Điều trị viêm họng thường dùng thuốc để loại trừ nguyên nhân, giảm triệu chứng kết hợp thay đổi lối sống. Ngoài ra, một số cách trị viêm họng từ dân gian cũng đem lại hiệu quả cao. Dưới đây là tổng hợp 10 cách trị viêm họng được bác sĩ khuyến cáo thực hiện.
Mục lục
Đặc điểm và nguyên nhân của bệnh viêm họng
Viêm họng là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến nhất hiện nay với triệu chứng điển hình là đau rát họng, khó nuốt, ho khan hoặc có đờm, có thể sốt và thay đổi giọng nói. Người lớn và trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc viêm họng nhiều lần trong đời.
Nguyên nhân gây viêm họng
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm họng với các tính chất khác nhau, phổ biến nhất là các nguyên nhân sau đây:
- Virus (cúm, sởi, corona,…)
- Vi khuẩn (Liên cầu, tụ cầu, phế cầu,..)
- Dị ứng, kích ứng với các dị nguyên như bụi bặm, lông động vật, phấn hoa,…
- Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
- Nhiệt độ lạnh, khô hoặc do uống nước quá lạnh
- Nguyên nhân cơ học như nói nhiều, la hét, hát trong thời gian dài, dị vật làm tổn thương hoặc va chạm vào cổ họng
Phân loại các thể bệnh viêm họng
Theo tính chất, viêm họng được phân chia thành 2 loại: viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính. Thể cấp tính hay xảy ra ở trẻ em, trong khi thể mạn tính gặp nhiều ở người trưởng thành và có nhiều dạng như viêm họng hạt, viêm họng sung huyết, xuất huyết,…
Viêm họng cấp đa số lành tính và dễ điều trị. Tuy nhiên, người bệnh hay tự điều trị tại nhà và điều trị không đúng cách, khiến bệnh không khỏi hẳn mà còn gây tiến triển viêm họng mạn tính kèm nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Đặc biệt trên trẻ nhỏ, nhiều biến chứng viêm họng nguy hiểm có thể xảy ra như viêm tai giữa, viêm cầu thận, bệnh thấp tim, viêm phổi – phế quản,… Do vậy, khi mắc viêm họng người bệnh cần điều trị ngay theo đúng hướng dẫn của dược sĩ, bác sĩ để dứt điểm bệnh sớm và không để lại nguy cơ biến chứng.
Điều trị viêm họng bằng thuốc
Thuốc là cách trị viêm họng mang đến tác dụng nhanh và rõ rệt. Các thuốc cụ thể trong điều trị viêm họng:
Thuốc điều trị nguyên nhân
Các thuốc điều trị nguyên nhân được áp dụng đối với viêm họng do vi khuẩn và bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, cụ thể:
Thuốc kháng sinh điều trị viêm họng
Kháng sinh trị viêm họng dùng trong trường hợp dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn. Theo kinh nghiệm thực tiễn, các bác sĩ hay kê một số loại kháng sinh sau cho thường dùng nhóm Beta-lactam (Amoxicillin, Ampicillin, Cephalexin, Ceftriaxon,…) hoặc nhóm Macrolid (Erythromycin, Clarithromycin,…).
Thuốc điều trị trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản sử dụng các thuốc hạn chế sự tăng tiết acid dạ dày như thuốc kháng Histamin H2 (Famotidin, Cimetidin), thuốc ức chế bơm Proton (Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole,..).
Thuốc khác hỗ trợ chữa viêm họng
Xịt họng PlasmaKare H-Spray chứa phức hệ Sanicompound từ Kẽm và Đồng theo tỷ lệ vàng, có tác dụng loại bỏ các nguyên nhân gây viêm họng như vi khuẩn, nấm, virus và giảm triệu chứng sưng, đau họng hiệu quả.
Sản phẩm này còn chứa dịch chiết lá thường xuân giảm ho, long đờm, dịch chiết lựu và Carrageenan bảo vệ, phục hồi niêm mạc họng. Các thành phần này đều có nguồn gốc tự nhiên và lành tính, do vậy có thể dùng để chữa viêm họng cho bé mà không dùng kháng sinh.
Thuốc điều trị triệu chứng của viêm họng
Ngoại trừ viêm họng do nhiễm khuẩn và trào ngược dạ dày, các nguyên nhân gây viêm họng khác đều điều trị triệu chứng là chủ yếu. Các thuốc điều trị triệu chứng của viêm họng bao gồm:
- Thuốc trị ho: Dextromethorphan là thuốc giảm ho không kê đơn được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm họng. Người bệnh ho kéo dài, ho mạnh có thể chuyển sang dùng Codein có hiệu quả cao hơn.
- Thuốc long đờm: Thuốc long đờm như N- Acetylcystein, Bromhexin hoặc Ambroxol được sử dụng khi người bệnh có triệu chứng ho có đờm.
- Thuốc chống viêm: Các thuốc chống viêm giúp giảm triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau ở vòm họng. Phổ biến nhất là thuốc chống viêm NSAID (Ibuprofen, Diclofenac,…), thuốc chống viêm Corticoid đường uống hoặc đường dùng tại chỗ (MethylPrednisolon, Betamethason, Fluticason,…).
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol và các thuốc chống viêm NSAID là lựa chọn chủ yếu.
Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm họng
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc để điều trị viêm họng:
- Người bệnh viêm họng có tiền sử hoặc đang mắc viêm loét dạ dày tá tràng cần thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau NSAID và thuốc chống viêm Corticoid đường uống.
- Thuốc trị ho làm hạn chế tác dụng của thuốc long đờm, do vậy không phối hợp hai loại thuốc này cùng lúc trong điều trị viêm họng.
- Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, đặc biệt là với các thuốc kháng sinh. Tuyệt đối tránh tự ý ngưng thuốc vì gây nguy cơ kháng kháng sinh cao.
8 mẹo chữa viêm họng từ dân gian
Các mẹo dân gian cũng là cách trị viêm họng hiệu quả, an toàn. Dưới đây là 8 cách trị viêm họng dân gian phổ biến:
Mật ong giảm ho và đau họng
Mật ong từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền để giảm ho và giảm đau họng. Khả năng kháng khuẩn và kháng viêm tự nhiên của mật ong giúp hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn gây viêm nhiễm và giảm sưng đau ở họng. Ngoài ra, mật ong giúp làm dịu cảm giác khó chịu và bảo vệ niêm mạc họng khi bị ho.
Cách dùng: Pha 1 thìa mật ong với nước ấm hoặc trộn với 1 thìa nước cốt chanh tươi và uống vào buổi sáng trong ngày.
Lưu ý:
- Không dùng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi.
- Tránh sử dụng mật ong với nước sôi do nhiệt độ cao dễ làm hỏng các thành phần có lợi của mật ong.
Tỏi chữa viêm họng hiệu quả
Tỏi là một loại gia vị tự nhiên chứa nhiều thành phần có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng của viêm họng. Đặc biệt, Allicin trong tỏi là chất kháng sinh tự nhiên có hoạt tính mạnh, giúp hỗ trợ điều trị trong trường hợp viêm họng do nhiễm khuẩn hiệu quả.
Cách dùng: Ăn trực tiếp 1 – 2 tép tỏi sống mỗi ngày hoặc nghiền một ít tỏi với mật ong để ăn trực tiếp/ pha vào nước ấm để uống.
Lưu ý: Người bệnh nên tránh ăn quá nhiều tỏi liên tục trong một khoảng thời gian dài do gây kích ứng đường tiêu hóa, cồn cào, đầy bụng và tăng nguy cơ trào ngược dạ dày dẫn đến tổn hại niêm mạc họng.
Lá đu đủ giảm ho, long đờm
Lá đu đủ được sử dụng trong dân gian để giảm ho và làm thông phế quản. Lợi ích này có được là nhờ các enzym tự nhiên trong lá đu đủ có công dụng tiêu viêm, giảm sưng, đồng thời kháng khuẩn hiệu quả. Do vậy đây là một loại lá cây trị viêm họng rất tốt.
Cách dùng: Đun lá đu đủ với nước sôi trong 15 phút hoặc pha lá đu đủ khô với nước ấm để tạo thành trà lá đu đủ, uống như nước lọc hàng ngày.
Lưu ý: Nên sử dụng lá cây đu đủ đực do giàu hoạt chất có lợi hơn so với lá cây đu đủ cái.
Gừng tươi giảm viêm họng
Gừng tươi là một nguyên liệu tự nhiên có tính kháng viêm và kháng khuẩn, có thể được sử dụng để giảm viêm họng và làm dịu cảm giác khó chịu. Bên cạnh đó, gừng tươi còn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn và virus gây viêm họng.
Cách dùng: Ngâm 1 lát gừng tươi vào cốc nước sôi, sau đó để nguội và uống 1 cốc/ ngày. Ngoài ra có thể sử dụng nước gừng này để súc miệng, làm sạch niêm mạc họng.
Lưu ý: Người có tiền sử bệnh dạ dày nên tránh uống nước gừng.
Tía tô cải thiện sưng đau họng
Tía tô được sử dụng trong dân gian với công dụng trị viêm họng tại nhà hiệu quả. Lá tía tô chứa tinh dầu có tác dụng làm ấm cổ họng, giảm viêm, sưng họng, đồng thời ngăn chặn sự phát triển và lây lan của vi khuẩn gây viêm họng.
Cách dùng: Uống trà lá tía tô hoặc súc miệng bằng nước hấp lá tía tô để nguội.
Bạc hà giúp thông thoáng họng
Menthol trong tinh dầu bạc hà giúp làm dịu mát họng, long đờm, đồng thời thư giãn cơ họng và giảm ho hiệu quả cho người bệnh. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà còn hỗ trợ điều trị nguyên nhân của viêm họng do có tính sát khuẩn và ngăn ngừa virus tốt.
Cách dùng: Ngậm kẹo bạc hà hoặc cho tinh dầu bạc hà vào máy phun sương, máy tạo hương để làm thông thoáng mũi họng, giảm cảm giác đau rát, khó chịu ở họng.
Lưu ý: Tránh để tinh dầu bạc hà tiếp xúc trực tiếp với mắt vì có thể gây kích ứng niêm mạc mắt.
Cam thảo – thảo dược trị ho, long đờm phổ biến
Cam thảo là một loại thảo dược được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Các hợp chất trong cam thảo có khả năng kích thích loại bỏ đờm, nhầy trong đường hô hấp, giúp làm thông thoáng phế quản, giảm triệu chứng ho và long đờm. Ngoài ra, cam thảo có khả năng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn và virus gây viêm họng.
Cách dùng: Uống trà cam thảo hàng ngày hoặc sử dụng nước đun với cam thảo để súc miệng.
Lê hấp táo tàu và đường phèn
Lê có tính mát, tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt và tiêu độc, giúp giảm ho, long đờm hiệu quả. Không chỉ vậy, lê và táo tàu còn chứa nhiều Vitamin C, chất chống oxy hóa giúp cải thiện tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Vì vậy, đây là một cách trị viêm họng cho bà bầu tốt và an toàn.
Cách dùng: Cắt lấy phần thịt quả lê, táo tàu rồi đem hấp với đường phèn. Khi lê và táo tàu chín, để nguội là có thể sử dụng.
Cách chăm sóc cơ thể tăng hiệu quả trị viêm họng
Trong quá trình điều trị viêm họng, người bệnh cũng cần lưu ý kết hợp chăm sóc tại nhà để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng viêm họng bằng cách:
- Giữ ấm cổ họng, uống nước ấm và hạn chế uống uống nước lạnh.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng trị viêm họng chuyên dụng chứa các chất sát khuẩn lành tính như súc miệng họng PlasmaKare chứa phức hệ Nano bạc TSN.
- Tránh uống rượu bia, hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ và rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người mắc các bệnh truyền nhiễm
- Đeo khẩu trang, tránh dùng chung thức ăn, vật dụng sinh hoạt với người khác để tránh lây bệnh.
- Hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, tăng cường các thực phẩm chứa Vitamin A, C, Kẽm để củng cố hệ miễn dịch.
Trên đây là tổng hợp những cách trị viêm họng cơ bản và hiệu quả nhất. Với các bệnh thường gặp như viêm họng, phòng ngừa từ sớm vẫn là biện pháp tối ưu để hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.