấp: Các triệu chứng thường gặp như sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng, hắt hơi. Cuối giai đoạn này ho sẽ nặng hơn. Giai đoạn này kéo dài 1 – 2 tuần.
- Giai đoạn khởi phát: kéo dài 1 – 6 tuần hoặc có thể tới 10 tuần. Với các biểu hiện điển hình như
- Ho rũ rượi, thành từng cơn, càng về sau càng yếu và giảm dần. Trẻ yếu dần, có thể ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
- Thở rít vào xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho. Tiếng rít nghe như tiếng gà.
- Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính.
- Trong khoảng 2 tuần đầu, các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày. Sau đó giảm dần có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị.
- Sau mỗi cơn ho trẻ mệt, có thể nôn, thở nhanh. Có thể kèm theo các triệu chứng sau: Sốt nhẹ, mặt và mí mắt nặng.
- Giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên sau đó nhiều tháng ho có thể tái lại gây viêm phổi.
Biểu hiện bệnh ở người lớn và trẻ vị thành niên thường nhẹ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc là không có triệu chứng, thường khỏi sau 7 ngày.
Cách điều trị ho gà
Tuyệt đối không tự ý chẩn đoán và điều trị ho gà mà phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn. Thông thường, các chuyên gia sẽ có các biện pháp điều trị theo hướng như sau.
- Điều trị nguyên nhân: Sử dụng kháng sinh trước khi cơn ho xuất hiện. Đặc biệt với trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Điều trị triệu chứng: áp dụng khi trẻ có biểu hiện co giật. Lúc này có thể cần đến các thuốc chống co giật.
- Tăng cường dinh dưỡng: Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Đặc biệt là trẻ có thể bị nôn nhiều sau khi ho.
Ho mãn tính dai dẳng kéo dài
Ho được xếp vào ho mãn tính khi kéo dài, thường là từ tám tuần trở lên. Ho mãn tính gây ảnh hưởng đến thể lực, công việc và gây ra những bất tiện trong cuộc sống. Người ho mãn tính có thể bị xa lánh bởi người thân, đồng nghiệp do bị nghi ngờ mắc các bệnh hô hấp truyền nhiễm.
Dấu hiệu ho mãn tính
Các dấu hiệu xác định bạn đã bị ho mãn tính:
- Ho kéo dài trên tám tuần.
- Ho khan hoặc ho có đờm, kèm theo tắc mũi hoặc chảy nước mũi.
- Thường xuyên muốn hắng giọng, rát họng.
- Khàn tiếng, khó thở, cổ họng có thể có vị chua
- Một số ít có thể ho ra máu.
Dấu hiệu ho mãn tính cảnh báo bệnh gì
Khi gặp phải tình trạng ho kéo dài, trên 8 tuần hay còn gọi là ho mãn tính, có thể nghĩ đến một số nguyên nhân hoặc bệnh lý như:
- Hút thuốc lá, thuốc lào, đặc biệt ở những người hút lâu năm (trên 10 năm).
- Bệnh viêm xoang
- Bệnh hen phế quản
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Bệnh viêm phế quản
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Do sử dụng thuốc huyết áp lâu năm
Cách điều trị ho mãn tính
Yếu tố quan trọng nhất quyết định việc điều trị thành công ho mãn tính là xác định được nguyên nhân gây ho.
Trong một số trường hợp phương pháp điều trị ho mãn tính có thể áp dụng như:
- Bỏ thuốc, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thường xuyên vệ sinh họng bằng nước súc họng đặc hiệu
- Điều trị triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể có tác dụng giảm ho mãn tính
- Xem xét lại các thuốc huyết áp đang sử dụng xem có tác dụng phụ gây ho hay không và thay thế bằng các thuốc phù hợp hơn
Nhìn chung, tuỳ theo từng nguyên nhân mà bác sĩ có thể có phương pháp điều trị khác nhau đối với tình trạng ho mãn tính.
Trên đây là thông tin về các kiểu ho. Mỗi kiểu ho khác nhau có thể là gợi ý cho các bệnh khác nhau. Tuy đa số trường hợp, các cơn ho đều lành tính nhưng cũng có trường hợp đó là gợi ý cho các bệnh nguy hiểm hơn. Để điều trị ho một cách hiệu quả, người bệnh không nên chủ quan mà cần tới các cơ sở y tế thăm khám kỹ càng.