Mùa đông với thời tiết khô lạnh là thời điểm dễ mắc các tình trạng về mũi xoang. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc khi bị viêm mũi xoang hiệu quả để phòng ngừa và giảm thiểu các triệu chứng của bệnh.
Mục lục
Các vấn đề về mũi xoang có thể gặp phải khi mùa đông tới
Đầu mùa đông, thời tiết vẫn còn bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển mùa từ thu sang đông. Do vậy, trong thời gian này có thể xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khác nhau (lạnh ẩm, lạnh khô, nhiệt độ tăng giảm thất thường). Bên cạnh yếu tố thời tiết, nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh khác cũng có thể gặp phải như vi sinh vật gây bệnh khi trời ẩm thấp, khói bụi khi hanh khô, bụi/mạt nhà từ quần áo, chăn đệm, lông của thú cưng rụng nhiều hơn,…
Mũi xoang là cửa ngõ tiếp xúc đầu tiên với không khí lạnh và những yếu tố kể trên. Vì vậy, mùa đông tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý ở mũi xoang của cơ thể xuất hiện/tái phát, đặc biệt ở những người có sức đề kháng kém như trẻ em, người già, người suy nhược cơ thể hoặc người có cơ địa dị ứng.
Các bệnh lý mũi xoang thường gặp trong mùa đông:
- Viêm mũi xoang cấp tính: Đây là tình trạng viêm nhiễm các xoang cạnh mũi, thường do virus gây ra hoặc do nhiễm khuẩn thứ phát sau cảm cúm, cảm lạnh. Viêm mũi xoang cấp tính thường có các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi đặc xanh/vàng, đau đầu, đau mặt, sốt, và khó chịu.
- Viêm mũi xoang mạn tính: Đây là tình trạng viêm nhiễm các xoang cạnh mũi kéo dài hơn 12 tuần. Viêm mũi xoang mạn tính có thể tiến triển từ viêm mũi cấp tính hoặc do bất thường trong cấu trúc mũi xoang. Các triệu chứng của viêm mũi xoang mạn tính kéo dài dai dẳng như nghẹt mũi, giảm/mất khứu giác, sưng nề niêm mạc, dịch mũi đặc, hôi và đau nhức mặt thường xuyên.
- Viêm mũi xoang dị ứng: Đây là tình trạng viêm mũi do tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như phấn hoa, lông động vật, hoặc bụi bẩn. Viêm mũi dị ứng có triệu chứng dễ thấy là như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, và ngứa mũi.
Mỗi bệnh lý sẽ có những cách điều trị nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, việc chăm sóc mũi xoang để dự phòng và điều trị các bệnh lý này có nhiều điểm tương đồng.
7 cách chăm sóc bệnh viêm mũi xoang thời tiết đầu đông hiệu quả
Dưới đây là những cách chăm sóc mũi xoang trong thời tiết đầu đông được khuyến cáo bởi các chuyên gia y tế.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch để chống chọi tốt hơn với các vi sinh vật gây bệnh. Ngoài ra, sức khỏe tốt còn giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh mũi xoang hiệu quả.
Bạn nên thực hiện chế độ ăn uống như sau:
- Uống đủ nước: ít nhất 1,5 – 2 lít/ngày.
- Ăn theo thực đơn cân đối các nhóm chất: tinh bột – protein – chất béo – Vitamin, khoáng chất.
- Tăng cường ăn rau củ, trái cây, lựa chọn những loại chất béo lành mạnh từ cá biển, dầu thực vật,…
- Bổ sung chất chống oxy hóa từ quả mọng, socola, trà hoa cúc, trà gừng,…
- Sử dụng các thực phẩm bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ nếu cần.
Hạn chế các nguyên nhân gây bệnh
Hạn chế tiếp xúc với các nguyên nhân giúp bảo vệ mũi xoang tối đa. Các biện pháp phòng tránh nguyên nhân gây bệnh mũi xoang trong mùa đông bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm, cảm lạnh hoặc mắc các bệnh viêm mũi xoang.
- Đeo khẩu trang để giữ ấm và giảm thiểu sự tiếp cận của các tác nhân gây bệnh lên niêm mạc mũi xoang.
- Giữ ấm cơ thể đầy đủ, đặc biệt là vùng mặt, đầu, cổ và ngực,
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giặt giũ chăn ga, gối đệm thường xuyên. Có thể dùng máy lọc không khí, máy tạo độ ẩm.
- Tránh tiếp xúc với động vật nhiều lông như chó mèo, chim cảnh,…
Thực hiện lối sống lành mạnh
Thực hiện lối sống lành mạnh là một trong những cách chăm sóc mũi xoang tốt nhất khi đông về. Bạn cần thực hiện những biện pháp sau đây:
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
- Tắm rửa bằng nước ấm trong phòng kín gió.
- Không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá nhất có thể
- Tập yoga và những bài tập hít thở để cải thiện lưu thông khí ở mũi xoang.
Dự trữ thuốc điều trị bệnh viêm mũi xoang
Việc dự trữ các loại thuốc không kê đơn/thuốc kê đơn theo hướng dẫn từ các chuyên gia y tế là rất quan trọng cho những người mắc viêm mũi xoang dị ứng và mạn tính. Dự trữ thuốc đúng cách sẽ giúp cải thiện bệnh sớm nhất có thể để hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh.
Bạn có thể dự phòng những loại thuốc sau đây:
- Thuốc kháng Histamin H1 đường uống (thuốc chống dị ứng, bao gồm Clorpheniramin, Diphenhydramin, Loratadin, Cetirizin,…)
- Thuốc xịt mũi xoang thảo dược.
- Thuốc xịt mũi xoang chứa thành phần chống viêm, sát khuẩn như chai xịt mũi xoang PlasmaKare X-spray chứa nano bạc.
- Thuốc xịt mũi Corticoid.
Lưu ý:
- Đối với thuốc xịt mũi Corticoid, bạn cần có sự tư vấn từ bác sĩ trước khi sử dụng. Lưu ý súc họng miệng sau khi xịt mũi bằng Corticoid để phòng ngừa nhiễm nấm hầu họng.
- Không được dự trữ kháng sinh và thuốc chống viêm Corticoid đường uống do nguy cơ tác dụng phụ và kháng thuốc cao nếu không được sử dụng đúng cách.
Nếu bạn có tiền sử viêm mũi xoang dị ứng hoặc mạn tính, tốt nhất bạn nên đi tái khám sớm trước khi vào mùa đông để được bác sĩ tư vấn những phương án dự phòng phù hợp nhất.
Vệ sinh mũi xoang thường xuyên
Vệ sinh mũi xoang thường xuyên sẽ giúp loại bỏ những mầm gây bệnh trong khoang mũi. Đồng thời, việc này còn giúp duy trì độ ẩm của niêm mạc mũi xoang, giúp hạn chế kích ứng do thời tiết lạnh trong mùa đông tốt hơn.
Cách vệ sinh mũi xoang phổ biến nhất là dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi. Cách thực hiện như sau:
- Trẻ nhỏ: Cho trẻ nằm nghiêng, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mũi rồi cho trẻ xì mũi để loại bỏ nước mũi.
- Người lớn: Ngồi thẳng, đầu hướng ra phía trước. Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi rồi xì mũi từng bên một.
Rửa mũi cũng là biện pháp vệ sinh mũi xoang hiệu quả. Tuy nhiên, rửa mũi chỉ áp dụng trong các trường hợp bệnh mũi xoang tái phát. Bạn có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dùng dung dịch chuyên dụng như bộ sản phẩm rửa mũi xoang PlasmaKare Nasal Clean. Dung dịch rửa mũi của bộ sản phẩm này có pH sinh lý êm dịu cùng thành phần là phức hệ Kẽm Đồng ở tỷ lệ vàng nên an toàn tuyệt đối khi dùng để rửa mũi cho cả trẻ nhỏ và bà bầu.
Tiêm phòng vacxin đầy đủ
Một số loại virus, vi khuẩn gây bệnh viêm mũi xoang đã có vaccin phòng tránh hiệu quả. Vì vậy, để chăm sóc mũi xoang một cách tốt nhất, bạn nên đi tiêm phòng đầy đủ. Các loại vaccin cần tiêm bao gồm:
Vaccin phòng cúm
Vaccin phòng cúm giúp hạn chế tối đa nguy cơ viêm mũi xoang cấp tính cho bạn. Vaccin phòng cúm có thể được tiêm từ giai đoạn 6 tháng tuổi trở lên.
Trẻ em dưới 9 tuổi cần tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng nếu chưa mắc cúm và chưa từng tiêm vaccin ngừa cúm. Sau giai đoạn này cần tiêm nhắc lại 1 lần/năm.
Vaccin phòng Haemophilus Influenzae
Hiện nay, các loại vaccin tích hợp 5 – 6 trong 1 có tác dụng ngăn chặn cả Haemophilus Influenzae tuýp B gây bệnh hô hấp và viêm màng não. Vaccin này cần được tiêm từ độ tuổi trẻ nhỏ để tạo miễn dịch suốt đời.
Vaccin phòng phế cầu
Phế cầu khuẩn là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi xoang khá phổ biến. Vì vậy, việc tiêm phòng phế cầu có thể hạn chế được bệnh rất tốt.
Những đối tượng được khuyến cáo nên tiêm phòng phế cầu khuẩn:
- Trẻ em dưới 5 tuổi
- Người lớn trên 65 tuổi
- Người mắc bệnh mãn tính: Đái tháo đường, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh gan thận,…
- Người thường xuyên tiếp xúc với những người mắc bệnh đường hô hấp trên và dưới.
Thời tiết đầu đông dễ gây khởi phát và tái phát các tình trạng bệnh lý ở mũi xoang. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn chăm sóc mũi xoang hiệu quả và khỏe mạnh khi mùa đông về.