Viêm họng sổ mũi là tình trạng thường gặp cả ở trẻ em và người lớn. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển thành một bệnh mạn tính, gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống. Hãy cùng tìm hiểu thêm về triệu chứng và điều trị hiệu quả cho viêm họng sổ mũi để đảm bảo sức khỏe tốt nhất!
Mục lục
- 1. Tìm hiểu chung về viêm họng sổ mũi
- 2. Viêm họng sổ mũi là triệu chứng của bệnh gì?
- 3. Các biện pháp có thể sử dụng trong điều trị viêm họng sổ mũi
- 4. Các biện pháp dân gian có thể sử dụng để giảm viêm họng sổ mũi
- 5. Những lưu ý khi chăm sóc bệnh viêm họng sổ mũi
- 6. Cách phòng tránh triệu chứng viêm họng mũi- nguyên nhân
Tìm hiểu chung về viêm họng sổ mũi
Viêm họng sổ mũi là tình trạng đau họng, cổ họng sưng tấy, rát cổ họng kèm theo khó thở, ngạt mũi.Các triệu chứng này thường diễn ra cùng nhau do cổ họng bị sưng, viêm niêm mạc đường hô hấp trên làm kích thích bài tiết dịch hô hấp dẫn đến ứ đờm ở cổ gây tình trạng vừa đau họng vừa sổ mũi.
Đa phần việc viêm họng sổ mũi là do nhiễm nấm, vi khuẩn, dị ứng hoặc virus. Các triệu chứng thường thuyên giảm sau 7-10 ngày nếu tích cực phối hợp điều trị.Tuy nhiên, viêm họng sổ mũi có thể gây mệt mỏi, suy nhược cơ thể giảm chất lượng cuộc sống nếu để lâu dài.
Viêm họng sổ mũi là triệu chứng của bệnh gì?
Viêm họng sổ mũi là dấu hiệu bệnh lý của nhiều loại bệnh khác nhau. Dưới đây là tổng hợp một số bệnh có triệu chứng viêm họng sổ mũi hay gặp:
Viêm họng sổ mũi do bị cảm cúm
Cảm cúm là bệnh lý xảy ra phổ biến ở mọi người. Bệnh xảy ra và phát triển do cơ thể bị nhiễm virus cúm : virus cúm A, virus cúm B,… Các virus thường dễ lây lan nhanh trong cộng đồng có thể biến thành dịch bệnh.
Triệu chứng cảm cúm có thể gặp phải ngoài viêm họng sổ mũi như:
- Người bệnh cảm thấy đau đầu, người mệt mỏi, nhạy cảm hơn với ánh sáng.
- Viêm họng sổ mũi khiến người bệnh sốt cao, đỉnh điểm vào chiều tối.
- Người bệnh ho và hắt hơi liên tục.
Nếu chăm sóc và điều trị đúng cách thì các triệu chứng trên có thể thuyên giảm sau 5-7 ngày. Nhưng khi gặp các triệu chứng như khó thở, nôn mửa,… thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Viêm họng sổ mũi khi bị xoang mũi
Viêm xoang mũi là viêm niêm mạc mũi xoang mà biểu hiện đầu tiên thường thấy là sụt sịt mũi, hắt hơi.Sau một thời gian có các triệu chứng khác như: đau nhức âm ỉ vùng mặt, ngạt mũi, kém nhạy cảm ở khứu giác, đau răng hàm trên,….
Tình trạng sổ mũi ở viêm xoang mũi thường khá nặng. Nước mũi có màu vàng xanh và đặc quánh.Các dịch mũi chảy xuống họng khiến họng bị viêm đau và miệng có mùi.
Khi thời tiết đổ lạnh hoặc thay đổi thất thường dễ khiến viêm xoang mũi tái phát. Bệnh này thường rất khó điều trị tận gốc nên tình trạng viêm họng sổ mũi thường xuyên diễn ra.
Viêm họng sổ mũi khi bị viêm mũi dị ứng
Bệnh viêm mũi dị ứng thường do 3 nguyên nhân chính gây bệnh là môi trường, chất gây dị ứng, di truyền. Bệnh này có thể diễn ra quanh năm hoặc theo mùa tùy vào nguyên nhân gây dị ứng. Do vậy tình trạng viêm họng sổ mũi có thể diễn ra quanh năm.
Ngoài triệu chứng viêm họng sổ mũi thì bệnh viêm mũi dị ứng còn có biểu hiện sau:
- Ngứa mắt, ngứa mũi,
- Ho
- Hắt hơi
- Đau ngứa tai
- Ù tai do ảnh hưởng lan rộng của bệnh.
Các triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh hen và khi điều trị viêm mũi dị ứng quan trọng nhất cần tránh xa các tác nhân gây bệnh.
Viêm họng sổ mũi khi viêm họng cấp tính
Tình trạng niêm mạc họng bị sưng, phù nề do nhiễm trùng hầu họng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng của viêm họng cấp có thể khác nhau:
Nếu bị viêm họng cấp tính do virus, dị ứng, nấm thì các triệu chứng xảy ra cơ bản hơn như ho khan, sổ mũi, khàn tiếng, sốt nhẹ, đau đầu,…
Nếu xảy ra do vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn liên cầu thì các triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt cao, cổ họng sưng đau, đau nhức khớp, rét run,mắt nhạy cảm với ánh sáng. Viêm họng xảy ra do liên cầu cũng mang nhiều biến chứng nguy hiểm hơn như viêm cầu thận cấp, thấp tim
Viêm họng sổ mũi khi cảm lạnh
Cảm lạnh sẽ thường bắt gặp vào thời tiết thay đổi chuyển lạnh đột ngột. Bệnh này do virus gây ra, phổ biến nhất là Rhinovirus. Triệu chứng điển hình đầu tiên của cảm lạnh là sổ mũi và hắt hơi. Các triệu chứng chỉ kéo dài từ 1-2 ngày và có thêm các triệu chứng như:
- Chảy nước mũi
- Sốt nhẹ
- Ho
- Đau đầu
- Đỏ mắt, chảy nước mắt
Tình trạng viêm họng sổ mũi của cảm lạnh không nặng như cảm cúm. Tuy nhiên, tình trạng này cũng dễ khiến người bệnh khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Ngoài các bệnh lý phổ biến trên, viêm họng sổ mũi còn có thể là triệu chứng của một số bệnh lý hiếm gặp khác. Tốt hơn hết, bạn nên đi thăm khám để có phương hướng điều trị tốt nhất
Các biện pháp có thể sử dụng trong điều trị viêm họng sổ mũi
Triệu chứng viêm họng sổ mũi dễ bị tái phát do nhiều nguyên nhân khác nhau cần điều trị sớm trị sớm tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Vậy khi bị viêm họng sổ mũi thì người bệnh cần làm gì ?
Thăm khám và điều trị viêm họng sổ mũi nhờ thuốc tây
Cần đi thăm khám sớm, nhất là trong trường hợp, viêm họng sổ mũi do viêm họng cấp gây ra bởi liên cầu khuẩn. Nếu chủ quan, bệnh có thể kéo dài và gây ra một số biến chứng như thấp tim, viêm cầu thận cấp , viêm tai giữa, gây viêm nhiễm mãn tính, sốt thấp khớp, viêm màng não,…
Khi đi thăm khám tùy vào bệnh lý cụ thể, yếu tố gây bệnh và độ tuổi, bác sĩ có thể kê dùng một số loại thuốc sau:
- Thuốc chống dị ứng- kháng histamin H1: Thuốc chống dị ứng (Loratadin,Cetirizin, Clorpheniramin,…) được sử dụng trong điều trị viêm mũi do dị ứng, cảm lạnh, viêm xoang. Loại thuốc này có tác dụng ức chế histamin ở thụ thể H1 nhằm cải thiện các triệu chứng ho do kích ứng, ngứa cổ họng, sổ mũi,nghẹt mũi,phát ban,…Sử dụng nhóm thuốc này có thể gây buồn ngủ, chóng mặt.
- Thuốc xịt mũi có tác dụng co mạch (Xylometazolin, Naphazolin, Oxymetazolin): Thuốc co mạch thường được chỉ định nếu viêm họng sổ mũi do viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm sung huyết niêm mạc mũi, giảm triệu chứng nghẹt và sổ mũi.Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn dùng thuốc. Cần lưu ý và xin ý kiến từ bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng .
- Thuốc kháng sinh (Cefaclor, Zinnat, Augmentin) : Nhóm thuốc này được chỉ định khi viêm họng sổ mũi do vi khuẩn gây ra. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và giảm nhiễm trùng. Khi sử dụng thuốc kháng sinh cần phải sử dụng hết liệu trình và đúng theo hướng dẫn của bác sĩ tránh tình trạng kháng kháng sinh.
- Nước muối sinh lý: Người bị viêm họng sổ mũi do viêm họng hoặc cảm cúm, nên rửa mũi, súc họng với nước muối sinh lý nhằm loại bỏ vi khuẩn và làm ẩm niêm mạc giảm cảm giác ngứa rát họng
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Nếu viêm họng sổ mũi có sốt và đau khó chịu, bác sĩ có thể yêu cầu sử Paracetamol để cải thiện cơn đau và hạ sốt.
Bác sĩ có thể kê thêm cho bạn một số loại thuốc khác: Thuốc long đờm, thuốc xịt mũi chứa corticoid,… tùy vào triệu chứng bạn mắc phải.
Các biện pháp dân gian có thể sử dụng để giảm viêm họng sổ mũi
Ngoài việc sử dụng thuốc tây, những trường hợp bị viêm họng sổ mũi nhẹ, do các dị ứng thông thường hoặc do cảm lạnh thì bạn hoàn toàn có thể tự cải thiện tình trạng này tại nhà bằng một số biện pháp dân gian như:
Xông mũi với gừng tươi giảm triệu chứng viêm họng sổ mũi
Trong Gừng có thành phần 6- gingerol có tác dụng ức chế các tác nhân gây viêm. Dùng gừng để xông hơi giúp loãng dịch tiết hô hấp, cải thiện tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, ứ đờm ở cổ họng hiệu quả.
Hướng dẫn cách làm:
- Rửa sạch gừng tươi, cạo vỏ thái lát hoặc sắt thành sợi.
- Đun gừng cùng 500ml nước đến khi hỗn hợp này sôi
- Trùm mền và xông hơi
Lưu ý: Để nồi cách mặt 30cm để tránh bị hơi nước làm bỏng mặt.
Uống nước mật ong giảm viêm họng sổ mũi
Mật ong có tác dụng tốt trong việc sát khuẩn, chống viêm, làm dịu niêm mạc họng. Người bị viêm họng sổ mũi có thể ngậm mật ong trực tiếp hoặc pha cùng nước ấm để đem lại hiệu quả tốt nhất
Sử dụng tinh dầu tràm trong việc giảm viêm họng sổ mũi
Tinh dầu tràm có tính ấm , sát khuẩn, chống viêm cao. Nhỏ vài giọt tinh dầu tràm vào máy xông hơi hay làm ẩm không khí cũng sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Những lưu ý khi chăm sóc bệnh viêm họng sổ mũi
Ngoài việc sử dụng tây và các biện pháp dân gian , chăm sóc cơ thể, cũng sẽ giúp giảm triệu chứng viêm họng sổ mũi. Bạn cần lưu ý các điều sau khi chăm sóc tại nhà:
- Vệ sinh răng miệng họng sạch sẽ kết hợp với súc miệng bằng nước muối ấm hoặc các súc họng kháng khuẩn để đào thải các vi khuẩn, virus còn tồn đọng trong khoang miệng, làm dịu các niêm mạc họng, giảm các triệu chứng viêm họng sổ mũi
- Rửa mũi 1 – 2 lần/ ngày bằng nước muối sinh lý vừa để sát khuẩn vừa làm loãng dịch tiết hô hấp, thông mũi. Các triệu chứng viêm họng sổ mũi được cải thiện đáng kể.
- Uống nước đầy đủ, nên uống nước ấm hoặc các loại nước sinh tố giàu chất dinh dưỡng và tăng cường chức năng miễn dịch.
- Tập thể dục, chế độ ăn khoa học: nhiều vitamin A, C, D,… các chất để tăng cường sức đề kháng.
- Đeo khẩu trang trước khi ra ngoài để hạn chế việc tiếp xúc với các dị nguyên có thể gây dị ứng như phấn hoa, khói thuốc lá, lông chó mèo, khói bụi mịn,…
Cách phòng tránh triệu chứng viêm họng mũi- nguyên nhân
Các biện pháp phòng ngừa bệnh này bao gồm:
- Đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể khi ra ngoài: Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, khói thuốc lá, nước bọt có chứa vi khuẩn,….
- Vệ sinh sạch sẽ tay chân trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh hoặc cầm nắm đồ nơi công cộng, hạn chế đưa tay lên mặt.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, rượu bia, …
- Tăng cường tập thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng giúp đẩy lùi viêm họng sổ mũi.
- Ngủ đủ giấc, 7 tiếng đối với người trưởng thành, hạn chế thức khuya.
- Súc họng miệng hàng ngày để làm sạch họng miệng và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Viêm họng sổ mũi là tình trạng thường gặp gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe. Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn những thông tin hữu ích để giải quyết và có thể làm giảm được triệu chứng viêm họng sổ mũi bạn đang gặp.