Sốt là triệu chứng phổ biến khi trẻ mắc viêm họng. Sốt viêm họng ở trẻ kéo dài bao lâu phụ thuộc lớn vào nguyên nhân gây bệnh và thể trạng của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp kỹ hơn về vấn đề này cho cha mẹ.
Mục lục
Khi nào trẻ bị viêm họng có triệu chứng sốt?
Viêm họng là một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ em. Khác với người lớn, viêm họng ở trẻ em thường là thể cấp tính, nhanh lành và ít tiến triển thành mạn tính. Nguyên nhân chủ yếu của viêm họng cấp tính ở trẻ em là virus và vi khuẩn, trong đó:
- Virus: chiếm đến trên 70% số ca mắc, thường gặp virus cúm, á cúm, sởi, Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus.
- Vi khuẩn: thường gặp liên cầu, tụ cầu, phế cầu, Haemophilus Influenzae, Moraxella Catarrhalis,…
Sốt là biểu hiện phân biệt viêm họng cấp và mạn tính ở trẻ em. Sốt là đáp ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng cấp tính. Khi nhiễm trùng, dưới sự có mặt của vi sinh vật hoặc tác động của nội độc tố vi khuẩn, hệ miễn dịch của cơ thể tăng cường huy động các tế bào miễn dịch tấn công vi sinh vật gây bệnh. Những tác động này làm giải phóng các chất gây sốt nội sinh và tạo phản ứng sốt.
Sốt viêm họng ở trẻ kéo dài bao lâu?
Trẻ bị viêm họng sốt mấy ngày phụ thuộc vào những yếu tố như sau:
- Nguyên nhân gây bệnh: Trẻ bị viêm họng do virus thường sốt nhẹ 3 – 5 ngày, ít khi quá 7 ngày, sau đó tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, sốt do nhiễm khuẩn có thể kéo dài lên tới 5 – 7 ngày và không thể tự khỏi. Ngoài ra viêm họng nhiễm khuẩn thứ phát sau nhiễm virus cũng có thể khiến trẻ sốt lại nếu không được điều trị đúng cách.
- Thể trạng của trẻ: Trẻ thể trạng yếu, sinh non hay suy dinh dưỡng dễ mắc bệnh nặng và sốt kéo dài hơn so với trẻ khỏe mạnh.
Trên thực tế, trẻ bị viêm họng cấp tính thường giảm sốt rất nhanh khi được điều trị thích hợp. Tuy nhiên, nếu không trị viêm họng đúng cách, trẻ bị viêm họng sốt kéo dài có thể lên tới 7 – 10 ngày. Biểu hiện sốt kéo dài này có thể là dấu hiệu của những biến chứng nhiễm khuẩn toàn thân nguy hiểm như viêm phế quản – phổi, viêm cầu thận cấp, bệnh thấp tim, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết.
Khi nào trẻ sốt do viêm họng cần được đi khám bác sĩ?
Sốt kéo dài ở trẻ bị viêm họng có thể tiềm ẩn những tình trạng nguy hiểm kể trên. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời khi trẻ có những dấu hiệu sốt sau đây:
- Sốt không thuyên giảm sau 2 – 3 ngày điều trị tại nhà.
- Sốt trên 38oC với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sức khỏe yếu.
- Sốt cao kèm co giật.
- Sốt kèm các biểu hiện khó thở, thở gấp, co rút lồng ngực hoặc tim đập nhanh.
- Sốt kèm phát ban, mụn nước trên da.
- Sốt kèm nôn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ viêm họng bị sốt?
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên áp dụng các biện pháp sau đây khi trẻ bị sốt do viêm họng cấp tính:
Chăm sóc tại nhà cho trẻ
Chăm sóc đúng cách tại nhà có thể giúp hạ sốt cho trẻ bị viêm họng cấp do virus hiệu quả. Các biện pháp chăm sóc cha mẹ cần lưu ý:
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý (nhỏ mũi, hút mũi), đối với trẻ lớn có thể cho súc họng bằng dung dịch sát khuẩn chứa Nano bạc như súc họng miệng PlasmaKare.
- Lau người trẻ bằng nước ấm nhiều lần trong ngày, đặc biệt là những vùng như trán, nách và bẹn.
- Cho trẻ uống nhiều nước ấm, bù điện giải bằng oresol hoặc các loại nước ép hoa quả như nước cam, táo, lê,…
- Chọn quần áo thoáng mát, rộng rãi cho trẻ, chú ý giữ ấm vùng cổ họng.
- Cho trẻ nằm phòng thoáng khí, mát mẻ và thông gió tốt.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng mềm như cháo, súp, chia làm nhiều bữa trong ngày.
Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
Trẻ sốt trên 38,5 độ (khi đo ngoài da) cần được dùng thuốc hạ sốt. Hiện nay, Paracetamol là thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất cho trẻ em bởi tính an toàn cao. Ngoài ra, thuốc giảm đau hạ sốt nhóm NSAIDs như Ibuprofen cũng có thể được sử dụng. Cụ thể:
- Paracetamol: Cho trẻ dùng Paracetamol dạng viên uống, viên đặt trực tràng với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng trong mỗi 4 – 6 giờ. Không được dùng thuốc quá 5 lần/ngày.
- Ibuprofen: Không dùng cho trẻ dưới 7kg. Liều hạ sốt cho trẻ là 20 – 30mg/kg cân nặng/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ mỗi 6 – 8 tiếng. Liều tối đa được khuyến cáo là 500mg/ngày ở trẻ nặng dưới 30 kg.
Như vậy, có thể thấy sốt viêm họng ở trẻ kéo dài bao lâu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và thể trạng của trẻ mắc bệnh. Hy vọng thông qua bài viết này, cha mẹ sẽ có thêm những thông tin hữu ích trong điều trị viêm họng cho con một cách an toàn, hiệu quả nhất.