Ho khan là hiện tượng ho mà không kèm với việc tiết ra đờm. Thường thì khi ho khản xảy ra, người ta thường cảm thấy đau và rát ở vùng cổ họng. Việc xuất hiện ho khản, đặc biệt là khi ho kéo dài, có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu với Plasmakare để hiểu rõ hơn về nguyên nhân của ho khản và cách điều trị triệt để như thế nào.
Mục lục
Ho khan là gì?
Ho khan là các cơn ho nhưng không có khả năng bật ra đờm hoặc các dịch tiết của cơ thể. Chính vì vậy, việc chẩn đoán và xác định nguyên nhân của ho khan sẽ khó hơn do không thể lấy được dịch tiết để làm các xét nghiệm chẩn đoán.
Các dấu hiệu của ho khan
Ho khan thường không có dấu hiệu gì đặc trưng hoặc mang tính chất cảnh báo. Khi bị ho khan, đa số người bệnh sẽ có cảm giác ngứa, rát họng và dẫn tới phản ứng ho. Các cơn ho không kèm theo đờm hay dịch tiết. Khi các cơn ho khan kéo dài sẽ gây ra biểu hiện đau, rát họng ngày càng tăng, thậm chí kèm theo chảy nước mắt, đau thắt vùng ngực do phản xạ co cơ quá mức. Tình trạng này hay được gọi là “ho quặn bụng”.
Ngoài ra, tuỳ theo nguyên nhân gây ra ho khan, người bệnh có thể có các dấu hiệu kèm theo khác.
Ví dụ trong trường hợp ho khan kéo dài do trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Người bệnh có thể cảm thấy nóng rát ở vùng ngực và vùng hầu họng kèm theo các cơ ho khan. Ho thường tăng lên về đêm, hoặc khi nằm.
Nguyên nhân của ho khan
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ho khan, cả ở người lớn cũng như trẻ nhỏ. Các nguyên nhân hàng đầu có thể kể đến như:
– Do các vấn đề mãn tính ở đường hô hấp: Khi gặp phải tình trạng viêm mãn tính ở đường hô hấp làm tăng tính nhạy cảm của đường hô hấp với các “dị vật” ở bên ngoài khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Do đó làm tăng tính kích ứng, tăng khả năng bị ho khan.
– Do môi trường: các tác nhân do môi trường bị ô nhiễm như khói, bụi hoặc sự biến đổi của thời tiết cũng là một trong những nguyên nhân khiến đường hô hấp trở nên dễ kích ứng hơn và dẫn tới ho khan.
– Do bệnh lý ngoài đường hô hấp: Một bệnh lý rất phổ biến gây ra tình trạng ho khan đó là trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Acid dạ dày trào ngược lên thực quản và hầu họng gây kích ứng và dẫn tới ho khan. Tình trạng này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác dẫn tới điều trị không hiệu quả.
– Do yếu tố nghề nghiệp: một số nghề nghiệp thường xuyên phải giao tiếp như giáo viên, Ca sĩ, MC… cũng dễ gặp phải tình trạng ho khan. Nguyên nhân là do thanh quản thường xuyên phải hoạt động dẫn tới viêm dây thanh. Lâu dần nếu không được chăm sóc, điều trị có thể dẫn tới ho khan.
Ho khan có nguy hiểm không?
Nhìn chung, đa số các trường hợp ho khan không phải là vấn đề quá nghiêm trọng đối với cơ thể. Ho khan có thể chỉ là do sự thay đổi của thời tiết, môi trường và dần sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp ho khan kéo dài có thể do các bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi mạn, ung thư phổi, ho lao. Lúc này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ho khan là dấu hiệu của bệnh gì?
Ho khan có thể chỉ là dấu hiệu của kích ứng thông thường với yếu tố thời tiết, môi trường hoặc các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp đặc thù. Tuy nhiên, một số trường hợp, ho khan lại là dấu hiệu “chỉ dẫn” cho một số bệnh lý.
Ho khan – dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp
Các cơn ho khan có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng cơ thể bạn đang gặp phải tình trạng viêm đường hô hấp. Bao gồm cả đường hô hấp trên (mũi, hầu, họng, thanh quản, xoang) và viêm đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi). Ho khan sẽ xuất hiện trong một giai đoạn của bệnh và sau đó nếu không được điều trị phù hợp có thể tiến triển thành ho đờm, ho mủ hoặc thậm chí là ho ra máu.
Ho khan – dấu hiệu của bệnh ho gà
Một trong triệu chứng điển hình của ho gà đó là ho khan thành từng cơn liên tục và kéo dài.
Bệnh lý này có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn nhưng phổ biến hơn ở trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn ho gà – Bordetella pertussis. Dấu hiệu ban đầu của ho gà thường dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nhưng sau đó sẽ xuất hiện các cơn ho khan liên tục thành từng cơn. Ho rũ rượi, kéo dài có thể khiến trẻ mệt mỏi, tím tái do thiếu oxy. Ngoài ra, ho nhiều thường khiến trẻ bị nôn mửa.
Ho khan – dấu hiệu của hen suyễn
Một trong những bệnh lý phổ biến khác cần nghĩ tới nếu gặp tình trạng kho khan thường xuyên đó là hen suyễn. Hen suyễn hay hen phế quản là một bệnh lý không truyền nhiễm, liên quan đến cơ chế dị ứng của cơ thể và thường mang tính chất bẩm sinh. Khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, các cơn hen có thể khởi phát với biểu hiện như ho khan, khó thở, khò khè, thở rít.
Ho khan – dấu hiệu của lao phổi
Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Trong đó, vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng lao phổi. Bệnh lao phổi với các triệu chứng điển hình như ho kéo dài trên 2 tuần, thường là ho khan hoặc có thể là ho đờm, đôi khi có thể ho ra máu. Ngoài ra, người bệnh lao phổi có thể bị các triệu chứng kèm theo như đau ngực, khó thởi, ra mồ hôi và sốt nhẹ về chiều.
Ho khan – dấu hiệu của bệnh tim
Với những người bị các bệnh tim lâu ngày dẫn tới suy tim có thể sẽ gặp triệu chứng ho khan. Lý giải cho tình trạng này là do khi suy tim sẽ dẫn tới ứ trệ tuần hoàn ở phổi. Khi tuần hoàn ứ trệ ở phổi sẽ ảnh hưởng đến chức năng phổi, dẫn tới biểu hiện ho khan.
Ho khan – dấu hiệu của ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những bệnh nguy hiểm hàng đầu. Bệnh ung thư phổi có nguy cơ cao gặp ở những người hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm. Nếu gặp phải tình trạng ho khan kéo dài không rõ nguyên nhân thì có thể nghi ngờ đến ung thư phổi.
Điều trị ho khan bằng tây y
Tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh ho khan mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó, phương pháp điều trị bằng tây y là phương pháp phổ biến được áp dụng. Sử dụng các thuốc tây y điều trị ho khan giúp kiểm soát triệu chứng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Điều trị ho khan bằng thuốc kháng sinh
Không phải trường hợp nào ho khan cũng là do nguyên nhân nhiễm vi khuẩn. Trên thực tế chỉ khoảng 15% ho khan là do nhiễm khuẩn gây ra. Khi ho khan do nhiễm khuẩn thì thuốc tây y được sử dụng đầu tay là kháng sinh.
Các kháng sinh cần được sử dụng tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, sau khi đã được xác định nguyên nhân là do nhiễm khuẩn. Việc tự ý sử dụng kháng sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đang phổ biến hiện nay.
Các kháng sinh hay được sử dụng có thể kể đến như: amoxiciclin, erythromycin…
Trong một số trường hợp đặc biệt, như ho khan do nhiễm khuẩn lao, phác đồ điều trị có thể kết hợp nhiều loại kháng sinh và cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị được hướng dẫn bởi Bộ Y Tế.
Điều trị ho khan bằng các thuốc kháng Histamin
Các thuốc kháng Histamin, cụ thể là thuốc kháng Histamin H1 thường được chỉ định để giảm các triệu chứng ho khan.Nhóm thuốc này hoạt động theo cơ chế chính là cạnh tranh với Histamin để gắn vào các thụ thể đặc hiệu, làm mất tác dụng của histamin. Thuốc giúp làm giãn cơ trơn phế quản, nhờ vậy làm giảm triệu chứng ho hiệu quả.
Thuốc kháng Histamin H1 chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng chứ không điều trị được nguyên nhân gây bệnh.
Thuốc kháng Histamin H1 được dùng phổ biến trong điều trị ho khan là Clorpheniramin maleat. Thuốc thường ít khi được sử dụng đơn độc mà được dùng kết hợp với các thuốc khác.
Lưu ý: Các thuốc kháng Histamin thường có tác dụng không mong muốn là gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Chính vì vậy nên tránh sử dụng khi đang lái tàu xe, di chuyển trên cao hoặc đang làm các công việc cần sự tỉnh táo.
Điều trị ho khan bằng các thuốc chống ho
Một nhóm thuốc tây phổ biến khác thường được chỉ định sử dụng trong điều trị ho đó là nhóm thuốc chống ho. Nhóm thuốc này hoạt động theo cơ chế ức chế trực tiếp trung tâm ho ở hành não, nhờ vậy làm giảm các cơn ho trong ho khan.
Hoạt chất hay dùng của nhóm thuốc này là Dextromethophan – có trong rất nhiều các chế phẩm trị ho.
Lưu ý: Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc như buồn nôn, buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt hoặc bồn chồn lo lắng… Các tác dụng phụ của thuốc thường nhẹ và chỉ thoáng qua. Tuy nhiên, nếu thấy các tác dụng phụ kéo dài và khó chịu thì hãy hỏi ý kiến của bác sĩ.
Các bài thuốc dân gian điều trị ho khan
Ngoài việc điều trị ho khan theo phương pháp tây y là sử dụng thuốc, các bài thuốc dân gian cũng rất phổ biến và không kém phần hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn đầu của bệnh. Các bài thuốc dân gian trị ho khan thường đơn giản, dễ làm và nguyên liệu thường có sẵn xung quanh vườn nhà.
Bài thuốc dân gian trị ho khan từ quất và đường phèn
Theo quan niệm của đông y, quất có vị chua, tính ấm. Vỏ quất có chứa tinh dầu giúp kích thích hô hấp, làm giảm các cơn ho khan hoặc ho đờm. Quất cũng cung cấp vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Cách làm thuốc ho từ quất và đường phèn:
- Quất rửa sạch, thái đôi, loại bỏ hạt.
- Thêm quất đã bổ và đường phèn vào chén.
- Chưng cách thuỷ hoặc hấp nồi cơm là đã có ngay quất đường phèn để trị ho.
Cách dùng thuốc ho từ quất và đường phèn: Gạn lấy nước quất đường phèn để uống. Ngày uống 2 -3 lần. Người lớn, sau khi uống nước có thể ăn luôn qủa quất sau khi chưng.
Bài thuốc dân gian trị ho khan từ húng chanh
Húng chanh là một loại rau thơm phổ biến nhưng từ xa xưa húng chanh đã được ứng dụng để làm thuốc.
Húng chanh có vị cay, tính ấm, mùi thơm. Húng chanh có tác dụng trừ phong hàn, trị ho, chữa viêm họng hoặc bị sốt không ra mồ hôi… Trong dân gian, húng chanh thường đường dùng ở dạng lá tươi hoặc chưng. Trong y học hiện đại, người ta có thể chưng chất lấy tinh dầu húng chanh để phối hợp trong các thuốc trị ho.
Cách làm thuốc trị ho khan từ húng chanh: lấy vài lá, rửa sách, giã nát và thêm vào khoảng 10 ml đun sôi. Chờ khoảng 10 phút, vắt lấy nước, uống ngày từ 2 – 3 lần. Có thể pha thêm đường phèn do húng chanh có vị hơi đắng.
Bài thuốc dân gian trị ho khan từ mật ong
Mật ong được biết đến như một loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn. Mật ong còn được biết đến là chứa nhiều acid amin, khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Nhờ tác dụng này mà mật ong cũng được biết đến là thuốc trị ho khan tự nhiên mà hiệu quả.
Để trị ho khan có thể ngậm mật ong nguyên chất hoặc chưng mật ong với quất.
Lưu ý: Trẻ em có thể ngậm mật ong ngày 1 – 2 lần. Không sử dụng mật ong cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Do mật ong có thể lẫn phấn hoa – là nguyên nhân gây ra dị ứng ở trẻ nhỏ.
Bài thuốc dân gian trị ho khan từ tỏi
Tỏi là một loại gia vị phổ biến trong mâm cơm của người Việt. Bên cạnh đó, tỏi cũng được biết đến với nhiều tác dụng tuyệt vời với sức khoẻ, trong đó có tác dụng trị ho khan. Các tác dụng của tỏi chủ yếu đến từ hoạt chất allicin.
Cách làm thuốc ho từ tỏi:
- Tỏi chưng mật ong: Lấy một củ tỏi, bóc vỏ, rửa sạch. Thêm mật ong vào chén và chưng cách thuỷ khoảng 20 phút. Chắt lấy nước và uống ngày 2 -3 lần.
- Tỏi ngâm mật ong: Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thêm mật ong đến ngập. Ngâm trong khoảng thời gian 2 – 3 tuần là có thể sử dụng để chữa ho.
Bài thuốc dân gian trị ho khan từ chanh đào
Chanh đào mật ong từ lâu đã được coi là bài thuốc nổi tiếng vì tính hiệu quả đối với các bệnh hô hấp nói chung và ho khan nói riêng. Vỏ chanh đào có chứa tinh dầu giúp kích thích hô hấp, kháng khuẩn, ngừa viêm họng, viêm họng hạt. Ruột chanh có chứa vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nhờ các tác dụng trên mà chanh đào mật ong giúp giảm ho, ho khan một cách hiệu quả.
Các làm chanh đào mật ong: Chanh rửa sạch, thái lát mỏng, loại bỏ hạt. Thêm mật ong vào hũ và ngâm khoảng 2 – 3 tuần. Khi dùng thì chắt lấy nước uống. Người lớn có thể ăn miếng chanh ngâm với mật ong.
Để điều trị ho khan triệt để và hiệu quả cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Các bạn có thể dựa vào các dấu hiệu để nhận biết mình bị ho khan hay không và có phương án thăm khám và điều trị phù hợp. Ngoài ra, việc áp dụng các phương pháp dân gian cũng đem lại hiệu qủa cao, đồng thời rất an toàn để có thể áp dụng tại nhà nếu bạn mới bắt đầu gặp phải các triệu chứng của ho khan.