Thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý trong quá trình điều trị viêm amidan hốc mủ là rất quan trọng để cải thiện bệnh và phục hồi nhanh chóng hơn. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp ngay cho bạn câu hỏi viêm amidan hốc mủ ăn gì.
Mục lục
Tổng quan về bệnh viêm amidan hốc mủ
Viêm amidan hốc mủ xảy ra sau nhiều đợt viêm amidan cấp tính kéo dài hoặc tái phát liên tục. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là nhiều mủ trắng, mủ bã đậu đọng trong các khe hốc của amidan. Ngoài ra, khi bị viêm amidan hốc mủ, người bệnh thường đau rát, sưng viêm họng, ho khan, ho có đờm, vướng cổ khi nuốt và miệng rất hôi.
Viêm amidan hốc mủ có thể gặp ở bất kỳ ai, đặc biệt là những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em và phụ nữ có thai. Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh này là sự viêm nhiễm mãn tính các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn như phế cầu, liên cầu, tụ cầu,…
Viêm amidan hốc mủ có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Phổ biến nhất là các biến chứng nhiễm khuẩn như viêm thanh quản, viêm đường hô hấp dưới, viêm khớp, viêm nội tâm mạc hay nhiễm khuẩn huyết,. Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ là viêm amidan hốc mủ, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị chính xác.
Hiện nay, phẫu thuật cắt amidan thường được các bác sĩ chỉ định sớm cho người bệnh viêm amidan hốc mủ bởi hiệu quả dứt điểm bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định thuốc trị viêm amidan hốc mủ và các biện pháp bổ trợ như súc họng sát khuẩn,… Tuy nhiên, dù điều trị bằng phương pháp nào thì việc chăm sóc sức khỏe tổng thể cho người bệnh cũng đều cần được chú trọng.
Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh viêm amidan hốc mủ chống chọi với vi sinh vật gây bệnh và phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Vì vậy, có không ít người bệnh thắc mắc viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì và nên ăn gì. Dưới đây là danh sách những thực phẩm người bệnh viêm amidan hốc mủ nên kiêng:
Các loại đồ ăn cay nóng
Đồ ăn cay nóng, chứa nhiều ớt, tiêu, riềng sả có thể kích thích niêm mạc amidan và họng, làm phản ứng viêm trở nên trầm trọng hơn. Điều này không chỉ khiến người bệnh khó chịu hơn mà còn gây chậm quá trình hồi phục của niêm mạc, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển làm bệnh kéo dài dai dẳng hơn. Do vậy, người bệnh tốt nhất nên tránh ăn đồ ăn cay nóng trong và sau quá trình điều trị bệnh.
Ngoài ra đồ ăn quá nóng có thể gây bỏng niêm mạc, khiến người bệnh đau đớn. Do đó, người bệnh không nên ăn đồ nóng vừa mới xào nấu mà nên để nguội bớt rồi mới thưởng thức.
Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ
Thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ cung cấp nhiều các chất béo bão hòa. Loại chất béo này có khả năng thúc đẩy tình trạng viêm thông qua kích thích các cytokine tiền viêm, khiến các tổn thương ở amidan của người bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, sự stress oxy hóa tăng do chất bẽo bão hòa còn gây tổn hại đến một số tế bào của cơ thể, khiến sức đề kháng của người bệnh suy giảm. Điều này tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển và gây bệnh kéo dài.
Vì vậy, các bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh viêm amidan hốc mủ nên tránh các thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ.
Bánh kẹo, nước ngọt chứa nhiều đường
Bánh kẹo và nước ngọt chứa lượng đường lớn nên ăn vào làm tăng đường huyết. Ngoài ra, đường trong các thực phẩm này có thể lắng đọng lại tại khe hốc của amidan.
Khi người bệnh viêm amidan hốc mủ ăn các loại thực phẩm này thường xuyên, đường huyết tăng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn, khiến bệnh dai dẳng và lâu khỏi.
Hơn nữa, bánh kẹo và nước ngọt có hàm lượng vi chất thiết yếu rất thấp nên không đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, những thực phẩm này không được khuyến khích cho người bệnh viêm amidan hốc mủ.
Rượu bia và các chất kích thích
Rượu bia có tác dụng sát khuẩn nhẹ. Tuy nhiên, việc uống rượu bia không những không giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh mà còn đem lại nhiều tác hại đối với người bệnh viêm amidan hốc mủ. Rượu bia có thể gây nóng rát ở niêm mạc amidan và kích thích tăng tiết đờm nhầy, khiến người bệnh ho nhiều hơn.
Cà phê và thuốc lá cũng có tác động tiêu cực đến người bệnh. Những chất kích thích trong cà phê và thuốc lá làm tăng quá trình stress oxy hóa và viêm của cơ thể, khiến quá trình phục hồi tổn thương của amidan chậm lại. Vì vậy, người bệnh viêm amidan hốc mủ nên tránh tối đa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích này.
Đồ ăn khô cứng, giòn xốp
Người bệnh viêm amidan hốc mủ cần tránh các loại đồ ăn khô cứng, giòn xốp. Những đồ ăn này nếu không nhai kỹ có thể cọ xát vào amidan viêm gây tổn thương. Đồng thời, những mảnh vụn của đồ ăn khô cứng, giòn xốp có thể lưu lại trong khe, hốc của amidan, tạo nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn sinh sôi và gây mủ nhiều hơn.
Nước đá và đồ uống quá lạnh
Thức uống lạnh luôn được liệt kê trong những nguyên nhân gây viêm họng hàng đầu. Thức uống lạnh này có thể làm dễ chịu cổ họng đang nóng rát một cách nhanh chóng và khiến người bệnh có cảm giác dễ chịu tạm thời.Tuy nhiên, nhiệt độ lạnh khiến niêm mạc đang sưng viêm của người bệnh bị kích thích mạnh hơn, thậm chí là bỏng lạnh.
Điều này không chỉ gây đau mà còn khiến cổ họng tiết dịch nhiều hơn, gây ho kéo dài và cản trở không nhỏ tới quá trình phục hồi của người bệnh. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người mắc các bệnh viêm hầu họng như viêm amidan hốc mủ nên tránh uống nước đá và đồ uống quá lạnh.
Lưu ý khác khi chăm sóc người bệnh viêm amidan hốc mủ
Ngoài việc nhận biết viêm amidan hốc mủ nên kiêng ăn gì, người bệnh cũng cần lưu ý những điều sau đây trong chế độ dinh dưỡng:
- Ăn thức ăn mềm, dễ nhai nuốt.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể tăng cường trao đổi chất, chống chọi lại với phản ứng viêm và đào thải độc tố tốt hơn.
- Đẩy mạnh ăn các loại rau củ, trái cây và các loại thịt để bổ sung Vitamin và khoáng chất, đặc biệt là những chất có đặc tính chống viêm như Vitamin A, C, Kẽm và Omega-3.
Những lưu ý khác cho người bệnh khi điều trị viêm amidan hốc mủ:
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc và thay đổi lối sống.
- Theo dõi tiến triển của bệnh và thông báo cho bác sĩ khi bệnh không thuyên giảm hoặc nghi ngờ mắc tác dụng phụ của thuốc.
- Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc họng thường xuyên bằng các loại nước súc miệng họng sát khuẩn để loại bỏ mủ và vi khuẩn, đồng thời giảm hôi miệng.
- Hạn chế tiếp xúc với người đang mắc các bệnh cấp tính lây qua đường hô hấp như cúm, viêm mũi xoang,…
- Nếu người bệnh có cơ địa dị ứng, cần tránh các tác nhân gây dị ứng như hóa chất, khói bụi, khói thuốc lá, nấm mốc, phấn hoa,…
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý góp phần lớn vào hiệu quả điều trị và phục hồi của người bệnh viêm amidan hốc mủ. Trên đây là những thông tin giải đáp cho câu hỏi “Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì?”. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn.