Viêm họng đỏ phổ biến nhất ở những người bị viêm họng, viêm amidan cấp và mạn tính. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm như viêm thanh quản, ung thư vòm họng,…
Mục lục
Viêm họng đỏ là dấu hiệu của bệnh gì?
Viêm họng đỏ là tình trạng niêm mạc họng bị viêm đỏ, sưng tấy, thường đi kèm triệu chứng ho và đau rát họng. Viêm họng đỏ có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý dưới đây:
Viêm họng cấp tính và mạn tính
Họng viêm, sưng đỏ là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh viêm họng – một trong những bệnh tai mũi họng phổ biến nhất ở cả trẻ em và người lớn. Theo tính chất của bệnh, viêm họng được chia thành 2 thể viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính.
Viêm họng cấp tính:
- Triệu chứng thường rầm rộ, bao gồm: sốt, đau đầu, chán ăn, ho, cổ họng sưng đỏ, nổi rõ mao mạch, đau rát họng, nhất là khi nuốt kèm theo nhói lên tai và cảm giác di chuyển hạch góc hàm. Ở người chưa cắt amidan, amidan cũng sưng to và đỏ, có thể có mủ trắng.
- Viêm họng cấp có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời với các bệnh lý viêm VA, viêm amidan, viêm mũi – xoang.
- Viêm họng cấp tính kéo dài có thể tiến triển thành viêm họng mạn tính.
Viêm họng mạn tính:
- Triệu chứng của viêm họng mạn tính có tính chất kéo dài, âm ỉ, bao gồm: khô họng, niêm mạc họng sưng đỏ, ho dai dẳng, có đờm, vướng họng và có thể khàn giọng.
- Khi bị viêm họng mạn tính, các đợt tái phát viêm họng cấp có thể xảy ra khi người bệnh bị cảm lạnh, cảm cúm,…
- Viêm họng đỏ gặp trong 2 dạng của viêm họng mạn tính là xuất tiết (có hạt ở thành sau họng, tiết nhầy dọc vách họng) và quá phát (tổ chức bạch huyết thành sau họng phát triển mạnh, tạo thành các đám xơ hóa màu hồng hoặc đỏ, gọi là các hạt).
Viêm amidan cấp tính và mạn tính
Viêm amidan cũng có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ của tình trạng viêm họng đỏ. Tương tự bệnh viêm họng, viêm amidan cũng được chia thành 2 thể cấp và mạn tính:
Viêm amidan cấp tính:
- Triệu chứng rầm rộ, bao gồm: khô rát, viêm họng sưng đỏ, amidan sưng to, đỏ đôi khi có mủ trắng hoặc có các hạt to do tổ chức ở thành lympho sưng đỏ; đau nhói lên tai, tăng lên khi ho, nuốt, lưỡi trắng, khô miệng.
- Viêm họng đỏ ở trẻ em 5 – 15 tuổi thường xuất phát từ viêm amidan cấp đi kèm với viêm họng cấp tính.
Viêm amidan mạn tính:
- Xảy ra do viêm amidan cấp tái đi tái lại nhiều đợt. Tùy mức độ bệnh, amidan bị viêm mạn tính có thể bị to lên (viêm quá phát, thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi) hoặc teo lại (viêm xơ teo, thường gặp ở người lớn).
- Triệu chứng của viêm amidan mạn tính bao gồm: nuốt vướng ở cổ họng, họng đỏ, đau rát, hơi thở hôi, thỉnh thoảng ho, khàn tiếng; amidan có nhiều khe hốc chứa mủ trắng.
Một số bệnh lý khác
Ngoài những bệnh lý phổ biến kể trên, tình trạng viêm họng đỏ còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như sau:
- Giang mai: Thời kỳ hai của bệnh giang mai, niêm mạc họng thường đỏ, có vết trợt ở amidan.
- Viêm thanh quản cấp tính: Ngoài triệu chứng phù nề vùng thanh môn, dây thanh quản, niêm mạc họng thường đỏ đi kèm sưng amidan hoặc không.
- Ung thư vòm họng: Đau họng, cổ họng sưng đỏ ở bệnh ung thư vòm họng thường kéo dài trên 1 tuần, viêm họng không đáp ứng với thuốc và kèm theo nổi hạch ở khu vực vòm họng.
Nguyên nhân gây nên tình trạng viêm họng đỏ
Nguyên nhân thường gặp nhất gây nên tình trạng viêm họng đỏ là virus, vi khuẩn.
Virus:
- Chiếm 70% các trường hợp viêm họng và viêm amidan, bao gồm các virus cúm, á cúm, Adenovirus, Zona, Corona, Rhinovirus, sởi,…
- Viêm họng đỏ thường ít nguy hiểm và có thể tự khỏi nếu nguyên nhân là virus.
Vi khuẩn:
- Chiếm khoảng 20 – 30% các trường hợp, bao gồm liên cầu, tụ cầu, phế cầu, vi khuẩn kỵ khí trong khoang miệng, Haemophilus Influenzae, Moraxella Catarrhalis, xoắn khuẩn giang mai Treponema Pallidum,…
- Viêm họng do vi khuẩn không thể tự khỏi mà cần có các biện pháp điều trị thích hợp để tránh biến chứng nhiễm khuẩn toàn thân như viêm phổi – phế quản, viêm cầu thận cấp, nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc,…
Các nguyên nhân này có thể thuận lợi gây khởi phát viêm họng đỏ ở những thời điểm giao mùa, mùa đông lạnh và ở người bệnh có các yếu tố nguy cơ:
- Sống trong môi trường ô nhiễm không khí, nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém.
- Sức đề kháng kém, có cơ địa dị ứng,
- Mắc các bệnh như sâu răng, viêm vòm họng, viêm mũi họng, bất thường giải phẫu mũi – họng,…
Ngoài ra, một số bệnh lý gây viêm họng đỏ khác như viêm họng mạn tính và ung thư vòm họng còn có nhiều nguyên nhân gây khởi phát khác như sau:
- Viêm họng mạn tính: Hội chứng trào ngược dạ dày-thực quản, viêm mũi – xoang, tắc mũi mạn tính do bất thường cấu trúc khoang mũi như vẹo vách ngăn, polyp mũi, quá phát cuốn mũi,…
- Ung thư vòm họng: Virus Epstein-Barr, virus HPV 16, 18.
Các phương pháp điều trị viêm họng đỏ
Triệu chứng viêm họng đỏ dễ dàng được cải thiện bằng thuốc chống viêm và các biện pháp chăm sóc cổ họng tại chỗ trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, để dứt điểm tình trạng này, các phương pháp điều trị theo nguyên nhân vẫn đóng vai trò chủ yếu.
Các phương pháp điều trị viêm họng đỏ phổ biến:
Điều trị viêm họng đỏ bằng thuốc
Thuốc điều trị triệu chứng viêm đỏ, sưng đau họng được áp dụng trong hầu hết các trường hợp. Ngoài ra, mỗi nguyên nhân gây bệnh sẽ có thuốc điều trị đặc hiệu khác nhau. Cụ thể:
Thuốc điều trị triệu chứng:
- Thuốc chống viêm, giảm phù nề: Corticoid (Prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethason), Alpha chymotrypsin, NSAIDs (Ibuprofen).
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, Aspirin, NSAIDs.
- Thuốc giảm ho, long đờm: Ambroxol, Bromhexin, Codein, Dextromethorphan.
- Thuốc xịt họng giảm triệu chứng: Xịt họng PlasmaKare H-spray (chứa nano bạc chuẩn hóa TSN có tác dụng sát trùng, chống viêm, làm dịu niêm mạc họng).
Thuốc điều trị virus gây bệnh: Amantadin, Rimantadin, Tamiflu (trong điều trị cúm A).
Thuốc kháng sinh trị vi khuẩn gây bệnh:
- Vi khuẩn gây viêm họng, viêm amidan phổ biến: Amoxicillin, Ampicillin, Cephalexin, Erythromycin, Clarithromycin, Azithromycin, Gentamicin.
- Vi khuẩn kỵ khí: Metronidazol.
- Xoắn khuẩn giang mai: Ceftriaxone, Penicillin đường tiêm, Doxycyclin, Azithromycin.
Thuốc hóa trị ung thư vòm họng: Cetuximab, Cisplatin, Fluorouracil, Docetaxel, Gemcitabine,…
Khi sử dụng thuốc điều trị viêm họng đỏ, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, không được tự ý ngưng thuốc, thay đổi liều thuốc.
- Không dùng lại đơn cũ, tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh, thuốc chống viêm Corticoid và các thuốc kê đơn khác.
Điều trị viêm họng đỏ bằng các mẹo tại nhà
Các mẹo tại nhà giúp làm dịu triệu chứng và hỗ trợ điều trị nguyên nhân của viêm họng đỏ rất tốt. Một số cách trị viêm họng đỏ người bệnh có thể áp dụng:
- Súc họng: Súc họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn chứa Chlorhexidin, Povidon Iod, nước súc họng miệng PlasmaKare chứa Nano bạc chuẩn hóa để làm sạch họng, sát trùng và làm dịu triệu chứng viêm.
- Ngậm gừng hoặc uống trà gừng: Gừng có tác dụng giảm viêm, cải thiện sức đề kháng và giảm đau tự nhiên. Gừng đặc biệt hiệu quả trong các trường hợp viêm họng đỏ do cúm, cảm lạnh,…
- Mật ong: Mật ong có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm tự nhiên, đồng thời giúp làm dịu viêm họng hiệu quả. Người bệnh có thể uống nước mật ong ấm hoặc ngậm chanh ngâm mật ong, tỏi ngâm mật ong.
- Ngậm kẹo hoặc uống trà bạc hà: Bạc hà giúp làm dịu họng rất tốt, đồng thời hỗ trợ giảm ho và long đờm hiệu quả.
- Uống trà cam thảo: Loại thảo dược này có tác dụng giảm ho, hóa đờm rất tốt, giúp làm thông thoáng mũi họng. Đồng thời, cam thảo còn giúp tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể chống chọi với các vi khuẩn, virus gây bệnh tốt hơn.
Điều trị viêm họng đỏ bằng can thiệp y tế khác
Viêm amidan mạn tính biến chứng, viêm họng đỏ kéo dài do bất thường cấu trúc mũi – xoang và ung thư vòm họng còn được điều trị bằng các can thiệp nội khoa/ngoại khoa khác như sau:
- Viêm amidan mạn tính, biến chứng: Phẫu thuật cắt amidan.
- Bất thường cấu trúc mũi – xoang: Phẫu thuật nội soi mũi – xoang.
- Ung thư vòm họng: Xạ trị, phẫu thuật loại bỏ khối u, di căn.
Cách chăm sóc cho người bệnh viêm họng đỏ
Bên cạnh các biện pháp điều trị kể trên, việc chăm sóc cổ họng và cơ thể hợp lý cũng góp phần cải thiện triệu chứng và phòng ngừa tái phát cho người bệnh nhanh chóng hơn. Người bệnh cần chú ý khi chăm sóc sức khỏe như sau:
- Giữ ấm cổ họng và cơ thể bằng cách uống nước ấm, đeo khăn quàng cổ và mặc quần áo đầy đủ khi thời tiết lạnh.
- Đeo khẩu trang khi ở trong môi trường ô nhiễm hoặc khi tiếp xúc với người bệnh đang bị viêm họng hoặc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu các chất chống viêm và tăng cường miễn dịch như Vitamin A, C, D, Kẽm, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, đồ ăn chua cay, nhiều dầu mỡ.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc họng miệng thường xuyên.
Viêm họng đỏ là dấu hiệu của nhiều bệnh lý với nguyên nhân và cách điều trị khác nhau. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ điều trị viêm họng đỏ cho người bệnh một cách tốt nhất.