Sốt xuất huyết là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ bởi vì sức đề kháng của trẻ còn rất non yếu. Nếu như không được chữa trị kịp thời thì sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và thậm chí là tử vong. Vậy cha mẹ cần phải làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết? Cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em như thế nào? Chúng tôi sẽ giúp các bậc phụ huynh có thể giải đáp được những vấn đề này ngay trong bài viết sau đây.
Mục lục
Sốt xuất huyết ở trẻ em những biến chứng nguy hiểm thường gặp
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thường gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ như:
- Sốc: Tình trạng sốc xảy ra chủ yếu là do tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương, cô máu và hụt thể tích lưu hành. Ngoài ra, sốc có thể do một xuất huyết phủ tạng ồ ạt xảy ra tiên phát rồi dẫn đến tình trạng này. Một số ít trường hợp trẻ bị sốt cao dài ngày, vã mồ hôi, nôn nhiều nhưng không được bổ sung dịch nên cũng sẽ dễ bị sốc nhẹ.
- Tràn dịch màng phổi: Đây cũng là một biến chứng rất phổ biến nhất của bệnh sốt xuất huyết phổ biến nhất ở trẻ. Tràn dịch màng phổi thường có diễn biến nhẹ và tự rút khi khỏi bệnh. Tuy chúng ta không cần can thiệp hút tháo dịch nhưng biến chứng này vẫn gây ảnh hưởng tới hô hấp và áp lực cho tim.
- Hôn mê: Hôn mê là biến chứng xảy ra do não bị phù nề, xung huyết, xuất huyết đốm do tăng tính thấm mao quản, thoát dịch, rối loạn vi tuần hoàn ở não và được coi là thể não của sốt xuất huyết. Ngoài ra, còn có một số trẻ sốt xuất huyết bị hôn mê thứ phát sau sốc, sau xuất huyết phủ tạng ồ ạt, sau suy gan thận cấp… Đây là hội chứng não cấp thứ phát và được coi là biến chứng của sốt xuất huyết ở trẻ em.
- Biến chứng sốt xuất huyết ở tim: Sốt xuất huyết có thể khiến trẻ bị tổn thương ở tim như: phù nề khe tim, xung huyết, xuất huyết đốm cơ tim và màng tim, tràn dịch màng tim do thoát dịch thấm, tăng gánh cơ tim do tràn dịch màng phổi… Những tổn thương này có thể gây ra biến chứng loạn nhịp, rối loạn dẫn truyền, rối loạn tái cực, suy yếu cơ tim, phù phổi cấp, ngừng tim…
- Biến chứng ở thận: Khi bị sốt xuất huyết thì trẻ sẽ bị mất nước và điện giải và thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu. Việc này có thể dẫn đến suy thận cấp.
- Biến chứng ở mắt: Sốt xuất huyết sẽ khiến cho trẻ bị mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, các mạch máu của võng mạc tổn thương, thị lực giảm sút.
- Xuất huyết não: Khi bệnh diễn biến nặng, lượng tiểu cầu trong máu giảm dần, dẫn đến xuất huyết não và trẻ có khả năng tử vong cao.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết ở trẻ em thường có nhiều triệu chứng khác nhau với tiến triển phức tạp. Các bạn có thể nhận biết được dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết ở trẻ thông qua các giai đoạn sau đây.
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu
Trong giai đoạn đầu của sốt xuất huyết thì, những triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thường rất khó phân biệt với nhiễm các loại vi rút khác. Theo đó thì khi phát bệnh sốt xuất huyết, trẻ sẽ thường bị sốt cao đột ngột mặc dù trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Thời gian sốt của trẻ sẽ kéo dài từ 2 – 7 ngày kèm theo những triệu chứng như mặt đỏ, da xung huyết, các cơ, khớp bị đau nhức, đau đầu.
Trong một số trường hợp, trẻ bị sốt xuất huyết còn có thể bị đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Trẻ nhũ nhi có thể có dấu hiệu ho sổ mũi hay tiêu chảy.
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm
Sau khi qua giai đoạn đầu của sốt xuất huyết từ 3 – 7 ngày thì trẻ sẽ bước vào giai đoạn nguy hiểm, trẻ có thể bị sốt hoặc giảm sốt. Lúc này trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng như: xuất hiện chấm xuất huyết trên da ở những bộ phận cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng. Ngoài ra, trẻ còn bị chảy máu mũi, chảy máu răng, đi cầu ra máu do xuất huyết.
Một số trẻ còn xuất hiện các dấu hiệu như lừ đừ, mệt mỏi, nôn nhiều, đau bụng, gan to hơn. Hoặc một số trường hợp diễn tiến đến sốc sốt xuất huyết với biểu hiện tay chân lạnh, mạch nhanh nhẹ, không đo được huyết áp. Nếu để tình trạng sốc kéo dài thì bệnh nhi có thể tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể dẫn đến tử vong.
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết ở giai đoạn hồi phục
Sau khoảng 2 – 3 ngày kể từ giai đoạn nguy hiểm thì bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sẽ bước vào thời gian hồi phục. Lúc này trẻ hết sốt, huyết áp ổn định, ăn uống tốt. Ngoài ra, trẻ còn xuất hiện mẩn đỏ ngứa ở tay chân nhưng khi đưa đi khám thì bác sĩ sẽ giải thích đây là đang phục hồi.
Lời khuyên cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Khi trẻ bị sốt xuất huyết thì cha mẹ thường khó nhận biết được chính xác tình trạng bệnh của trẻ nên sẽ cảm thấy rất lo lắng, hoang mang. Do đó bạn nên tham khảo một số lời khuyên sau đây để có thể chủ động chăm sóc, điều trị sốt xuất huyết cho trẻ đúng cách và hiệu quả hơn.
Cha mẹ cần đưa con đi thăm khám kịp thời
Nếu như bạn quan sát thấy trẻ có những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết như trên thì nên đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế ngay lập tức để bác sĩ chẩn đoán bệnh. Nếu như trẻ rơi vào tình trạng nặng thì trẻ cần phải nhập viện ngay để được điều trị kịp thời. Còn trong trường hợp nhẹ thì các bác sĩ, cán bộ y tế có thể hướng dẫn bạn cách chăm sóc bé tại nhà.
Không tự điều trị bệnh ở nhà
Có rất nhiều bậc phụ huynh thường chủ quan, tự ý điều trị bệnh sốt xuất huyết trẻ em tại nhà. Đây là điều hoàn toàn sai lầm vì việc dùng thuốc sai cách, sai liều lượng sẽ dễ khiến cho trẻ bị xuất huyết đường tiêu hóa hoặc gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.
Chăm sóc trẻ bị bệnh sốt xuất huyết
Nhằm giúp cho trẻ bị bệnh sốt xuất huyết có thể nhanh chóng hồi phục thì các bạn cần phải chú ý một số điều sau đây khi chăm sóc trẻ:
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng các loại thuốc có chứa Ibuprofen hoặc Aspirin vì trong thuốc có hoạt chất có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
- Để nhanh chóng hạ sốt cho trẻ thì bạn có thể dùng khăn ấm để lau người, vùng hốc nách, bẹn của trẻ. Đồng thời nên cho trẻ mặc những bộ đồ thoáng mát, rộng rãi để tránh việc thân nhiệt tăng cao.
- Hãy nấu những món ăn có đầy đủ dưỡng chất, dễ tiêu hóa để tăng cường năng lượng cho cơ thể của bé. Lưu ý là nên nấu những món ăn lỏng, dễ nuốt như cháo, súp và chia thành nhiều bữa nhỏ cho trẻ.
- Nên cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước điện giải, các loại nước trái cây như nước dừa, nước cam… để tránh việc cơ thể bị mất nước.
- Khi bị sốt xuất huyết thì nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều và hạn chế hoạt động.
- Trong trường hợp bạn chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà mà gặp phải tình trạng vật vã, nôn ói, da xung huyết, tứ chi lạnh, đau bụng, xuất huyết tiêu hóa… thì nên nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để điều trị.
Phòng bệnh sốt xuất huyết trẻ em
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết trẻ em tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt vì đây là con đường lây nhiễm của bệnh sốt xuất huyết của trẻ. Theo đó thì các bạn nên:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước hoặc thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để muỗi không vào đẻ trứng, hạn chế tình trạng lăng quăng, bọ gậy sinh sống, phát triển.
- Vệ sinh sạch sẽ các thau rửa, dụng cụ chứa nước như lu hay bình nước ít dùng tới và dọn dẹp những rác thải xung quanh nhà như chai, lọ, lon nước, vỏ xe cũ, hốc tre để làm sạch môi trường sống, ngăn ngừa bọ gậy, loăng quăng và muỗi.
- Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, trồng các loại cây có khả năng đuổi muỗi như sả, chanh… xung quanh nhà để tránh muỗi.
- Thường xuyên xịt thuốc diệt muỗi lên tường nhà theo định kỳ để tiêu diệt muỗi, tránh cho muỗi bay vào nhà.
- Để tránh muỗi đốt thì bạn nên cho trẻ ngủ trong mùng kể cả ban ngày. Đồng thời nên cho trẻ mặc quần áo dài tay và không để trẻ vui chơi ở những nơi muỗi tập trung để ngăn chặn muỗi đốt
- Bên cạnh đó, cha mẹ có thể lựa chọn kem đuổi muỗi, xịt đuổi muỗi trên da để phòng tránh muỗi tối ưu cho trẻ.
- Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, vợt điện diệt muỗi… để tiêu diệt muỗi.
- Nếu trong nhà có người bị sốt xuất huyết thì nên nằm trong màn, tránh muỗi đốt để ngăn ngừa bệnh lây lan.
Theo thống kê của Tổ chức Y Tế Thế giới WHO thì mỗi năm có khoảng 22.000 người tử vong do sốt xuất huyết và phần lớn trường hợp là trẻ em. Do đó mà các bậc phụ huynh cần phải thật chú ý trong việc chăm sóc và phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em. Nhờ đó sẽ giúp cho trẻ có thể tránh khỏi được căn bệnh nguy hiểm này để tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách toàn diện.