Viêm họng có hạt trắng là biểu hiện của các thương tổn tại amidan do viêm mạn tính hoặc có sỏi ở amidan. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng tai mũi họng và nhiễm khuẩn khác, do vậy người bệnh cần chú ý phát hiện và xử trí đúng cách.
Mục lục
Nguyên nhân của viêm họng có hạt trắng
Nhiều người nhầm lẫn viêm họng có hạt trắng là một dạng viêm họng hạt mạn tính. Trong viêm họng hạt mạn tính, hạt là các tổ chức bạch huyết phát triển mạnh, có màu hồng hoặc đỏ.
Tuy nhiên, hạt trắng ở họng là dấu hiệu của các tình trạng viêm amidan mạn tính và sỏi amidan. Cụ thể:
Viêm amidan hốc mủ
Xuất hiện hạt trắng trong cổ họng là một biểu hiện đặc trưng của viêm amidan hốc mủ – tình trạng viêm amidan mạn tính. Các hạt trắng này là các khe hoặc hốc chứa đầy các chất bã đậu và có mủ trắng.
Triệu chứng khác của viêm amidan hạt trắng:
- Nghẹn họng, khi nuốt cảm thấy vướng ở cổ họng
- Hơi thở hôi
- Amidan thường phình to, màu đỏ
- Đôi khi đau họng, đau có thể lan lên tai.
- Thỉnh thoảng có ho, khàn tiếng, ngủ ngáy to.
- Đợt cấp tính: đau, nóng rát họng, đau nhói lên tai, amidan to lên, đau tăng lên khi nuốt; có thể khò khè, ho từng cơn, ho có đờm nhầy, lưỡi trắng.
Viêm amidan hốc mủ là kết quả của các đợt tái phát viêm amidan thường xuyên do các tác nhân phổ biến như vi khuẩn (Liên cầu β tan huyết nhóm A, phế cầu, tụ cầu, xoắn khuẩn,…) và virus (cúm, sởi, ho gà…).
Sỏi amidan kèm viêm họng
Viêm họng có hạt trắng cũng có thể là tình trạng viêm họng ở người có sỏi amidan. Sỏi amidan có thể là biến chứng của viêm amidan hốc mủ hoặc tự khởi phát do chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng không khoa học.
Sỏi là kết quả của sự lắng đọng dịch mủ, mảnh vụn thức ăn và ổ vi khuẩn tại các khe, hốc của amidan. Các triệu chứng phổ biến khi có sỏi amidan:
- Hôi miệng
- Khó nuốt
- Amidan sưng to
- Đau họng, viêm họng do sự phát triển của vi khuẩn
- Có thể xuất hiện đau tai
Viêm họng có hạt trắng có nguy hiểm không?
Hạt trắng có bản chất là mủ, chất bã đậu sau quá trình viêm hoặc sự tích tụ của cặn bã và vi khuẩn trong khoang miệng. Do vậy, những tình trạng viêm họng có hạt trắng này thường gây khó chịu và hôi miệng cho người bệnh, khiến họ kém tự tin trong giao tiếp.
Không chỉ vậy, nếu không điều trị viêm amidan mạn tính, sỏi amidan kèm viêm họng đúng cách và kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Biến chứng tai mũi họng: Loét khe amidan, viêm họng, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, áp xe họng,…
- Biến chứng hầu họng và đường hô hấp dưới: viêm khí – phế quản, viêm hạch cổ mạn tính, viêm phổi,…
- Biến chứng nhiễm khuẩn toàn thân: viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết,…
- Biến chứng khác: ung thư vòm họng.
Bên cạnh đó, các bệnh viêm amidan hốc mủ và sỏi amidan rất dễ tái phát. Vì vậy, người bệnh cần tới khám ngay tại các cơ sở y tế khi phát hiện tình trạng viêm họng có hạt trắng để hạn chế nguy cơ biến chứng, giảm thiểu tái phát và cải thiện chất lượng sống tốt hơn.
Phương pháp điều trị tình trạng viêm họng có hạt trắng
Đối với tình trạng viêm họng có hạt trắng, hiện nay các phương pháp thường được áp dụng là loại bỏ hạt, phẫu thuật và điều trị bằng thuốc. Cụ thể:
Điều trị viêm họng có hạt trắng bằng thuốc
Thuốc được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với các biện pháp loại bỏ hạt, phẫu thuật. Các bác sĩ thường chỉ định kháng sinh phối hợp với các thuốc điều trị triệu chứng:
- Kháng sinh: Vai trò diệt vi khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, hạn chế tái phát viêm amidan mạn và sự tăng kích thước của sỏi amidan. Thường dùng kháng sinh nhóm β-lactam hoặc kháng sinh nhóm Macrolid.
- Thuốc điều trị triệu chứng: Giảm đau, hạ sốt (Paracetamol, NSAIDs), thuốc chống phù nề (Alphachymotrypsin), thuốc giảm ho,…
Các biện pháp loại bỏ hạt trắng trong họng
Sỏi amidan có thể loại bỏ ngay tại nhà bằng cách súc miệng thường xuyên bằng nước muối ấm, dùng tăm bông ấn vào vùng amidan có sỏi và đẩy sỏi ra ngoài. Người bệnh cần lưu ý không ấn mạnh, không dùng ngón tay hay vật sắc nhọn để đẩy sỏi, hạn chế nguy cơ tổn thương các tổ chức trong khoang miệng.
Khi có sỏi to, sỏi kèm viêm họng nhưng không thể lấy được sỏi amidan ra khỏi họng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ có thể chỉ định loại bỏ sỏi bằng các biện pháp công nghệ cao (laser, coblator) hoặc phẫu thuật cắt amidan.
Đối với viêm amidan hốc mủ, phẫu thuật là biện pháp loại bỏ các tổ chức mủ nhanh và hiệu quả nhất.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật cắt amidan là biện pháp có thể ngăn ngừa vĩnh viễn các tình trạng viêm amidan, sỏi amidan gây viêm họng có hạt trắng. Đây là thủ thuật phổ biến trong điều trị các bệnh lý amidan, thường dùng các phương pháp cắt Anse hoặc cắt bằng dao điện, Laser, Coblator, dao siêu âm,…
Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp viêm amidan mạn tính tái phát nhiều lần, đã gây biến chứng, viêm amidan mạn tính quá phát gây khó thở. Tuy nhiên, những người có các tình trạng rối loạn đông máu, cao huyết áp, suy tim, suy gan thận, đang có áp xe hoặc nhiễm trùng cấp tính không được thực hiện thủ thuật này.
Cách chữa viêm họng hạt trắng tại nhà
Trong quá trình điều trị viêm họng hạt trắng, người bệnh cũng cần chú ý chăm sóc tại nhà hợp lý để hỗ trợ quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát. Theo hướng dẫn điều trị viêm amidan của Bộ Y Tế, người bệnh cần:
- Súc miệng bằng các dung dịch kiềm (Natri bicarbonat, Natri borat) để thay đổi pH hầu họng, hạn chế vi khuẩn phát triển.
- Hoặc người bệnh cũng có thể dùng các dung dịch sát khuẩn như súc miệng họng PlasmaKare (chứa phức hệ Nano bạc TSN và keo ong cho tác dụng diệt khuẩn, virus tối ưu, đồng thời hỗ trợ làm lành vết thương và khử mùi hôi miệng).
- Bổ sung đầy đủ các nguyên tố vi lượng, tăng cường các nhóm chất củng cố hệ miễn dịch như Vitamin A, E, C, Kẽm, Selen,…
- Uống nhiều nước để bù nước cho cơ thể, hỗ trợ giảm viêm và tăng đào thải độc tố. Nên uống từ 2 lít nước trở lên.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ và đi tái khám đúng lịch để hạn chế tái phát các bệnh lý amidan này.
Cách phòng ngừa viêm họng có hạt trắng
Viêm amidan hốc mủ và sỏi amidan rất dễ tái phát, đặc biệt khi gặp các điều kiện thuận lợi về thời tiết, vệ sinh, ăn uống không lành mạnh. Do vậy, để phòng bệnh cho bản thân và gia đình, mỗi người cần chủ động thực hiện những biện pháp sau:
- Vệ sinh sạch sẽ vùng miệng họng, thường xuyên cạo lưỡi và súc miệng bằng nước muối sinh lý, nước súc miệng sát khuẩn.
- Điều trị dứt điểm các bệnh viêm mũi – họng, viêm đường hô hấp, chú ý tiêm phòng vaccin đầy đủ.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau củ quả, tránh các loại thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, gia vị.
- Tập thể dục, thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng.
- Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích,…
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt khi trời chuyển lạnh và giao mùa
- Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, thông thoáng và tránh tiếp xúc với các môi trường ô nhiễm
- Hạn chế nói to hoặc làm các hành động gây tổn thương vùng hầu họng.
- Đeo khẩu trang ở nơi đông người, rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt khi tiếp xúc với người bệnh hoặc địa phương có dịch cúm, sởi,…
Viêm amidan là bệnh lý phổ biến, tuy nhiên nếu không điều trị dứt điểm có thể tiến triển thành mạn tính và gây biến sỏi amidan, dẫn đến tình trạng viêm họng có hạt trắng. Vì vậy, mỗi người cần quan tâm chăm sóc sức khỏe, thực hiện lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị để hạn chế tối đa ảnh hưởng của các bệnh lý này.