Thuốc bôi luôn là lựa chọn ưu tiên khi bắt đầu điều trị viêm da quanh miệng. Vậy viêm da quanh miệng bôi thuốc gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp ngay cho bạn.
Mục lục
Nguyên nhân gây viêm da quanh miệng
Viêm da quanh miệng có thể ở dạng chàm mạn tính hoặc là viêm da do nhiễm khuẩn, nấm như trứng cá, chốc mép. Khi bị viêm da quanh miệng, người bệnh thường có biểu hiện là phát ban, sẩn đỏ, nổi mụn nước và tróc vảy quanh miệng. Với những thể nhiễm khuẩn, hai bên mép miệng có thể nứt nẻ, da trợt, đau rát, đóng vảy vàng và dễ chảy máu.
Viêm da quanh miệng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là nữ giới từ 16 – 45 tuổi. Các thể chốc mép do liên cầu hay gặp ở trẻ em. Bệnh có thể tự khỏi nhưng rất dễ tái phát và kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng.
Cơ chế gây bệnh của viêm da quanh miệng hiện nay chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, những nguyên nhân sau đây được cho là có thể gây khởi phát bệnh:
- Lạm dụng thuốc bôi/mỹ phẩm chứa Corticoid dùng trên da.
- Vi khuẩn: Tụ cầu, liên cầu.
- Virus: Herpes.
- Nấm: Candida.
- Kem đánh răng chứa Fluoride.
- Kích ứng mỹ phẩm.
- Chảy nước dãi thường xuyên.
- Dùng thuốc tránh thai.
- Ánh nắng mặt trời, tia UV trong môi trường làm việc.
- Rối loạn nội tiết tố: mang thai, tiền mãn kinh và mãn kinh.
Nguyên tắc điều trị viêm da quanh miệng
Nguyên nhân điều trị viêm da quanh miệng rất đa dạng. Vì vậy, nguyên tắc điều trị viêm da quanh miệng là loại bỏ nguyên nhân kết hợp điều trị triệu chứng. Cách điều trị viêm da quanh miệng sẽ khác nhau ở từng nguyên nhân.
Loại bỏ nguyên nhân:
- Corticoid: Giảm liều dần dần hoặc chuyển sang corticoid hoạt lực yếu hơn rồi giảm dần liều. Ngừng corticoid ngay có thể khiến bệnh bùng phát mạnh hơn.
- Loại bỏ các nguyên nhân như kem đánh răng, mỹ phẩm, thuốc gây bệnh.
- Điều chỉnh lối sống theo tư vấn từ bác sĩ đối với các trường hợp bị rối loạn nội tiết tố.
- Dùng thuốc bôi kháng sinh, chống nấm hoặc thuốc kháng virus để tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh. Trong các trường hợp người bệnh không đáp ứng với thuốc bôi, thuốc uống hoặc truyền tĩnh mạch có thể được sử dụng.
Điều trị triệu chứng:
- Thuốc ức chế miễn dịch để giảm triệu chứng viêm.
- Mẹo dân gian: Giấm táo, dầu dừa, nha đam, nghệ, sài đất,…
Viêm da quanh miệng bôi thuốc gì?
Thuốc bôi luôn là lựa chọn đầu tay trong điều trị viêm da quanh miệng, đặc biệt là viêm da quanh miệng ở trẻ em. Viêm da quanh miệng bôi thuốc gì sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Các nhóm thuốc bôi viêm da quanh miệng phổ biến bao gồm thuốc bôi kháng sinh, kháng virus, thuốc chống nấm, thuốc ức chế miễn dịch và các thuốc có tính sát khuẩn khác. Cụ thể:
Thuốc bôi chứa chất kháng virus
Viêm da quanh miệng do Herpes có thể tự khỏi sau khoảng 10 ngày, tuy nhiên có nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn và tái phát cao. Vì vậy, người bệnh cần điều trị sớm tình trạng này.
Thuốc trị viêm da quanh miệng do Herpes bao gồm các thuốc kháng virus như Acyclovir 5% hoặc Penciclovir 1%. Trong đó Acyclovir là thuốc được dùng phổ biến nhất. Người bệnh cần bôi kem Acyclovir 5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 giờ và liên tục trong tối thiểu 5 ngày.
Thuốc bôi chứa kháng sinh
Thuốc trị viêm da quanh miệng chứa kháng sinh được sử dụng trong trường hợp căn nguyên là vi khuẩn. Các thuốc thường được dùng bao gồm:
- Erythromycin: Bôi 2 lần/ngày.
- Metronidazole: Bôi 1 – 2 lần/ngày.
- Thuốc mỡ Mupirocin: Bôi 3 lần/ngày.
- Acid Fusidic: Bôi 3 – 4 lần/ngày.
Trước bôi thuốc, người bệnh cần vệ sinh vùng da tổn thương bằng các dung dịch chứa chất kháng khuẩn như tím metyl, xanh methylen, Resorcin, Acid Boric,… Ngoài ra, khi dùng thuốc bôi tại chỗ mà bệnh không cải thiện hoặc có dấu hiệu nặng hơn và lây lan, người bệnh sẽ phải sử dụng kháng sinh đường uống như Tetracyclin, Doxycyclin, Minocycline, Azithromycin, Metronidazol,…
Thuốc bôi chống nấm gây bệnh
Khi nguyên nhân gây bệnh là nấm, người bệnh sẽ được kê thuốc bôi chống nấm để điều trị. Các thuốc bôi chống nấm trị viêm da quanh miệng bao gồm:
- Ketoconazole: Thuốc chống nấm nhóm Imidazole hoạt tính mạnh. Bôi 1 – 2 lần/ngày trong 2 – 4 tuần hoặc đến khi khỏi bệnh.
- Clotrimazole: Thuốc chống nấm nhóm Imidazole, ít bị đề kháng. Bôi thuốc 2 lần/ngày đến khi khỏi. Lưu ý không dùng Clotrimazole cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Thuốc bôi ức chế miễn dịch
Thuốc ức chế miễn dịch được dùng để điều trị trong các trường hợp viêm da quanh miệng không do nhiễm vi sinh vật. Các thuốc nhóm này có tác dụng ngăn chặn tiến triển của phản ứng viêm, giảm kích ứng và thay thế cho Corticoid khi người bệnh cần điều trị các bệnh viêm da khác.
Thuốc bôi ức chế miễn dịch bao gồm Pimecrolimus và Tacrolimus:
- Pimecrolimus: ưu tiên sử dụng hơn do đem lại hiệu quả cao và dạng kem thích hợp dùng cho mặt hơn so với thuốc mỡ Tacrolimus. Bôi 2 lần/ngày đến khi khỏi bệnh. Pimecrolimus không khuyến cáo cho trẻ em dưới 2 tuổi.
- Tacrolimus: Dùng được cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bôi 2 – 3 lần/ngày.
Thuốc khác trị viêm da quanh miệng
Một số loại thuốc khác cũng được dùng trong điều trị viêm da quanh miệng như sau:
- Thuốc trị mụn Isotretinoin: Loại thuốc này đã được sử dụng thành công trong điều trị viêm da quanh miệng. Thuốc dùng theo chỉ định của bác sĩ và không được sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai.
- Gel bôi PlasmaKare No5: Sản phẩm này chứa thành phần Nano bạc đa tác động, bao gồm chống viêm – sát trùng – kích thích da phục hồi. Gel bôi PlasmaKare No5 có thể dùng cho mọi đối tượng và mọi nguyên nhân viêm da quanh miệng.
Một số mẹo dân gian cải thiện triệu chứng viêm da quanh miệng tại nhà
Những cách chữa viêm da quanh miệng theo dân gian cũng có hiệu quả cải thiện triệu chứng cho người bệnh rất tốt. Người bệnh có thể tham khảo những cách sau đây:
Giấm táo cải thiện viêm da quanh miệng
Giấm táo chứa lượng Acid lớn với pH. Vì vậy, giấm táo có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm gây bệnh trên da. Đồng thời, giấm táo cũng giúp cân bằng độ pH của da về mức sinh lý.
Cách dùng giấm táo trị viêm da quanh miệng: Pha loãng giấm táo với một ít nước. Thấm nước giấm táo loãng vào một miếng bông và thoa lên vùng da viêm, sau đó rửa lại với nước sạch sau 20 phút. Thực hiện 2 – 3 lần/ngày.
Dầu dừa làm dịu da viêm
Dầu dừa giúp dưỡng ẩm cho da rất tốt, giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm, ngứa ngáy và bong tróc cho cho người bệnh. Người bệnh viêm da quanh miệng có thể dùng dầu dừa cải thiện bệnh theo những cách sau:
- Bôi trực tiếp dầu dừa lên vùng da bệnh đã vệ sinh sạch sẽ. Massage nhẹ nhàng trong vòng 3 phút, sau đó để yên 1 tiếng rồi lấy khăn lau sạch dầu còn trên da.
- Trộn 1 thìa dầu dừa với 1 thìa mật ong, đun ấm rồi đem bôi lên vùng da bệnh. Để yên trong 30 phút rồi lau sạch.
Nghệ kháng viêm, kháng khuẩn trên da
Tinh dầu và Curcumin trong nghệ có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa hiệu quả. Bên cạnh đó, nghệ còn có tác dụng kích thích tái tạo da, giúp hạn chế để lại sẹo sau quá trình điều trị.
Người bệnh có thể pha bột nghệ với nước, dầu dừa hoặc mật ong thành hỗn hợp đặc sệt. Sau đó thoa hỗn hợp đã trộn lên vùng da bệnh trong vòng 15 – 20 phút rồi rửa sạch.
Nha đam làm dịu và hỗ trợ phục hồi da
Gel nha đam có tác dụng làm dịu triệu chứng viêm da quanh miệng như ngứa ngáy, nóng rát. Đồng thời, nha đam còn giúp giữ ẩm và thúc đẩy da phục hồi rất tốt. Người bệnh viêm da quanh miệng có thể dùng những loại gel chiết xuất nha đam trên thị trường hoặc lấy gel trực tiếp từ cây nha đam bôi lên vùng da bệnh 2 – 3 lần/ngày.
Sài đất trị viêm da quanh miệng
Sài đất có vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu nhọt và kháng viêm. Vì vậy sài đất được sử dụng nhiều trong điều trị các bệnh lý viêm da mạn tính như viêm da cơ địa, viêm da dị ứng.
Người bệnh có thể dùng sài đất trị viêm da quanh miệng theo những cách sau đây:
- Uống thuốc sắc: Dùng Sài đất 30g, Kim ngân hoa 15g, Cam thảo bắc 16g, Thổ phục linh 10g, Bồ công anh 20g. Sắc mỗi ngày 1 thang.
- Giã lá sài đất tươi với một ít muối ăn rồi đắp hỗn hợp lên vùng da bệnh 2 lần/ngày.
Lưu ý khi điều trị viêm da quanh miệng
Trong quá trình điều trị viêm da quanh miệng, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ. Thuốc bôi được dùng trong điều trị ngoại trú, vì vậy cần đi tái khám đúng lịch và thông báo cho bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường xảy ra.
- Sử dụng thận trọng các loại mỹ phẩm trên da mặt. Tránh các sản phẩm có thành phần là nguyên nhân gây kích ứng hoặc có hương liệu. Khi bệnh được điều trị ổn định, người bệnh có thể sử dụng lại các sản phẩm chăm sóc da nhẹ dịu để kích thích quá trình phục hồi da.
- Che chắn kỹ càng khi ra ngoài trời để hạn chế tác động từ tia cực tím và môi trường.
- Giặt giũ vỏ gối, khăn mặt và khăn tắm sạch sẽ.
- Ăn uống lành mạnh, tăng cường rau củ, trái cây và hạn chế các thực phẩm cay nóng, nhiều chất béo, rượu bia hoặc chất kích thích.
- Không gãi ngứa ở vùng da bệnh.
- Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân với người khác.
Trên đây là trả lời cho câu hỏi “Viêm da quanh miệng bôi thuốc gì?”. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho người bệnh điều trị viêm da quanh miệng đúng cách và dứt điểm nhanh chóng.