Viêm xoang hàm là thể viêm xoang phổ biến và liên quan đến các vấn đề về răng nhiều hơn so với các thể khác. Vậy căn bệnh này có nguy hiểm không? Làm thế nào để điều trị viêm xoang hàm hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp ngay cho bạn.
Mục lục
Viêm xoang hàm là gì?
Bệnh viêm xoang hàm là tình trạng viêm nhiễm của niêm mạc xoang hàm do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt là những nguyên nhân do răng. Tương tự như các thể viêm xoang khác, viêm xoang hàm có thể điều trị khỏi dễ dàng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng bất lợi cho người bệnh.
Xoang hàm thuộc nhóm xoang trước và là xoang lớn nhất trong các xoang cạnh mũi. Xoang này nằm trong xương hàm trên, vây quanh hốc mắt và có mối quan hệ mật thiết với các răng hàm từ số 3 đến số 8. Vì vậy, viêm xoang hàm có thể phát sinh từ sự viêm nhiễm trong xoang hoặc từ các vấn đề về răng hàm.
Bên cạnh đó, các xoang mũi đều thông với xoang hàm. Do vậy, viêm xoang hàm thường nhanh chóng kéo theo sự viêm nhiễm các khu vực lân cận, gây viêm đa xoang.
Dấu hiệu nhận biết của căn bệnh này khá tương đồng với các thể viêm xoang sàng và viêm xoang trán, bao gồm:
- Đau mặt ở những vùng có hốc xoang hàm bao phủ như trán, má, xung quanh mắt và xuống hàm. Đau mặt thường kéo dài và tăng lên khi cúi xuống, vận động mạnh hoặc khi tác động lực lên mặt.
- Niêm mạc mũi xoang phù nề, sung huyết đỏ gây chảy nước mũi, nghẹt mũi, khó thở và mất khứu giác.
- Dịch mũi có thể trong hoặc đục màu vàng xanh khi viêm nhiễm.
- Hắt hơi liên tục, có thể ho, ngứa họng và đau họng do dịch mũi chảy xuống thành họng.
- Đau đầu dữ dội do tích tụ dịch trong xoang hàm. Đau tăng vào buổi sáng hoặc khi áp suất không khí thay đổi.
- Đau răng có thể là triệu chứng của viêm xoang hàm hoặc là nguyên nhân gây bệnh.
Các triệu chứng viêm xoang hàm khiến người bệnh rất mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, những triệu chứng này không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý mũi xoang và răng miệng khác. Vì vậy, viêm xoang hàm thường được chẩn đoán xác định thông qua triệu chứng kết hợp với phân tích phim chụp X-quang.
Phân loại viêm xoang hàm
Viêm xoang hàm hiện nay thường được phân loại theo nguồn gốc khởi phát và tính chất của bệnh. Cụ thể:
Phân loại theo tính chất
Bệnh được chia theo tính chất thành hai thể cấp tính và mạn tính:
- Viêm xoang hàm cấp tính: Viêm cấp tính xuất phát chủ yếu từ virus hoặc tình trạng dị ứng của người bệnh. Triệu chứng của thể cấp tính rầm rộ trong vòng 4 tuần, hay gặp nhất là đau mặt do nhiễm trùng và chảy nước mũi liên tục. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể khó phân biệt với đau răng cấp tính và cần được phân biệt thông qua các xét nghiệm cận lâm sàng.
- Viêm xoang hàm mạn tính: Thể cấp tính kéo dài trên 6 tuần có thể gây tiến triển viêm xoang hàm mạn tính do nhiễm khuẩn, polyp mũi, bất thường cuốn mũi hoặc viêm do răng. Triệu chứng của thể này không đau mặt hoặc đau âm ỉ thường có mủ trong mũi, hơi thở hôi và dễ gây biến chứng.
Phân loại theo nguồn gốc
Viêm xoang hàm có thể xuất phát từ viêm nhiễm xoang hoặc xuất phát từ các vấn đề về răng:
- Viêm xoang hàm có nguồn gốc từ răng: Viêm do răng chiếm khoảng 10 – 12% các trường hợp viêm xoang hàm. Thể bệnh này có thể xuất phát từ những vấn đề về răng như hoại tử tủy, bệnh lý ổ răng hoặc do tổn thương, viêm nhiễm sau khi thực hiện các thủ thuật trên răng. Triệu chứng bệnh do răng thường đặc trưng ở một bên, bao gồm chảy mủ, đau mũi, đau mặt và ngửi thấy mùi thối từ trong mũi.
- Viêm xoang hàm có nguồn gốc từ xoang: Thể bệnh này chiếm phần lớn các trường hợp viêm xoang hàm với đầy đủ các triệu chứng điển hình của bệnh. Viêm xuất phát từ xoang cũng có thể gây đau răng do tác động lên thần kinh huyệt răng, tuy nhiên thường gây đau cả 2 bên hàm và có thể không chảy mủ mũi.
Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang hàm
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là các vi sinh vật và tình trạng dị ứng. Các nguyên nhân này có thể phát triển và gây bệnh khi người bệnh có các yếu tố nguy cơ về giải phẫu, sinh lý, bệnh lý và môi trường.
Nguyên nhân gây bệnh phổ biến:
- Virus: Rhinovirus, cúm, á cúm, Adenovirus,…
- Vi khuẩn: vi khuẩn hiếu khí (tụ cầu vàng, phế cầu, Haemophilus Influenzae, Moraxella catarrhalis,…), vi khuẩn kỵ khí (Prevotella spp., Actinomyces spp., Peptostreptococcus spp., Fusobacterium spp.,…)
- Vi nấm: Bipolaris, Curvularia, Aspergillus và Drechslera.
- Dị ứng với các tác nhân từ môi trường: khói bụi, phấn hoa, lông động vật, bụi vải, hóa chất, thay đổi thời tiết đột ngột,…
Yếu tố nguy cơ của viêm xoang hàm:
- Viêm mũi dị ứng, hen suyễn.
- Bất thường ở cấu trúc mũi xoang như lệch vách ngăn, bất thường cuốn mũi, polyp mũi xoang, xoang hàm lệch bẩm sinh/sau chấn thương, chân răng hàm trên nằm trong xoang,…
- Môi trường sống ẩm thấp, ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí.
- Các vấn đề răng miệng: sâu răng, viêm nha chu, u hạt, u nang chân răng có mủ, nhiễm khuẩn quanh cuống răng, viêm tủy răng, phẫu thuật hàm, phẫu thuật trong khoang miệng, cấy ghép răng hoặc tai biến khi nhổ răng tạo lỗ dò thông với xoang hàm,…
- Người bệnh hút thuốc lá, suy nhược cơ thể, mắc các bệnh HIV/AIDs, đái tháo đường, bệnh bạch cầu, dùng thuốc ức chế miễn dịch,…
Viêm xoang hàm có nguy hiểm không?
Viêm xoang hàm trong giai đoạn sớm rất dễ điều trị dứt điểm và không tái phát. Tuy nhiên, xoang hàm liên quan nhiều đến hệ thống dây thần kinh ổ mắt và hàm mặt. Vì vậy, nhiều người lo lắng không biết viêm xoang hàm có nguy hiểm không.
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, căn bệnh này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe của người bệnh như sau:
- Biến chứng tai mũi họng: Viêm họng mạn tính, viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm phế quản và viêm phổi.
- Biến chứng trên mắt: Viêm mô liên kết ổ mắt, áp xe mí mắt và túi lệ, viêm dây thần kinh thị giác gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
- Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, áp xe màng não, huyết khối gây tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm não,…
Đối với người bệnh, việc phát hiện sớm cũng như can thiệp kịp thời có vai trò vô cùng quan trọng, giúp giảm tiến triển của bệnh và tăng hiệu quả điều trị. Do đó, ngay khi thấy dấu hiệu của viêm xoang hàm, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.
Các phương pháp điều trị viêm xoang hàm
Mục tiêu điều trị viêm xoang hàm tập trung vào giảm các triệu chứng bệnh, cải thiện thông khí và dẫn lưu của xoang và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Đối với thể cấp tính, điều trị nội khoa kết hợp rửa xoang bằng phương pháp Proetz đóng vai trò chủ yếu để tăng cường thông mũi và hạn chế dùng kháng sinh khi không có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Trong khi đó, thể mạn tính sử dụng kháng sinh kết hợp nội soi tháo mủ hoặc phẫu thuật để điều trị.
Điều trị bằng thuốc uống và thuốc xịt mũi xoang
Với các bệnh lý mũi họng như viêm xoang hàm, có 2 đường đưa thuốc phổ biến là đường uống và đường tại chỗ (thuốc xịt). Viêm xoang hàm uống thuốc gì hay xịt thuốc gì còn phụ thuộc lớn vào thể bệnh, mức độ bệnh và cấu trúc giải phẫu của người bệnh. Do vậy, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc tại nhà, đặc biệt với các nhóm kháng sinh và thuốc chống viêm Corticoid.
Các thuốc điều trị phổ biến:
- Kháng sinh: Bao gồm Amoxicillin/Clavulanic, kháng sinh nhóm Cephalosporin (Cefaclor, Cefpodoxim), Macrolid (Clarithromycin), Quinolon (Levofloxacin, Moxifloxacin), Clindamycin, Doxycyclin,… Kháng sinh được dùng theo đường tiêm truyền hoặc đường uống.
- Thuốc chống nấm: Bao gồm Amphotericin B, Caspofungin, Micafungin, Voriconazole,… Thuốc chống nấm dùng đường tiêm truyền.
- Glucocorticoid: Là thuốc chống viêm dùng tại chỗ (Budesonide, Ciclesonide, Fluticasone furoate, Fluticasone propionate, Mometasone furoate và Triamcinolone acetonide) và dùng đường toàn thân (Prednisolon, Dexamethason).
- Thuốc chống dị ứng: thuốc kháng Histamin H1 đường uống (Loratadin, Chlorpheniramine, Cetirizine,…), Corticoid đường toàn thân.
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, Ibuprofen (dùng đường uống).
- Thuốc chống phù nề: Alphachymotrypsin (dùng đường uống).
- Thuốc thông mũi tại chỗ: Phenylephrine, Oxymetazoline, Xylometazoline,…
Điều trị bằng các thủ thuật ngoại khoa
Can thiệp ngoại khoa được chỉ định trong trường hợp điều trị bằng thuốc thất bại đối với thể bệnh mạn tính hoặc điều trị đầu tay đối với thể cấp tính do nấm. Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh, giúp xoang khôi phục chức năng sinh lý bình thường.
Các phương pháp ngoại khoa điều trị viêm xoang hàm bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi chọc tháo mủ: Phương pháp này giúp loại bỏ mủ trong xoang, giảm vi khuẩn và cải thiện sự lưu thông khí, tạo điều kiện cho xoang mũi hồi phục.
- Phẫu thuật loại bỏ polyp: Phương pháp này áp dụng trong trường hợp bệnh có nguyên nhân từ polyp xoang.
- Phẫu thuật chỉnh hình xoang hàm: Chỉnh hình xoang hàm áp dụng trong trường hợp người bệnh có cấu trúc xoang hàm bất thường bẩm sinh hoặc thứ phát. Tái cấu trúc xoang hàm giúp khắc phục tình trạng tắc nghẽn và giảm nguy cơ tái phát bệnh hiệu quả.
- Phẫu thuật răng: Thủ thuật này áp dụng trong các trường hợp viêm xoang hàm do răng, bao gồm nhổ răng, loại bỏ các khối u răng, phẫu thuật nang răng,…
Những cách điều trị viêm xoang hàm tại nhà
Những cách trị viêm xoang hàm tại nhà không thể dứt điểm được bệnh nhưng có thể cải thiện các triệu chứng, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Người bệnh có thể áp dụng những cách sau đây:
- Rửa xoang hàm: Người bệnh được khuyến cáo nên rửa xoang hàm thường xuyên để làm sạch xoang mũi, giảm tắc nghẽn xoang mũi và loại bỏ vi khuẩn, các tác nhân dị ứng mũi. Người bệnh có thể rửa xoang bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch ưu trương có tính sát khuẩn, giảm viêm như nước muối rửa mũi PlasmaKare Nasal Clean.
- Xông hơi với tinh dầu: Xông hơi giúp làm loãng dịch mũi, giảm tắc nghẽn xoang mũi và làm dịu cơn đau cho người bệnh rất tốt. Người bệnh có thể xông hơi với tinh dầu bạc hà hoặc các dược liệu chứa tinh dầu như húng chanh, gừng,…
- Chườm ấm, xoa bóp bấm huyệt vùng mặt để giảm đau và tăng lưu thông khí trong xoang hàm.
Lưu ý khi điều trị viêm xoang hàm
Bên cạnh tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần đảm bảo một lối sống lành mạnh, khoa học như sau:
- Bổ sung trong chế độ dinh dưỡng những thực phẩm giàu các chất chống viêm như Omega-3 (cá béo, dầu gan cá,…), Vitamin C (trái cây, rau củ) và Kẽm (thịt đỏ, cá nạc và các loại hạt).
- Hạn chế ăn thức ăn cay nóng hoặc quá lạnh, tránh các nhóm thực phẩm gây dị ứng, bia rượu và các chất kích thích như thuốc lá, cà phê,…
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, sử dụng máy làm ẩm không khí để giúp xoang mũi dễ chịu hơn.
- Vệ sinh miệng họng thường xuyên bằng cách đánh răng sạch sẽ tối thiểu 2 lần/ngày và súc họng miệng với các dung dịch có tính sát khuẩn, chống viêm như nước súc họng miệng PlasmaKare chứa nano bạc TSN.
- Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động mạnh.
- Mặc quần áo đủ ấm, giữ ấm vùng đầu và mặt bằng khẩu trang, mũ và khăn choàng.
Trên đây là tổng hợp thông tin về bệnh viêm xoang hàm. Tình trạng viêm nhiễm ở xoang hàm có nguy cơ gây biến chứng cao trên mắt và sọ não. Vì vậy, người bệnh cần nhận biết các biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách, giúp bệnh nhanh khỏi, ít tái phát và gây biến chứng.