Ở trẻ em, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ chưa biết cách tự bảo vệ bản thân và hay ham chơi khiến bệnh viêm mũi dị ứng kéo dễ kéo dài và nặng hơn so với người lớn. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cha mẹ cách điều trị và chăm sóc cho trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài.
Mục lục
Nguyên nhân trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi xoang viêm sưng, tiết dịch, ngứa ngáy, hắt hơi và chảy mũi khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng – còn được gọi là dị nguyên. Các dị nguyên của bệnh viêm mũi dị ứng chủ yếu là khói bụi, phấn hoa, khói thuốc lá, lông động vật, nấm mốc, mạt nhà, thời tiết lạnh đột ngột,… Các dị nguyên này gây bệnh ở những người có cơ địa dị ứng theo phản ứng kháng nguyên – kháng thể đặc hiệu ngay trên niêm mạc đường hô hấp, cụ thể là mũi xoang.
Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc quanh năm, thường khởi phát từ nhỏ và kéo dài suốt đời. Biểu hiện và nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng ở trẻ nhỏ cũng tương tự như người lớn. Tuy nhiên, trẻ thường có xu hướng bị viêm mũi dị ứng nặng và kéo dài hơn.
Điều này là do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và dễ bị tác động bởi nhiều dị nguyên khác nhau hơn. Bên cạnh đó, trẻ cũng tuân thủ điều trị kém và chưa biết cách tự bảo vệ bản thân khỏi dị nguyên gây bệnh. Vì vậy, viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể xảy ra quanh năm và khó điều trị hơn.
Viêm mũi dị ứng kéo dài ở trẻ em có nguy hiểm không?
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em đa số lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và học tập của trẻ. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể làm tiến triển một số tình trạng hô hấp và bệnh lý trên mắt khác nếu không được điều trị đúng cách, bao gồm:
- Viêm xoang cấp và mạn tính
- Polyp mũi, polyp xoang
- Viêm kết mạc dị ứng/viêm kết mạc do trẻ ngứa, gãi và dụi mắt nhiều
- Hen phế quản
- Viêm thanh quản
- Viêm khí – phế quản
- Viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, virus
Biến chứng của viêm mũi dị ứng ở trẻ em khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý phòng ngừa và cải thiện bệnh cho trẻ ngay từ sớm.
Hướng dẫn điều trị cho trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài
Mỗi trẻ bị viêm mũi dị ứng sẽ có nguyên nhân và biểu hiện khác nhau, thay đổi theo cơ địa, môi trường sống và khả năng phản ứng của cơ thể với tác nhân. Vì vậy, điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em sẽ không giống nhau trong từng trường hợp.
Tuy nhiên, nguyên tắc chung vẫn là phối hợp linh hoạt các biện pháp loại bỏ nguyên nhân, dùng thuốc hay giải mẫn cảm,… Dưới đây là hướng dẫn chi tiết những biện pháp điều trị cho trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài:
Loại bỏ các dị nguyên gây bệnh
Loại bỏ dị nguyên là cách tốt nhất để hạn chế tối đa ảnh hưởng của viêm mũi dị ứng đến trẻ. Cha mẹ cần lưu ý các biện pháp loại bỏ dị nguyên sau đây:
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, dùng máy lọc không khí và máy hút ẩm để hạn chế bụi bặm, mạt nhà và nấm mốc.
- Cho trẻ đeo khẩu trang trong các môi trường chứa dị nguyên.
- Giặt giũ chăn màn, vỏ gối và quần áo thường xuyên, hạn chế dùng quần áo, chăn đệm có lông hoặc bông.
- Loại bỏ những đồ chơi mềm, có lông hoặc dễ bám bụi của trẻ.
- Cho vật nuôi ở một số phòng nhất định và hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc với chúng.
Dùng thuốc trị viêm mũi dị ứng
Thuốc là cách giảm thiểu triệu chứng viêm mũi dị ứng cấp cho trẻ hiệu quả và nhanh chóng nhất. Các thuốc điều trị cho trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài:
- Thuốc kháng Histamin: dùng đường uống, bao gồm Clorpheniramin, Diphenhydramin, Cetirizin, Loratadin,…
- Corticoid: chủ yếu dùng đường xịt mũi hoặc khí dung (Budesonid, Mometason, Fluticason, Dexamethason,…). Trẻ bị viêm mũi nặng có thể dùng đến Corticoid đường toàn thân (Prednisolon, Methylprednisolon).
- Thuốc xịt mũi co mạch: dùng ngắn ngày (Naphazolin, Oxymetazolin, Xylometazolin).
- Thuốc xịt mũi khác: Xịt mũi thảo dược hoặc xịt mũi chứa Nano bạc (xịt mũi xoang PlasmaKare X-spray) có tác dụng kháng viêm, giảm triệu chứng. Các sản phẩm này an toàn và ít tác dụng phụ nên thường được dùng để điều trị duy trì.
- Thuốc cổ truyền: Các bài thuốc như thương nhĩ tử tán, ngọc bình phong tán,…
Tuy nhiên, liều và cách dùng thuốc ở trẻ sẽ có sự khác biệt so với người lớn. Vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chỉ định loại thuốc thích hợp.
Biện pháp giải mẫn cảm cho trẻ
Dùng thuốc và loại bỏ nguyên nhân có tác dụng nhanh chóng và hiệu quả khi điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ. Tuy nhiên, các biện pháp này không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn, đồng thời khó tuân thủ điều trị khi lâu dài. Do đó, cha mẹ có thể cân nhắc biện pháp giải mẫn cảm để điều trị cho trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài.
Biện pháp giải mẫn cảm là liệu pháp miễn dịch được xây dựng trên nguyên tắc tăng cường sự tiếp xúc với dị nguyên một cách dần đều trong thời gian dài để làm thay đổi cách thức phản ứng của hệ miễn ứng. Kết quả thu được là người bệnh có thể tiếp xúc với các dị nguyên mà ít/không xuất hiện các triệu chứng viêm mũi xoang.
Biện pháp này có tỷ lệ thành công rất cao, đặc biệt với dị ứng do phấn hoa, bụi nhà, lông động vật và được coi là “vaccin” trong điều trị bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Vì vậy, áp dụng giải mẫn cảm sẽ giúp cải thiện bệnh sớm cho trẻ và giảm thiểu tối đa tác động trong quá trình trưởng thành của trẻ.
Trường hợp áp dụng
Khi trẻ lớn hơn, mức độ bệnh có thể thuyên giảm. Hơn nữa, trẻ quá nhỏ tuổi có thể kém hợp tác và dễ gặp biến cố bất lợi trong quá trình giải mẫn cảm. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý biện pháp này không khuyến nghị cho trẻ dưới 5 tuổi.
Cha mẹ cần thảo luận và thống nhất với bác sĩ nếu muốn cho trẻ áp dụng biện pháp này. Thông thường, giải mẫn cảm được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài quá lâu
- Mức độ dị ứng trong các đợt cấp nghiêm trọng
- Các biện pháp dùng thuốc, loại bỏ dị nguyên kém/không hiệu quả
- Trẻ gặp tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm mũi dị ứng
- Không thể tránh tiếp xúc dị nguyên
- Mong muốn hạn chế sử dụng thuốc lâu dài cho trẻ
- Viêm mũi dị ứng theo mùa
Cách thực hiện
Giải mẫn cảm được dùng theo 2 đường tiêm và dưới lưỡi. Tuy nhiên, các bác sĩ luôn ưu tiên sử dụng đường dưới lưỡi ở trẻ em do dễ tuân thủ điều trị hơn.
Sau khi làm các test để xác định dị nguyên đặc hiệu, bác sĩ sẽ đưa dị nguyên mẫn cảm theo đường dưới lưỡi với liều tăng dần theo từng lần điều trị. Liều đầu tiên sẽ được thực hiện tại cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi phản ứng của trẻ và phòng ngừa sốc phản vệ. Trẻ dung nạp liều đầu có thể được dùng các liều tiếp theo tại nhà.
Thời gian điều trị
Giải mẫn cảm cần được thực hiện sớm, thường là 4 tháng trước khi bắt đầu mùa phấn hoa và duy trì trong suốt mùa. Điều trị kéo dài trong suốt 3 – 5 năm mới có thể đem lại hiệu quả tối đa. Tuy nhiên, có thể thấy rõ sự cải thiện triệu chứng bệnh của trẻ sau 6 – 12 tháng. Vì vậy, điều quan trọng nhất khi giải mẫn cảm là cha mẹ và trẻ phải tuân thủ tối đa hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Xông mũi và rửa mũi
Xông mũi và rửa mũi cho trẻ giúp loại bỏ các dị nguyên trong khoang mũi và làm dịu viêm. Vì vậy, các biện pháp này cũng giúp cải thiện triệu chứng bệnh rất tốt. Cụ thể:
- Xông mũi: Cha mẹ có thể cho trẻ xông mũi bằng nước muối ấm hoặc nước pha với các loại tinh dầu như bạc hà, tràm trà,… Lưu ý xông mũi không áp dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
- Rửa mũi: Đối với rửa mũi, cha mẹ cần dùng nước muối sinh lý hoặc dùng các sản phẩm rửa mũi vô khuẩn chuyên dụng trên thị trường như muối rửa mũi xoang PlasmaKare Nasal Clean.
Cách phòng ngừa tái phát cho trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài
Phòng ngừa vẫn có vai trò quan trọng nhất trong việc cải thiện bệnh và tăng cường chất lượng sống cho trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài. Cha mẹ cần lưu ý áp dụng những biện pháp phòng ngừa cho trẻ sau đây:
- Đeo khẩu trang, hạn chế đến và chơi đùa ở những nơi có dị nguyên.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đủ chất và rèn luyện thói quen tập thể dục thể thao cho trẻ.
- Vệ sinh môi trường nhà ở, giặt giũ định kỳ chăn ga, gối đệm của trẻ.
- Dùng máy lọc không khí và hút ẩm trong các phòng kín.
- Hạn chế nuôi chó mèo hoặc các động vật có lông khác trong nhà.
- Cho trẻ mặc đủ ấm trong mùa đông hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột.
- Dùng thuốc điều trị duy trì đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ kể cả khi trẻ đã ngừng triệu chứng.
Viêm mũi dị ứng kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, dẫn đến nhiều biến chứng và gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống cũng như sự phát triển của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách xử trí và phòng ngừa cho trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài một cách hợp lý để hạn chế tối đa những tác động này. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc.