Ho có đờm là bệnh đường hô hấp phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bệnh có thể tự hết nhưng cũng có thể kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cuộc sống. Vậy làm thế nào để có thể điều trị ho có đờm hiệu quả, giảm tái phát? Cùng Plasmakare.vn tham khảo trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Ho có đờm là gì?
Ho có đờm là một vấn đề hô hấp phổ biến. Đây là phản xạ ho để tống các chất nhầy ứ đọng ở vùng hầu, họng, mũi ra khỏi đường hô hấp.
Nhận biết ho có đờm
Dấu hiệu điển hình nhận biết ho có đờm so với ho khan, ho gà đó là phản xạ ho có kèm theo dịch tiết (đờm).
Đờm bao gồm các dịch tiết đường hô hấp, hồng cầu, bạch cầu mủ, hoặc các chất độc hại xâm nhập vào đường hô hấp… Các dịch này tiết ra ở xoang, mũi, họng, tại hoặc ở khí quản, phế quản, phế nang. Đờm có thể có màu trong, chuyển sang trắng đục hoặc ngả vàng, xanh.
Tuỳ theo nguyên nhân và giai đoạn, ho có đờm thường đi kèm theo các dấu hiệu sau:
- Khó thở
- Sốt
- Triệu chứng của cảm cúm: hắt hơi, ngạt mũi, đau đầu
- Đau tức ngực
Ngoài ra, các cơn ho có đờm thường nặng hơn về ban đêm hoặc khi nằm xuống. Do khi đó, dịch nhầy bị ứ đọng nhiều ở hầu họng, làm tăng phản xạ gây ho để loại bỏ đờm.
Nguyên nhân ho có đờm
Ho có đờm có thể xuất phát từ những nguyên nhân lành tính và có thể dần thuyên giảm theo thời gian mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan mà bỏ qua một số nguyên nhân nghiêm trọng dẫn đến ho có đờm.
– Do viêm nhiễm đường hô hấp: Đờm là các dịch tiết được tiết ra từ phế quản, khí quản, họng, xoang trán, hốc mũi… Nên nếu khi có đờm thì rất có thể nguyên nhân là do tình trạng viêm tại các khu vực trên. Khi có đờm thì đường hô hấp sẽ có phản xạ ho để tống các chất nhày này ra ngoài. Nguyên nhân gây viêm có thể là do vi khuẩn, vi rút hoặc do các tác nhân hoá, lý từ bên ngoài.
– Do hút thuốc: Ho có đờm cũng là một vấn đề hay gặp ở những người hút thuốc lá, thuốc lào. Tỷ lệ gặp tình trạng bị ho có đờm thường tăng tỷ lệ thuận với thời gian hút thuốc. Các hoá chất trong khói thuốc lâu ngày sẽ làm tê liệt hệ thống đào thải độc tố tự nhiên của đường hô hấp. Điều này khiến cho các chất độc hại bị ứ đọng lâu trong phổi và đòi hỏi phải có các cơn ho dai dẳng để tống các chất này ra ngoài. Ban đầu, các cơn ho có thể chỉ là húng hắng, ho khan nhưng lầu dần có thể hình thành ho có đờm, thường là đờm trong. Ho kèm theo đau thắt ngực.
– Do bệnh lý ngoài đường hô hấp: Một bệnh lý phổ biến có thể dẫn tới ho có đờm đó là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Khi bị trào ngược dạ dày thực quản, acid từ dạ dày sẽ xuất hiện ở thực quản và có thể lên tới vùng hầu họng. Acid dạ dày có thể gây ra viêm họng và do đó là nguyên nhân gây ra ho có đờm.
Ho có đờm kéo dài có nguy hiểm không?
Đa số ho có đờm thường gắn với các bệnh lý không nguy hiểm như cảm cúm, viêm họng… và có thể hết sau vài ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ho có đờm kéo dài là dấu hiệu của các bệnh trầm trọng. Vậy khi nào ho có đờm gây nguy hiểm đối với cơ thể: khi cơn ho kéo dài và kèm theo các biểu hiện như sốt kéo dài, ho kèm máu, đau tức ngực thì có thể là dấu hiệu gợi ý của bệnh lao phổi, ung thư phổi. Lúc này, việc cần làm là tới ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Ho có đờm thường gặp trong các bệnh lý nào?
Ho có đờm là triệu chứng phổ biến của các bệnh về hô hấp. Khi gặp tình trạng ho có đờm, có thể nghĩ tới các bệnh lý sau đây:
Ho có đờm do bệnh cảm cúm
Thời gian chuyển mùa hoặc thời tiết lạnh giá tạo điều kiện cho bệnh cảm cúm phát triển. Khởi phát bệnh có thể chỉ là những cơn ho khan, ho gió nhưng lâu dần có thể chuyển thành ho có đờm. Nếu chủ quan không điều trị, các cơn ho sẽ kéo dài rất dai dẳng.
Ho có đờm do bệnh viêm đường hô hấp
Tình trạng viêm này có thể xảy ra tại đường hô hấp trên (xoang mũi, hầu họng, xoang, thanh quản) và đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản và hai lá phổi). Tuỳ theo nguyên nhân gây viêm mà mà đờm có tính chất khác nhau. Viêm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, ho có đờm đục, có màu vàng, xanh. Trong khi đó, nếu viêm đường hô hấp do nhiễm vi rút thì đờm trường trong.
Ho có đờm do bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh lao phổi thường có kèm theo các cơn ho có đờm kéo dài, ho có đờm trong và có thể kèm theo ho ra máu. Người bệnh lao phổi ngoài ho có đờm có thể có kèm theo các biểu hiện sốt, sốt nhẹ về chiều.
Ho có đờm do bệnh giãn phế quản thể uớt
Giãn phế quản, đặc biệt là thể ướt là bệnh lý mãn tính kèm theo ho có đờm. Khi phế quản bị giãn, các dịch tiết (đờm, chất nhầy) – khó bị đẩy từ dưới lên trên và bị ứ đọng lại trong phế quản. Sự ứ đọng này là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố gây viêm phát triển và dẫn tới viêm phế quản mãn tính.
Ho có đờm do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD
Ho có đờm cũng có thể thường gặp ở những người gặp phải bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Ngược lại với giãn phế quản, COPD lại là tình trạng xảy ra khi đường thở bị tắc nghẽn so với bình thường dẫn tới khó khăn trong hô hấp. COPD thường kèm theo ho đờm, khó thở, khò khè, mệt mỏi hoặc kèm theo sốt nhẹ. Người bệnh thậm chí có thể bị suy hô hấp do COPD.
Phác đồ điều trị ho có đờm bằng thuốc
Phương pháp phổ biến, đem lại tác dụng nhanh để điều trị ho có đờm đó là sử dụng thuốc. Mặc dù có tác dụng và hiệu quả nhanh nhưng các thuốc thường có tác dụng không mong muốn đi kèm. Vậy các thuốc nào thường được dùng trong điều trị ho có đờm và sử dụng thế nào cho an toàn?
Thuốc trị ho có đờm – nhóm thuốc long đờm
Đúng như tên gọi, các thuốc thuộc nhóm long đờm có tác dụng hỗ trợ cho việc loại bỏ đờm và làm sạch đường hô hấp một cách dễ dàng hơn. Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là giúp làm giảm độ đặc, độ bám dính của đờm và bảo vệ niêm mạc khỏi các tác nhân kích thích.
Các thuốc long đờm thường được sử dụng phổ biến như: guaifenesin, ammoni clorid, ipeca, terpin
- Guaigenesin: thuốc được bào chế cả ở dạng viên nén hoặc siro, thường được dùng cho người lớn. Khi sử dụng cần lưu ý một số tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, đau dạ dày, buồn nôn…
- Terpin: tên biệt dược thường dùng là Terpin Codein. Thuốc thường gồm 2 thành phần chính là terpineol và Codein. Trong đó, Terpineol có tác dụng làm loãng đờm, làm giảm độ kết dính còn Codein có tác dụng giảm ho và giảm đau. Khi sử dụng thuốc cần thận trọng tác dụng không mong muốn như: chán ăn, buồn nôn, buồn ngủ… Tuy hiếm gặp hơn nhưng thuốc có thể gây khó thở, lú lẫn, phát ban… Cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc.
Thuốc trị ho có đờm – nhóm thuốc tiêu đờm
Các thuốc nhóm tiêu đờm: giúp điều trị ho có đờm theo cơ chế phá vỡ và cắt đứt các liên kết disulfit S-S của các sợi mucoprotein. Nhờ vậy giúp làm giảm độ quánh của đờm, tạo điều kiện cho phản xạ ho để tống đờm ra ngoài.
Ngoài ra, nhóm thuốc này khi sử dụng kết hợp với kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp còn giúp tăng khả năng đáp ứng với kháng sinh. Cơ chế là giúp kháng sinh dễ dàng xâm nhập vào dịch bài tiết phế quản. Các thuốc tiêu đờm thường được sử dụng bao gồm: bromhexin, acetylcystein, ambroxol, carbocistein, erdostein.
- Bromhexin: đây là một thuốc trị ho có đờm rất phổ biến và có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc. Thuốc tác động theo cơ chế giảm độ kết dính, độ quánh của đờm và tăng cường hoạt động của các vi lông mao giúp đẩy đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Thông thường sau khi sử dụng từ 2 -3 ngày thuốc mới bắt đầu cho hiệu quả. Thuốc không có nhiều tác dụng phụ ngiêm trọng nhưng cũng có một số lưu ý khi sử dụng. Cụ thể, không nên sử dụng thuốc cho người có tiền sử viêm dạ dày. Cần theo dõi thận trọng khi sử dụng thuốc cho người suy gan, suy thận. Không nên sử dụng thuốc cho người già yếu, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Bởi vì đây là những đối tượng có phản xạ ho đã suy yếu hoặc chưa hoàn thiện nên sẽ càng bị ứ trệ đờm nhiều hơn.
- Acetylcystein: là thuốc trị ho có đờm theo cơ chế làm tiêu đờm bằng cách cắt đứt liên kết disulfit. Nhờ vậy làm giảm độ dính, độ đặc quánh và dễ dàng loại bỏ đờm khỏi đường hô hấp. Nếu được sử dụng với tần suất phù hợp, Acetylcystein là một thuốc trị ho có đờm hiệu quả. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng để giải độc khi ngộ độc Paracetamol. Thuốc có các dạng bào chế rất đa dạng như thuốc bột, thuốc viên, thuốc hít, thuốc tiêm… nhưng trong đó dạng sử dụng phổ biến là thuốc bột và thuốc viên. Thuốc thường được sử dụng phổ biến cho cả người lớn và trẻ nhỏ nhưng không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi.
- Ambroxol: Ambroxol là một hoạt chất chuyển hoá của Bromhexin dùng trong điều trị ho có đờm. Cơ chế tác dụng của thuốc chưa rõ ràng nhưng thuốc đã được chứng minh trên lâm sàng là mang lại hiệu quả tiêu đờm cho người sử dụng. Cũng tương tự, thuốc có tác dụng nhẹ gây buồn nôn, nôn mửa hoặc khó tiêu.
Một số bài thuốc dân gian trị ho có đờm hiệu quả
Ngoài các thuốc tây, các bài thuốc dân gian cũng rất được ưa chuộng trong điều trị ho có đờm vì nó mang lại hiệu quả, đồng thời cũng rất lành tính, không có tác dụng phụ. Đặc biệt các bài thuốc thường được sử dụng cho các đối tượng cần thận trọng khi dùng thuốc tây như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ.
Điều trị ho có đờm bằng nước muối
Đây là cách đơn giản nhất mà bất cứ ai cũng có tự áp dụng tại nhà khi bị ho có đờm. Nước muối giúp vệ sinh vòm họng, sát khuẩn, giảm đau rát họng và cũng hỗ trợ tiêu đờm.
Ngoài ra, không chỉ người bị ho có đờm mà người khoẻ mạnh cũng nên sử dụng nước muối để súc họng hằng ngày.
Bạn có thể tự pha nước muối tại nhà hoặc có thể dễ dàng tìm và mua nước muối tại nhà thuốc.
Điều trị ho có đờm bằng quất mật ong
Quất mật ong là một trong những bài thuốc dân gian vô cùng nổi tiếng để điều trị ho có đờm. Đây là bài thuốc dễ làm nhưng hiệu quả rất cao với trường hợp ho có đờm.
Theo đông y, quất có vị chua, tính ấm – thích hợp với bệnh lý do thể hàn gây ra. Vỏ quất có chứa tinh dầu giúp làm sát khuẩn, tan đờm và thông thoáng cổ họng. Quất còn giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Cách làm quất mật ong để trị ho có đờm:
- Quất rửa sạch, bổ đôi, bỏ hạt.
- Thêm quất đã bổ vào chén có mật ong. Có thể hấp cách thuỷ hoặc hấp trong nồi cơm (khi cơm đã gần chín).
- Ngậm nước quất mật ong từ 2 -3 lần/ ngày. Người lớn có thể ăn cả quả quất sau khi hấp.
Điều trị ho có đờm bằng húng chanh
Theo đông y, húng chanh có vị cay, tính ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, sát khuẩn, tiêu đờm. Do vậy, húng chanh thường được ứng dụng trong điều trị các bệnh viêm đường hô hấp, ho có đờm. Trong dân gian, húng chanh có thể dùng ở dạng tươi hoặc sắc uống. Một số bài thuốc trị ho có đờm bằng húng chanh
- Bài 1: Húng chanh tươi, rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, thêm muối. Dùng bằng cách nhai lá tươi cho ra nước rồi nuốt từ từ.
- Bài 2: Húng chanh tươi, rửa sạch, thêm đường phèn rồi giã nát, vắt lấy nước và uống 2 -3 lần/ ngày.
- Bài 3: Húng chanh tươi, rửa sạch, thêm đường phèn và hấp cách thuỷ hoặc hấp trong nồi cơm. Chắt lấy nước uống, lá thì nhai và mút lấy nước từ từ.
Điều trị ho có đờm bằng lá hẹ
Một bài thuốc dân gian phổ biến khác điều trị ho có đờm đó là dùng lá hẹ. Không chỉ là một loại gia vị, lá hẹ từ lâu đã được sử dụng như một trong các vị thuốc. Với vị cay, ngọt, tính ấm, lá hẹ mang lại hiệu qủa cao với các bệnh viêm đường hô hấp, ho có đờm. Ngoài ra, lá hẹ cũng chứa các chất kháng sinh tư nhiên gíup kháng khuẩn hiệu quả.
Một số bài thuốc dân gian từ lá hẹ trị ho có đờm
- Lá hẹ hấp mật ong: Lá hẹ rửa sạch, cắt khúc 3 -5 cm, thêm mật ong và hấp cách thuỷ khoảng 10 phút cho các chất tan ra trong mật ong. Uống 2 -3 lần/ ngày.
- Cháo lá hẹ: Cháo lá hẹ thường được áp dụng để chữa ho có đờm cho trẻ nhỏ. Cách làm tương tự như nấu cháo thông thường. Ngoài ra, xay nhuyễn lá hẹ đến khi cháo chín thì thêm vào nồi và nêm cho vừa miệng.
- Lá hẹ hấp gừng: Một cách khác để làm thuốc trị ho có đờm từ lá hẹ đó là hấp gừng. Lá hẹ cắt nhỏ, gừng rửa sạch, thái lát mỏng, thêm vào chút đường phèn rồi hấp cách thuỷ trong vòng khoảng 10 phút. Để nguội và dùng hàng ngày.
Như vậy, để điều trị ho có đờm một cách hiệu quả, giảm nguy có tái phát bệnh thì trước hết cần xác định được nguyên nhân gây bệnh thông qua thăm khám cụ thể. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng các bài thuốc từ dân gian trong trường hợp bệnh nhẹ và đơn giản. Với các bệnh lý nghiêm trọng hơn, hãy nhớ tuân thủ theo chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ.