Viêm họng liên cầu ở trẻ em có tỷ lệ mắc khá cao và thường lành tính. Tuy nhiên, trẻ em có sức đề kháng yếu nên bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm khớp, bệnh thấp tim hay nhiễm khuẩn huyết. Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ nắm rõ hơn về căn bệnh này để biết cách xử lý chính xác.
Mục lục
Dấu hiệu của bệnh viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ em
Ở đối tượng trẻ em, có tới 30% các trường hợp viêm họng xuất phát từ sự nhiễm khuẩn. Trong đó, viêm họng do liên cầu khuẩn là dạng thường gặp nhất.
Viêm họng liên cầu khuẩn là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc hầu họng do liên cầu khuẩn Streptococcus Pyogenes gây ra. Căn bệnh này có thể gặp ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ 5 – 15 tuổi. Viêm họng liên cầu hiếm gặp hơn ở độ tuổi sơ sinh và dưới 3 tuổi.
Các triệu chứng của viêm họng do liên cầu thường nghiêm trọng hơn so với viêm họng do virus. Cha mẹ cần nhận biết những dấu hiệu của viêm họng liên cầu ở trẻ em sau đây:
- Trẻ sốt trên 38oC
- Thành họng và amidan sưng đỏ, đau rát, đau tăng lên khi nuốt
- Có màng trắng/mủ hôi trong cổ họng và amidan
- Hơi thở hôi
- Lưỡi đỏ tươi
- Đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh
- Ăn không ngon, buồn nôn, nôn và đau bụng
- Đau cơ, cứng cơ
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Trẻ có thể phát ban đỏ (giống giấy nhám) ở mặt, cổ và lan xuống cơ thể.
Không chỉ vậy, cha mẹ cũng cần lưu ý phân biệt viêm họng nhiễm liên cầu khuẩn với viêm họng do virus. Các dấu hiệu ho, khàn giọng, sổ mũi và viêm kết mạc rất hiếm gặp trong viêm họng do liên cầu mà thường xuất phát từ nhiễm virus. Ngoài ra, viêm họng liên cầu cũng có thể thứ phát khi trẻ không được điều trị các bệnh cảm cúm, viêm mũi họng virus đúng cách.
Viêm họng liên cầu có nguy hiểm không?
Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, viêm họng vẫn là căn bệnh lành tính và dễ điều trị. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng có thể trạng yếu và sức đề kháng kém. Do vậy, viêm họng do liên cầu thường tiến triển nhanh và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Các bệnh tai mũi họng như viêm amidan mủ, viêm tai giữa là những biến chứng thường gặp nhất của viêm họng liên cầu. Nguy hiểm hơn, liên cầu có thể xâm nhập vào máu gây những biến chứng nhiễm khuẩn toàn thân sau đây:
- Bệnh thấp tim: Xảy ra sau khi trẻ mắc viêm họng do liên cầu tan huyết 𝛽 nhóm A 1 – 2 tuần. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nhưng nếu phát hiện muộn và điều trị sai cách có thể dẫn đến suy tim, tổn thương cấu trúc tim và biến chứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
- Viêm khớp: thường kèm theo bệnh thấp tim, có thể viêm ở khớp chi hoặc viêm đa khớp. Bệnh giảm dần trong vòng 2 tuần và ít khi kéo dài trên 1 tháng.
- Viêm cầu thận cấp: do lắng đọng phức hợp miễn dịch ở cầu thận khi cơ thể phản ứng với vi khuẩn, xảy ra sau khi trẻ mắc viêm họng do liên cầu tan huyết 𝛽 nhóm A 1 – 3 tuần.
- Nhiễm khuẩn huyết và hội chứng shock nhiễm khuẩn: Thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ bị suy giảm miễn dịch do nhiều nguyên nhân. Tỷ lệ tử vong bởi các biến chứng này cao do suy đa cơ quan.
- Viêm màng não: do vi khuẩn xâm nhập từ máu vào màng não, là biến chứng ít gặp.
Các biến chứng này ở trẻ có thể tiến triển cả trong đợt viêm họng cấp và sau khi khỏi bệnh. Vì vậy, để phòng ngừa triệt để những biến chứng này, việc chẩn đoán và điều trị sớm viêm họng liên cầu là rất quan trọng.
Hướng dẫn điều trị viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ em
Nguyên tắc điều trị cho trẻ bị viêm họng liên cầu là điều trị bằng kháng sinh càng sớm càng tốt. Ngoài ra, các biện pháp điều trị triệu chứng và chăm sóc khác cũng cần được thực hiện đầy đủ để trẻ nhanh phục hồi. Những cách trị viêm họng cụ thể:
Sử dụng kháng sinh tiêu diệt liên cầu
Kháng sinh là biện pháp điều trị chính của bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn. Xét nghiệm kháng sinh đồ ít được thực hiện khi điều trị căn bệnh này. Vì vậy, các bác sĩ thường chỉ định kháng sinh dựa trên tình hình dịch tễ tại địa phương trẻ sinh sống do tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh đang ngày càng gia tăng. Ngoài ra, tình trạng dị ứng với kháng sinh của trẻ cũng được xem xét khi chỉ định thuốc.
Các kháng sinh dùng trong điều trị viêm họng liên cầu ở trẻ em:
- Kháng sinh 𝛽-lactam: Penicillin (Ampicillin, Amoxicillin/Clavulanic,…), Cephalosporin (Cephalexin, Cefuroxim, Cefixime,…),…
- Kháng sinh Macrolid: Erythromycin, Clarithromycin, Azithromycin,…
- Kháng sinh khác: Clindamycin,…
Trẻ sẽ cải thiện triệu chứng nhanh chóng trong vòng 1 – 2 ngày khi vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh. Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ dùng đủ liều và đủ đợt điều trị để kiểm soát hoàn toàn tình trạng nhiễm trùng, hạn chế tái phát và tránh vi khuẩn kháng thuốc.
Tuy nhiên, cha mẹ cần báo ngay cho bác sĩ nếu trẻ dùng kháng sinh mà triệu chứng không cải thiện. Tình trạng này có thể do vi khuẩn đã kháng thuốc và cần phải thay đổi phác đồ kháng sinh để điều trị.
Các biện pháp điều trị và chăm sóc khác
Bên cạnh liệu pháp kháng sinh, các biện pháp điều trị triệu chứng và chăm sóc tại nhà cũng góp phần không nhỏ tới sự khỏi bệnh và phục hồi của trẻ.
Dùng thuốc trị triệu chứng:
- Thuốc chống viêm: Alphachymotrypsin, Prednisolon 5mg.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, Ibuprofen.
Điều trị tại chỗ:
- Súc họng bằng các dung dịch có tính sát khuẩn chứa nano bạc hoặc povidon iod. Trẻ nhỏ và trẻ nhạy cảm với mùi vị nên ưu tiên súc họng bằng dung dịch nano bạc như súc họng miệng PlasmaKare.
- Xịt họng kháng khuẩn, chống viêm: Nên dùng các loại xịt họng an toàn, lành tính cho trẻ như xịt họng chứa povidon iod, nano bạc hoặc xịt họng thảo dược.
Các biện pháp chăm sóc:
- Để trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn tại nhà đến khi các triệu chứng được cải thiện.
- Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung điện giải bằng nước hoa quả hoặc oresol.
- Lau người cho trẻ nhiều lần trong ngày với nước ấm để nhanh hạ sốt.
- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt và chia làm nhiều bữa trong ngày.
Lưu ý hạn chế biến chứng của viêm họng liên cầu
Để hạn chế tối đa tiến triển biến chứng của viêm họng liên cầu, cha mẹ cần cho trẻ tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Hơn nữa, trẻ bị viêm họng cần được đưa đi khám ngay khi có những biểu hiện sau đây:
- Tiêu chảy
- Phát ban
- Viêm họng không cải thiện
- Trẻ khàn tiếng, mất giọng
- Trẻ không đi tiểu được
- Khó thở, thở nhanh
- Nước tiểu có màu sẫm
- Mắt trũng sâu
- Sốt trên 39 độ
- Đau đầu nhiều, phản xạ giao tiếp kém
Cách phòng ngừa viêm họng liên cầu ở trẻ em
Viêm họng liên cầu là một bệnh nhiễm khuẩn. Do vậy, căn bệnh này có thể lây lan một cách dễ dàng qua dịch tiết hô hấp của trẻ như nước bọt, nước mũi khi trẻ hắt hơi, nói chuyện. Các giọt bắn chứa vi khuẩn cũng có thể lưu lại trên đồ vật và lan truyền vi khuẩn vào miệng qua tay.
Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi viêm họng liên cầu là vệ sinh cá nhân tốt và rửa tay thường xuyên, bao gồm:
- Tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn cho trẻ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hoặc sau khi tiếp xúc với những vật bẩn.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người mắc các bệnh đường hô hấp.
- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân của trẻ với người khác như cốc uống nước, khăn tắm, khăn rửa mặt, dụng cụ ăn uống,…
- Tránh cho trẻ đến những nơi đông người trong mùa cúm hoặc có dịch bệnh hô hấp. Nếu cần phải ra ngoài, cho trẻ đeo khẩu trang đầy đủ.
Tóm lại, viêm họng liên cầu là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là tập thói quen vệ sinh cá nhân và vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần biết cách điều trị và chăm sóc cho trẻ đúng cách để trẻ nhanh khỏi, hạn chế biến chứng.