Trẻ bị ho kèm theo sổ mũi là một tình trạng rất phổ biến, đặc biệt là trong những ngày thời tiết giao mùa, ngày trời trở lạnh. Ho sổ mũi khiến bé kém ăn, quấy khóc, mất ngủ và có thể tiến triển thành các bệnh hô hấp trầm trọng hơn. Chính vì vậy, làm thế nào để trị ho sổ mũi cho bé hiệu qủa, an toàn là câu hỏi mà mẹ quan tâm nhất. Plasmakare sẽ cung cấp các thông tin về nguyên nhân, nguyên tắc và phương pháp trị ho sổ mũi cho bé tại nhà.
Nguyên nhân bé bị ho sổ mũi
Ho kèm theo sổ mũi ở trẻ nhỏ là nhóm bệnh hô hấp vô cùng phổ biến, hay còn gọi là cảm cúm, cảm lạnh. Bé thường ho có đờm. Tính chất đờm từ trong chuyển sang đặc, từ màu trắng chuyển sang màu vàng, xanh. Kèm theo biểu hiện ho là tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi. Ban đầu, bé thường ho kèm theo nghẹt mũi nhưng chưa có dịch. Nghẹt mũi khiến bé khỏ thở, quấy khóc, mất ngủ, kém ăn, thở bằng miệng dẫn đến khô họng và ho nhiều hơn. Sau 2- 3 ngày sẽ xuất hiện nước mũi, nước mũi trong và cũng chuyển dần sang màu vàng, xanh.
Nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ho và sổ mũi ở trẻ là do nhiễm Virus. Có tới hàng trăm loại virus là nguyên nhân gây ra vấn đề này, trong đó phổ biến nhất là Rhinoviruses. Thời thiết giao mùa, thời tiết chuyển lạnh khiến sức đề kháng suy giảm, khiến virus có cơ hội tấn công cơ thể trẻ.
Một số con đường lây nhiễm virus dẫn tới ho sổ mũi ở trẻ như:
- Môi trường xung quanh: Khi không khí xung quanh có chứa virus bay lơ lửng và bé hít phải. Do cơ thể còn non nớt, sức đề kháng kém nên bé dễ bị tiến triển thành ho kèm theo sổ mũi, ngạt mũi.
- Do lây từ người khác: Khi người xung quanh hắt hơi hoặc nói chuyện khiến virus trực tiếp vào đường hô hấp của bé. Hoặc do bé tiếp xúc với người có virus khác qua việc cầm nắm và sau đó cho tay lên miệng, mắt.
- Do tiếp xúc với đồ vật chứa virus: Virus có khả năng tồn tại vài giờ trên các đồ vật. Bé có thể vô tình bị nhiễm virus khi cầm, nắm, ngậm đồ chơi.
Biến chứng có thể gặp nếu bé bị ho sổ mũi
Tình trạng ho sổ mũi ở trẻ thực ra không quá nguy hiểm. Tuy vậy, bệnh vẫn có thể tiến triển và có nguy cơ gây ra một số biến chứng như:
- Gây viêm đường hô hấp dưới: Tình trạng này dễ xảy ra với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên chưa đủ sức đề kháng chống lại virus. Một nguyên nhân tiếp theo là hệ hô hấp của bé cũng chưa phát triển đầy đủ dẫn đến bé chưa có phản xạ ho đủ mạnh để loại bỏ các tác nhân gây hại, dịch đờm. Lâu ngày, virus có thể xâm nhập sâu xuống đường hô hấp dưới như phế quản, tiểu phế nang gây ra các biến chứng như viêm phế quản cấp, viêm phổi cấp…
- Gây viêm tai giữa: Tai, mũi họng là 3 cửa ngõ có liên quan trực tiếp với nhau. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do đặc điểm màng nhĩ rộng, ngắn, nằm ngang. Trong ho, sổ mũi, virus có khả năng cao xâm nhập vào. Đồng thời môi trường ẩm ướt trong tai cũng là môi trường thuận lợi để virus phát triển, gây ra viêm tai giữa.
- Khò khè, khó thở: Khi bị ho sổ mũi, bé có khả năng gặp phải tình trạng khò khè khó thở. Điều này nhận biết thông qua các dấu hiệu như: trẻ thở nhanh, hơi thở ngắn, nghe thấy tiếng khò khè. Nếu bé đang có vấn đề như hen suyễn tình ho sổ mũi có thể khiến tình trạng hen suyễn trầm trọng hơn.
Cách trị ho sổ mũi cho bé hiệu quả
Do ho sổ mũi ở trẻ chủ yếu do virus nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để trị nguyên nhân gây bệnh. Trị ho sổ mũi cho bé chủ yếu tập trung vào giảm triệu chứng, hạn chế ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt của bé. Đồng thời, hạn chế nguy cơ tiến triển thành các biến chứng trầm trọng hơn.
Nguyên tắc trong trị ho sổ mũi cho bé
Trong trị ho sổ mũi cho bé, cần tuân thủ một số nguyên tắc dưới đây để việc kiểm soát bệnh được hiệu quả và đồng thời an toàn đối với cơ thể trẻ.
- Không tự ý dùng kháng sinh: Đa số nguyên nhân gây ho sổ mũi ở trẻ là do virus. Trong khi đó, kháng sinh không có khả năng tiêu diệt virus. Việc tự ý sử dụng kháng sinh sẽ làm gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Sau này khi bé gặp các bệnh do nhiễm khuẩn thì sử dụng kháng sinh sẽ không còn hiệu quả nữa.
- Nâng cao thể trạng: Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng. Thực tế, ho sổ mũi do nhiễm virus ở trẻ chỉ chấm dứt khi có thể bé có thể tự đề kháng chống lại virus. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho ăn đủ chất, tăng cường bổ sung vitamin đặc biệt là vitamin nhóm C thông qua rau củ, hoa quả. Chỉ có như vậy mới giúp trị ho sổ mũi cho bé hiệu qủa được.
- Kiểm soát các triệu chứng: Các triệu chứng thường gặp ở trẻ là ho, sổ mũi, nghẹt mũi có thể kèm theo sốt. Có thể áp dụng các thuốc hoặc các phương pháp dân gian để giảm các triệu chứng ho, sổ mũi cho trẻ. Đặc biệt với tình trạng sốt, cần kiểm soát nhiệt độ cơ thể cho bé, chủ động cắt cơn sốt bằng thuốc hạ sốt, kết hợp với chườm hạ nhiệt.
- Đảm bảo môi trường thông thoáng, vệ sinh: Trong trị ho sổ mũi cho bé, đây là một nguyên tắc mà mẹ cần tuân thủ. Thường xuyên dọn dẹp phòng, hạn chế đồ đạc trong phòng để tránh nguồn tạo thành nơi cho virus cư trú. Vệ sinh đồ chơi, các dụng cụ, khăn ăn, khăn sữa cho bé để tránh tái nhiễm. Ngoài ra, cũng nên hạn chế những người ôm, hôn, chơi đùa với bé, đặc biệt là người cũng đang mắc cảm cúm, cảm lạnh hoặc người thường xuyên đến những nơi đông người, môi trường ô nhiễm.
Cách trị ho sổ mũi cho bé dưới 3 tháng tuổi
Trẻ dưới 3 tháng tuổi là giai đoạn cơ thể còn non nớt nên trị ho sổ mũi cho bé cũng cần có những chú ý cẩn trọng. Trong giai đoạn này, việc sử dụng thuốc giảm ho, hạ sốt, long đờm cần có chỉ định của bác sĩ. Đề trị ho cho bé dưới tháng tuổi tại nhà, mẹ nên chú trọng vào việc giữ vệ sinh mũi, hỗ trợ bé long đờm.
Vệ sinh mũi trong trị ho sổ mũi cho bé: Vệ sinh mũi giúp loại bỏ dịch nhầy, giúp bé dễ thở, không cần thở bằng miệng, dễ bú và bớt quấy khóc. Vệ sinh mũi cũng tránh nguy cơ viêm tai giữa thứ cấp.
Cách 1: Rửa mũi bằng nước mũi sinh lý
- Chuẩn bị nước muối sinh lý, ống tiêm, khăn bông thấm nước, khăn lau khô mềm.
- Đặt bé nằm nghiêng trên mặt phẳng có lót vải mềm thấm nước.
- Dùng ống tiêm, bơm nước muối sinh lý vào lỗ mũi phía trên để nước chảy ra hoàn toàn ở lỗ mũi còn lại. Lặp lại đến khi dịch ra trong suốt, không có lẫn đờm.
- Cho bé nằm nghiêng về phía đối diện và thực hiện tương tự với lỗ mũi còn lại.
- Lâu khô miệng, mũi, vùng cổ cho bé bằng khăn lau mềm.
- Lưu ý, cần cẩn trọng khi thực hiện để tránh bé bị sặc nước.
Cách 2: Hút mũi cho bé bằng ống:
- Nhỏ 1 vài giọt nước muối sinh lý vào lỗ mũi cho bé
- Dùng ống hút mũi chuyên dụng hút sạch dịch mũi cho bé
- Làm tương tự với lỗ mũi còn lại
Chú ý: Không hút mũi cho bé trực tiếp bằng miệng.
Vỗ rung loại long đờm trong trị ho sổ mũi cho bé: Vỗ rung giúp long đờm, giúp bé dễ dàng hô hấp và giúp bé dễ loại bỏ đờm trong họng ra ngoài theo cơn ho hoặc cơn trớ.
- Đặt trẻ nằm nghiêng trên bề mặt phẳng hoặc bế vác bé trên vai
- Khum tay tại thành một khoang chứa khí
- Vỗ mạnh phía sau lưng từ dưới lên trên, vị trí tương ứng với phổi của bé. Vỗ phát ra tiếng kêu “bộp bộp” là bạn đang thao tác đúng.
- Sau khi vỗ rung liên tiếp khoảng 10 – 15 phút, có thể kích thích bé ho để loại đờm. Vỗ rung cũng giúp thông thoáng phổi, hỗ trợ hô hấp trong thời gian trị ho có đờm cho bé.
Cách trị ho sổ mũi cho bé trên 3 tháng tuổi
Đối với trẻ trên 3 tháng tuổi, việc trị ho sổ mũi cho bé có thể được mẹ tiến hành tại nhà bằng cách cho bé sử dụng thuốc giảm triệu chứng, hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian.
Về nguyên tắc, các thuốc hạ sốt, giảm ho, long đờm vẫn cần có sự chỉ định về liều dùng và thời gian sử dụng để trị ho cho bé hiệu quả nhưng vẫn an toàn. Tương tụ như trẻ dưới 3 tháng, mẹ nên áp dụng đồng thời cả phương pháp vệ sinh mũi và vỗ rung. Ngoài ra, một số bài thuốc dân gian trị ho sổ mũi cho bé mẹ có thể áp dụng sau đây.
- Trị ho sổ mũi cho bé bằng tinh dầu tràm: Tinh dần tràm có tính ấm, có khả năng sát khuẩn. Mẹ có thể dùng tinh dầu tràm trị ho sổ mũi cho bé bằng cách bôi tinh dầu tràm vào vùng gan bàn tay, bàn chân để giữ ấm. Thêm 1 – 2 giọt tinh dầu tràm để mát xa vùng ngực, cổ giúp bé giữ ấm, giảm ho. Khi tắm, mẹ thêm vài giọt tinh dầu tràm. Bé hít được hơi nước mang tinh dầu bay hơi lên sẽ giúp làm ẩm niêm mạc mũi, thông mũi, giảm sổ mũi và đồng thơi cũng giúp sát khuẩn. Mẹ cũng có thể thêm tinh dầu vào đèn xông tinh dầu trong phòng bé. Việc này vừa giúp vệ sinh phòng, vừa giúp hỗ trợ sát khuẩn đường hô hấp cho bé.
- Trị ho sổ mũi cho bé từ húng chanh và quất: Húng chanh và quất là nguyên liệu dân gian sẵn có và được dùng phổ biến trong các bài thuốc trị ho cho trẻ nhỏ. Không chỉ có tác dụng giảm ho, húng chanh và quất đều giàu vitamin C, giúp nâng cao miễn dịch nhờ vậy giúp trị ho sổ mũi cho bé hiệu quả. Mẹ nên hấp húng chanh, quất với đường phèn để tăng tác dụng và giúp bé dễ uống. Nếu sử dụng mật ong thì nên sử dụng cho trẻ trên 6 tháng, vì mật ong chứa phấn hoa, có thể có nguy cơ gây dị ứng.
- Trị ho sổ mũi cho bé từ tỏi: mặc dù có mùi vị hơi hăng, nồng, khó ăn nhưng tỏi rất giàu các hoạt chất có khả năng chống virus, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Trong trường hợp trị ho sổ mũi cho bé, mẹ có thể đun tỏi với đường phèn để khử mùi khó chịu. Chắt lấy nước và cho bé uống hằng ngày.
- Trị ho sổ mũi cho bé từ lá tía tô: Theo đông y, lá tía tô có tính ấm quy vào kinh phế. Lá tía tô có tác dụng chống cảm lạnh, giảm ho khan, ho có đờm, giảm sổ mũi, nghẹt mũi hiệu quả. Do vậy, lá tía tô thường được dùng để trị ho sổ mũi cho bé. Mẹ có thể giã vắt lấy nước tía tô, thêm chút đường phèn và cho bé uống. Với bé đã ăn cháo, mẹ nấu cháo tía tô cho bé ăn cũng rất hiệu quả.
- Trị ho sổ mũi cho bé từ lá hẹ: Lá hẹ sống có vị cay tính nóng, khi nấu chín có vị cay, tính ôn. Lá hẹ cũng chứa các hoạt chất có khả năng tăng cường sức đề kháng, sát khuẩn, làm loãng đờm. Vì vậy, lá hẹ rất hiệu quả trong trị ho sổ mũi cho bé. Mẹ có thể tự làm bài thuốc dân gian từ lá hẹ trị ho cho bé bằng cách giã trực tiếp, vắt lấy nước và thêm đường phèn vào cho bé uống. Cách thứ hai là mẹ hấp lá hẹ với đường phèn cách thuỷ, chắt lấy nước cho bé uống hằng ngày. Với trẻ lớn hơn, mẹ có thể cho bé ăn cả lá hẹ đã hấp chín.
- Trị ho sổ mũi cho bé từ siro ho: Ngoài các bài thuốc dân gian cần phải tự chuẩn bị tại nhà, hiện nay có rất nhiều loại siro ho có nguồn gốc từ đông được, có tác dụng trị ho sổ mũi cho bé. Các siro ho này thường có vị ngọt, mùi thơm của dược liệu dễ uống và cho hiệu quả tốt. Mẹ lưu ý sử dụng siro trị ho sổ mũi cho bé theo đúng hướng dẫn và chỉ định của dược sĩ hoặc trên tờ thông tin hướng dẫn sử dụng. Một số siro trị ho sổ mũi cho bé có hiệu quả cao, được sử dụng phổ biến hiện nay như: Prospan, Siro ho Ích Nhi, siro ho Bảo Thanh…
Khi nào nên đưa bé đi viện
Nhìn chung, ho sổ mũi ở trẻ không phải là bệnh lý nguy hiểm. Việc trị ho sổ mũi cho trẻ cũng không quá phức tạp. Nếu chú ý mẹ hoàn toàn có thể tự chăm sóc bé tại nhà. Tuy nhiên, hãy theo dõi và đưa bé tới viện ngay nếu bé có các dấu hiệu sau:
- Bé dưới 3 tháng tuổi và bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt là bé bị sốt cao, không cắt cơn sốt. Lúc này, triệu chứng ho sổ mũi có thể không phải dấu hiệu của bệnh cảm cúm, cảm lạnh thông thường mà có thể là dấu hiệu của các bệnh nặng hơn.
- Nếu bé trên 3 tháng tuổi, cần theo dõi sát các dấu hiệu của bệnh và đưa bé tới cơ sở y tế nếu: sốt cao trên 38 độ kéo dài, ho dai dẳng không dứt, đau tai, mắt đỏ hoặc có dịch có màu, bé quấy khóc bất thường hơn hoặc bé có dấu hiệu khó thở, tím tái.
Trên đây là toàn bộ các thông tin về tình trạng ho, sổ mũi ở trẻ nhỏ. Hy vọng rằng với các thông tin trên, mẹ có thể áp dụng cho mình cách trị ho sô mũi cho bé hiệu quả và an toàn.