Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có tỷ lệ mắc cao, gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về căn bệnh này để cha mẹ biết cách phòng ngừa và điều trị phù hợp.
Mục lục
Tìm hiểu về bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm do phản ứng miễn dịch của cơ thể với các tác nhân bên trong và bên ngoài cơ thể. Đây là căn bệnh rất hay gặp ở trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ em hoàn toàn tương tự với triệu chứng ở người lớn, cụ thể:
- Hắt hơi, sổ mũi liên tục, ngứa mũi
- Nước mũi lỏng, trong suốt
- Mũi sưng đỏ, nghẹt mũi, đau rát niêm mạc mũi
- Đỏ mắt, ngứa mắt và chảy nước mắt
- Một số triệu chứng khác: Viêm kết mạc với cảm giác đau rát ở kết mạc mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng; rát niêm mạc vòm họng, nặng đầu, mệt mỏi.
Tùy vào tác nhân gây bệnh và mức độ tiếp xúc mà các triệu chứng này có thể xuất hiện ở trẻ với mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Cơ chế gây bệnh ở trẻ em
Cơ chế của viêm mũi dị ứng là sự giải phóng các chất trung gian hóa học của phản ứng viêm trong cơ thể như Histamin, Kinin, Prostaglandin. Khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, cơ chế bảo vệ của cơ thể sẽ làm giải phóng các chất này làm giãn mạch, phù nề niêm mạc và gây ra các triệu chứng của bệnh.
Phân loại viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Trẻ em có thể bị viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, cụ thể:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa: Ở những vùng có khí hậu phân chia mùa rõ rệt như miền Bắc Việt Nam, đa phần bệnh xuất hiện nhiều vào các mùa không khí ẩm thấp, nấm mốc và phấn hoa phát tán nhiều như mùa đông – xuân.
- Viêm mũi dị ứng quanh năm: Loại bệnh này thường phụ thuộc vào tác nhân gây dị ứng ở trẻ. Bất cứ khi nào trẻ tiếp xúc với tác nhân đều có thể xuất hiện triệu chứng.
Ảnh hưởng của bệnh viêm mũi dị ứng đến trẻ em
Trẻ em là đối tượng nhạy cảm và có sức đề kháng yếu, vì vậy viêm mũi dị ứng thường xuất hiện, gây khó chịu và có thể tiến triển phức tạp hơn. Viêm mũi dị ứng khiến trẻ mệt mỏi, mất ngủ, làm giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, từ đó ảnh hưởng đến việc học tập và khám phá thế giới của trẻ.
Bên cạnh đó, bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em không được điều trị tốt có thế gây tiến triển nhiều bệnh lý tai mũi họng khác như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng, polyp mũi. Ngoài ra, trẻ bị viêm mũi dị ứng cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng khác như hen suyễn, viêm da cơ địa,…
Nguyên nhân của bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ môi trường, cụ thể:
- Dị nguyên từ môi trường: Các tác nhân gây dị ứng trong không khí bao gồm: phấn hoa, lông sâu, bướm, bụi lúa trong mùa gặt, khói, bụi, mùi rác thải, gió, không khí lạnh, mưa… Các tác nhân gây dị ứng trong nhà bao gồm: bụi, lông chó mèo, lông vải từ quần áo, chăn mền, nước hoa, mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng, nước xả vải, mùi thức ăn, nấm mốc…
- Thay đổi thời tiết: Thời tiết thay đổi nhiệt độ, độ ẩm một cách đột ngột có thể khiến trẻ không kịp thích nghi và gây kích ứng niêm mạc mũi.
Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có phản ứng dị ứng với các nguyên nhân này. Viêm mũi dị ứng thường xảy ra ở trẻ có các yếu tố nguy cơ của bệnh như:
- Trẻ có cơ địa dị ứng: thường gặp ở trẻ có cơ địa nhạy cảm với dị nguyên, thực phẩm, gia đình có người thân bị dị ứng, mắc các bệnh dị ứng và trẻ hay tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
- Bất thường cấu trúc mũi: Một số bất thường như vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi, polyp mũi,… cũng làm tăng nguy cơ trẻ mắc viêm mũi dị ứng.
Các biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Trên trẻ em, mục tiêu điều trị viêm mũi dị ứng là giảm nhẹ triệu chứng, phòng ngừa tái phát bệnh và hạn chế dị nguyên gây bệnh. Hiện nay có 3 biện pháp điều trị chính là dùng thuốc, phẫu thuật và các biện pháp cải thiện triệu chứng tại nhà.
Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em bằng thuốc
Sử dụng thuốc là biện pháp chính và hiệu quả trong điều trị viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng nhạy cảm, vì vậy việc sử dụng thuốc phải rất thận trọng và cần lựa chọn các thuốc hiệu quả nhưng ít gây tác dụng phụ trên trẻ em.
Thuốc sử dụng trong điều trị cho trẻ bị viêm mũi dị ứng được chia thành 2 loại chính là thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ (hít, xông hoặc xịt vào mũi).
Thuốc uống:
- Thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin H1: Thường sử dụng như các thuốc Clorpheniramin, Cetirizin, Loratadin để giảm triệu chứng viêm mũi như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mắt. Các thuốc này không có tác dụng với triệu chứng nghẹt mũi.
- Thuốc chống viêm corticoid đường uống: Thường sử dụng Prednisolon, MethylPrednisolon, Prednison trong các trường hợp viêm nặng, kéo dài không dứt.
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được chỉ định khi viêm mũi dị ứng nặng xuất hiện nhiễm khuẩn.
Thuốc dùng tại chỗ:
- Glucocorticoid dạng xịt: Nhóm thuốc này giúp cải thiện triệu chứng nhanh chóng với hiệu quả cao và được coi là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em.
- Thuốc kháng Histamin H1 dạng xịt: Nhóm thuốc này có tác dụng kém hơn Corticoid dạng xịt, dùng để điều trị thay thế trong trường hợp trẻ có nguy cơ cao hoặc đã xuất hiện tác dụng phụ do dùng Corticoid dạng xịt.
- Thuốc co mạch: Các thuốc co mạch nhỏ mũi chứa hoạt chất như Naphazolin, Oxymetazolin… tuy giúp thông mũi rất tốt nhưng có nguy cơ gây tác dụng phụ cao và chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ.
- Thuốc khác: Cha mẹ có thể sử dụng một số loại xịt mũi xoang chứa các hoạt chất an toàn cho trẻ em như Nano bạc trong xịt mũi xoang PlasmaKare X-spray (hiệu quả giảm viêm, phục hồi niêm mạc mũi và sát trùng tốt).
Tùy vào tình trạng bệnh của trẻ mà loại thuốc được sử dụng cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng thuốc theo hướng dẫn từ bác sĩ, dược sĩ, không được tự ý mua thuốc về sử dụng.
Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em bằng phẫu thuật
Phẫu thuật thường ít áp dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em. Phương pháp này chỉ dùng trong trường hợp trẻ có bất thường về cấu trúc ở mũi hoặc trẻ tiến triển polyp mũi, viêm xoang nặng.
Mẹo chữa viêm mũi dị ứng tại nhà cho trẻ em
Bên cạnh các biện pháp điều trị chuyên khoa, cha mẹ có thể chữa viêm mũi dị ứng tại nhà cho trẻ theo một số cách sau đây:
- Xông hơi: Xông hơi giúp làm thông thoáng mũi, cải thiện tình trạng nghẹt mũi và giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Dùng lá tía tô, húng chanh: Lá tía tô và húng chanh chứa tinh dầu có tác dụng chống viêm, sát khuẩn nhẹ, giúp giảm triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi và sưng đỏ cho trẻ rất tốt. Cha mẹ có thể xông mũi hoặc chế nước tía tô/húng chanh cho trẻ sử dụng.
- Dùng gừng tươi: Gừng có tính nóng và chứa nhiều hoạt chất có khả năng chống viêm, giảm phù nề và ngăn ngừa các phản ứng quá mẫn của cơ thể. Cha mẹ có thể cho trẻ xông hơi với gừng hoặc uống trà gừng mật ong mỗi ngày để cải thiện viêm mũi dị ứng.
Ngoài ra, khi trẻ bị viêm mũi dị ứng kéo dài không rõ nguyên nhân hoặc các biện pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị phù hợp. Tránh để bệnh trở nặng và diễn tiến thành các bệnh hô hấp khác, ảnh hưởng đến khả năng học tập, sinh hoạt của bé và khó khăn trong điều trị sau này.
Phòng ngừa viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Viêm mũi dị ứng phụ thuộc nhiều vào cơ địa và sự tiếp xúc của trẻ đối với tác nhân gây bệnh. Do vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh căn bệnh này cho trẻ với các biện pháp sau đây:
- Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên: Cha mẹ cần tìm hiểu các loại dị nguyên đặc trưng của trẻ để biết cách hạn chế tiếp xúc với chúng. Ví dụ: không trồng hoa gần nhà để tránh phấn hoa, không nuôi chó mèo để hạn chế lông, tránh cho trẻ ở trong môi trường ẩm thấp, nhiều bụi bặm, khói thuốc lá.
- Đeo khẩu trang: Nên cho trẻ đeo khẩu trang ở nơi đông người, trong môi trường độ ẩm cao, nhiều bụi hoặc khi lưu thông trên đường.
- Rửa mũi hàng ngày: Có thể rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch rửa mũi chuyên dụng như muối rửa mũi xoang chứa Nano bạc PlasmaKare Nasal Clean.
- Tránh không khí quá khô hoặc quá ẩm: Có thể sử dụng máy lọc không khí trong nhà để loại bụi bẩn và cân bằng độ ẩm của không khí.
- Giữ ấm cơ thể: Nên cho trẻ mặc đủ ấm, bảo vệ vùng đầu và mũi họng bằng mũ hoặc khăn ấm, đặc biệt vào mùa đông và các thời điểm giao mùa.
- Vệ sinh nhà cửa và môi trường sống thường xuyên: Điều này sẽ giúp môi trường sạch sẽ và tránh bụi bặm, ẩm ướt, hạn chế nấm mốc phát triển gây kích ứng cho trẻ.
- Chế độ dinh dưỡng tăng cường miễn dịch: Nên tăng cường các nhóm thực phẩm giàu các chất chống viêm và cải thiện miễn dịch cho trẻ em như lysine, Vitamin B, C, Kẽm, Crom và Selen,…
Trả lời một số câu hỏi liên quan đến bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em
Dưới đây là giải đáp một số thắc mắc của cha mẹ về bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ em:
Câu 1: Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có chữa khỏi được không?
Trả lời: Viêm mũi dị ứng ở trẻ em phần lớn xuất phát từ cơ địa dị ứng và sự nhạy cảm của trẻ đối với môi trường. Vì vậy, căn bệnh này tái phát thường xuyên và không thể chữa dứt điểm mà chỉ có thể phòng ngừa tái phát và điều trị triệu chứng bằng các biện pháp phù hợp.
Câu 2: Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có lây không?
Trả lời: Viêm mũi dị ứng có cơ chế là phản ứng dị ứng với các tác nhân gây bệnh, do vậy không có khả năng lây nhiễm.
Câu 3: Trẻ bị viêm mũi dị ứng có tiêm vaccin được không?
Trả lời: Trẻ em bị viêm mũi dị ứng hoàn toàn có thể tiêm chủng vaccin theo khuyến cáo. Tuy vậy, các trường hợp trẻ bị viêm mũi dị ứng có cơ địa dị ứng mạnh cần theo dõi kỹ các phản ứng sau tiêm do có nguy cơ gặp dị ứng và shock phản vệ cao hơn bình thường.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về bệnh viêm mũi dị ứng của trẻ em. Hy vọng bài viết này sẽ giúp cha mẹ có thêm kiến thức để phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ đúng cách, giúp trẻ phát triển an toàn, thuận lợi.