Viêm họng là một trong những bệnh lý đường hô hấp trên phổ biến, thường gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một trong những triệu chứng đặc trưng của viêm họng là ho. Vậy tại sao viêm họng lại gây ho? Người mắc nên làm gì để giảm thiểu tình trạng này? Cùng PlasmaKare tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Viêm họng có ho không?
Ho là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, giúp loại bỏ các chất kích thích và bảo vệ đường hô hấp. Khi niêm mạc họng bị viêm, các dây thần kinh cảm giác sẽ gửi tín hiệu đến não, kích hoạt phản xạ ho nhằm đẩy các chất tiết hoặc vi khuẩn ra ngoài. Chính vì thế, viêm họng thường đi kèm với triệu chứng ho.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp viêm họng đều có triệu chứng ho. Ở những trường hợp viêm họng nhẹ hoặc viêm họng do dị ứng, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy ngứa, rát hoặc khô họng mà không xuất hiện cơn ho. Dù vậy, ở các trường hợp viêm họng do vi khuẩn hoặc virus, triệu chứng ho thường rất phổ biến và có thể kéo dài nhiều ngày.
Cơ chế gây ho khi bị viêm họng
Khi niêm mạc họng bị kích thích, các thụ thể thần kinh sẽ gửi tín hiệu đến não. Não nhận được tín hiệu này sẽ kích hoạt phản xạ ho. Cơ chế này diễn ra rất nhanh và tự động, giúp cơ thể loại bỏ các tác nhân gây hại ra khỏi đường hô hấp.
Quá trình này bao gồm các bước sau:
- Kích thích niêm mạc họng: Các vi khuẩn, virus hoặc các chất kích thích lạ gây viêm nhiễm và kích thích các thụ thể thần kinh ở niêm mạc họng.
- Truyền tín hiệu đến não: Sau khi phát hiện có yếu tố kích thích, các thụ thể thần kinh ở đây sẽ nhanh chóng gửi tín hiệu đến trung tâm hô hấp ở não.
- Não kích hoạt phản xạ ho: Não sẽ gửi tín hiệu đến các cơ hô hấp, gây ra một loạt các động tác co bóp mạnh mẽ để tạo ra một luồng khí mạnh thổi bay chất lạ ra ngoài. Quá trình này diễn ra rất nhanh chóng, chỉ trong vài giây, giúp loại bỏ các chất kích thích ra khỏi hệ hô hấp.
Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ ho
Mức độ ho khi bị viêm họng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng viêm nhiễm và sức khỏe tổng thể của mỗi người. Dưới đây là các yếu tố chính ảnh hưởng đến tình trạng ho khi bị viêm họng:
Nguyên nhân gây viêm họng:
- Viêm họng do vi khuẩn: Loại viêm họng này thường đi kèm với ho dữ dội và xuất hiện đờm màu vàng hoặc xanh. Các loại vi khuẩn như Streptococcus pyogenes (liên cầu khuẩn nhóm A) là một trong những tác nhân chính gây ra tình trạng này.
- Viêm họng do virus: Triệu chứng ho thường nhẹ hơn so với viêm họng do vi khuẩn, nhưng kéo dài hơn và kèm theo các triệu chứng cảm cúm như sổ mũi, sốt, đau đầu.
- Viêm họng do dị ứng: Ho trong trường hợp này thường kèm theo ngứa họng, hắt hơi, sổ mũi. Đây là phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật hoặc bụi.
Mức độ ảnh hưởng: Tình trạng viêm họng càng nặng, mức độ ho càng cao. Khi niêm mạc họng bị sưng tấy và kích thích nhiều, cơ thể sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn, dẫn đến các cơn ho dai dẳng.
Tình trạng sức khỏe chung: Những người có hệ miễn dịch yếu, mắc các bệnh lý mãn tính hoặc các vấn đề về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, thường có xu hướng ho nhiều hơn khi bị viêm họng.
Các yếu tố khác: Môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, dị ứng cũng có thể làm tăng mức độ ho.
Bị viêm họng ho nhiều phải làm sao?
Đối mặt với những cơn ho liên tục do viêm họng chắc chắn gây khó chịu. Dưới đây là một số biện pháp giúp giảm thiểu ho và làm dịu cổ họng hiệu quả, người bệnh có thể tham khảo:
Dùng thuốc điều trị
Khi gặp phải triệu chứng viêm họng, việc sử dụng thuốc điều trị là một trong những biện pháp hiệu quả giúp giảm đau, giảm viêm và hỗ trợ hồi phục. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Dưới đây là các loại thuốc người bệnh thường được chỉ định:
- Thuốc kháng sinh: Chỉ có hiệu quả đối với viêm họng do vi khuẩn gây ra. Chúng giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và giảm nguy cơ biến chứng. Các loại kháng sinh thường dùng bao gồm Penicillin, amoxicillin, cephalosporin…
- Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAIDs): Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau, giảm viêm và hạ sốt. Một số loại thuốc NSAIDs thường được sử dụng để điều trị viêm họng như ibuprofen, naproxen.
- Thuốc giảm ho: Được sử dụng để giảm tần suất và cường độ cơn ho. Có hai nhóm thuốc giảm ho chính là thuốc tác động lên trung tâm hô hấp ở não, làm giảm cảm giác muốn ho và thuốc long đờm giúp làm loãng đờm, dễ khạc ra. Các loại thuốc giảm ho thường dùng: Dextromethorphan, codein, acetylcysteine.
Ngoài các loại thuốc nêu trên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với các loại thuốc khác để đạt hiệu quả điều trị. Chẳng hạn như, thuốc kháng histamin để giảm ngứa rát họng hoặc thuốc xịt họng chứa thành phần kháng viêm để làm dịu niêm mạc họng.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà
Ngoài sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, việc tự chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc giảm triệu chứng và đẩy nhanh quá trình hồi phục khi bị viêm họng. Bằng những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả như:
- Uống nhiều nước ấm
- Ngậm viên kẹo ho hoặc sử dụng xịt họng
- Hạn chế các chất kích thích
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Súc miệng bằng nước muối ấm
- Xông hơi bằng nước ấm
- Bổ sung đa dạng nhiều loại thực phẩm để tăng cường đề kháng
Mẹo dân gian làm dịu cổ họng
Trong các trường hợp viêm họng, cổ họng thường bị kích thích và gây khó chịu, dẫn đến những cơn ho kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Để làm dịu cảm giác khó chịu này, ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp dân gian đơn giản từ những nguyên liệu quen thuộc hàng ngày như:
- Gừng: Gừng có tác dụng kháng viêm, giúp giảm đau và làm dịu cổ họng. Nguyên liệu này có thể chế biến trà gừng bằng cách thái lát gừng tươi, đun sôi với nước trong khoảng 10 phút, sau đó thêm một thìa mật ong để tăng cường hiệu quả.
- Tỏi: Tỏi có tính kháng khuẩn mạnh, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn gây bệnh. Người bệnh có thể thêm tỏi vào các món ăn hàng ngày hoặc ăn sống 1-2 tép tỏi mỗi ngày. Một cách khác là làm nước tỏi bằng cách đun sôi 1-2 tép tỏi trong nước, sau đó lọc lấy nước và uống 2 lần mỗi ngày.
- Chanh: Chanh có tác dụng kháng khuẩn và làm dịu cổ họng. Người mắc viêm họng có thể pha nước cốt chanh với nước ấm và một chút mật ong để uống hàng ngày.
- Mật ong: Ngoài việc có tác dụng kháng khuẩn, mật ong còn giúp làm dịu cổ họng và tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh có thể pha 1-2 thìa mật ong với nước ấm hoặc trà để uống.
- Nghệ: Nghệ chứa curcumin có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn. Có thể pha bột nghệ với sữa nóng hoặc nước ấm, thêm một chút mật ong và uống 1-2 lần mỗi ngày.
Các biện pháp phòng ngừa viêm họng
Để phòng ngừa viêm họng một cách hiệu quả, người bệnh có thể thực hiện nhiều biện pháp khác nhau nhằm bảo vệ cổ họng và tăng cường sức khỏe tổng quát. Một số biện pháp phòng ngừa viêm họng, người mắc viêm họng có thể tham khảo:
Giữ vệ sinh cá nhân tốt
Việc rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng, đi vệ sinh, hoặc tiếp xúc với người khác, có thể giúp ngăn ngừa lây lan vi khuẩn và virus gây bệnh. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây là cách hiệu quả để tiêu diệt vi khuẩn, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm họng cũng như các bệnh nhiễm trùng khác.
Uống đủ nước
Duy trì đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày (6-8 cốc nước) không chỉ giúp cổ họng luôn ẩm mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Cổ họng khô rát dễ bị vi khuẩn và virus tấn công hơn. Uống nước ấm, trà thảo mộc hoặc nước pha mật ong có thể làm dịu cổ họng và giảm kích ứng, nhất là vào những ngày thời tiết khô lạnh hoặc khi sử dụng điều hòa nhiều.
Tăng cường hệ miễn dịch
Để phòng ngừa viêm họng hiệu quả, việc tăng cường hệ miễn dịch là rất quan trọng. Một chế độ ăn uống giàu rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, và thực phẩm chống oxy hóa khác sẽ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Nghiên cứu cho thấy vitamin C và kẽm giúp làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh, bao gồm cả viêm họng.
Tránh các yếu tố gây kích ứng
Các tác nhân kích thích như khói thuốc, bụi bẩn, và không khí ô nhiễm là những nguyên nhân chính gây kích ứng cổ họng. Người bệnh nên tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và khói thuốc lá để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm họng. Những người hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ cao hơn bị viêm họng và các vấn đề về phổi.
Bảo vệ cổ họng
Bảo vệ cổ họng cũng là một biện pháp phòng ngừa viêm họng hiệu quả. Người bệnh nên tránh nói quá to, nói nhiều, hoặc hét lớn, đặc biệt khi cổ họng đã có dấu hiệu mệt mỏi hoặc khàn giọng. Khi giọng nói được nghỉ ngơi đầy đủ, dây thanh quản và cổ họng sẽ có thời gian phục hồi và tránh tổn thương lâu dài.
Áp dụng biện pháp phòng ngừa tự nhiên
Súc miệng bằng nước muối là biện pháp đơn giản và hiệu quả để làm sạch cổ họng, loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa viêm họng. Nước muối có tính chất kháng viêm và giúp giảm đau, giảm sưng tấy ở vùng họng. Ngoài ra, việc sử dụng kẹo ngậm chứa chất làm dịu cổ họng cũng giúp giữ ẩm và bảo vệ niêm mạc họng. Đồng thời, bổ sung kẽm vào chế độ ăn hàng ngày cũng là một trong những biện pháp tốt để tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể phòng ngừa viêm nhiễm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các triệu chứng của viêm họng thường có thể tự cải thiện sau vài ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn và cần được can thiệp y tế kịp thời. Người bệnh nên chú ý đến những dấu hiệu bất thường để xác định thời điểm cần đến gặp bác sĩ. Các dấu hiệu đó là:
- Ho kéo dài: Nếu cơn ho kéo dài trên 2 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm, hoặc kèm theo các triệu chứng như ho ra máu, khó thở, đau ngực, sốt cao kéo dài, bạn nên đi khám ngay. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn.
- Sốt cao, kéo dài: Sốt cao liên tục có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng, cần được chăm sóc y tế kịp thời.
- Khó nuốt hoặc nuốt đau: Viêm amidan, áp xe amidan hoặc các vấn đề về thực quản có thể gây ra tình trạng khó nuốt hoặc nuốt đau.
- Khàn giọng kéo dài: Viêm dây thanh quản hoặc các vấn đề khác liên quan đến thanh quản có thể khiến giọng nói của bạn bị khàn.
- Sưng hạch cổ: Sưng hạch cổ kéo dài và đau có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác.
Việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm và nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Các câu hỏi thường gặp khi mắc viêm họng
Ngoài thắc mắc về viêm họng có ho không? Bị viêm họng ho nhiều phải làm sao? Thì nhiều người bệnh còn có một số thắc mắc sau:
Ho, đau rát cổ họng nên uống gì?
Khi bị viêm họng, việc lựa chọn thức uống phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc làm dịu cổ họng và hỗ trợ quá trình hồi phục. Nước ấm pha mật ong, chanh, gừng giúp làm dịu cổ họng và giảm ho. Trà thảo dược như trà gừng, trà hoa cúc cũng có tác dụng tốt.
Ho do viêm họng có tự khỏi không?
Ho do viêm họng thường là một phản ứng tự nhiên và có thể giảm dần khi tình trạng viêm họng được điều trị hoặc cơ thể tự phục hồi. Tuy nhiên, nếu viêm họng kéo dài hoặc không được điều trị đúng cách, ho có thể trở nên mãn tính và kéo dài nhiều tuần.
Trẻ em bị viêm họng ho nhiều có nguy hiểm không?
Trẻ em bị viêm họng và ho nhiều có thể gặp phải những nguy cơ nhất định, nhưng mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào nguyên nhân và các triệu chứng đi kèm. Thông thường, viêm họng ở trẻ chủ yếu do virus (hơn 80% trường hợp) và có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế trong khoảng 3-5 ngày. Nếu chỉ có triệu chứng ho nhẹ kèm theo sốt nhẹ, cha mẹ thường không cần quá lo lắng, nhưng cần theo dõi chặt chẽ để nhận biết những dấu hiệu nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, nếu ho kéo dài, trẻ sốt cao liên tục, hay có dấu hiệu như nôn trớ, đau tai, hoặc khó thở, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra và có thể điều trị kịp thời. Những triệu chứng này có thể chỉ ra viêm họng do vi khuẩn, như liên cầu khuẩn, mà cần điều trị bằng kháng sinh.
Tóm lại, ho là một trong những triệu chứng phổ biến khi mắc viêm họng. Để giảm thiểu tình trạng ho và ngăn ngừa biến chứng, người bệnh nên áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà và tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần thiết. Việc điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp nhanh chóng khỏi bệnh và tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe.
>>> Có thể bạn quan tâm: